Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC: Xây dựng nghề cá có trách nhiệm, bền vững

Thứ sáu, 21/10/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Dự kiến cuối tháng 10/2022, Phái đoàn của Ủy ban châu Âu sẽ tới Việt Nam để khảo sát tình hình thực hiện khuyến cáo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Các tỉnh đang nỗ lực gỡ thẻ vàng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và cần hơn nữa sự quyết tâm và hành động quyết liệt của các địa phương trong tháng cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không thực hiện đúng quy định.

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn lợi và khai thác thủy sản của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá. Do vậy, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU.

no luc go the vang cua ec xay dung nghe ca co trach nhiem ben vung hinh 1

Từ khi EC cảnh báo thẻ vàng, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm. Trong giai đoạn 2017-2019, sau hai năm chịu tác động từ thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD. Năm 2020, xuất khẩu sang EU sụt giảm sâu nhất vì tác động kép của thẻ vàng IUU và dịch COVID-19.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tới thời điểm hiện tại đã có 95% tàu cá lắp thiết bị giám sát, tuy nhiên những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và vẫn có nguy cơ phải nhận “thẻ đỏ”. Vì sao lại như vậy?...

Tại Hội nghị “Bàn giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)” diễn ra vào tháng 9/2022 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đầy tâm tư khi giãi bày nỗi niềm mà ngành đang vướng phải: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không có biển, không có tàu, thế nhưng việc chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU thì bao nhiêu “búa rìu dư luận” đổ cả lên Bộ. Trong khi, Bộ đã và đang phải “lăn xả” vào lĩnh vực này suốt 5 năm qua, xuống từng cảng cá, xem từng cuốn sổ nhật ký, kiểm tra từng nhà máy…”.

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết hiện nay, tổng số tàu cá toàn quốc là 91.716 chiếc. Tuy nhiên, việc quản lý tàu cá hiện vẫn còn bất cập, việc cập nhật quản lý đội tàu về cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia chưa đạt yêu cầu, mới chỉ đạt hơn 82% (75.235 tàu). Tổng số tàu đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản mới đạt 64,35% (59.018/91.716 tàu).

Tính đến ngày 25/9/2022, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã đạt 95,29%.

Tuy nhiên, tình trạng mất kết nối VMS vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều tàu cá vượt ranh giới trên biển phát hiện qua VMS nhưng kết quả điều tra, xử phạt rất ít.

“Trung bình mỗi ngày có khoảng 400-500 tàu cá mất kết nối trên biển, không rõ nguyên nhân, nhất là có tình trạng nhiều tàu cá cố tình ngắt kết nối khi ra sát vùng ranh giới trên biển cho phép”, ông Nguyễn Quang Hùng nêu thực tế, đồng thời cho biết nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, giám sát. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử phạt chưa đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời.

Chính vì lơ là giám sát, khiến tình trạng ngư dân vi phạm trên các vùng biển quốc tế vẫn chưa giảm. Đây chính là nguyên nhân khiến Ủy ban châu Âu (EC) chưa dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với Việt Nam.

Kiên Giang là tỉnh có nhiều vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhất với 16 vụ/20 tàu/190 ngư dân, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, An Biên, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá. Tỉnh Bến Tre có 6 vụ/9 tàu/53 ngư dân, tập trung tại huyện Ba Tri, Bình Đại; tỉnh Cà Mau có 6 vụ/6 tàu/41 ngư dân, tập trung tại huyện Trần Văn Thời. Còn lại là các tỉnh khác, mỗi tỉnh xảy ra từ 1-4 vụ.

“Việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá; kiểm soát sản lượng khai thác, truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. So với sản lượng hải sản khai thác 3,67 triệu tấn năm 2021 thì chỉ mới kiểm soát được khoảng 15-18%. Vẫn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ khai thác chưa nghiêm túc chấp hành các quy định IUU”, ông Hùng nhấn mạnh.

no luc go the vang cua ec xay dung nghe ca co trach nhiem ben vung hinh 2

Ngành thủy sản cần có nhiều bước đột phá

Trong thời gian tới, để sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, ông Trần Đình Luân cho biết: Ngành thủy sản cần tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tăng cường điều tra, xử phạt các vụ việc vi phạm theo quy định.

Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cần tăng cường tuần tra, sử dụng các trang thiết bị hiện đại để phát hiện sớm những tàu cá có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá để theo dõi, ngăn chặn, xử lý các tàu vi phạm.

Phối hợp với các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; chuộc tàu cá, ngư dân về nước trái quy định của pháp luật. Triển khai hiệu quả Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các quy định liên quan đến chống IUU.

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về chống IUU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 3 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm IUU để gỡ “thẻ vàng” của EC, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước ta nói chung và của ngư dân nói riêng.  

no luc go the vang cua ec xay dung nghe ca co trach nhiem ben vung hinh 3

Không chỉ nỗ lực thực hiện chống IUU theo khuyến cáo của EC, Việt Nam đã và đang quyết tâm phấn đấu xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 theo hướng tăng nuôi trồng, giảm khai thác thủy sản.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến chia sẻ: Một trong những mục tiêu của ngành thủy sản đến năm 2030 là tổng sản lượng sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, sản lượng khai thác ở mức 2,8 triệu tấn. 

Để đạt mục tiêu nói trên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản cần có nhiều bước đột phá nhưng vẫn phải bảo đảm các giá trị về kinh tế, môi trường và xã hội.

Với khai thác thủy sản, giảm sản lượng khai thác từ 3,8 triệu tấn hiện nay xuống còn 2,8 triệu tấn. Giảm số tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ, khuyến khích phát triển tổ, đội khai thác trên biển; chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm từ khai thác.

Bên cạnh việc chống IUU, việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những đối với gỡ “thẻ vàng” EC mà còn tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân sống dựa chủ yếu từ việc khai thác nguồn lợi này và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong tương lai.

Đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam, nhân dân, cộng đồng ngư dân Việt Nam đối với các quy định của thế giới, tổ chức nghề cá thế giới, khu vực mà Việt Nam là thành viên, hoặc cam kết thực hiện “đánh bắt có trách nhiệm, bảo tồn đa dạng sinh học”.

Gỡ thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD

Nếu gỡ được thẻ vàng khai thác IUU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, tăng thêm 1 mặt hàng xuất khẩu 10 tỷ USD vào hoạt động thương mại cả nước. Sau gần 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017 đến nay) đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), hiện nay Việt Nam đang nỗ lực để được EC gỡ bỏ “thẻ vàng”.

Theo các chuyên gia, việc này cần làm ngay, không thể chần chừ thêm nữa. Trong bối cảnh nhiều bất cập, công tác triển khai thực hiện các khuyến nghị, giám sát, kiểm tra và duy trì kết quả, không để tái diễn các sai phạm tại các địa phương là rất quan trọng. 

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, mỗi tỉnh, thành phố ven biển cần được gửi một văn bản hướng dẫn riêng. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... để tạo sức mạnh tổng thể ngay trong tháng 10 này - thời điểm Đoàn kiểm tra của EC sang Việt Nam kiểm tra thực thi các khuyến nghị của EC.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), dự kiến trong 10 ngày làm việc tại Việt Nam (từ 19-28/10/2022), Đoàn thanh tra của EC sẽ kiểm tra toàn bộ quy trình từ lúc tàu cá cập cảng cho đến khi thủy sản vào nhà máy chế biến. Ngoài ra, EC có thể thăm một số khu bảo tồn ven biển, một số doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu... Chương trình cụ thể sẽ do phía bạn lựa chọn và phối hợp Việt Nam triển khai.

Ông Nguyễn Quang Hùng đề nghị 28 tỉnh, thành phố ven biển và các doanh nghiệp thủy sản sẵn sàng bố trí nguồn lực, phục vụ tối đa cho chuyến kiểm tra của EC để đạt kết quả tốt nhất.

Trước đó, sáng 4/10/2022, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh:  EC đã đưa ra 4 khuyến nghị rất rõ ràng. Đó là: Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu chặt chẽ; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đồng bộ theo chuỗi; thực thi pháp luật, xử lý triệt để. Chúng ta cần dựa vào đây, để nêu bật những nỗ lực của Việt Nam.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn