Nhiều tỉnh thành chưa bố trí được ngân sách để hỗ trợ an sinh cho người dân, người lao động mất việc

Thứ hai, 30/08/2021 09:58 AM - 0 Trả lời

(CLO) Về thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đến nay, có 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách, 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc, 5 tỉnh chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc.

Nhiều người bán nhà, hy sinh bản thân để hỗ trợ người dân

Ngày 29/8, tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: "Có những địa phương bây giờ 93% doanh nghiệp dừng hoạt động; 12,5 triệu người lao động ảnh hưởng như: tạm ngưng việc, giảm việc, giảm giờ làm, thu nhập... Hơn 16 nghìn công nhân cách ly tập trung, hàng triệu người mất việc, nghỉ việc…".

nhieu tinh thanh chua bo tri duoc ngan sach de ho tro an sinh cho nguoi dan nguoi lao dong mat viec hinh 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ảnh TL).

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Điều quan trọng nhất của việc thực hiện Chỉ thị 16 là "ai ở đâu, ở đó", người dân không ra khỏi nhà, là yếu tố quyết định đến thành công trong việc chống dịch".

Và để đảm bảo giãn cách thành công, công tác chăm lo an sinh, nhất là việc không để người dân thiếu ăn, là yếu tố đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay cả nước đã triển khai hàng triệu túi an sinh cho người dân. Nhiều cá nhân bán cả nhà, cả xe dành số tiền hỗ trợ người bị thiếu đói, nhiều trường hợp hy sinh thân mình trong quá trình chống dịch, hỗ trợ người khó khăn, đó là những tấm gương rất đáng biểu dương. Tại 19 địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16, đã có 31 công ty xổ số, trên 100 nghìn người bán vé số đã được hỗ trợ, đảm bảo an sinh để người dân yên tâm ở nhà.

Có tình trạng ngại hoặc lúng túng trong thực hiện gói hỗ trợ 8.400 tỷ đồng

Liên quan tới việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Bộ trưởng cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ. 

Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TP. HCM đã dành trên 3.000 tỷ tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: "Nhiều địa phương có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực, bổ sung chính sách rất đặc thù như hỗ trợ cho người có công, người nghèo, người làm nghề cá, nghề chế biến, gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ…".

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đối với các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh phía Nam, đang thực hiện giãn cách vẫn xuất hiện nhiều vấn đề cần phải lưu tâm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn: "Trước hết, một số địa phương khó khăn về kinh phí, có tình trạng khi cơ quan chức năng tham mưu hoặc đề xuất chính sách triển khai Nghị quyết 68, lãnh đạo địa phương đã không kết luận được về có chi hay không chi, bao giờ chi?".

Nhiều địa phương còn chậm triển khai, lúng túng và sợ trách nhiệm vì việc chi trả cho lao động thiếu hồ sơ giấy tờ, dễ rủi ro.

Cũng tại Hội nghị, với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chỉ rõ thực trạng chậm triển khai một số nhóm chính sách ở các địa phương.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khuyến khích và yêu cầu các Bộ trưởng khác khi phát biểu cũng phải chỉ rõ tên, địa chỉ các địa phương còn tồn tại trong lĩnh vực mình phụ trách.

Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH các địa phương đang lúng túng 3 vấn đề lớn.

Trước hết là liên quan tới quá trình thực hiện Nghị quyết 68, điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, ngay đầu tuần, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi theo đó sẽ bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng.

Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ bãi bỏ điều kiện người sử dụng lao động không có nợ xấu năm 2020, để được vay tiền trả lương cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất.

Bộ trưởng cũng hướng dẫn các địa phương có thể linh hoạt với các trường hợp lao động có giao kết hợp đồng lao động, nếu không có hồ sơ, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động, bị chấm dứt hợp đồng lao động, để được hưởng chính sách hỗ trợ và hiện nay đây là đối tượng chiếm số đông ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

Lý do, trong tình hình giãn cách xã hội, người lao động không thể làm hồ sơ được. Trong trường hợp đó chỉ cần người sử dụng lao động có quyết định và công đoàn ký vào là cơ quan chức năng xét duyệt, tiến hành chi trả.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị tăng cường quản lý các cơ sở cai nghiện ma túy tại 19 tỉnh, thành phố. Vì để tình trạng những người nghiện đi ra đường sẽ gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Hầu hết các cơ sở cai nghiện hiện nay có nhiều F0 do lây nhiễm.

"Đề nghị các địa phương cần tập trung những người lang thang, cơ nhỡ, không có nhà ở, cần tập trung vào những khu cách ly, các trường học, nhà văn hóa trong thời gian giãn cách xã hội, để quản lý và chăm sóc đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần cho họ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Liên quan tới việc hỗ trợ gạo cứu đói, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp gạo cho 27 tỉnh, thành phố với 134 nghìn tấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương căn cứ vào hai tiêu chí quan trọng đó là "thiếu đói và phát sinh tình trạng thiếu đói" bất khả kháng do dịch bệnh, để xem xét hỗ trợ.

Trên tinh thần "không ai bị thiếu đói và việc cấp gạo phải đúng tiêu chuẩn, kịp thời, hiệu quả và không để xảy ra lãng phí", Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành cần nhanh chóng rà soát, lập hồ sơ và gửi về Bộ LĐTBXH trong tháng 8 để kịp phối hợp với Bộ Tài chính cấp gạo cho người dân vào đầu tháng 9.

Nhiều tỉnh chưa bố trí được ngân sách để hỗ trợ người dân

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tình hình dịch bệnh còn kéo dài trong thời gian tới. Nhiệm vụ quan trọng là cần tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội.

"Chúng ta chỉ có thể thành công trong chống dịch khi an dân, để Nhân dân yên tâm cùng chống dịch" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Do đó trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, vận động sâu rộng trong Nhân dân hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng: "Đây là điều quan trọng nhất".

Cần tiếp tục đẩy mạnh, cụ thể, thiết thực việc hỗ trợ cho người dân từ Nghị quyết 68, trong đó những vấn đề tồn tại đối với các địa phương còn chậm triển khai, đề nghị khắc phục ngay.

Điều tiếp theo là việc cần tập trung hỗ trợ cho công nhân, lao động bị tạm hoãn, ngừng việc, phải chấm hợp đồng lao động. Bộ trưởng cho rằng, đối với "vùng Xanh" cần tập trung triển khai nhanh tất cả các chính sách này. Còn đối với "vùng Đỏ, vùng Cam" thì tập trung lo cái ăn, cái mặc, an sinh cho người dân.

"Đối với người lao động có điều kiện, một là họ chủ động lo, hai là chúng ta đi chợ hộ, mua hộ; với người không có khả năng, đối tượng bảo trợ, thì chúng ta phải hỗ trợ nhất là tiền, gạo, các túi an sinh…", Bộ trưởng đề xuất.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã công bố một số địa phương chậm triển khai các chính sách của Nghị quyết 68. Cụ thể, có 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ là Bến Tre và Vĩnh Long;

9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.

5 tỉnh chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc. là: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên và 3 tỉnh chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

Gần 80 người thương vong trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, toàn quốc xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông khiến gần 80 người thương vong.

Đời sống
120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

120 giàn pháo hoa phục vụ Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) 120 giàn pháo hoa được lực lượng chức năng thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá lắp đặt trước bờ biển đối diện sân khấu Quảng trường biển Sầm Sơn để chuẩn bị cho Lễ hội du lịch biển năm 2024.

Đời sống
Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

Quảng Ninh: Đã tìm thấy thi thể thứ 4 trong vụ lật thuyền nan trên sông Chanh

(CLO) Thông tin được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên xác nhận, sau khi lực lượng chức năng địa phương này đã tìm được thi thể thứ 4 của vụ tai nạn vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 27/4.

Đời sống
Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

Hà Nam: Phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024

(CLO) Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân và hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đời sống
Lào Cai: Vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận cứu hộ nhiều động vật quý hiếm

Lào Cai: Vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp nhận cứu hộ nhiều động vật quý hiếm

(CLO) Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai vừa tiếp nhận 8 cá thể Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Bình, đây là loài động vật nguy cấp bảo vệ vì quý hiếm.

Đời sống