Thuốc lá thế hệ mới: Cấm hay quản đều phải làm ngay, chần chừ là hỏng một thế hệ!

Thứ sáu, 16/12/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thực tế ngày càng nhiều những vụ việc đáng tiếc xảy ra từ hệ lụy thuốc lá thế hệ mới, vấn đề đặt ra là cấm hay quản thì cũng đều là “việc cần làm ngay”.

Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vì các sản phẩm này, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm độc hại tương tự như thuốc lá điếu. Nhiều ý kiến cho rắng không có lý do nào để không cấm thuốc lá thế hệ mới khi mà tác hại của nó là khôn lường. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng cần quản lý chứ không thể cấm đoán, bởi cấm chỉ là phương pháp nửa vời. Tuy nhiên, thực tế ngày càng nhiều những vụ việc đáng tiếc xảy ra từ hệ lụy thuốc lá thế hệ mới, vấn đề đặt ra là cấm hay quản thì cũng đều là “việc cần làm ngay”.

Trào lưu khôn lường

Ngay từ khi mới xuất hiện tại Việt Nam (khoảng năm 2016), với tên gọi mỹ miều “thuốc lá thế hệ mới” đã nhanh chóng mê hoặc được một bộ phận không nhỏ giới trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… và giờ đây sau chỉ 5,6 năm, đã trở thành một trào lưu thời thượng tại khắp các tỉnh, thành địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là trong học sinh, sinh viên, giới trẻ. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh/thành phố, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần, còn nữ tăng 10 lần. Xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

thuoc la the he moi cam hay quan deu phai lam ngay chan chu la hong mot the he hinh 1

Điều trớ trêu là dù được quảng cáo là một giải pháp hữu hiệu thay thế thuốc lá truyền thống, không gây nghiện, không độc hại, hương thơm dễ chịu, không gây hôi miệng… nhưng thực tế cho thấy, thuốc lá thế hệ mới không những không giúp cai thuốc lá mà còn có thể gây nghiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại khôn lường cho sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc lá điện tử giúp cai thuốc, ngược lại còn có nguy cơ làm cho người sử dụng lại thuốc lá thông thường cao hơn hoặc sử dụng cả hai loại, thuốc lá thông thường và thuốc lá điện tử nhiều hơn. Các tổ chức chống thuốc lá như: Tổ chức HealthBrigde Canada toàn cầu, Tổ chức Vì trẻ em không khói thuốc (Campaign for Tobacco-Free Kids) hay Liên minh quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi (The Union) đều cho rằng thuốc lá thế hệ mới độc hại tương tự như thuốc lá điếu, thậm chí còn có hàm lượng nicotin gây nghiện hơn so với thuốc lá điếu.

Ghi nhận chỉ riêng tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, gần như tuần nào cũng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử vào điều trị. Thậm chí có nhiều ca bệnh gặp di chứng nặng nề, tổn thương não... “Nam sinh 12 tuổi ngộ độc thuốc lá điện tử, Thiếu nữ suýt chết sau hút thuốc lá điện tử”… chỉ là vài trong vô số những cái tin tương tự như thế xuất hiện ngày càng dày đặc trên mặt báo thời gian qua. Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cảnh báo, các loại thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và nhiều chất độc hại khác là chất gây nghiện cao, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc và gây ung thư...

“Thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, shisha cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, nhất là các hậu quả về sức khỏe thế hệ trẻ”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cảnh báo.

Đáng quan ngại hơn nữa, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chủ yếu nhắm tới giới trẻ bằng cách thiết kế sản phẩm hiện đại, bắt mắt, đa dạng kiểu dáng kích thước, cùng nhiều hương vị khác nhau nên dễ dàng tiếp cận người dùng qua việc quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội.

Cấm hay quản?

Hiện nay, đang tồn tại hai luồng “ứng xử” với loại hình thuốc lá thế hệ mới. Một luồng ý kiến thì cho rằng nên cấm và cấm là phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện WHO ở Việt Nam, hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. Do đó, sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phải không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường. WHO cũng khuyến cáo duy trì và tăng cường các quy định về cấm nhập khẩu và bán thuốc lá điện tử để ngăn sử dụng, chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.

thuoc la the he moi cam hay quan deu phai lam ngay chan chu la hong mot the he hinh 2

Cùng chung quan điểm, tại hội thảo Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam ngày 23/11 vừa qua, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: “Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ”.

Bà Trang cũng cho rằng quy định cấm phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội. Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.

Tại Australia, nicotine nằm trong danh mục “chất độc dược” và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đồng thời Bộ Y tế nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên các căn cứ khoa học, điều kiện thực tế của Việt Nam. Vì thế, không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe, các nguy cơ, tác hại lâu dài còn chưa được nhận biết bởi việc thí điểm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) gây tốn kém thêm ngân sách, giảm thu thuế, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa đủ điều kiện kỹ thuật để thực hiện trong khi sản phẩm này chỉ gây hại. Bên cạnh đó, việc cho phép thêm thuốc lá mới là đi ngược với nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia lại cho rằng trước nhu cầu thực tế của xã hội, cần quản lý chứ không thể cấm đoán, bởi cấm chỉ là phương pháp nửa vời. Tham mưu cho Bộ Công Thương và Chính phủ về vấn đề quản lý, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nêu rõ: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là những sản phẩm công nghệ và trong tương lai với những thay đổi của khoa học thì có thể sẽ còn những sản phẩm thuốc lá mới khác. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà sẽ quản lý với những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn báo chí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần phải có hành lang pháp lý, có quy định quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới và khi có quy định rồi cũng phải xác định ngay đấy là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Điều đó là cần thiết để giúp cơ quan chức năng như cơ quan Quản lý Thị trường, Công an… xử lý các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới. Bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, nhiều quốc gia không cấm triệt để hoặc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng vì “nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì sẽ phát sinh thị trường chợ đen”. Do đó, nhiều nước chỉ đặt ra quy định cấm đối tượng tiếp cận, cấm thành phần có khả năng thu hút giới trẻ và quy định giám sát các nhà sản xuất.

Càng chần chừ, càng phân vân sẽ càng tạo nên nhiều rủi ro khó lường

Trong khi những tranh cãi cấm hay quản còn chưa bớt “nóng” thì ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia lại cho rằng, cần nhanh chóng có câu trả lời cho việc quản lý thuốc lá thế hệ mới, việc quản lý sớm là cần thiết đồng thời cảnh báo tình trạng buông lỏng này sẽ chỉ để lại những “di chứng” đáng kể, ảnh hưởng đến chính người hút thuốc và cộng đồng. Từ cách đây vài năm, đã có nhiều hội thảo khoa học diễn ra xoay quanh vấn đề giảm thiểu tác hại của thuốc lá thế hệ mới; các biện pháp quản lý phù hợp cho thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đang ngày càng gia tăng hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn dừng lại ở thể chờ đợi và tranh cãi.

thuoc la the he moi cam hay quan deu phai lam ngay chan chu la hong mot the he hinh 3

Và theo nhiều chuyên gia, càng chần chừ, càng do dự sẽ càng tạo nên nhiều rủi ro khó lường. Các cơ quan ban ngành liên quan vẫn chờ “luật” để quản lý, người có nhu cầu trong khi chờ đợi để tiếp cận được sản phẩm chính danh thì mò mẫm tìm đến với thị trường “chợ đen” với các sản phẩm trôi nổi không được kiểm soát cả về chất lượng và giá cả.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội thì cho rằng, việc tăng cường quản lý Nhà nước về thuốc lá thế hệ mới là hết sức cần thiết. Các Bộ có liên quan cần khẩn trương rà soát các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để trình Chính phủ sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp.

“Trước hết là Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ có liên quan sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá” - ông Ngọc đề xuất.

Đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, ông Nguyễn Triết – Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng, Việt Nam là nước đang phát triển, đang từng bước hội nhập với thế giới. Trong quá trình giao thương, thương mại hóa tự do với các nước trên thế giới, thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hình thức như buôn lậu, xách tay. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng đối với mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng.

Trước sự phổ biến của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường chợ đen suốt nhiều năm qua, việc cần thiết phải sớm quản lý ngay mặt hàng này là không cần bàn cãi. Theo đó, để sớm quản lý được mặt hàng này, việc vận dụng các hệ thống pháp luật hiện có là điều cần thiết. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ là công cụ hữu ích để đưa các sản phẩm này vào khuôn khổ pháp lý, bởi vì các sản phẩm thuốc lá đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Đây cũng là điều mà những người hút thuốc, cộng đồng, cơ quan ban ngành liên quan chờ đợi trong suốt nhiều năm qua, đồng thời năng lực kiểm soát thuốc lá của quốc gia theo khuyến khích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng được tăng cường triệt để hơn.

Thực tế cuộc sống với ngày càng nhiều những hệ lụy đáng tiếc từ việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới cho thấy mọi sự chần chừ đều là góp tay vào thực trạng tồi tệ này. Cấm hay quản, quản như thế nào đều là những giải pháp cần được nghiên cứu thấu đáo, kể cả việc nên học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới. Thế nên, trong câu chuyện thuốc lá thế hệ mới, dù là quản hay cấm thì cũng rất cần “nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ”. Chậm, chần chừ, lưỡng lự hoàn toàn có thể gây hại cả một thế hệ.

Hà Trang

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn