Tài chính xanh: Nguồn lực quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng

Thứ năm, 25/01/2024 10:09 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính khẳng định: Tài chính xanh là nguồn lực tài chính quan trọng được huy động trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Thị trường tài chính xanh Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng.

+ Thưa Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, tài chính xanh mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế Việt Nam và vì sao nó lại trở nên quan trọng đối với sự phát triển bền vững?

- Tại Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc đến 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

tai chinh xanh nguon luc quan trong nham thuc hien muc tieu tang truong hinh 1

Theo đó, Chính phủ đã khẳng định, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí methane vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn.

Việt Nam cũng như các nước khác cần nhiều nguồn lực hơn nữa để đạt được các cam kết về khí hậu theo COP26, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia.

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), nhu cầu tài chính xanh cho thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 lên đến 100 tỷ USD.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (2022) nhu cầu tài chính tăng thêm bình quân hằng năm cho các biện pháp thích ứng vào giai đoạn 2022-2050 bình quân khoảng 4,5-5,4% GDP, tương ứng với khoảng 342,3-410,7 tỷ USD cho cả giai đoạn.

Theo ước tính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), để thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330 - 370 tỷ USD.

Khi nói tới tài chính xanh là đề cập đến tài khóa xanh, tín dụng xanh và thị trường tài chính xanh. Tại Việt Nam, tài chính xanh là nguồn lực tài chính quan trọng được huy động trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, như giảm chi phí phát thải nhà kính, ô nhiễm môi trường, sản xuất xanh…

+ Ông đánh giá về thực trạng của thị trường tài chính xanh của Việt Nam trong thời gian gần đây, bao gồm cả những cơ hội – khó khăn và những giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh trong thời gian tới?

- Thị trường tài chính xanh là một trong các trụ cột của tài chính xanh, bên cạnh các công cụ tài khóa xanh, tiền tệ xanh và đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, nền tảng căn bản cho sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính xanh với ba cấu phần thị trường tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh đã được thiết lập thể hiện qua các văn bản pháp luật khác nhau.

Đối với thị trường vốn xanh Việt Nam ngày càng tăng trưởng về quy mô và đa dạng các công cụ tài chính xanh trên thị trường. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án, công trình xanh như: thủy lợi, bảo vệ môi trường, điện gió, năng lượng mặt trời.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số phát triển bền vững (VNSI) chính thức được đưa vào vận hành cuối tháng 7 năm 2017, hướng đến các mục tiêu xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết.

tai chinh xanh nguon luc quan trong nham thuc hien muc tieu tang truong hinh 2

TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế trong thời gian qua.

Đơn cử, vào năm 2016, thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam bắt đầu hình thành với việc TP.HCM phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương kỳ hạn 15 năm để huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Trong đó có 11 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường.

Tương tự, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động vốn cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương, trong đó có 01 dự án mang tính chất bảo vệ môi trường.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những tín hiệu mới cho phát hành trái phiếu xanh, gần đây đã có một số doanh nghiệp Việt Nam thuộc lĩnh vực năng lượng và ngân hàng phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp xanh theo đúng tiêu chuẩn của ICMA để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế, làm tiền đề để phát triển thị trường trái phiếu xanh trong thời gian tới” - TS Nguyễn Như Quỳnh nói.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG, công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết.

Có thể thấy rằng, thị trường tài chính xanh Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển nhờ vào những thuận lợi về mặt chính sách, pháp luật với định hướng phát triển nền kinh tế xanh, bền vững từ Nhà nước.

Ngoài ra, sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế tới thị trường tài chính xanh Việt Nam, nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư xanh, các thỏa thuận tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam như Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP) cũng góp phần xây dựng thị trường tài chính xanh Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tuy nhiên, thị trường tài chính xanh Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là chưa có động lực thúc đẩy mạnh mẽ nguồn cung và cầu đối với thị trường tài chính xanh.

Về cầu trên thị trường, cần nhiều hơn nữa các tổ chức tài chính chuyên nghiệp với chiến lược đầu tư dài hạn tham gia thị trường đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh, song song cần có các dự án xanh chất lượng với các tổ chức phát hành uy tín để tạo nguồn cung cho thị trường.

Mặt khác, phải có một cách thức như sàn giao dịch để bên cung và bên cầu gặp nhau, tạo tính thanh khoản, hiệu quả cho thị trường tài chính xanh. Do đó, cần hiện đại hóa hơn nữa hệ thống giao dịch hỗ trợ nhiều phương thức và hình thức giao dịch, hiện đại hóa cơ chế giao dịch và từng bước triển khai, áp dụng các kỹ thuật hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính xanh cũng còn một số thách thức, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong giai đoạn tới, như các vấn đề về thống nhất tiêu chuẩn xanh cho các công cụ tài chính, rà soát và hoàn thiện các cơ chế tài chính hỗ trợ, ưu đãi cho các dự án xanh, biện pháp hỗ trợ, khuyến khích cho các tổ chức phát hành, đầu tư vào trái phiếu xanh, phát triển các dịch vụ đánh giá độc lập đối với các dự án xanh sử dụng nguồn thu từ cổ phiếu xanh hay trái phiếu xanh.

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính xanh, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu xanh.

Đối với thị trường trái phiếu xanh, rà soát và hoàn thiện các quy định pháp lý để tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh để huy động vốn đầu tư cho các dự án có tính chất bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức tư vấn nước ngoài để hỗ trợ một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh theo thông lệ quốc tế.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Ngọc Tú (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

(CLO) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục rót vốn vào tỉnh Bắc Ninh hơn 100 dự án, đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Kinh tế vĩ mô
Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

(CLO) Theo ADB, dân số châu Á đang già đi nhanh chóng. Vì vậy, các quốc gia châu Á cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân già đi một cách lành mạnh.

Kinh tế vĩ mô
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn 'đổ tiền' vào thị trường bất động sản Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn "đổ tiền" vào thị trường bất động sản Việt Nam

(CLO) Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 tổng vốn đầu tư FDI, với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm gần 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78,2% so với cùng kỳ. 

Kinh tế vĩ mô
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(CLO) Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 1003 Ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.

Kinh tế vĩ mô