Sống chung với COVID-19: Israel thay đổi chiến lược khi biến thể Delta xuất hiện

Thứ ba, 13/07/2021 16:23 PM - 0 Trả lời

(CLO) Israel đã thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus Corona với các biện pháp cách ly nhanh và chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Tuy nhiên, nước này đang thay đổi chiến lược khi biến thể Delta lan rộng ra hơn 100 quốc gia.

Israel là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng sớm nhất giúp ngăn chặn sự lây lan của virus Corona - Ảnh: Reuters

Israel là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng sớm nhất giúp ngăn chặn sự lây lan của virus Corona - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Sống chung với COVID-19

Bốn tuần trước, người dân Israel đã ăn mừng việc trở lại với cuộc sống bình thường sau rất nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống COVID-19. Thành quả ấy có được nhờ một đợt tiêm chủng nhanh chóng, giúp giảm thiểu ca nhiễm và tử vong do virus Corona. Người Israel không còn cần phải đeo khẩu trang và từ bỏ mọi quy tắc giãn cách xã hội.

Vào thời điểm đó, Israel được các phương tiên truyền thông thế giới ca ngợi khi họ là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới được sống một cách thoải mái mà không còn quan tâm đến virus Corona.

Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, biến thể Delta dễ lây lan lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ bùng phát ở nhiều quốc gia và Israel cũng bị tấn công. Số ca nhiễm biến thể Delta tăng cao buộc tân Thủ tướng Naftali Bennett phải tái áp dụng một số hạn chế COVID-19 và suy nghĩ lại chiến lược.

Theo cái mà ông gọi là chính sách "đàn áp mềm", chính phủ muốn người Israel học cách “sống chung với COVID-19” - liên quan đến những hạn chế ít nhất có thể và tránh phải thực hiện một cuộc đóng cửa quốc gia lần thứ tư có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế.

Vì hầu hết những người Israel trong nhóm nguy cơ thấp do đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, ông Bennett tin rằng số người nhiễm bệnh tử vong ít hơn so với trước khi bị ốm nặng trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng.

"Thực hiện chiến lược sẽ kéo theo những rủi ro nhất định nhưng xét tổng thể, bao gồm cả các yếu tố kinh tế, đây là sự cân bằng cần thiết", Thủ tướng Bennett tuyên bố.

Lý do chính cho việc Israel thay đổi chiến lược đối phó đại dịch là do số ca COVID-19 nghiêm trọng phải nhập viện bắt đầu tăng với con số hiện khoảng 45 trường hợp. Việc triển khai chiến lược mới sẽ bao gồm biện pháp giám sát số ca nhiễm, khuyến khích tiêm chủng, xét nghiệm nhanh và các chiến dịch thông tin về khẩu trang.

Chiến lược này đã được so sánh với các kế hoạch của chính phủ Anh nhằm mở cửa nền kinh tế Anh thoát khỏi tình trạng bế tắc, mặc dù Israel đang trong quá trình khôi phục một số hạn chế trong khi London lại đang dỡ bỏ các hạn chế.

Các biện pháp hạn chế đã được Israel khôi phục là bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà và cách ly đối với tất cả những người đến Israel.

Chiến lược của Thủ tướng Bennett, cũng giống như chiến lược của chính phủ Anh, bị một số nhà khoa học nghi ngờ nhưng cũng có nhiều nhà khoa học khác ủng hộ.

"Tôi rất ủng hộ cách tiếp cận của Israel", Nadav Davidovitch, giám đốc trường y tế công cộng tại Đại học Ben Gurion của Israel nói và cho biết đây là "con đường vàng" so với việc Anh nới lỏng các hạn chế và các quốc gia như Australia đang thực hiện các chính sách cứng rắn hơn.

Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng của Bộ Y tế Israel, chia sẻ trên đài Kan Radio hôm Chủ nhật (11/7) rằng Bộ Y tế ủng hộ nhiều hơn nữa việc thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm. Bà nói: “Có thể sẽ không có sự gia tăng lớn về số người bị bệnh nặng nhưng cái giá phải trả của việc mắc sai lầm như vậy là điều khiến chúng tôi lo lắng”.

Israel bỏ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng trong lần trở lại bình thường gần nhất - Ảnh: Reuters

Israel bỏ quy định giãn cách xã hội và đeo khẩu trang nơi công cộng trong lần trở lại bình thường gần nhất - Ảnh: Reuters

Đại dịch COVID-19 sẽ không chấm dứt

Đợt phong tỏa gần nhất của Israel được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái, khoảng một tuần sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Lúc này, các ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày tại Israel đang ở mức khoảng 450, trong đó biến thể Delta hiện chiếm khoảng 90% các trường hợp tại Israel. Nước này có thể sẽ không cần phải đóng cửa quốc gia một lần nữa khi đang nỗ lực ngăn chặn từ xa bằng các biện pháp hỗn hợp.

"Chúng tôi dự đoán rằng chúng tôi sẽ không có nguy cơ gia tăng mạnh các ca bệnh nặng như các đợt trước", Tổng giám đốc Y tế Nachman Ash cho biết. "Nhưng nếu chúng tôi thấy rằng số lượng và tỷ lệ gia tăng các ca bệnh nặng đang gây nguy hiểm cho hệ thống y tế, thì chúng tôi sẽ phải thực hiện các bước tiếp theo".

Đến nay, hơn 60% của 9,3 triệu người dân Israel đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin chủ yếu của Pfizer / BioNtech và Israel đã tiêm chủng đại trà từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, chính phủ nước này tiếp tục bắt đầu chương trình tiêm mũi thứ ba cho những người có hệ miễn dịch bị tổn thương từ hôm Chủ nhật (11/7).

Ran Balicer, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia của chính phủ về COVID-19, cho biết trung bình Israel có khoảng 5 trường hợp nhiễm virus nghiêm trọng và một trường hợp tử vong mỗi ngày trong tuần trước, sau hai tuần không có trường hợp tử vong nào liên quan đến COVID-19.

Đó là lý do hội đồng chuyên gia khuyên chính phủ Israel nên thận trọng đối với việc loại bỏ các hạn chế trước tác động của biến thể Delta. Ông Balicer nói: “Chúng tôi không có đủ dữ liệu từ đợt bùng phát tại địa phương để có thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bỏ qua các biện pháp”.

Các nhà khoa học Israel nhận định rằng, một số nghiên cứu cho thấy dù vắc xin Pfizer / BioNTech có hiệu quả cao, nhưng nó lại đạt hiệu suất thấp hơn đối với biến thể Delta so với các chủng virus Corona khác.

Có điều, Israel sẽ không vội vàng phê duyệt các đợt tiêm vắc xin bổ sung khi các nhà khoa học cho rằng chưa có dữ liệu rõ ràng cho thấy chúng là cần thiết. Bộ Y tế Israel chỉ cung cấp sự chấp thuận cho những người có hệ thống miễn dịch yếu trong từng trường hợp cụ thể.

Các nhà chức trách Israel cũng đang cân nhắc việc cho phép trẻ em dưới 12 tuổi uống vắc xin này trong từng trường hợp cụ thể, nếu chúng gặp phải tình trạng sức khỏe có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng nếu mắc phải virus.

Tổng giám đốc Y tế Nachman Ash cho biết chỉ có vài trăm trong số 5,7 triệu người đã được tiêm vắc xin ở Israel bị nhiễm COVID-19. Đây không phải con số quá đáng ngại, nhưng điều đó cho thấy các biện pháp đều chỉ là giải pháp chứ không thể ngăn chặn triệt để virus Corona.

Trước khi biến thể Delta xuất hiện, Israel ước tính 75% dân số cần được tiêm vắc xin để đạt được "miễn dịch cộng đồng" - mức độ mà dân số được chủng ngừa đủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan một cách hiệu quả - nhưng ngưỡng hiện tại ước tính là 80%.

Từng thành công trong việc giảm thiểu số ca nhiễm bằng chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, Israel cho thấy họ đã sẵn sàng chặn đứng sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta với biện pháp hỗn hợp cùng chiến lược "sống chung với COVID-19" đầy táo bạo. 

Phan Nguyên

Tags:
WHO
Bình Luận

Tin khác

Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

Nhiều người biểu tình ủng hộ Palestine tại các trường đại học Mỹ bị bắt

(CLO) Những người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học Mỹ đã bị bắt vào thứ Bảy (27/4), khi họ tuyên bố sẽ tiếp tục phong trào nhằm tìm kiếm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Israel với Hamas.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

Ngoại trưởng Pháp đến thăm Lebanon, tìm cách ngăn chặn xung đột Israel-Hezbollah

(CLO) Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne sẽ thúc đẩy các đề xuất nhằm ngăn chặn sự leo thang trong xung đột giữa Israel và Hezbollah trong chuyến thăm Lebanon vào Chủ nhật (28/4).

Thế giới 24h
Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

Iraq phạt tù quan hệ đồng giới lên tới 15 năm

(CLO) Quốc hội Iraq hôm thứ Bảy (27/4) đã thông qua luật hình sự hóa các mối quan hệ đồng giới với mức án tối đa 15 năm tù.

Thế giới 24h
Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

Nga có thể tịch thu tài sản tư nhân của Mỹ

(CLO) Nếu Mỹ tịch thu tài sản và tiền mặt bị đóng băng của Nga ở phương Tây, Nga cũng sẽ tịch thu tài sản của các công dân và nhà đầu tư Mỹ ở Nga, theo ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, tuyên bố vào thứ Bảy (27/4).

Thế giới 24h
20 binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong vụ nổ kho đạn

20 binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong vụ nổ kho đạn

(CLO) Ít nhất 20 binh sĩ Campuchia đã thiệt mạng trong vụ nổ kho đạn tại một căn cứ quân sự phía tây nước này, theo Thủ tướng Hun Manet cho biết vào thứ Bảy (27/4).

Thế giới 24h