Thung lũng Silicon 'thắt lưng buộc bụng', tìm 'cơ' trong 'nguy'

Thứ năm, 04/06/2020 18:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đại dịch đã giáng một đòn mạnh mẽ lên thủ phủ công nghệ thế giới - Thung lũng Silicon. Nhiều công ty phải 'thắt lưng buộc bụng' tìm cách vượt qua gia đoạn khó khăn.

Thung lũng Silicon ngấm đòn từ đại dịch

Sa thải nhân viên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng rất khó khăn. Nhưng thực hiện việc này qua một cuộc gọi trực tuyến thì tàn nhẫn quá.

Marwan Forzley, lãnh đạo của Veem, một startup có trụ sở tại San Francisco chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho các công ty với mức phí rẻ, cho biết: “Đó không phải là thời điểm, môi trường phù hợp nhất để sa thải một người, khi mà họ đang ngồi ở nhà và có cả trẻ con ở đó nữa”.

Vừa qua, Forzley đã phải cho 30 trong số những nhân viên của mình nghỉ việc. Hành động của Forzley đại diện cho rất nhiều lãnh đạo khác ở Thung lũng Silicon.

Những công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ có lẽ là những người chiến thắng trước đại dịch. Đông đảo cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến của họ trong giai đoạn phong tỏa.

Nhưng rất nhiều startup tại thủ phủ của ngành công nghệ lại đang bị ảnh hưởng. Không ngày nào trôi qua mà không có tin tức về những vụ sa thải hoặc việc chấm dứt hoạt động của các công ty.

Grubhub, một ứng dụng vận chuyển thức ăn. Ảnh: Shutterstock

Grubhub, một ứng dụng vận chuyển thức ăn. Ảnh: Shutterstock

Tuy nhiên, giữa không khí ảm đạm, những quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà khởi nghiệp đã bắt đầu làm những điều mà họ cho là mình làm tốt nhất: dự đoán tương lai qua quả cầu thủy tinh.

Các công ty công nghệ ở California và những nhà đầu tư của họ là một trong những người đầu tiên ở Mỹ nghiêm túc nhìn nhận mối đe dọa của virus Corona.

Một số nhà đầu tư mạo hiểm đã từ chối bắt tay từ đầu tháng hai (họ đã bị cười nhạo vì hành động này). Những nhà quản lý tài chính cũng nhanh chóng “sắp xếp” những công ty trong danh mục của mình dựa trên khả năng tồn tại và những gì các công ty này nên làm.

Đa phần những hành động nên thực hiện là cho nhân viên nghỉ việc. Theo Marco Zappacosta, người điều hành Thumbtack, một sàn giao dịch cho những chuyên gia địa phương từ thợ sửa ống nước đến người huấn luyện chó, cũng là nơi đã cho 250 trong số 900 nhân viên của mình nghỉ, thì “điều gây sốc nhất là cách mọi thứ dịch chuyển nhanh như thế nào”.

Thật khó lòng mà đưa ra con số cuối cùng.

Khi những công ty lớn cắt giảm nhân sự, báo giới lại có cái để đưa tin. Gần đây, Airbnb thông báo rằng họ đã cho 1.900 nhân viên nghỉ việc và Uber cũng hành động tương tự với 3.700 người.

Biểu đồ thể hiện số nhân viên sa thải và startup bị biến mất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Ảnh: layoffs.fyi

Biểu đồ thể hiện số nhân viên sa thải và startup bị biến mất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Ảnh: layoffs.fyi

Layoffs.fyi, một trang web theo dõi tình hình việc làm của ngành công nghệ bằng cách tổng hợp những thông tin đăng trên báo, đã tính được khoảng 17 600 người bị mất việc kể từ giữa tháng Ba. Nhưng trang web này đã chưa tính đến tình hình sa thải nhân viên ở những startup nhỏ hơn.

Dù vẫn nằm dưới mức trung bình của cả nước Mỹ và cái ngưỡng vào kỳ khủng hoảng tài chính năm 2007-09, tình trạng thất nghiệp ở khu vực này đang chầm chậm nhích lên.

Một số nhà đầu tư mạo hiểm dự đoán rằng lực lượng lao động sẽ giảm xuống trung bình khoảng 15%, dẫn đến tổng số lượng việc làm đã mất rơi vào khoảng hơn 125.000 việc làm.

Tuy nhiên, những cư dân của Thung lũng Silicon không phải là những người cứ nhìn mãi về những con số tiêu cực. 

Cuộc khủng hoảng đã giáng một đòn mạnh mẽ lên thủ phủ công nghệ thế giới, nhưng nơi này đã sớm có kế hoạch.

Thắt lưng buộc bụng, tìm "cơ" trong "nguy"

Những nhà đầu tư mạo hiểm đang lùng sục những công ty tiềm năng bị giảm giá trị và cần nguồn vốn mới.

Theo PitchBook, một công ty cung cấp dữ liệu cho hay tình hình đầu tư ở nước Mỹ chỉ giảm 25% so với trước khi đại dịch xảy ra.

Đối với những startup có sẵn tiền mặt, đây là một cơ hội để tận dụng nguồn lực trước những đối thủ yếu hơn.

Ngày 12/05 rộ lên thông tin Uber dần thu hẹp lại nhưng có mảng vận chuyển thức ăn đang phát triển và 9 tỷ USD trong ngân hàng, đang tìm cách mua lại Grubhub, một ứng dụng vận chuyển thức ăn khác.

Vài ngày trước đó, Uber đã rót một vòng vốn trị giá 170.000 đô la Mỹ vào Lime, một startup đang lay lắt hoạt động trong lĩnh vực cho thuê xe máy và xe đạp điện. Sẽ có nhiều phi vụ như thế, song hành là xuất hiện những lời chỉ trích rằng những công ty như Uber đang lợi dụng tình hình dịch bệnh để độc chiếm thị trường.

Uber đã rót một vòng vốn trị giá 170.000 Đô la Mỹ vào Lime. Ảnh: ww01

Uber đã rót một vòng vốn trị giá 170.000 Đô la Mỹ vào Lime. Ảnh: ww01

Những nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon cũng đang cố gắng nắm bắt những cơ hội mới.

Nhiều người nhận ra rằng trọng tâm của ngành công nghệ đã chuyển từ những dịch vụ chủ yếu phục vụ người tiêu dùng và liên quan đến thế giới thực như xe máy điện hay đặt vé trực tuyến, sang những sản phẩm có thể được vận chuyển trực tuyến đến cho các doanh nghiệp, bao gồm những phần mềm được phát triển chuyên biệt trên nền tảng website, hoặc các hạ tầng kỹ thuật số.

Nhiều dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong những tuần gần đây đã và đang nhắm đến những mục tiêu trong ngành kỹ thuật cao, như là Confluent, một công ty quản lý dữ liệu doanh nghiệp. Công ty này đã huy động được 250.000 USD trong tháng Tư.

Những startup trong ngành khám chữa bệnh từ xa hoặc giáo dục trực tuyến cũng đang ăn nên làm ra.

Và việc kinh doanh của một số công ty có vẻ bị ảnh hưởng bởi virus như Veem và Thumbtack cũng đang cải thiện. Các công ty muốn chuyển tiền với giá rẻ và mọi người bị trói chân ở nhà muốn cải tổ lại mái ấm của mình làm gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các công ty địa phương.

Nhìn rộng ra, các cuộc tranh luận hiện đang xoay quanh chủ đề tác động của đại dịch đến Thung lũng Silicon và lớn hơn là đại bộ phận ngành công nghệ.

Cơn khủng hoảng sẽ thúc đẩy những xu hướng hiện tại. Randy Komisar của Kleiner Perkins – một công ty đầu tư mạo hiểm khác cho rằng Thung lũng sẽ tiếp tục bành trướng. Ngay cả trước khi virus ập đến, một cuộc di cư đã diễn ra.

Một cuộc "thiên di" đang diễn ra

Giá bất động sản cao ngất ngưởng, kẹt xe triền miên và một số lượng đáng ngạc nhiên những người vô gia cư đã thúc đẩy người ta rời đi.

Các startup dần chuyển đi hoặc “di chuyển khắp nơi”, nghĩa là chỉ những nhân viên chủ chốt ở lại San Francisco và số còn lại thì làm việc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Sự phân tán này có khả năng sẽ tăng tốc nếu dịch Covid-19 khiến cho việc làm việc từ xa trở thành một chuẩn mực. 

Những công ty lớn của Thung lũng Silicon, bao gồm Facebook và Google, đã để nhân viên làm việc tại nhà cho đến cuối năm. Twitter cho biết họ có thể duy trì việc này vô thời hạn.

Một câu hỏi khác là liệu những công ty đầu tư mạo hiểm, nguồn sống của Thung lũng Silicon, có số hóa và phân tán như vậy không.

Một cuộc thiên di đang diễn ra trong lòng Thung lũng Silicon. Ảnh: Shutterstock

Một cuộc thiên di đang diễn ra trong lòng Thung lũng Silicon. Ảnh: Shutterstock

Một số người hi vọng rằng cuộc khủng hoảng này sẽ phá vỡ thứ mà Pete Flint của Nfx gọi là “thế giới lỗi thời của đầu tư mạo hiểm”.

Vào tháng Tư, công ty của ông đã khởi động một dịch vụ trực tuyến nơi mà các startup có thể đưa vào những thông tin mà nhà đầu tư muốn, từ tiểu sử của nhà sáng lập đến kế hoạch kinh doanh, rồi sau đó nhà đầu tư sẽ quyết định đầu tư hay không trong vòng chín ngày.

Thung lũng Silicon có thể không còn là sự lựa chọn duy nhất khi mà các startup đóng đô ở những địa điểm rẻ.

Frontier là một trong những công ty như vậy. Công ty này đã bí mật chuyển đến Vancouver để xây dựng một sàn giao dịch cho những nhân viên làm việc từ xa. Thị trường này được thiết lập chỉ vài tháng trước khi virus ập đến và vừa đón vòng vốn đầu tiên vài tuần trước.

Elliot O’Connor và những người đồng sáng lập ẩn mình trong một căn hộ Airbnb, dùng DoorDash và những dịch vụ khác để gọi thức ăn. Anh nói rằng mọi thứ cứ như câu chuyện khởi nghiệp từ gara xe nghe rất quen thuộc, nhưng lần này không phải ở trong Thung lũng, mà là ở trong một sản phẩm của Thung lũng.

Mai Bùi

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế