Vượt “sóng cả”, đảm bảo thu ngân sách nhà nước năm 2023 để phát triển đất nước

Thứ năm, 02/03/2023 09:35 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Cả một thập kỷ vừa qua, nhờ vào quá trình thu - chi hợp lý và hiệu quả, ngân sách nhà nước tăng đều mỗi năm và luôn vượt dự toán do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, thu ngân sách của Việt Nam đã tăng từ 740.500 tỷ đồng lên 1,8 triệu tỷ đồng, tức là tăng 2,5 lần. Thậm chí, trong giai đoạn 2022, kinh tế thế giới và cả Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, song ngân sách Việt Nam đã thay đổi ngoạn mục từ “bội chi” sang “thặng dư” ngân sách.

Điều này có được một phần là do quy mô nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc, nhưng không thể phủ nhận, ngành Tài chính đã đưa ra nhiều chính sách mới, phù hợp với thời cuộc để đảm bảo không bị thất thoát ngân sách.

vuot song ca dam bao thu ngan sach nha nuoc nam 2023 de phat trien dat nuoc hinh 1

Các cú “sốc” liên hoàn

Trước khi bước vào năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 34 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với mục tiêu thu ngân sách nhà nước khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 57.000 tỷ đồng so với năm 2021, mức tăng tương ứng khoảng 4,2%.

Nhưng ngay từ đầu năm 2022, trong khi đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát, các xung đột địa chính trị trên thế giới, nhất là cuộc chiến giữa Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022 đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị rung lắc dữ dội.

Trong trao đổi mới đây với Báo Nhà báo & Công luận, ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận 2022 là một năm khó khăn đối với ngành Tài chính khi thực hiện nhiệm vụ thu - chi ngân sách theo dự toán của Quốc hội đề ra.

Ông Phớc cho biết, ngoài các yếu tố dịch bệnh hay xung đột địa chính trị, kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn khác, như chính sách kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng.

Hoặc, lạm phát “bùng nổ”, nhiều quốc gia đã điều chỉnh tăng lãi suất, từ đó tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, tạo áp lực lên tỷ giá và hoạt động xuất nhập của Việt Nam.

Hiện nay, dòng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngân sách nhà nước. Vì vậy, các tác động xấu ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu đều có thể khiến ngân sách sụt giảm.

Ngoài các yếu tố trên, ông Phớc cho hay, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục và tăng trưởng, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tài khóa, giảm thuế, miễn thuế cho một số lĩnh vực, như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% để kích cầu thị trường tiêu dùng, miễn giảm thuế đất, giảm 50% lệ phí trước bạ,...

Trên lý thuyết, các  chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sẽ ảnh hưởng tới việc dòng thu ngân sách, thế nhưng kết quả năm 2022 lại cho thấy ngược lại.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2022, thu ngân sách đạt 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 27,8% so với dự toán của Quốc hội là 1,4 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, ngân sách Việt Nam trong năm 2022 có thặng dư khoảng 220.000 tỷ đồng.

“Việc ngân sách có thặng dư đã đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ nguồn lực chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, các chính sách an sinh xã hội mà không phải tăng bội chi ngân sách”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Điều gì đã giúp ngân sách từ “bội chi” sang “thặng dư”

Tiết lộ thành quả, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, ngay từ đầu năm ngoái, ngành Tài chính đã chủ động nỗ lực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, tập trung nguồn lực cho Chương trình phục hồi và giảm bội chi ngân sách.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các luật thu, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản,...

Trong các giải pháp này, có 3 giải pháp đã mang tăng dòng thu ngân sách đột biến. Cụ thể, việc đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã giúp nguồn thu ngân sách tăng thêm 41.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so với năm 2021.

Tiếp đến, trong năm đã bắt giữ, xử lý trên 16.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan; kiến nghị xử lý tài chính gần 73.000 tỷ đồng. Trong đó thu nộp ngân sách 21.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, thành tựu hiệu quả nhất đó là việc vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3.440 tỷ đồng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao các giải pháp điều hành thu - chi ngân sách của Bộ Tài chính trong năm 2022, nhất là việc Bộ đã thực hiện được mục tiêu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix, Facebook, Google hay Tik tok chịu đăng ký và nộp thuế tại Việt Nam.

“Những năm trước đây, quá trình truy thu thuế của các nhà cung cấp nước ngoài rất khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là các đơn vị này có văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng không phải là tổ chức kinh doanh, thương mại nên rất khó quản lý. Do đó, kết quả của năm 2022 là một thành tựu rất lớn của ngành Tài chính”, ông Thịnh nói.

Vàng tiếp tục được “thử lửa”

Năm 2023, Quốc hội dự toán thu ngân sách khoảng 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã có nhiều chủ trương mới, như nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững.

Bộ Tài chính cũng tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý, giám sát tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia kinh tế đánh giá: Nhiệm vụ thu - chi ngân sách trong năm 2023 vẫn sẽ vượt dự toán. Nhưng về trung và dài hạn cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để chống lãng phí, thất thu thuế nhà nước.

Nhận định này hoàn toàn khả thi, bởi số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy: Trong tháng 2/2022, tổng thu ngân sách ước đạt 124.600 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, tổng thu đạt 362.300 tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, việc thu ngân sách trong năm 2023 sẽ khó khăn hơn rất nhiều, do các khoản thu mang tính đột biến giống như năm 2022 sẽ không còn nữa.

“Năm 2022 có nhiều khoản thu đột biến khiến ngân sách tăng lên như truy thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài chẳng hạn. Đến năm 2023 thì dòng thu này không còn mang tính đột biến nữa, do đó việc đảm bảo ổn định thu ngân sách và vượt dự toán sẽ khó khăn”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng vẫn có những cơ hội. Đơn cử, như việc Trung Quốc đã bước vào giai đoạn bình thường mới, hoạt động thương mại với Việt Nam cũng mở cửa hoàn toàn.

“Trung Quốc là một thị trường lớn, là đối tác rất lớn đối với các lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu và cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam. Do đó, Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện thu ngân sách và giảm bội chi ngân sách. Nhưng để làm được điều này, mọi cán bộ của ngành tài chính phải “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, giữ vững lập trường do Quốc hội, Chính phủ và cả Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra”, ông Thịnh nói.

Vào năm 2017, Bộ Tài chính đã có “slogan” liên quan tới chính sách thu ngân sách, đó là “khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc”, cắt, giảm và gia hạn thời gian nộp hàng loạt các sắc thuế, khoản thu ngân sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành kinh tế, tạo động lực và sức bật dậy cho các doanh nghiệp trước sự suy thoái của kinh tế thế giới.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh ủng hộ đưa đề xuất này áp dụng vào năm 2023, bởi kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đang rất cần có thêm chính sách hỗ trợ để bứt phá.

“Việc giảm thuế, giãn thuế sẽ không làm thất thu ngân sách, vì sớm muộn gì doanh nghiệp vẫn sẽ nộp. Nhưng việc giãn thuế, giảm thuế sẽ giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tăng tốc. Khi doanh nghiệp phục hồi, kinh tế bứt phá, thì ngân sách cũng sẽ tăng theo lẽ tự nhiên”, ông Thịnh nói.

Theo ý kiến chuyên gia, việc đảm bảo thu ngân sách luôn vượt dự toán, kết hợp với việc chi ngân sách hiệu quả đã giúp Việt Nam đủ “tiềm lực” để vượt qua đại dịch COVID-19.Điều này được chứng minh bằng việc, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý chi hơn 45.100 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2021) từ ngân sách để mua vắc-xin ngừa COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân, cũng như trang trả cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, một phần ngân sách tương ứng 28.900 tỷ đồng cũng được dành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nhờ đó, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hồi phục rất nhanh, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng kỷ lục của năm 2022 với GDP tăng 8,02%.

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

(CLO) Tiếp tục chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số nước châu Âu, trong chương trình công tác tại Hà Lan, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với một số doanh nghiệp của Vương quốc Hà Lan.

Kinh tế vĩ mô
Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô