Chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững

Việt Nam đang thiếu “kiến trúc sư” tạo nền móng cho tăng trưởng xanh

Thứ bảy, 10/02/2024 09:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Về lợi thế, toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ đang rất quyết liệt trong vấn đề chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, Việt Nam đang chưa có “kiến trúc sư chính” thiết kế nền móng cho mô hình này.

Bài liên quan

Trong vài năm gần đây, Việt Nam thể hiện rất nhiều quyết tâm trong việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, nhằm thực hiện các cam kết về Net Zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh: Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

viet nam dang thieu kien truc su tao nen mong cho tang truong xanh hinh 1

+ Vì sao Việt Nam cần phải chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh như một yếu tố “sống còn”, thưa ông?

- Tôi cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới và Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó. Có thể thấy rằng, nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình tăng trưởng xanh từ rất lâu và họ đã tạo ra được thành quả rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Không ở đâu xa, Singapore chính là ví dụ điển hình trong việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Quay trở lại Việt Nam, nếu chúng ta không chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, thay vào đó vẫn giữ mô hình tăng trưởng cũ, tức là nền kinh tế chỉ chú trọng mở rộng, không chú trọng đến năng suất, Việt Nam sẽ bị “hụt hơi” so với thế giới.

Ví dụ, trước đây Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ, tuy nhiên lợi thế này hiện đã không còn. Do đó, trong thời gian tới, rất có thể các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển sang các nước khác có nhân công giá rẻ hơn, như Bangladesh chẳng hạn.

Tương tự, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM luôn xảy ra tình trạng tắc đường, không khí thì ô nhiễm. Rõ ràng, khi các đô thị của chúng ta không phải là một nơi đáng sống, thì rất khó thu hút được các nhà đầu tư. Do đó, chúng ta cần phải có giải pháp không thì nền kinh tế Việt Nam khó có thể “cất cánh” được.

Ngược lại, nếu Việt Nam quyết tâm chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, chú trọng vào quá trình phát triển bền vững, tức là vừa phát triển kinh tế vừa hài hòa với thiên nhiên môi trường, chú trọng tới năng suất, chắc chắn đây sẽ là “điểm nhấn” của kinh tế Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam có nhiều lợi thế về các Hiệp định thương mại (FTA), tuy nhiên, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Úc,... đều rất chú trọng vào các chỉ tiêu xanh, sản phẩm xanh, hàng hóa xanh. Nếu chúng ta chậm chân thay đổi, có thể Việt Nam sẽ mất đi các “bạn hàng” lớn.

Trước những thực tế này, tôi cho rằng tăng trưởng xanh là con đường Việt Nam cần phải làm và phải làm nhanh để bắt kịp với thế giới.

+ Ông đánh giá thế vào về triển vọng và cả những thuận lợi, hạn chế của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh?

- Mặc dù xuất phát điểm của Việt Nam có phần chậm hơn so với một số “siêu cường” kinh tế thế giới nhưng chưa muộn. Từ khi đổi mới tới nay, kinh tế Việt Nam đã có bước nhảy vọt đáng ngưỡng mộ, từ một quốc gia kém phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, với tốc độ tăng trưởng tăng ổn định qua nhiều năm. Điều này khiến nhiều quốc gia kém phát triển hơn phải học hỏi kinh nghiệm.

Tương tự, việc Việt Nam thể hiện quyết tâm chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, tăng trưởng xanh cũng đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Riêng trong khu vực Đông Nam Á, nếu không tính Singapore thì Việt Nam chính là “ngọn cờ đầu” trong quá trình chuyển đổi này.

Về lợi thế, toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ đang rất quyết liệt trong vấn đề chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương cũng rất lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.

Tôi đã có rất nhiều dịp trao đổi với nhiều giới chức, chuyên gia nước ngoài về vấn đề này, họ đều rất ấn tượng và không nghĩ Việt Nam lại quyết liệt như thế. Nhiều nước “nằm mơ” cũng không được.

Cũng chính vì quyết tâm của Việt Nam, chúng ta có một lợi thế khác đó là nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nước ngoài về cả nguồn lực lẫn vật lực.

Tuy nhiên, đi đôi với những lợi thế vẫn còn đó những hạn chế. Theo tôi, hạn chế lớn nhất của chúng ta trong quá trình chuyển đổi đó là chưa có “kiến trúc sư” chính thiết kế nền móng cho tăng trưởng xanh.

Thẳng thắn mà nói, Việt Nam rất quyết tâm, điều này được minh chứng bằng nhiều công văn, chỉ thị được ban hành trong thời gian ngắn. Nhưng, quá trình tổ chức thực hiện cho tăng trưởng xanh vẫn còn chậm.

Bên cạnh đó, pháp lý của Việt Nam vẫn còn phức tạp, điều này sẽ ảnh hưởng tâm lý không nhỏ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm con đường tăng trưởng bền vững.

viet nam dang thieu kien truc su tao nen mong cho tang truong xanh hinh 2

PGS.TS Vũ Minh Khương.

+ Vậy để Việt Nam có thể hanh thông chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?

- Như đã chia sẻ, hạn chế lớn nhất của chúng ta là chưa có “kiến trúc sư” tạo nền móng cho tăng trưởng xanh, hay nói cách khác cách tổ chức thực hiện của chúng ta vẫn còn chậm. Vì vậy, để tiến đến tăng trưởng xanh, Việt Nam cần tìm được vị “kiến trúc sư” này.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và các giải pháp tăng trưởng xanh ở nước ngoài, hoặc phối hợp, liên kết với các chuyên gia trong và nước ngoài, nhất là các quốc gia hàng đầu về lĩnh vực này như Singapore để tìm kiếm giải pháp phù hợp với Việt Nam.

Trong khoảng thời gian chờ đợi đó, Việt Nam cần phải làm ngay đó là xây dựng các tiêu chí, các cam kết của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải ra môi trường.

Ví dụ, với các doanh nghiệp sản xuất thép, họ cần phải cam kết “giấy trắng mực đen” lộ trình giảm phát thải, năm nay giảm bao nhiêu, năm sau giảm bao nhiêu,... Nếu doanh nghiệp thực hiện được thì thưởng, không thực hiện được thì tùy từng mức độ mà có các biện pháp nhắc nhở, khắc phục, thậm chí là xử phạt.

Điều này có thể tạo ra một cuộc chạy đua trong việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh ngay từ chính các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quá trình tăng trưởng xanh cần phải chú trọng vào vấn đề ý thức của người dân. Nếu chúng ta cứ hô hào tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, nhưng từ “tế bào” nhỏ nhất là người dân vẫn vứt rác thải bừa bãi, thì đâu thể gọi là kinh tế xanh. Do đó, Việt Nam cần bắt đầu từ thứ nhỏ nhất, chính là tạo ra cuộc cách mạng từ chính ý thức của người dân, như một dạng bình dân học vụ.

Tại Singapore, lãnh đạo của họ có chính sách rất hay đó là tạo ra các tọa đàm với sinh viên, để lắng nghe ý kiến, đề xuất của những người trẻ, những người sẽ là “chủ nhân” tương lai của đất nước. Những đề xuất hay, mới mẻ có tính ứng dụng cao, Singapore sẽ thử nghiệm luôn.

+ Như ông chia sẻ, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài, nhất là Singapore trong tăng trưởng xanh. Vậy, chúng ta cần học hỏi họ ở điểm gì?

- Thành công của nền kinh tế Singapore đều bắt nguồn từ 3 chữ “C”, nhưng theo tôi quan trọng nhất là “Concept” (ý tưởng) và các thực hiện concept về tăng trưởng xanh.

Chúng ta có thể học tập họ ở lĩnh vực đó. Vì Việt Nam lớn hơn Singapore rất nhiều ở góc độ diện tích lẫn dân số, một gia đình 2 con thống nhất 1 quan điểm đã khó, huống chi nhà nhiều con còn khó hơn. Nhưng, nếu chúng ta có concept hay, táo bạo cộng thêm sự quyết tâm của Việt Nam, có thể sẽ thực hiện được.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Hoàng Anh (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải đường Vành đai 3 TP.HCM chậm tiến độ

(CLO) Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua thành phố có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 6,25%

Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 6,25%

(CLO) Mặc dù chưa thể hồi phục về quy mô bình thường nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh trong tháng 4/2024 đã tăng 6,25% so với cùng kỳ.

Kinh tế vĩ mô
Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

Mục tiêu tới năm 2030, thu nhập bình quân của người dân Đông Nam Bộ đạt 16.000 USD/năm

(CLO) Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kinh tế vĩ mô
Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục rót vốn vào tỉnh Bắc Ninh hơn 100 dự án, đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Kinh tế vĩ mô
Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

(CLO) Theo ADB, dân số châu Á đang già đi nhanh chóng. Vì vậy, các quốc gia châu Á cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân già đi một cách lành mạnh.

Kinh tế vĩ mô