Trí tuệ nhân tạo: Phía sau sự hào nhoáng là một thế giới bóc lột ghê tởm

Thứ ba, 05/09/2023 15:47 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ theo cấp số nhân. Tuy nhiên, ít người biết rằng phía sau hình ảnh “hào nhoáng” và những thuật toán “kỳ diệu” của AI là một thực trạng bóc lột sức lao động rẻ rúm và ghê tởm trong ngành công nghệ này.

Dưới lớp kính bóng loáng của các mẫu iPhone trước đây của Apple, bạn có thể đã tìm thấy coban - loại khoáng chất có màu xanh lam được mệnh danh là "kim cương máu của pin" - được khai thác bởi lao động trẻ em ở CHDC Congo.

tri tue nhan tao phia sau su hao nhoang la mot the gioi boc lot ghe tom hinh 1

Kibera, khu ổ chuột lớn nhất ở châu Phi, nơi công ty 'outsource' Sama thuê công nhân để huấn luyện cho các thuật toán của OpenAI!. Ảnh: TIME

Sau báo cáo về hoạt động khai thác phi đạo đức của Tổ chức Ân xá Quốc tế vào năm 2016 và các bài viết vạch trần sự thật của Sky News vào năm 2017, Apple đã đình chỉ việc sử dụng coban khai thác thủ công.

Tuy nhiên, theo các bài báo trên tờ New Yorker vào năm 2021, “sau khi sự chú ý của giới truyền thông giảm bớt, hoạt động này vẫn tiếp tục”, có thể thông qua một bên cung cấp thứ ba, như tại Trung Quốc chẳng hạn. Apple không phải là công ty công nghệ duy nhất dính líu đến những hành vi như vậy. Trong nhiều trường hợp, vẻ bề ngoài hào nhoáng của công nghệ lại ẩn chứa sự bóc lột ghê tởm bên dưới.

Sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo và các mô hình ngôn ngữ lớn trong những năm gần đây cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hôm cuối tháng 8 vừa rồi, tờ Washington Post đã công bố một cuộc điều tra về “xưởng kỹ thuật số” của Philippines, nơi công nhân được thuê huấn luyện các mô hình AI với mức lương thường thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trong các cuộc phỏng vấn với 36 nhân viên làm việc tự do hiện tại và trước đây của công ty Scal AI, công ty đã cung cấp dịch vụ cho Meta, Microsoft, OpenAI…, tờ Washington Post nhận thấy các khoản thanh toán thường xuyên bị trì hoãn hoặc hủy bỏ.

Paul, một trong những công nhân, nói: “Lợi nhuận cho tất cả những việc này, tôi biết là rất lớn… Nhưng không có khoản nào trong số đó rơi vào túi chúng tôi”.

Theo các chuyên gia, mặc dù AI thường được coi là công nghệ học máy không cần con người, nhưng công nghệ này thực sự vẫn dựa vào nhiều lao động chân tay, phần lớn ở các quốc gia còn khó khăn ở Nam Bán cầu và thường bị bóc lột.

Một phóng viên của TIME đã tìm hiểu trong một thời gian dài để khám phá những mối quan hệ bóc lột này là Billy Perrigo. Bài điều tra vạch trần vấn nạn này của ông có tên “Inside Facebook's African Sweatshop”, tạm dịch là “Bên trong xưởng bóc lột sức lao động của Facebook ở châu Phi”, đã dẫn đến một vụ kiện đang diễn ra đối với Facebook ở Kenya.

Bài viết gây chấn động trong ngành công nghệ này đã đề cập về cách “OpenAI sử dụng công nhân Kenya với mức lương dưới 2 USD mỗi giờ để làm cho ChatGPT”. Bài báo của Perrigo, đang được đề cử cho nhiều giải thưởng báo chí, giống như việc lật một tảng đá lát đá cẩm thạch hào nhoáng ở Thung lũng Silicon lên để tìm ra những hành vi bẩn thỉu ẩn giấu bên dưới.

Dưới đây là bài phỏng vấn đáng suy ngẫm của tổ chức nghiên cứu báo chí Colombia Journalism Review (CJR) với nhà báo Billy Perrigo về câu chuyện này:

CJR: Đầu năm nay, ông đã báo cáo về cách OpenAI dựa vào các công nhân Kenya được trả từ 1,32 đến 2 USD một giờ để làm việc cho ChatGPT. Ông có thể nói thêm về bài báo đó và cách ông vạch trần vấn nạn này trên các trang báo không?

Billy Perrigo: Điều quan trọng về bài báo này là nó thực sự không phải là câu chuyện đầu tiên tôi viết về công ty được đề cập (công ty Sama). Trước đây tôi đã xuất bản một bài báo về việc chính công ty gia công này (outsourcer) từng được thuê để kiểm duyệt nội dung độc hại cho Facebook theo cách gần như tương tự.

Về cơ bản, những nhân viên được trả lương thấp này phải đọc những tài liệu tồi tệ nhất mà bạn có thể tưởng tượng, để những người còn lại trong chúng ta không phải nhìn thấy nó. Sau khi bài báo đó được xuất bản, tôi biết rằng OpenAI cũng từng là khách hàng.

tri tue nhan tao phia sau su hao nhoang la mot the gioi boc lot ghe tom hinh 2

Trụ sở công ty Sama ở Kenya. Ảnh: Time

Điều này xảy ra trong bối cảnh thế giới rất ngạc nhiên về các mô hình ngôn ngữ lớn, nhưng tôi đã làm quen với GPT-3 trong một thời gian dài và cảm nhận được sự bùng nổ đó sẽ đến. Khi tôi đang thực hiện bài báo, OpenAI đã phát hành ChatGPT và đột nhiên cả thế giới biết đến công nghệ này, mà trong đó công ty gia công Sama đã góp phần giúp OpenAI tạo dựng nên nó.

Nhiệm vụ của những công nhân này là đọc các đoạn văn bản và phân loại chúng theo mức độ độc hại khác nhau, bao gồm bạo lực và lạm dụng tình dục. Bởi vì OpenAI không muốn chatbot của họ bị lạm dụng tình dục hoặc gây hận thù.

Các công nhân làm công việc này đã nói gì với ông về ảnh hưởng của những thông tin độc hại đối với họ?

Tất cả họ đều nói rằng công việc về cơ bản khá đau thương. Tôi đã từng nói chuyện với những người kiểm duyệt nội dung trên Facebook, những người đang xem hình ảnh và video "rác rưởi" có thể gây ra nhiều tổn thương tinh thần cho họ.

Một ngày nọ, một trong những nguồn tin của tôi nói với ngụ ý rằng: “Bạn đang đọc nội dung này, ngày này qua ngày khác, trong nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng, nó thấm vào não bạn và bạn không thể loạt bỏ nó ra". Tôi đã thấy nhiều ví dụ về các loại văn bản ghê tởm mà họ phải đọc hàng ngày.

Ông đã nói cách Facebook cũng từng thuê công ty Sama để huấn luyện các thuật toán của mình nhằm lọc ra nội dung độc hại và nhơ bẩn. Và cuộc điều tra của ông cho thấy những người lao động - được trả trung bình 1,5 đô la một giờ - bị tổn thương và không được bảo vệ. Ông có thể nói về việc các ông lớn công nghệ dựa vào chuỗi cung ứng lao động khổng lồ này như thế nào, điều thường bị thiếu trong bài báo, hay không?

Phần lớn các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon đều nói rằng công nghệ mà họ đang xây dựng rất sáng bóng, sạch sẽ... Nhưng sự thực là khi nhìn vào chuỗi cung ứng của họ, cho dù đó là chuỗi cung ứng dữ liệu hay nguyên liệu thô, bức tranh đó sẽ nhanh chóng sụp đổ.

tri tue nhan tao phia sau su hao nhoang la mot the gioi boc lot ghe tom hinh 3

Phía sau những công nghệ hào nhoáng của ChatGPT là một thực trạng bóc lột sức lao động ghê tởm. Ảnh: GI

Giống như việc xây dựng mạng xã hội, chúng ta đã biết từ lâu rằng AI cũng không thể thực hiện công việc duy trì nguồn cấp dữ liệu mà không có những chất liệu nghiệt ngã nhất mà chủ yếu dựa vào con người, những công nhân làm thuê. Ngay cả khi các công ty này đang sử dụng AI để giảm số lượng người làm việc đó, thì cũng không có công cụ AI nào có thể thực hiện những công việc đòi hỏi cấp độ của con người.

OpenAI gần đây nói rằng GPT-4 thực sự có thể kiểm duyệt nội dung ở mức độ gần giống như con người. Nếu được xác nhận, thì nó thực sự là một tin khá tốt. Nhưng sau đó bạn sẽ đặt câu hỏi rằng vậy rút cuộc sự đổi mới công nghệ đó mang lại lợi ích cho ai?

Vậy theo cách nào đó, thì đây có phải là một hình thức chủ nghĩa thực dân mới hay không?

Tôi không nói rằng đó nhất thiết là một hình thức chủ nghĩa thực dân mới, nhưng hình thức này chắc chắn được hưởng lợi từ sự bất bình đẳng quyền lực và từ sự bóc lột giống như những câu chuyện trong lịch sử. Công nghệ này sẽ tận thu của cải và quyền lực nhiều hơn là phân phát chúng.

Trong bài báo của mình, ông nói rằng những người công nhân không chỉ bị sang chấn tâm lý (PTSD) mà sinh kế của họ cũng đang bị đe dọa khi họ lên tiếng. Là một nhà báo, ông làm thế nào để điều giải quyết vấn đề nhạy cảm này?

Đối với bài viết về Facebook, chúng tôi đã làm việc với một nhóm bảo vệ người tố cáo có tên là Signals Network, một nhóm rất tuyệt vời. Họ đã kết nối Daniel Motaung, người tố cáo, với một nhà trị liệu. Đó là nơi anh ấy được chẩn đoán mắc PTSD, anh ấy thực sự chưa bao giờ nhận được chẩn đoán như vậy trước đây.

Chỉ cần tương tác với anh ấy là rất rõ ràng rằng anh ấy không ở trạng thái tốt. Chúng tôi đã ẩn danh tất cả các nguồn tin khác trong bài báo đó. Bởi vì bạn nói đúng, việc nói ra sẽ có những hậu quả đáng kể. Nhưng khi bạn quá nghèo khó và yếu thế so với những ông chủ giàu có, thì bạn không có gì để mất.

Từ khi Elon Musk tiếp quản Twitter vào năm ngoái, MXH này đã quay lưng lại với việc kiểm duyệt nội dung, với các nghiên cứu cho thấy rằng lời nói căm thù đã tăng vọt trên nền tảng này kể từ đó. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?

Rõ ràng là sự việc đó đến rất đúng thời điểm. Nó cho thấy, chúng ta không chỉ đang sống trong một thế giới đầy rẫy thông tin sai lệch, mà còn đầy sự quấy rối, giả mạo và lạm dụng trên quy mô lớn.

Chúng ta cũng đang sống trong một môi trường truyền thông ngày càng rạn nứt, trong đó ngay cả khi chưa có AI, thì các tổ chức tin tức truyền thống cũng đã phải vật lộn về kinh tế để tồn tại rồi. Vì vậy, kiểm duyệt nội dung không phải là chuyện nhỏ, nó liên quan tới tất cả chúng ta.

OpenAI và các nhà cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn khác đã học được nhiều bài học mà các công ty truyền thông xã hội đã không chú ý đến trong 10 năm đầu đời của họ. OpenAI đã đúng khi cố gắng xây dựng những biện pháp ngăn chặn các thông tin độc hại. Song thật đáng tiếc khi công việc đó lại đang được xử lý bởi những người lao động nghèo khó và được trả với mức lương mạt hạng ở các quốc gia đang phát triển.

Hoàng Hải (theo Time, Washington Post, CJR)

Bình Luận

Tin khác

Google tìm cách ngăn vụ kiện độc quyền 17 tỷ USD ở Vương quốc Anh

Google tìm cách ngăn vụ kiện độc quyền 17 tỷ USD ở Vương quốc Anh

(CLO) Alphabet, công ty mẹ của Google, đang yêu cầu tòa án London, Vương quốc Anh ngăn chặn một vụ kiện hàng loạt cáo buộc họ lạm dụng sự thống trị của mình trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Báo chí - Công nghệ
TikTok kiện lệnh bán hoặc cấm ứng dụng ở Mỹ

TikTok kiện lệnh bán hoặc cấm ứng dụng ở Mỹ

(CLO) TikTok và công ty mẹ ByteDance đã kiện lên tòa án Mỹ vào thứ Ba (7/5) nhằm tìm cách ngăn chặn một đạo luật buộc ByteDance phải bán ứng dụng video này hoặc bị cấm ở Mỹ.

Báo chí - Công nghệ
Loạt ảnh đoạt giải Pulitzer của AP làm nổi bật nỗi thống khổ của dòng người di cư

Loạt ảnh đoạt giải Pulitzer của AP làm nổi bật nỗi thống khổ của dòng người di cư

(CLO) Loạt ảnh của hãng thông tấn Associated Press (AP) đã đoạt giải Pulitzer 2024 ở hạng mục ảnh chuyên đề vào hôm 6/5, nhờ mang đầy tính nhân văn khi làm nổi bật nỗi thống khổ của dòng người di cư chưa từng có trên toàn cầu vào năm 2023.

Báo chí - Công nghệ
Giải báo chí Pulitzer 2024 vinh danh những câu chuyện về cuộc chiến ở Gaza

Giải báo chí Pulitzer 2024 vinh danh những câu chuyện về cuộc chiến ở Gaza

(CLO) Các giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer 2024 đã được công bố vào thứ Hai (6/5). Báo New York Times và hãng tin Reuters đã được vinh danh ở các hạng mục quan trọng với những bài báo liên quan đến cuộc chiến nóng bỏng giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Báo chí - Công nghệ
TikTok bất ổn ở Mỹ, các mạng xã hội tận dụng thời cơ thu hút quảng cáo

TikTok bất ổn ở Mỹ, các mạng xã hội tận dụng thời cơ thu hút quảng cáo

(CLO) Khi thể loại video dạng ngắn đang chiếm vị trí trung tâm của các mạng xã hội, những nền tảng như Facebook và Snap đang tìm cách tận dụng sự bất ổn của TikTok ở Mỹ để lôi kéo nhà quảng cáo từ đối thủ.

Báo chí - Công nghệ