Tháo gỡ khó khăn để vận tải đường bộ thông suốt dịp cuối năm

Thứ năm, 09/12/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mặc dù sắp đến thời gian cao điểm vận tải cuối năm dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022 nhưng nhiều khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron khiến hành khách “ngại” sử dụng phương tiện công cộng.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ đến Tết Dương lịch, khoảng hai tháng nữa là cả nước bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Và mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Quyết định 1966/QĐ-BGTVT ban hành Kế hoạch công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với phòng chống dịch COVID-19; Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phối hợp với đơn vị khai thác bến xe tổ chức bán vé sớm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp cuối năm, tránh ùn tắc...

Tuy nhiên không khí trong những ngày này tại nhiều bến xe khách lớn trên địa bàn Hà Nội vẫn khá trầm lắng và dự báo sẽ không sôi động như mọi năm do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và nhất là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

Khách vắng, xe thưa, doanh thu sụt giảm

Có mặt tại sảnh chờ bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) vào một buổi chiều cuối tuần tháng 12, PV ghi nhận hình ảnh chỉ lác đác hành khách qua các quầy mua vé. Một số quầy bán vé chỉ có một hai nhân viên bán vé tuyến đi Quảng Ninh, Yên Bái...

thao go kho khan de van tai duong bo thong suot dip cuoi nam hinh 1

Hoạt động vận tải đường bộ vẫn “im ắng”, nhiều khó khăn đang bủa vây các đơn vị kinh doanh vận tải.

Sau khoảng 30 phút chờ không thêm khách nào, anh Minh Tuấn lái xe khách tuyến Hà Nội - Yên Bái rời điểm đỗ, chiếc xe khách 45 chỗ xuất bến với 6 hành khách. Nhẩm tính với lượng khách hiện tại, chi phí bến bãi, xăng dầu,... là nhà xe phải bù lỗ. Nhưng thà chạy để giữ khách, có thu nhập và lỗ ít còn hơn ở yên một chỗ không làm được gì.

Để hoạt động trở lại, lái xe và đơn vị kinh doanh vận tải phải ký cam kết không đi vào nơi đang có diễn biến dịch phức tạp như vùng đỏ, vùng cam. Tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng khi dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Lượng khách giảm mạnh khiến doanh thu cũng sụt giảm theo, bao nhiêu vốn liếng tích lũy trong vài năm đều mất hết sau 2 năm xuất hiện đại dịch.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, đại diện một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa chia sẻ, đơn vị có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài. Nếu không có dịch, mỗi ngày có 2 - 3 chuyến/tuyến. Nhưng từ năm ngoái đến nay, hàng loạt xe của đơn vị đều hoạt động cầm chừng, liên tục phải nghỉ do dịch.

Đặc biệt khi làn sóng dịch bùng phát lần thứ 4, hầu hết các xe đều hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn trong các dịp cao điểm vận tải như 30/4 - 1/5, 2/9. Xe nghỉ nên hàng loạt lao động, lái xe không có việc làm, không có nguồn thu nhưng mỗi tháng doanh nghiệp vẫn phải chi một khoản không nhỏ để bảo dưỡng phương tiện, bến bãi và nhất là trả lãi ngân hàng.

Còn theo chủ một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến sản lượng và doanh thu của đơn vị giảm hơn 80%, nhiều người lao động không có việc làm. Hầu hết các đầu xe phải ngừng chạy do không có hàng nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ, các loại thuế phí khác.

Dù sắp đến đợt cao điểm vận tải cuối năm dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022 nhưng dự báo nhu cầu đi lại của người dân cũng không tăng nhiều do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hành khách “ngại” sử dụng phương tiện công cộng và đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron.

Theo ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc bến xe Giáp Bát, thành phố Hà Nội cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động bình thường, hành khách không phải xét nghiệm COVID-19 từ ngày 22/10. Tuy nhiên xe về bến mỗi ngày chỉ khoảng 100 lượt, giảm 4 lần so với trước khi có dịch. Trung bình mỗi xe xuất bến chỉ 3 - 5 khách, một số nhà xe vẫn cố bù lỗ để duy trì hoạt động, giữ khách còn đa số dừng chuyến.

Nhiều khó khăn cần được tháo gỡ

Không còn cảnh nhộn nhịp tại các bến xe khách lớn trên địa bàn Hà Nội như Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình trong những ngày cuối tuần. Đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động vận tải đường bộ nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung phải chịu những thiệt hại nặng nề.

thao go kho khan de van tai duong bo thong suot dip cuoi nam hinh 2

Cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải hành khách đường bộ.

Tuy nhiên nhiều nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải cho biết, ngoài những thiệt hại mà dịch bệnh COVID-19 gây ra thì hoạt động vận tải vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn cạn kiệt khi doanh thu gần như không có, giá xăng tăng liên tục đã đẩy các chi phí khác tăng theo, sự xuất hiện của các biến chủng mới và việc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện,...

Thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, cả nước mới có hơn 25.000 phương tiện kinh doanh vận tải hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát theo quy định trên tổng số hơn 200.000 xe phải lắp. Trong khi đó, thời điểm bắt đầu thực hiện xử phạt phương tiện kinh doanh vận tải không lắp đặt camera giám sát chỉ còn khoảng 20 ngày nữa.

Thông tin từ ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cho biết, qua 4 đợt dịch, doanh nghiệp vận tải gần như kiệt quệ, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách bằng ô-tô sụt giảm từ 70 - 80% so với trước khi xuất hiện đại dịch.

Trong khi đó, vận tải hàng hóa cũng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao. Đến thời điểm này, theo báo cáo của các hiệp hội vận tải địa phương, nhiều đơn vị đã tính đến việc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí có đơn vị phải dừng hoạt động.

Về lý do khiến các đơn vị vận tải chần chừ lắp camera giám sát trên xe, theo ông Quyền là bởi băn khoăn lựa chọn thiết bị theo tiêu chuẩn nào để sau này được chấp nhận và không lãng phí. Những băn khoăn này mới phần nào được tháo gỡ khi ngày 4/11/2021 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN13396 (TCVN) về camera giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải, lộ trình thay thế bằng công nghệ 4G.

Bên cạnh đó, thiết bị ghi nhận hình ảnh làm việc của lái xe, với xe khách ghi nhận thêm cửa lên xuống và khoang hành khách. Hình ảnh ghi nhận rõ nét trong mọi điều kiện ánh sáng, kể cả ban đêm và được đính kèm các thông tin: Biển kiểm soát, thông tin lái xe, tọa độ, thời gian.

Còn theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải trong 6 tháng nay hầu như không hoạt động, không có doanh thu để chi các khoản thường xuyên, không có tiền trả lương người lao động, không có tiền đóng bảo hiểm và các loại thuế, phí.

thao go kho khan de van tai duong bo thong suot dip cuoi nam hinh 3

Các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tham gia vào hoạt động khôi phục kinh tế, duy trì chuỗi sản xuất.

Nhưng các nhà xe, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn duy trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và tham gia vào hoạt động khôi phục kinh tế, duy trì chuỗi sản xuất, tạo đà mở cửa lại hoạt động lữ hành, du lịch trong và ngoài nước, nối lại hoạt động logistics để phục vụ xuất nhập khẩu, giúp cho các doanh nghiệp có nguồn thu phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Từ thực tế và các khó khăn nêu trên, Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian xử phạt liên quan đến lắp camera trên phương tiện kinh doanh vận tải từ 6 - 12 tháng tùy thuộc vào kết quả chống dịch để giúp các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn trong thời điểm này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện các doanh nghiệp vận tải đã hoạt động trở lại nhưng không khai thác hết số phương tiện bởi vắng khách, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nếu buộc họ phải lắp camera cho cả những phương tiện không hoạt động thì sẽ rất khó. Vì vậy các cơ quan quản lý cần phải có những giải pháp để làm sao quy định được thực hiện, thể hiện sự nghiêm minh cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn thực sự.

Thế Anh

Bình Luận

Tin khác

Cục Đường cao tốc Việt Nam yêu cầu gì với các trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc?

Cục Đường cao tốc Việt Nam yêu cầu gì với các trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc?

(CLO) Cục Đường cao tốc Việt Nam vừa có văn bản gửi các Ban quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh về việc đảm an toàn giao thông đối với các công trình dừng nghỉ tạm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Giao thông
Đường sắt chạy hàng ngày đôi tàu SPT2/SPT1 tuyến Sài Gòn - Phan Thiết

Đường sắt chạy hàng ngày đôi tàu SPT2/SPT1 tuyến Sài Gòn - Phan Thiết

(CLO) Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ tháng 5/2024, ngành đường sắt chạy hàng ngày đôi tàu SPT2/SPT1 Sài Gòn - Phan Thiết thay vì chạy một số ngày trong tuần như trước, phục vụ nhu cầu hành khách đi lại tăng cao dịp hè.

Giao thông
Hà Nội: Tổ chức giao thông cho phương tiện di chuyển qua nút giao Mai Dịch từ ngày 6/5

Hà Nội: Tổ chức giao thông cho phương tiện di chuyển qua nút giao Mai Dịch từ ngày 6/5

(CLO) Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa có thông báo phân luồng tổ chức giao thông tạm thời cho các phương tiện qua nút giao Mai Dịch từ ngày 6/5 cho đến khi có quyết định bàn giao chính thức.

Giao thông
14,6 tỷ đồng nâng cấp 1,5km đường 'không thể nát hơn' tại Hạ Hòa, Phú Thọ

14,6 tỷ đồng nâng cấp 1,5km đường "không thể nát hơn" tại Hạ Hòa, Phú Thọ

(CLO) Nhiều năm không được nâng cấp, cải tạo, đường huyện 62, đoạn từ Quốc lộ 70B đi xã Gia Điền, thuộc khu 3, xã Phương Viên, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã xuống cấp rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Giao thông
Bỏ cọc đấu giá biển số xe có nguy cơ bị cấm tham gia đấu giá trong 12 tháng

Bỏ cọc đấu giá biển số xe có nguy cơ bị cấm tham gia đấu giá trong 12 tháng

(CLO) Theo đề xuất mới nhất được Bộ Công an xây dựng tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, người trúng đấu giá biển số xe không nộp đủ tiền thì không được nhận lại tiền đặt cọc và bị cấm tham gia đấu giá trong 12 tháng.

Giao thông