Tăng cường nội lực- Phát triển bền vững

Tham gia “cuộc đua xanh”: Tiếng nói từ doanh nghiệp

Thứ hai, 06/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam là vừa và nhỏ, cho nên rất khó đủ tiềm lực để đầu tư trở thành doanh nghiệp xanh mà chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu xanh”; Nếu không có sự đầu tư làm chủ công nghệ thì sẽ không thể tham gia vào “cuộc đua xanh”;

Cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp chuyển dịch sang “xanh”, qua đó mới giữ được vai trò “bà đỡ” tạo ra nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế... Đó là góc nhìn của nhiều DN Việt trong cuộc trò chuyện với Nhà báo và Công luận xung quanh câu chuyện tham gia vào “cuộc đua xanh”.

anh_21

Bà Trần Thị Khánh Hương - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, công nghệ và truyền thông Hà Nội:

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường

Bà Trần Thị Khánh Hương - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, công nghệ và truyền thông Hà Nội,

Bà Trần Thị Khánh Hương - Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, công nghệ và truyền thông Hà Nội,

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 nhưng các cơ chế, chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển du lịch xanh cũng như các quy định, hướng dẫn cụ thể chưa được ban hành, dẫn đến phát triển du lịch ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, không tuân thủ các yêu cầu, nguyên tắc phát triển xanh và bền vững. Thêm nữa, vốn đầu tư ban đầu của hệ thống công nghệ xanh rất lớn, thực tế có không ít doanh nghiệp chưa “mặn mà” với công nghệ xanh mà nguyên nhân chính là do thiếu vốn. Trong khi tiếp cận các khoản vay khó khăn mà đầu tư vào công nghệ xanh lại tốn kém nên doanh nghiệp sợ rủi ro và không sẵn sàng đầu tư. Trong bối cảnh ngành du lịch đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng đang tạo nên những ảnh hưởng nhất định đến môi trường du lịch và sinh thái, Nhà nước cần có chính sách tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như: ứng dụng năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, chế biến rác thải, xử lý nước thải... Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cần khuyến khích xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về du lịch xanh để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm, đồng thời có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp cho chính người quản lý và lao động trong doanh nghiệp mình và tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, cơ sở sản xuất.

Ông Phạm Ngọc Thập – Phó Tổng Giám đốc tập đoàn giáo dục Egroup:

Nhiều doanh nghiệp khó từ chối được “cám dỗ” vì lợi nhuận

Ông Phạm Ngọc Thập – Phó Tổng Giám đốc tập đoàn giáo dục Egroup.

Ông Phạm Ngọc Thập – Phó Tổng Giám đốc tập đoàn giáo dục Egroup.

Hiện nay, khái niệm doanh nghiệp xanh ở Việt Nam tuy vẫn còn mới, nhiều doanh nghiệp đã có ý thức đầu tư công nghệ cho sản xuất, nhưng lại chưa có tư duy tìm dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường. Trong khi đó, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực có thể đáp ứng được các điều kiện để trở thành doanh nghiệp xanh, nhưng bản thân họ cũng còn gặp khó khăn về hiệu quả kinh doanh và khả năng thu vồi vốn khi đầu tư để “xanh hóa”. Mặt khác, những doanh nghiệp đang được cho là thành công mà dịch chuyển thành doanh nghiệp xanh đa số lại không phải là doanh nghiệp sản xuất, mà là doanh nghiệp làm về dịch vụ. Còn lại hầu hết những doanh nghiệp sản xuất đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi muốn chuyển đổi thì cần vốn đầu tư lớn mà khả năng thu hồi vốn chậm, cho nên vẫn còn tâm lý e ngại. Do đó, ít doanh nghiệp có thể đầu tư dây chuyền công nghệ mới, mua sắm thiết bị để có thể sản xuất xanh, tạo ra sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn bị “cám dỗ” từ thị trường khi biết sản xuất xanh sẽ tốt cho môi trường, xã hội, nhưng có thể họ sẽ sẵn sàng sử dụng một thiết bị rẻ hơn, mặc dù có thể sẽ gây ô nhiễm. Hoặc doanh nghiệp có thể nhận được đặt hàng cho những sản phẩm không thật sự an toàn với môi trường, nhưng lại mang đến lợi nhuận cao. Thậm chí đã có nhiều doanh nghiệp từng nhận các dây chuyền công nghệ lạc hậu của các nước lân cận chuyển sang để phục vụ cho hoạt động sản xuất, miễn là họ cảm thấy có lợi nhuận. Những việc làm thiếu minh bạch, không xanh hiện nay lại đang mang đến lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp khiến họ khó mà từ chối được các “cám dỗ”. Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế cho hoạt động đổi mới, đầu tư thay đổi công nghệ của doanh nghiệp, nhưng khi đưa vào thực tiễn lại gặp vướng mắc đến từ người thực hiện. Hầu hết các doanh nghiệp khi đi làm các thủ tục để hoàn thuế đều mất nhiều thời gian và công sức. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án chấp nhận nộp thuế cho xong, còn hơn thực hiện việc đi xin miễn thuế theo đúng những gì họ được nhận, bởi nó còn tốn kém hơn. Vấn đề khác nữa cần đặt ra ở đây đó là cái tâm của chủ doanh nghiệp về sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh phải thực sự rõ nét, phải “xanh” từ đầu vào đến đầu ra. Đây là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng, ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, các doanh nghiệp Việt Nam nên có thái độ nghiêm túc về sản phẩm xanh và gắn kết lại với nhau thì mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian tới sẽ tràn vào Việt Nam.

Ông Phùng Chí Sỹ -Giám đốc Trung tâmCông nghệ môi trường(Viện Công nghệ môi trường):

Những mặt hàng thân thiện với môi trường sẽ có nhiều cơ hội lớn

Ông Phùng Chí Sỹ -Giám đốc Trung tâmCông nghệ môi trường(Viện Công nghệ môi trường).

Ông Phùng Chí Sỹ -Giám đốc Trung tâmCông nghệ môi trường(Viện Công nghệ môi trường).

Trong định hướng chống rác thải nhựa của Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều giải pháp thay thế được đưa ra. Nhiều doanh nghiệp tìm hướng đi mới bằng cách sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa sẽ có thêm thành phần là bột ngô, bột sắn… để dễ phân hủy khi ra môi trường. Nhưng những sản phẩm đó vẫn có thành phần là nhựa, chỉ khác với sản phẩm nhựa thông thường là dễ phân hủy hơn khi ra môi trường. Chính sách giảm rác thải nhựa không hẳn sẽ khuyến khích những sản phẩm này. Song hiện đang có phong trào thay nhựa bằng giải pháp khác nên tất cả những hướng thay nhựa và thân thiện với môi trường, sản xuất theo hướng sinh học đều có cơ hội phát triển như: những DN sản xuất ống hút bằng cỏ, tre, tinh bột, túi cói… Sản phẩm thân thiện với môi trường phải là những sản phẩm phân hủy sinh học khi ra môi trường và tái sử dụng được nhiều lần. Nhất là trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp không phát thải ô nhiễm. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện nay đang rất ủng hộ những sản phẩm có yếu tố “xanh” và cả những doanh nghiệp đang thực hiện những công việc nhằm “xanh hóa” hoạt động. Như vậy, trong giai đoạn phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, hướng phát triển những mặt hàng thân thiện với môi trường sẽ có nhiều cơ hội lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ):

Nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thời gian qua, Bộ KH&CN đã xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất để nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động. Đồng thời Bộ KH&CN cũng đã trình Quốc hội thông qua Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017, trong đó đưa ra các giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường khả năng tự chủ sản xuất trong nước, ứng dụng và đổi mới công nghệ, cùng nhiều chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản phẩm, tăng cường khả năng tự chủ sản xuất trong nước, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Mặt khác, Bộ KH&CN cũng thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển thông qua các Chương trình KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia trong đó có các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động; thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Quốc Thịnh - Giám đốc công ty TNHH MTV TM&XD Quốc Thịnh:

Cần có chính sách phù hợp cho doanh nghiệpchuyển đổi thành “xanh”

Ông Phạm Quốc Thịnh - Giám đốc công ty TNHH MTV TM&XD Quốc Thịnh.

Ông Phạm Quốc Thịnh - Giám đốc công ty TNHH MTV TM&XD Quốc Thịnh.

Phát triển xanh và bền vững tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ mới. Việt Nam đang có cơ hội để cải tiến công nghệ trên quy mô lớn, lựa chọn đối tác và công nghệ phù hợp, học hỏi kịp thời kinh nghiệm của các quốc gia khác. Tuy nhiên, để giải bài toán giữa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thì kinh tế tuần hoàn là một lời giải quan trọng mà nhiều doanh nghiệp Việt đang tiến tới. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên quá nóng và có những tác động tiêu cực đến cuộc sống. Do đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện giải pháp đồng bộ, thay đổi từ những thứ nhỏ nhất như thói quen sinh hoạt của người dân để giảm thiểu vấn đề này. Cần có chế tài buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định phát luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời các doanh nghiệp cần tự xây dựng một kế hoạch nội bộ về bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng những nguyên liệu sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng biện pháp sử dụng năng lượng có hiệu quả, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu ô nhiễm. Mặt khác, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có quy mô vừa và nhỏ, thường gặp nhiều áp lực về vốn, nguồn nhân lực và công nghệ. Những áp lực này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và nghiêm ngặt của thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp cho doanh nghiệp, từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, cho đến những ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp đang chuyển đổi “xanh hóa”, qua đó các doanh nghiệp mới có cơ hội tham gia những “sân chơi” lớn.

Ông Nguyễn Quân – Chủ tịch hội Tự động hóa Việt Nam:

Nếu không đầu tư cho R&D thì khó phát triển được bền vững

Ông Nguyễn Quân – Chủ tịch hội Tự động hóa Việt Nam.

Ông Nguyễn Quân – Chủ tịch hội Tự động hóa Việt Nam.

Hiện nay, các doanh nghiệp thường ít quan tâm tới việc đầu tư cho quỹ khoa học công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), mà thường lựa chọn việc nhập khẩu công nghệ, nhưng việc này sẽ rất tốn kém và việc thu hồi vốn sẽ rất chậm. Doanh nghiệp muốn bắt kịp xu thế xanh, phát triển bền vững không thể chỉ quan tâm tới việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất, máy móc, trang thiết bị… mà cần làm R&D thì mới tăng được hiệu quả sản xuất, rút ngắn được thời gian thu hồi vốn. Mặt khác, khi doanh nghiệp có hoạt động R&D thì sẽ có những cải tiến về thương hiệu, các nghiên cứu sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất, giảm bớt việc phải mua công nghệ, thuê chuyên gia từ nước ngoài, qua đó sẽ giảm chi phí sản xuất và tăng mức độ tín nhiệm trên thị trường. Nhưng tại giai đoạn này, mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn một hướng đi đúng đắn, phù hợp nhất để phát triển, trong đó có thể “xanh hóa” từng bước, hoặc đưa ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn gần hơn so với tiêu chuẩn của thế giới. Nhưng về lâu dài, Việt Nam đang hội nhập với thế giới và sẽ có một tiêu chuẩn chung, do đó các doanh nghiệp sẽ phải có các sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Với những doanh nghiệp lớn, đủ tiềm lực cũng cần “thắt lưng buộc bụng” để đầu tư cho các quỹ khoa học công nghệ, hoạt đầu R&D, qua đó có thể nghiên cứu sản phẩm, kỹ thuật mới, cũng như nhanh chóng làm chủ công nghệ mới. Còn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xác định ra dòng sản phẩm chủ lực, không nên quá tham lam làm nhiều ngành, lĩnh vực. Bởi hầu hết doanh nghiệp nhỏ đang cung cấp những sản phẩm phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu từ thị trường, cho nên sẽ có nhiều loại mặt hàng. Nhưng thực hiện việc này sẽ khiến họ đang tự làm suy yếu bản thân, bởi sẽ không chuyên về bất cứ một sản phẩm hay lĩnh vực nào. Thay vào đó, doanh nghiệp nên lựa chọn một loại sản phẩm và làm thật tốt để chiếm được thị phần lớn, sẽ hơn các đơn vị làm nhiều loại sản phẩm, nhưng chỉ có thị phần thấp. Mặt khác, doanh nghiệp nên tham gia vào chuỗi của các tập đoàn lớn, chuyên sản xuất một linh kiện, sản phẩm đặc thù phục vụ cho các tập đoàn lớn. Khi đủ nguồn lực thì cũng nên có khoản kinh phí đầu tư cho hoạt động R&D để làm chủ được công nghệ, như vậy thì mới có thể phát triển được bền vững trong xu thế mới. Doanh nghiệp cũng có thể nhận được các ưu đãi về thuế, đất sản xuất… khi đăng ký thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần dành một phần lợi nhuận từ nền kinh tế để đầu tư cho phát triển công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thế giới. Bởi khi doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công, hoạt động hiệu quả không chỉ mang lại lợi nhuận cho bản thân doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế.

Gia Nguyên – Ngọc Thành (Thực hiện)

Tin khác

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

(CLO) Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi đã bị bắt giữ sau khi bị coi là nghi phạm chính thức trong cuộc điều tra tham nhũng khu đất trị giá hơn 7 triệu USD khi ông còn là người đứng đầu một công ty nông nghiệp lớn và là thành viên Quốc hội.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

(CLO) Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ ra rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng lạm phát đình trệ, Business Insider đưa tin. Tờ báo cho biết thêm, những dấu hiệu ảm đạm cho thấy những thách thức khó khăn phía trước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

Hà Nội: Siêu thị, trung tâm thương mại “chạy đua” khuyến mãi dịp lễ 30/4-1/5

(CLO) Kéo dài tới 5 ngày nên kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay được đánh giá là thời cơ vàng để kích cầu mua sắm. Để thu hút khách, nhiều nhà bán lẻ rầm rộ đưa ra các chương trình khuyến mãi, tri ân người tiêu dùng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

Việc Mỹ tịch thu tài sản của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình phi đôla hóa

(CLO) Bloomberg đưa tin, dẫn lời một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc "vũ khí hóa" đồng đô la Mỹ thông qua việc tịch thu các tài sản bị đóng băng của Nga có thể thúc đẩy toàn cầu xa lánh đồng bạc xanh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

Ấn Độ nhập thêm dầu của Nga sau thời gian ngưng trệ

(CLO) Một con tàu do hãng vận tải khổng lồ Sovcomflot (SCF) của Nga bị Mỹ trừng phạt đã xả dầu nhiên liệu tại một cảng phía tây Ấn Độ vào thứ Sáu (26/4), Reuters đưa tin.

Thị trường - Doanh nghiệp