Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022:

Nhiều đề xuất về giáo dục gây chú ý và quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Thứ bảy, 28/08/2021 18:55 PM - 0 Trả lời

(CLO) Lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10, bổ sung biên chế giáo viên, nâng cao thu nhập, vị thế nhà giáo là những đề xuất được đề cập tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Những tiếng nói từ cơ sở gây chú ý

Sáng nay (28/8), Hội nghị Toàn quốc Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại đây, lãnh đạo nhiều địa phương đã có những đề xuất, kiến nghị lên Bộ Giáo dục & Đào tạo, các bộ ngành, Chính phủ. Trong đó, có nhiều đề xuất gây chú ý. Cụ thể như: “Đề xuất kéo dài thời gian năm học”. 

Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thì Thành phố hiện vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Do đó, địa phương sẽ không thể cho học sinh tới trường học trực tiếp, thay vào đó học sinh sẽ học trực tuyến. Cụ thể, học sinh trung học bắt đầu chương trình từ 1/9, học sinh tiểu học từ 8/9.

nhieu de xuat ve giao duc gay chu y va quan diem cua bo truong nguyen kim son hinh 1

Đã có nhiều đề xuất tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 (ảnh Trinh Phúc).

Phó chủ tịch UBND TPHCM lo lắng, dịch COVID-19 còn kéo dài, địa phương xác định phương pháp dạy học trực tuyến không thể thay thế được dạy học trực tiếp. Vì thế, TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học, đặc biệt với lớp 1, 2 để đảm bảo chất lượng học sinh.

Cũng tại Hội nghị, Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phát biểu cho rằng cần “Nâng thu nhập, vị thế để giáo viên yên tâm công tác”.

Ông đề xuất có cơ chế chính sách và môi trường tốt để nhà giáo phát huy hết năng lực, tâm huyết với thiên chức cao quý của họ. Chính phủ đã dành nhiều nguồn để kiên cố hóa trường học, dành cho trang thiết bị, nhưng nếu mạnh dạn đầu tư cho thầy cô để những người giỏi vào nghề, tâm huyết và yên tâm công tác thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ khác hẳn.

“Điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác là phải có vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để họ phát huy hết năng lực của họ. Điều này phải bắt đầu từ các UBND các tỉnh, từ Bộ Nội vụ” – Giáo sư Nguyễn Văn Minh nói.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, có đề xuất 4 vấn đề, trong đó nhấn mạnh việc “lùi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10”. Ông Trung đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét  lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10. Lý do, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học … để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Ngoài ra, nhiều tỉnh đề xuất “bổ sung biên chế giáo  viên”. Trong đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho rằng tỉnh đang thiếu gần 8 nghìn giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học.

Đại diện tỉnh Kon Tum phản ánh, năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.

Phía tỉnh Giai Lai cũng nêu hiện còn thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học; khó tổ chức dạy học trực tuyến…Hiện nay câu chuyện thừa thiếu giáo viên là thực trạng chung của nhiều tỉnh.

Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Sau khi nghe đại diện các địa phương phát biểu, Thủ tướng phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu kết thúc hội nghị.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, trước mắt, bước vào năm học mới, ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch và mục tiêu năm học.

Trong đó, ưu tiên triển khai việc dạy và học linh hoạt, thích nghi với các điều kiện và tình hình khác nhau ở các vùng miền, các địa phương, tổ chức dạy và học trực tuyến cho hiệu quả.

Thực hiện chuyển đổi số, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, các hướng dẫn và hỗ trợ về phương pháp, học liệu chương trình, nội dung, tư vấn hỗ trợ cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.

nhieu de xuat ve giao duc gay chu y va quan diem cua bo truong nguyen kim son hinh 2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (ảnh TL).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, năm học này đặc biệt lưu ý các giải pháp hỗ trợ đối với học sinh lớp 1 và lớp 2. Phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai việc hỗ trợ các đối tượng giáo viên và học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Triển khai tiêm vắc-xin cho giáo viên và học sinh để đảm bảo cho trường học mở cửa trở lại sớm nhất có thể.

Rà soát chỉ tiêu tuyển dụng, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên phục vụ kế hoạch đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học ở bậc phổ thông.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành Giáo dục sẽ lưu ý triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng trong buổi làm việc ngày 6/5 vừa qua, cũng như các chỉ đạo trong hội nghị ngày hôm nay.

Lưu ý triển khai các biện pháp hữu hiệu để từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường yếu tố thực nghiệm, thực chất, thực học trong giáo dục. Hạn chế tối đa việc dạy thêm và học thêm.

Triển khai ngay việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn chuyên biệt, Lịch sử; tăng cường dạy ngoại ngữ như chỉ đạo của Thủ tướng; tăng cường chất lượng biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Việc triển khai trung hạn và dài hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm hoàn thiện ban hành và triển khai chiến lược giáo dục và đào tạo 2021 - 2030, tầm nhìn 2055 theo tinh thần Nghị quyết theo Đại hội lần XIII của Đảng.

“Rà soát tăng cường hoàn thiện thể chế các cơ chế chính sách giáo dục, trong đó có vấn đề tăng cường thu hút nguồn lực cho giáo dục và đào tạo. Hoàn thành kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục triển khai đầy đủ và hoàn thiện trong vấn đề tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.

Cuối cùng Bộ trưởng khẳng định: “Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, liên quan đến mọi nhà, mọi người và mọi ngành.

Đổi mới căn bản, toàn diện, không ngừng phát triển giáo dục và đào tạo nhằm từng bước kiến tạo thế hệ người Việt Nam yêu nước, phát triển toàn diện, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của đất nước là việc vô cùng lớn và rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng là một yêu cầu và sứ mệnh của ngành.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan tham mưu, các cơ sở giáo dục cùng toàn thể giáo viên, học sinh, sinh viên sẽ ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

Quy định về ảnh thí sinh sử dụng khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh của thí sinh trên hệ thống phải bảo đảm độ phân giải là 400x600 pixels, được chụp theo kiểu căn cước công dân và trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng.

Giáo dục
Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục