Xây dựng hệ giá trị quốc gia: Sợi dây vô hình gắn kết hàng triệu người con đất Việt

Thứ sáu, 25/11/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới có vai trò quan trọng để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh’’. Trong mỗi một bước chuyển của dân tộc đòi hỏi có một hệ giá trị nhằm định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới có vai trò quan trọng để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Xây dựng hệ giá trị quốc gia thời kỳ mới

Trong Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021 đã định hướng rất rõ việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng và đích đến của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Năm 2021, tại Hội Nghị Văn hóa toàn Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, hệ thống, khái quát và định hướng khá rõ về những nội dung cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm. Đây cũng không phải là vấn đề hoàn toàn mới, bởi Bác Hồ cũng như Đảng ta đã nhiều lần đề cập đến trong các văn kiện, nghị quyết… Nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, Đại hội VIII (1996) Đảng ta đã yêu cầu phải: “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998) cũng đã yêu cầu: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội…

Đại hội X của Đảng (năm 2005) nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức với bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”. Đại hội XI của Đảng yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng đầu tiên phải thực hiện là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Đại hội XII của Đảng (2016) cũng yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa trước đây, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

xay dung he gia tri quoc gia soi day vo hinh gan ket hang trieu nguoi con dat viet hinh 1

Thực hiện tốt 4 hệ giá trị này góp phần quan trọng trong việc chấn hưng văn hóa và xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh: dangcongsan.vn

Như vậy, quá trình nhận thức về xây dựng hệ giá trị đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VIII và liên tục được khẳng định, tiếp nối, bổ sung và hoàn thiện từng bước. Đến Đại hội XIII, những vấn đề này đã được Đảng ta đề cập ở tầm nhận thức mới. Nghị quyết Đại hội XIII nói về định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình..., coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Định hướng này rất phù hợp với tư tưởng chỉ đạo Đại hội XIII. Trong tư tưởng Đại hội XIII có nhấn mạnh là phải phát huy cho được tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh giá trị văn hóa và giá trị con người Việt Nam, xem đó như là động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng những hệ giá trị này có ý nghĩa đầu tiên đó là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trực tiếp cho sự phát triển đất nước.

Việc xây dựng 4 hệ giá trị này sẽ tạo ra một cơ sở rất vững chắc để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc xây dựng được 4 hệ giá trị này thì văn hóa sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của đất nước trên con đường phát triển. Và chính những hệ giá trị này sẽ tạo nên tầm vóc của văn hóa, để văn hóa có thể thực sự “soi đường cho quốc dân đi”.

Tự tin hội nhập bằng bản lĩnh văn hóa dân tộc kết tinh từ các giá trị phù hợp với thời đại

Hệ giá trị quốc gia - một vấn đề tưởng vĩ mô nhưng thực ra lại rất bình dị, là sợi dây vô hình gắn kết hàng triệu người con đất Việt. Một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam nhưng chiến thắng nhiều kẻ thù mạnh hơn mình trong lịch sử của đất nước. Nguyên nhân không gì khác bởi cả dân tộc chung một ý chí, chung một khát vọng tự do hòa bình. Đó cũng chính là biểu hiện sinh động nhất của hệ giá trị quốc gia.

Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phát triển, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia sau hơn 25 năm nghiên cứu, hoàn thiện qua nhiều kỳ đại hội. Ngay từ Đại hội lần thứ 8 năm 1996, khi đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đảng đã đặt ra vấn đề phải hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới, phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại. Trải qua hơn 25 năm, những nghiên cứu đúc rút về hệ giá trị quốc gia được thực hiện qua hàng chục công trình nghiên cứu lớn và tổng kết qua các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt, đến Đại hội XIII, khái niệm hệ giá trị quốc gia chính thức được xác định, như một trong 4 hệ giá trị quan trọng nhất.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết 9 giá trị tiêu biểu của hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, giá trị được đặt lên đầu tiên là hòa bình. Bởi cùng với độc lập, thống nhất, đây là những giá trị thiêng liêng nhất, là khát vọng muôn đời của cả dân tộc Việt Nam.

Không chỉ đúc rút từ trong quá khứ mà hệ giá trị quốc gia, hay nói chính xác là hệ giá trị quốc gia dân tộc, còn là hệ giá trị lý tưởng, nó có ý nghĩa định hướng hoạt động của con người nói chung. Bằng hai vế ý nghĩa như vậy từ bản chất của giá trị, hệ giá trị quốc gia dân tộc được chúng ta đánh thức vào thời điểm này là vô cùng có ý nghĩa để đạt được mục đích Đại hội XIII ghi rõ đến năm 2030 – 2045 và xa hơn”, GS.TS Hồ Sĩ Quý - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ.

“Khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam có ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm. Dù ở lúc hòa bình thì vẫn mong cuộc sống đó được kéo dài, làm sao để bền vững”, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Khi chiến tranh đi qua, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển và hội nhập, tất yếu sẽ hình thành những giá trị mới của quốc gia. Đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đến nay, khát vọng đó càng mạnh mẽ, thôi thúc hơn bao giờ hết. Đó là nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, từ người nông dân đến tri thức trẻ, để Việt Nam giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với Việt Nam, dân giàu là gắn với cả vật chất và tinh thần, là gắn với xóa bỏ bình đẳng, đảm bảo an sinh xã hội để mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả của phát triển chứ không dành riêng cho nhóm người nào. Dân giàu phải gắn liền với khát vọng cống hiến để phát triển đất nước hùng mạnh. Có thể thấy, một nền tảng xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến hệ thống lý luận của Đảng về hệ giá trị, đó là tinh thần vì dân.

Dân quyền được tôn trọng, dân quốc được đánh thức thì toàn bộ ý chí và sức mạnh dân tộc được vươn lên. Trong giai đoạn tới, từ nay cho đến giai đoạn 2030 – 2045, tất cả sức mạnh của quốc tế, của thời đại có thể được tích lũy và tập hợp trên cơ sở phát huy sức mạnh của dân. Khi tất cả sức mạnh tổng hợp của nhân dân được nhân lên, tích hợp lại thì mới tạo thành sức mạnh to lớn để đạt được mục tiêu kỳ vọng đặt ra vào năm 2030 – 2045”, TS. Hồ Sĩ Quý nói thêm.

Dân giàu nước mạnh phải dựa trên nền tảng của dân chủ, công bằng và văn minh. Đích đến cuối cùng là hạnh phúc. Đây là những giá trị mới mang tính thời đại, cần các nhà nghiên cứu, tầng lớp nhân dân phân tích, hoàn thiện để sớm đi đến thống nhất. Sắp tới đây, hội thảo quốc gia bàn về nội dung này sẽ được tổ chức. Hệ giá trị quốc gia chính là hồn cốt văn hóa, âm thầm chảy trong trái tim, suy nghĩ của mỗi chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng nhận diện, gọi đúng tên, đánh thức và cùng nhau thắp lửa cho những giá trị ấy.

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan liên quan phối hợp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh vào 29/11.

Hội thảo sẽ tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc; hệ giá trị văn hóa: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; hệ giá trị gia đình: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; hệ giá trị con người: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…

Đồng thời, xác định những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc nghiên cứu, xác định và tổ chức thực hiện các hệ giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội thảo cũng xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 90 tham luận của các tác giả với các góc độ tiếp cận, kiến giải khác nhau nhưng về cơ bản thống nhất nêu bật các thành tố căn bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn