Tranh chấp ca khúc "Bi vọng ca" hay chuyện tình đời nghệ sĩ

Thứ sáu, 03/04/2015 10:00 AM - 0 Trả lời

Tranh chấp ca khúc "Bi vọng ca" hay chuyện tình đời nghệ sĩ

Sự kiện: ca khúc

(Congluan.vn) - Xoay quanh vụ tranh chấp ca khúc "Bi vọng ca" thật sự không có gì ngoài chuyện: Trước khi tranh chấp, đã có một "Bi vọng ca" trọn vẹn hay chưa và nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh có nhờ (hoặc đồng ý) để nhà báo Nguyễn Thanh Bình phổ nhạc hay không?...
 
 
 
Báo Công luận 
 
Căn gác trên đường Yên Bái – Đà Nẵng, theo nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, đây là nơi bắt đầu và còn giữ nhiều tư liệu về ca khúc Bi vọng ca. 
 
Nhân vật trong Bi vọng ca là có thật?
 
Một lần nữa khi PV đặt lại vấn đề trên, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh khẳng định: "Như tôi đã nói rõ trên một số báo chí, đó là ca khúc tôi sáng tác từ năm 16 tuổi, là một trong 3 ca khúc Kỷ niệm xanh, Năm tháng cuộc đời vẫn như xưaBi vọng ca tặng cho một người bạn gái. Việc riêng tư nhưng vì sự cố tranh chấp và có khả năng dẫn ra tòa án, tôi đành phải nói. Đó là cô gái tên L. nhà ở trên đường Yên Bái - Đà Nẵng. Ngày tôi còn ở Đà Nẵng, đây cũng là nơi nhiều bạn bè lui tới mỗi mùa hè hay mùa xuân, khi đó chúng tôi là những sinh viên đi học xa nhà trở về! Và giữa tất cả là tình bạn thân tình, quý mến trên bước đường đời từ thuở đôi mươi ấy cho đến giờ!
 
Tôi có quyền viết nhạc khúc tặng cho bạn tôi không? Và tôi có quyền lên tiếng bảo vệ tác phẩm đó - cho dù nó vô danh, khi có nguy cơ bị xâm phạm, bị cướp mất bản quyền không? Tôi nghĩ bất cứ ai, đã có danh hay vô danh, đều có quyền làm điều chính đáng đó nếu có bằng chứng! Còn chuyện một ca khúc hay hoặc dở là còn tùy gu thưởng thức, tùy tâm lý của người nghe và đánh giá trong những hoàn cảnh khác nhau. Tôi chưa bao giờ nghĩ Bi vọng ca là một ca khúc hay! Vào năm tôi 16 tuổi, vừa tiếp xúc học đàn guitare, với những rung động tinh khôi tình yêu đầu đời tôi chỉ viết được như thế thôi! Nó có thể là một nhạc khúc không hay nhưng mãi mãi là một kỷ niệm đẹp"!
 
Trước câu hỏi: Trước “Còn lại gì cho nhau”, “Bi vọng ca” đã hoàn chỉnh hay dang dở? Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho PV biết: - “Tôi không bao giờ chủ động nhờ nhà báo Nguyễn Thanh Bình phổ nhạc bài Bi vọng ca, bởi nó không phải là một bài thơ mà đã là một bài hát. Đương nhiên! Việc anh Bình và bạn bè ngồi nghe tôi hát và tự đệm guitare Bi vọng ca trong quán cà phê Phong Nguyệt (154 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) đã nói lên việc hoàn chỉnh của một ca khúc. Không hoàn chỉnh thì không thể đệm hay hát được. Lẽ nữa, tôi cũng không bao giờ muốn nhờ anh Bình chỉnh sửa nhạc của mình vì tôi cũng như rất nhiều người chưa bao giờ nghe một ca khúc sáng tác nào của anh Bình. Đến sự cố vừa rồi nhiều bạn bè còn ngớ ra, gọi điện hỏi nhau “ông Bình này là ai? Tại sao xưng danh là một nhà báo mà lại đi sửa nhạc?”. Đó là những chuyện vô lý và buồn cười mà ai cũng thấy ngượng khi buộc phải chạm tới sự thật! Thường, một kẻ viết chỉ nhờ những nghệ sĩ nổi tiếng, ít nhất, có những ca khúc, những tác phẩm mình thích, đồng điệu để xem lại bài chứ ai lại nhờ một người vô danh, không tên tuổi? Thành thử, anh Bình thích thì anh cứ làm thôi! Nói tôi đồng ý hay không đồng ý cũng rất vô lý vì chuyện tác phẩm phải có bằng chứng. Tôi biết anh ta làm gì mà có ý kiến?".
 
Về những e-mail mà nhà báo Nguyễn Thanh Bình đưa ra, Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: - “Nó chứng minh được việc gì ngoài chuyện đây là một bằng chứng thuyết phục là anh Bình chỉ chỉnh sửa ca khúc Bi vọng ca của tôi? Nếu nói tôi không gửi mail, mà anh tự tìm thấy phần ca từ Bi vọng ca trên website cá nhân tôi, thích quá, phổ nhạc luôn thì có lý! Đằng này, anh ta nói tôi gửi thì có nghĩa anh Bình chỉ có thể chỉnh sửa ca khúc của tôi, của một bài hát đã viết từ trước đó! Đây là bằng chứng e-mail đã chuyển cho anh Bình hệ thống ca từ của một bài hát, chứ không phải bài thơ! Tôi có xem cái e-mail anh Bình trưng ra, vào ngày 15/11/2012 với nội dung: “Hi, em nhờ anh Bình xem lại bài hát này”. Rõ ràng là bài hát chứ không phải bài thơ! Nhưng tôi vẫn xác định là tôi không gửi mail nhờ anh ta phổ nhạc cả! Nếu có thì đây là mail anh Bình cài bẫy! Bởi lẽ phần ca từ bài hát tôi để công khai trên website cá nhân. Ai cũng có thể vào xem! Anh Bình đã có ý đồ, có chủ đích khi cố cài cắm, tạo ra các bằng chứng, tình huống giả để đoạt lấy ca khúc của tôi"!
 
Trả lời PV về e-mail ngày 22/11/2012, nhà báo Thanh Bình đã viết: “Hi Minh, như đã hứa, anh đã phổ xong Bi vọng ca. Gởi lại Minh như một kỷ niệm! Chúc Minh vui!”. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: - "Điều đó có nghĩa là hoàn thành ca khúc như kỷ niệm với Minh. Không có dòng nào đả động về bản quyền, tác quyền! Nhưng sau đó thì hoàn toàn ngược lại! Âm thầm đổi tên ca khúc từ Bi vọng ca thành Còn lại gì cho nhau! Tự để tên mình như người sáng tác duy nhất phần nhạc. (!) Tự đem bài hát đi nhờ nhạc sĩ mix, phối, nhờ ca sĩ thu âm như chính mình là tác giả vậy! Rồi tự tung lên Youtube, tự đặt mọi chuyện vào việc đã rồi, và nghĩ ra những bằng chứng hòng lấy được bài hát. Tối ngày 29.3 khi đang công tác ở Đà Nẵng, tôi tình cờ vào mạng thì thấy dưới ca khúc Còn lại gì cho nhau (mà thực ra là bài hát Bi vọng ca của tôi) ngoài phần nhạc ghi là Nguyễn Thanh Bình thì cả phần lời cũng tự biên tự diễn là Nguyễn Thanh Bình – Nguyễn Hữu Hồng Minh. Trong khi thực sự chỉ cần bạn so sánh lời ca khúc của bài hát và hệ thống ca từ tôi để trên website thì giống nhau 99 %. Tôi thực sự thất vọng!
 
Tôi có hai lần gọi điện cho anh Bình để làm sáng tỏ điều này thì cả hai lần anh ta đều lấp liếm đe dọa, hỏi tôi là có biết anh ta là ai không? Anh ta là nhà báo và quen với rất nhiều báo chí (!?). Thật là kỳ cục! Tôi rất ngạc nhiên! Từ sáng tạo, viết nên một ca khúc đến việc góp ý, hoàn thiện một bài hát là hoàn toàn khác nhau. Tôi đã viết và thu nhiều bài hát của chính mình. Chỉ chỉnh sửa vài nốt nhạc và tìm cách đảo lộn một vài ca từ ngớ ngẩn, vô thưởng vô phạt cho có “dấu ấn” của mình hòng tước đoạt đi một tác phẩm của người khác là một việc không thể chấp nhận được!”.

Những nhân chứng mới xung quanh bài hát
 
Thử tìm về nguồn gốc ban đầu của bài hát. Dựa theo lời nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nói ca khúc Bi vọng ca đã được anh viết từ thời còn rất trẻ và đã từng hát cho nhiều bạn bè nghe thời sinh viên. Xác minh điều này, PV đã liên lạc với một số người, trong đó có họa sĩ – nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn (Đà Nẵng). Anh Tấn thừa nhận đã biết Hồng Minh viết và nghe Minh hát bài Bi vọng ca với nhiều bạn bè từ thời sinh viên, nghĩa là năm 1994, khi các anh học chung với nhau khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM. Tuy nhiên, vì lâu quá nên anh không nhớ hết được bài hát cũng như giai điệu của nó.
 
Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh còn cho biết, anh đã biểu diễn 2 lần Bi vọng ca với nhiều người xem. Đó là 2 buổi giao lưu với các bạn sinh viên khoa Triết học ngày 20/1/2013 tại Đại học Quốc gia TP.HCM, và chương trình ra mắt tác phẩm Người ăn bóng, tập truyện ngắn của anh ngày 19/9/2013 tại số 220/58 Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM.
 
Báo Công luận 
 
Buổi giao lưu với các bạn sinh viên khoa Triết học ngày 20/1/2013 tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh ôm đàn, ca sĩ Diên An đứng cạnh (Ảnh do bạn Cao Anh Đào cung cấp).
 
Bạn Cao Anh Đào - Ủy viên BCH Đoàn khoa Triết học, ĐHQG TP.HCM - người phụ trách tổ chức buổi giao lưu có chủ đề "Thơ, cảm xúc và suy tưởng" ngày 20/1/2013 cho biết: "Buổi văn nghệ có nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà thơ Kiên Giang, Miên Du, nhà nghiên cứu nghệ thuật La Thành Vinh, ca sĩ Diên An… cùng với hơn 30 sinh viên khoa Triết. Hôm đó nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vừa ôm đàn vừa hát Bi vọng ca khi giới thiệu các sáng tác của anh cũng như minh họa một chủ đề câu chuyện triết học…”.
 
Bạn Anh Đào còn cho biết thêm: "Gần đây theo dõi và thật bất ngờ trước tranh chấp bản quyền bài hát. Nhưng em khẳng định khi nghe ca sĩ Dzoãn Minh trình bày Còn lại gì cho nhau em đã nhớ ngay bài này chính là ca khúc Bi vọng ca của anh Nguyễn Hữu Hồng Minh trình diễn trong chương trình giao lưu. Trươc đó rất lâu, trong những lần gặp gỡ, em cũng đã từng nghe anh Minh hát bài này khi có yêu cầu của bạn bè văn nghệ. Em không thiên vị ai nhưng em tin bài hát Bi vọng ca là của anh Minh. Anh ấy là một nhà thơ có tên tuổi, một người đa tài. Anh đã từng viết rất nhiều ca khúc của riêng mình rồi mà…".
 
Phân tích chuyên môn âm nhạc và người trong giới văn nghệ nói gì?
 
Trong một bài viết gần đây của nhạc sĩ Trần Minh Phi đăng trên mạng có phân tích về vụ việc (xin phép trích nguyên văn): "Theo tôi, để giải quyết vấn đề bản quyền một cách khoa học và có văn hóa nên căn cứ vào chính bài hát đó.
 
Sau khi nghe đoạn điệp khúc của NHHM (nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh - PV) và NTB (nhà báo Nguyễn Thanh Bình - PV) trên báo Thể thao & văn hoá (tiếc là không phải toàn bài), ta rất dễ nhận thấy có 2 kết luận dưới góc độ đơn thuần về học thuật:
 
1 - Hai đoạn điệp khúc này có hướng phát triển các tuyến giai điệu theo một đồ thị như nhau và hoàn toàn giống nhau ở câu kết: “Bi vọng thế!”. Tuy nhiên, về mặt chi tiết thì có một số nốt khác nhau trên cái sườn chung. Giai điệu của NHHM đơn sơ và bản năng, còn giai điệu của NTB cầu kỳ và mang tư duy hòa âm kỹ lưỡng. Điều này cho thấy NTB đã công phu dụng công rất kỹ để mài dũa giai điệu còn ngô nghê của NHHM trở nên có đẳng cấp hơn, nhưng rõ ràng và không thể phủ nhận là nó sinh ra từ chất liệu của NHHM. Nhìn tổng thể sự đóng góp của 2 tác giả này, chúng ta thấy hợp tình hợp lý nhất là cả 2 là đồng tác giả phần nhạc.
 
Như thế, Bi vọng ca nên ghi tên bản quyền thế này: Nhạc: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thanh Bình. Lời: Nguyễn Hữu Hồng Minh. Như thế ¾ bài hát là của NHHM nhưng cái phần hoàn thiện âm nhạc lại thuộc về NTB.
 
2 - Xét toàn ca khúc do ca sĩ Dzõan Minh thể hiện thì đây là một bài hát không tồi nhưng cũng không có gì nổi bật. Đúng như NHHM có phát biểu trên báo: “Giai điệu đó mình nghe nếu tách ra từng phần nghe nó quen lắm, chẳng có gì phát triển ghê gớm đâu, nó cũng bình thường thôi.”...
 
Nhạc sĩ Trần Minh Phi còn cho biết trong bài viết, anh đã sửa bài nhạc cho rất nhiều người nhưng anh khá khiêm tốn ở chỗ "dù có can thiệp chỉ vài nốt hoặc dăm ba ca từ cho đến cả đổ hết công sức cho gần như cả bài, tôi cũng chưa bao giờ đề nghị được đứng tên chung vì nghĩ đó là sự tự nguyện giúp đỡ của mình. Tất nhiên, nếu tác giả chủ động đề nghị được đứng tên chung, tôi sẽ suy nghĩ lại". Và, "Tuy nhiên, tôi vẫn có niềm vui và tự hào riêng của mình là khi tình cờ nghe một số bài hát mà tôi đã có phần ít nhiều chấp bút vang lên trong đời sống, mặc dù không có tên tôi, nhưng lòng tôi tự biết mình thế là đủ rồi".
 
Trao đổi với PV xung quanh vấn đề trên, đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy, cho biết: Khi nghe nhiều nhạc phẩm do Minh đàn và hát mang đậm dấu ấn, phong cách Nguyễn Hữu Hồng Minh. Trong số các ca khúc của Nguyễn Hữu Hồng Minh ông có nghe Bi vọng ca.
 
Báo Công luận 
 
Diễn viên - ca sĩ Mai Lâm và đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy trong buổi giới thiệu tác phẩm mới của Nguyễn Hữu Hồng Minh có hát Bi Vọng Ca (Ảnh TFS)
 
Theo ông, nhiều nghệ sỹ đa tài vẫn có thể có tác phẩm hay trong nhiều lĩnh vực. Trong văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới hiện vẫn xảy ra hiện tượng đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo tranh, đạo đồ cổ, đạo cả bản vẽ kiến trúc, đồ hoạ. Đó là thực tế nên ta có thể xem chuyện "ăn cắp văn chương" chẳng có gì lạ.
 
"Thế nhưng theo tôi thấy ít tác giả nào chịu khó kiện thưa. Vừa mất thời gian, vừa phải ra toà và tốn tiền mướn luật sư tranh tụng. Văn nghệ sỹ nước ta nói chung đều nghèo! Nhưng mỗi tác phẩm vốn có đời sống riêng sau khi công bố công khai. Số phận tác phẩm đôi khi không thuộc tác giả sản sinh ra nó. Có điều khi nghệ sỹ đã định vị phong cách riêng thì không ai có thể bắt chước, sao chép nguyên xi như thật mà không để lại tì vết, sai sót. Những gì công bố sau đương nhiên được xem là đồ giả" - Đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy nêu quan điểm.
 
Ông còn nhấn mạnh: "Việc gì tôi phải chứng minh đó là tác phẩm của tôi nhỉ?... Nhưng thời nay bất cứ nhạc sỹ nào muốn phổ thơ ai đó cũng phải có chữ ký của tác giả bài thơ - Luật bản quyền. Những trao đổi qua Facebook không thể xem là chữ ký tác giả bài thơ. Bởi lẽ trong giới văn nghệ chuyên nghiệp, chuyện biên tập, góp ý, gợi ý giữa các văn hữu, bạn bè là bình thường và xưa nay trong giới hình như tôi chưa thấy có ai nhận những biên tập, góp ý, thậm chí sửa chữa ấy là tác phẩm chính mình"...
 
Ngoài ra, đạo diễn - nhà văn Lê Văn Duy còn bày tỏ kiến giải: "Chẳng nên kiện thưa vớ vẩn. Ta sáng tác từ những gì xuất hiện trong đầu óc, tâm hồn và trái tim ta thì chẳng ai có thể xông vào ăn cắp được nhỉ? Không ai đánh giá nghệ sỹ chỉ qua một tác phẩm duy nhất. Dân Sài Gòn vẫn thường nói: "Thôi. Bỏ đi Tám"!
 
Nghi vấn Bi vọng ca rút khỏi dự án CD âm nhạc? 
 
Trước thông tin ca khúc Bi vọng ca sẽ rút khỏi dự án CD âm nhạc của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và ca sĩ Khánh Loan, dư luận cho rằng: Nếu tác phẩm đó của Nguyễn Hữu Hồng Minh thì cớ gì phải rút?!
 
Qua trao đổi với nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và ca sĩ Khánh Loan, được biết, dự án CD âm nhạc “Những tình khúc Bi vọng ca” của tác giả Nguyễn Hữu Hồng Minh và ca sĩ Khánh Loan bắt đầu từ tháng 11/2013 và dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2014. Tuy nhiên, vì diễn ra sự cố tranh chấp bản quyền bài hát nên có nhiều thay đổi. “Sự việc phức tạp không ngờ làm tôi mất cảm hứng và đau đầu. Trong khi tìm cách để chứng minh ca khúc của mình thì tôi cũng đã đánh mất rất nhiều bạn bè” - nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thừa nhận "Đó thực thụ là nỗi buồn!”.
 
Báo Công luận 
 
Ca sĩ Khánh Loan
 
Ca sĩ Khánh Loan cho biết, để tiến đến thực hiện CD "Những tình khúc Bi vọng ca" này, giữa cô và Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có một tình bạn gần 10 năm. “Anh Minh là người nổi tiếng trong giới nghệ thuật, có nhiều tác phẩm đã xuất bản, nhất là ở lĩnh vực Thi ca. Nhưng ít ai biết anh cũng là người sáng tác nhạc từ rất sớm. Tôi tin với khả năng của anh ấy cũng chẳng cần phải lấy hay sử dụng tác phẩm của ai. Tôi cũng đã nghe anh Minh nói đến Bi vọng ca từ rất lâu, những khi hai anh em nói chuyện về âm nhạc và nghệ thuật. Nhà báo Nguyễn Thanh Bình tôi cũng từng có dịp làm việc với anh ấy. Cũng là một người tốt. Nên chăng, hai anh ngồi lại với nhau để đi đến những quyết định cuối cùng về Bi vọng ca. Bởi quan trọng nhất, là một ca khúc hay thì phải đến được với ca sĩ và qua họ lan truyền tới khán giả. Nếu chấm dứt số phận của ca khúc này ở đây thì thật tiếc!...”.
 
Ca sĩ Khánh Loan còn cho biết thêm: “Khi anh Minh và tôi bàn đến việc chọn tên cho CD những tình khúc của anh, với Bi vọng ca, tôi đã lưu ý với anh rằng chữ nghĩa khó nói, nếu để Bi vọng ca cho album đầu tay liệu có suôn sẻ?! Anh Minh có nói với tôi là sẽ để thời gian nghĩ lại việc này! Ai ngờ chỉ một tuần sau đó đã xảy ra những chuyện trên báo chí!...”.
 
Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: -“Nếu tôi bỏ Bi vọng ca ra khỏi dự án thì CD sẽ mang tên mới Còn lại tình yêu, một tình khúc mới của tôi! Và như Khánh Loan nói, để mọi việc liệu có suôn sẻ, vẫn hơn là ngay từ khởi đầu đã Bi vọng! Hoàn toàn không có chuyện bởi vì nó thuộc bản quyền của người khác. Mọi việc có thể vẫn sẽ được tiếp tục làm rõ nếu dẫn tới một phiên tòa về tác quyền và bản quyền”.
 
Nhóm PV-VH
 

Tin khác

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa
Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

Bảo tàng tỉnh Gia Lai tiếp nhận hơn 200 kỷ vật của Anh hùng Núp

(CLO) Việc trao tặng những kỷ vật của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện vô cùng thú vị về một người con ưu tú của các dân tộc Tây Nguyên.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama tái hiện sinh động, hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ

(CLO) Bức tranh panorama được vẽ bằng chất liệu sơn dầu với chiều dài 132m, cao 20,5 m, đường kính 42 m (tổng diện tích 3.225 m2) đã tái hiện hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng, đầy máu xương mà ông cha đã hi sinh để giành lại độc lập dân tộc.

Đời sống văn hóa
Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

Khẳng định công lao của Giáo sư Đào Duy Anh đối với cách mạng và nền học thuật Việt Nam

(CLO) Ngày 28/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo “Giáo sư Đào Duy Anh: Từ chiến sĩ cách mạng đến học giả uyên bác” nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024).

Đời sống văn hóa