Thay đổi mạnh mẽ để tận dụng 'thời cơ vàng' của EVFTA

Thứ hai, 08/06/2020 08:45 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn Chính phủ có những kế hoạch, chiến lược và những thay đổi mạnh mẽ về thể chế sao cho Việt Nam tận dụng được thời cơ vàng khi tham gia vào thị trường Châu Âu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 20/5.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến chiều 20/5.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 9 (đợt 2), sáng nay, Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thảo luận về nội dung này tại kỳ họp thứ 9 (đợt 1), một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội là Việt Nam phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, nắm giữ bạn hàng ở thị trường Châu Âu sau đại dịch Covid-19 kết thúc và khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh - nêu quan điểm: Để gia nhập thị trường Châu Âu, nền kinh tế Việt Nam phải có đủ năng lực đối phó với các nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, ví dụ như là đại dịch toàn cầu Covid-19.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, đại dịch này buộc Việt Nam phải thay đổi phương thức hoạt động kinh tế, tổ chức xã hội về mọi mặt và điểm nổi bật là không được phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ một quốc gia nào về bất cứ lĩnh vực nào.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, thời cơ đang đến nhưng có tận dụng, phát huy để biến thời cơ thành hiện thực hay không là vấn đề của chúng ta. Kinh nghiệm hội nhập kinh tế trong 20 năm qua cho thấy, chúng ta có những ưu điểm nhưng cũng có những điểm yếu trong việc biến thời cơ thành hiện thực.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có chiến lược và kế hoạch cụ thể để toàn xã hội, toàn bộ nền kinh tế, hệ thống chính trị đều phải nỗ lực đóng góp vào việc thực hiện Hiệp định này, nhất là những cam kết và những thời hạn cụ thể.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ phải có kế hoạch và rút kinh nghiệm trong quá trình hội nhập kinh tế suốt 20 năm qua để có những kế hoạch, chiến lược và những thay đổi mạnh mẽ về thể chế sao cho Việt Nam tận dụng được thời cơ vàng khi tham gia vào thị trường Châu Âu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu cũng như thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, cùng với các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc sớm thông qua Hiệp định sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Đó là sẽ thúc đẩy thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu là 41,7 tỷ USD, chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi hiệp định này được ký kết thì các dòng thuế sẽ tiến về 0%, do đó sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có điều kiện đi vào thị trường Châu Âu nhiều hơn.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thu hút được khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký là 370 tỷ USD, nhưng khu vực Châu Âu đến với Việt Nam chỉ mới khoảng 2.500 dự án và số vốn đầu tư còn rất khiêm tốn, khoảng 27,5 tỷ USD.

Cho nên, việc thông qua Hiệp định này sẽ giúp chúng ta có điều kiện tiếp cận được các nhà đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ châu Âu. Hiệp định EVFTA bàn rất nhiều về nội dung phải cải cách thể chế, cho nên sẽ thúc đẩy chúng ta sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, thị trường châu Âu là một thị trường rất "khó tính", GDP bình quân đầu người của châu Âu trên 33.000 USD và thị trường này yêu cầu chất lượng hàng hóa rất cao, cho nên nó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp hơn và hồ sơ, sổ sách cũng minh bạch hơn để chúng ta có thể hưởng được các chế độ thuế quan từ hiệp định này.

Để thực hiện Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng các nước châu Âu hiện nay đang gặp khó trong vấn đề đối phó với đại dịch Covid-19 nên từ tháng 4/2020, Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu rất khó khăn.

Theo đại biểu, trong thời điểm này, chúng ta nên duy trì các mối quan hệ và Chính phủ nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp để duy trì xúc tiến thương mại, có thể thông qua xúc tiến trực tuyến. Dù khó khăn đến đâu đi nữa thì những khách hàng cũ của chúng ta ở tại thị trường Châu Âu phải giữ gìn và phát huy.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh của dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới và đến kinh tế của Việt Nam theo chiều hướng tiêu cực và đứt gãy của các chuỗi cung ứng đã cho thấy chúng ta càng phải tiếp tục, khẩn trương kích hoạt lại nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới.

Đặc biệt là khai thác và phát triển những thị trường tiềm năng, những thị trường có ý nghĩa chiến lược như thị trường của Liên minh Châu Âu. Bởi vì, đây cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các thị trường để tránh sự phụ thuộc vào một số các thị trường nhất định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hiện nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu mặc dù đạt tới 41,3 tỷ USD, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 2% của thị phần tại thị trường của Liên minh Châu Âu. Chúng ta hiện mới được hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chế độ GSP cho khoảng 48% kim ngạch xuất khẩu. Nếu như Việt Nam có được Hiệp định EVFTA thì có tới hơn 99% xuất khẩu của chúng ta sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi 0% trong vòng 7 năm đầu.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, trong chương trình của Chính phủ cần luật hóa, thể chế hóa các quy định để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện tốt các Hiệp định.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có sự đầu tư, nghiên cứu thị trường, tác động giữa thị trường Việt Nam với các thị trường khác, tránh sự lệ thuộc. Bên cạnh đó, các Bộ ngành cần quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực đảm bảo nền kinh tế hội nhập tự lực, tự cường, hội nhập sâu; quan tâm hơn tới các chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác lợi thế, môi trường đầu tư vào EU nhưng vẫn đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, đề thực hiện Hiệp định hiệu quả thì phải có Nghị quyết riêng về vấn đề giải quyết tranh chấp nếu xảy ra kiện tụng về kinh doanh, đầu tư dựa trên căn cứ vào Luật Văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết những vấn đề thực tiễn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Vì vậy, đề nghị các cơ quan cần nghiên cứu thêm về việc này.

T.Toàn

Tin khác

Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm “vũ khí thô sơ”

Bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm “vũ khí thô sơ”

(CLO) Tại Kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Hiện nay, đang có một số nội dung người dân rất quan tâm, đó là bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; bổ sung một số loại vũ khí vào nhóm vũ khí quân dụng.

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030

(CLO) Văn phòng Quốc hội cho biết, theo dự kiến, Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13-15/5/2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội.

Tin tức
Bộ đội Trường Sơn đã chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm

Bộ đội Trường Sơn đã chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm

(CLO) Ngày 12/5, Hội Truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh tỉnh Nam Định tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024).

Tin tức
Cử tri kiến nghị điều chỉnh để tính thuế thu nhập cá nhân lên mức 15 triệu đồng/tháng

Cử tri kiến nghị điều chỉnh để tính thuế thu nhập cá nhân lên mức 15 triệu đồng/tháng

(CLO) Tại buổi tiếp xúc cử tri, các công nhân, người lao động tại Trà Vinh có nhiều ý kiến, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và tỉnh Trà Vinh, chủ yếu tập trung vào vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, chính sách cho người có con nhỏ bị ốm đau, chất lượng bữa ăn cho công nhân…

Tin tức
Cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa

Cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa

(CLO) Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa.

Tin tức