Từ câu chuyện phá dỡ bức phù điêu tại tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh Quảng trường Ba Đình:

Nhức nhối câu chuyện ứng xử với di sản

Thứ năm, 07/04/2022 10:02 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thời gian qua, liên tục các vụ xâm hại di tích xảy ra đã khiến câu chuyện ứng xử với di sản tiếp tục trở nên nhức nhối. Đặc biệt khi bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ đang bị phá dỡ để xây cao ốc.

Những ngày qua, nhiều người yêu di sản Hà Nội đang ngỡ ngàng, tiếc nuối khi dãy nhà 2 tầng chạy dọc 4 mặt phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, cạnh Quảng trường Ba Đình - nơi bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ đang bị phá dỡ để xây cao ốc. 

Chẳng phải đến lúc này, câu chuyện bảo tồn, ứng xử với di sản mới được chúng ta mổ xẻ, mà thời gian qua liên tục các vụ xâm hại di tích xảy ra đã khiến câu chuyện ứng xử với di sản tiếp tục trở nên nhức nhối…

Phá dỡ bức phù điêu đắp nổi tại tòa nhà pháp cổ 4 mặt tiền

Tòa nhà pháp cổ 4 mặt tiền nằm trên khu đất số 61 Trần Phú, đối diện với tòa nhà Văn phòng Quốc hội bên kia đường Trần Phú, cách quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội). Đây vốn là nhà máy cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc  với 4 dãy nhà 2 tầng mái ngói đỏ chạy dọc 4 mặt tiền phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học, bao quanh công trình nhà máy có cấu trúc mái vì kèo bê-tông cốt thép rất độc đáo ở giữa.

nhuc nhoi cau chuyen ung xu voi di san hinh 1

Theo KTS. Trương Ngọc Lân (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), đây là cấu trúc công nghiệp mang dấu ấn kiến trúc hiện đại giai đoạn đầu thế kỷ 20 hiếm hoi còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội đến thời điểm nó bị phá.

Công trình này đã rất thân thuộc với người dân thủ đô, bởi kiến trúc kiểu Pháp thấp tầng thanh lịch bám theo mặt đường dưới những tán cổ thụ xanh mát. Đặc biệt, trong khuôn viên dự án, trên bức tường của dãy nhà sát ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Trực có bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ với dòng chữ “Quân dân thủ đô bắn rơi tại chỗ máy bay hiện đại Mỹ” ngày 19/5/1967. Bức phù điêu nhắc nhớ về lịch sử hào hùng và cả lãng mạn của những năm “thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ”.

Về bức phù điêu này, KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng tòa nhà thật khó giữ ở vị trí “đất kim cương” nhưng bức phù điêu là lịch sử Hà Nội trong một giai đoạn rất hào hùng. Ông Ánh cũng cho rằng, có lẽ là quá muộn để kêu gọi bảo vệ tòa nhà kiến trúc Pháp này, nhưng ít nhất Hà Nội cần cắt mảng tường có bức phù điêu để dựng lại ở góc phố này.

Còn KTS. Trương Ngọc Lân khẳng định dù không mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhưng với giá trị độc đáo của kiến trúc cùng tình trạng nguyên bản có một không hai của mình, xưởng cơ khí bưu điện xứng đáng được bảo tồn ít nhất là một phần cùng với những cây xanh gắn với nó để trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo, thành phố sẽ có một không gian đẹp không kém không gian sáng tạo nổi tiếng 798 ở Bắc Kinh được hình thành từ việc cải tạo một nhà máy cũ.

Rất nhiều người yêu Hà Nội cũng đã lên tiếng đề nghị giữ lại bức phù điêu. Nhiều người cho biết họ “Không thể tin là một di tích cách mạng có thể bị lãng quên và phá hủy như thế này”. Nhiều ý kiến kiến nghị giữ lại bức phù điêu, để mai này, các thế hệ sau sẽ được nghe kể về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Trước ý kiến phản ứng từ đông đảo dư luận, ngày 4/4, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình đã tổ chức cuộc họp nghe đại diện Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) báo cáo về phương án bảo vệ bức phù điêu.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đề nghị Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu, báo cáo UBND TP. Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội và UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bảo tồn di sản: Câu chuyện dài nhức nhối

Câu chuyện ứng xử với di tích lịch sử, văn hóa bấy lâu nay luôn là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Bởi lẽ giá trị di sản không chỉ ở tính lịch sử, văn hóa mà còn ở tuổi đời của nó thể hiện qua chất liệu và dấu thời gian, ở không gian sinh tồn được hình thành từ khi nó xuất hiện. Di sản chỉ phát huy giá trị vốn có của nó khi đảm bảo được các tiêu chí đó.

Vì vậy, ứng xử với di sản không chỉ là việc trùng tu, tôn tạo. Ứng xử với di sản còn là chuyện khai thác giá trị của nó phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử, nhu cầu tâm linh và sinh hoạt văn hóa của người dân.

nhuc nhoi cau chuyen ung xu voi di san hinh 2

Giếng cổ ở Đường Lâm bị bôi bẩn

Trong khi đó, thách thức lớn nhất đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam là trong quá trình hiện đại hóa phải bảo toàn và khẳng định được bản sắc văn hóa của mình. Do áp lực về kinh tế, áp lực phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đời sống... chúng ta đã phải phát triển bằng việc tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại từ nông thôn đến thành thị.

Không chỉ có quá trình “đô thị hóa” phá hủy và làm biến dạng nhiều di sản văn hóa, mà ngay trong việc cố gắng bảo tồn, trùng tu di tích cũng để lại những hậu quả khó lường, chủ yếu do hạn chế về nhận thức đối với tính chất và giá trị của di sản văn hóa.

Bởi thế mà dư luận luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những vụ việc liên quan tới di sản. Không phải đến vụ việc phá dỡ bức phù điêu ở tòa nhà pháp cổ nói trên, câu chuyện mất mát các di tích cách mạng cũng đã nhiều lần xảy ra.

Đơn cử như năm 2020, Hà Nội cũng phá dỡ ngôi biệt thự tại ngõ 128C phố Đại La thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai, nơi ghi dấu lịch sử là nơi phát thanh viên Ngân Thanh đọc bản tin đặc biệt vào 20h ngày 19/12/1946, là bản tin được dùng làm mật lệnh để cả nước nổ súng, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Sự việc này cũng đã để lại nhiều tiếc nuối trong công tác bảo tồn di sản.

nhuc nhoi cau chuyen ung xu voi di san hinh 3

Đình cổ Tự Đông bị vẽ bích họa xâm hại.

Cũng trong mấy ngày qua, dư luận lại xôn xao về việc tu bổ di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm khi những hình ảnh lan truyền cho thấy việc tu bổ ngổn ngang, phá dỡ hết bậc thềm, nền đá và chặt hạ cây đa phía trước nghi môn. Nhiều người bày tỏ lo ngại việc đập đi xây mới các bậc thềm đá và nền đá sẽ ảnh hưởng tới giá trị, tính thẩm mỹ của di tích. Đặc biệt là việc chặt hạ cây đa trước cổng đình sẽ ảnh hưởng lớn tới cảnh quan di tích.

Rồi trước đó là hàng loạt vụ việc như: đơn vị thi công sử dụng xe cơ giới trong quá trình tu bổ tháp Bánh Ít, đoàn làm phim bôi bẩn giếng cổ ở Đường Lâm, tấm bia cổ chùa Thổ Hà bị vỡ, Đoàn thanh niên vẽ bích họa xâm hại đình cổ Tự Đông - di tích lịch sử cấp quốc gia từ thời hậu Lê... khiến dư luận bất bình.

Những di tích lịch sử, di sản văn hóa là những báu vật vô giá của dân tộc. Việc gìn giữ, bảo quản giúp những di sản, di tích này có thể trường tồn với thời gian không chỉ nhằm lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ, cho thấy sức sống vững bền của bản sắc văn hóa dân tộc.

Vì vậy câu chuyện bảo tồn di sản cần phải được chúng ta quan tâm đúng mức, khó nhưng nhất thiết phải làm và có cách ứng xử đúng đắn, trân trọng, nâng niu.

Tuyết Nhi

Bình Luận

Tin khác

'Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

"Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”: Những hình ảnh chân thực và xúc động về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam

(CLO) Tối 3/5, tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Hà Nội), hai bộ phim tài liệu “Hồi ức Điện Biên” và “Những người lính già” đã được chiếu mở màn khai mạc “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”.

Đời sống văn hóa
Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(CLO) Chiều 3/5, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổ chức Lễ giới thiệu sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đời sống văn hóa
Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

Du khách thích thú trải nghiệm tour đi bộ ngắm “đại dương xanh”

(CLO) Tối 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khai mạc dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.

Đời sống văn hóa
Hậu Giang không đồng ý tổ chức thi Hoa hậu Trí thức quốc tế

Hậu Giang không đồng ý tổ chức thi Hoa hậu Trí thức quốc tế

(CLO) Tỉnh Hậu Giang đã từ chối tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Trí thức quốc tế do sự kiện có mục đích và quy mô chưa phù hợp.

Đời sống văn hóa
Công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng bức tranh 3D panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ'

Công chúng Hà Nội được chiêm ngưỡng bức tranh 3D panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ'

(CLO) Công nghệ 3D Mapping tái hiện bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ghi lại chiến công hào hùng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta.

Đời sống văn hóa