Ấn Độ, kinh tế phát triển và những nghịch lý xã hội

Thứ hai, 15/08/2022 20:28 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ấn Độ kỷ niệm 75 năm ngày độc lập vào thứ Hai (15/8/1947 - 15/8/2022) với tăng trưởng dự kiến hơn 7% trong năm nay, cũng như đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, thật nghịch lý khi mà phần đông dân số Ấn Độ vẫn chưa thực sự thoát nghèo!

Nền kinh tế vươn lên thứ 5 thế giới

Theo thống kê mới nhất vào năm 2022, Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP danh nghĩa đạt 3.534 tỷ USD. Họ chỉ còn đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, dù rằng chỉ một thập kỷ trước nước này thậm chí còn không nằm trong top 10.

Nhà kinh tế trưởng Chetan Ahya của Morgan Stanley cho biết: “Nền kinh tế Ấn Độ đã vận hành rất tốt trong hơn một thập kỷ qua và thậm chí sự dồn nén sau đại dịch đang được giải phóng mạnh mẽ”.

an do kinh te phat trien va nhung nghich ly xa hoi hinh 1

Một tỷ lệ lớn người dân Ấn Độ vẫn phải lam lũ làm việc mưu sinh dù đang sống ở nền kinh tế thứ 5 thế giới! Ảnh: AFP

an do kinh te phat trien va nhung nghich ly xa hoi hinh 2

Nghịch lý còn nằm ở chỗ dù nền kinh tế phát triển mạnh, song còn rất nhiều người trẻ Ấn Độ không có việc làm. Ảnh: AP

an do kinh te phat trien va nhung nghich ly xa hoi hinh 3

Nhiều người dân Ấn Độ đang kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi tập trung vào xóa đói giảm nghèo. Ảnh: AP

Có thể nói, Ấn Độ đang trải qua một cuộc chuyển đổi lớn từ tình trạng nghèo khó vào năm 1947, khi thuộc địa Ấn Độ của Anh trở thành hai quốc gia độc lập mới - Ấn Độ và Pakistan. Song thực ra, những tiến bộ kinh tế diễn ra rất chậm chạp trong những thập kỷ đầu sau khi độc lập, tụt hậu đáng kể so với tốc độ mở rộng của Đông Á.

Một phần nguyên nhân là do Ấn Độ chỉ bắt đầu chấm dứt nền kinh tế kế hoạch kiểu Liên Xô để mở cửa với thế giới bên ngoài vào năm 1991. Có nghĩa rằng, nền kinh tế thị trường tự do của Ấn Độ chỉ diễn ra sau hơn một thập kỷ kể từ khi Trung Quốc đã vươn lên như “công xưởng của thế giới” nhờ đầu tư công nghệ cao và cơ sở hạ tầng tiên tiến.

Trong nỗ lực bám đuổi, Ấn Độ đã đạt được những bước tiến lớn, tạo ra một ngành công nghiệp gia công phần mềm hàng đầu, in đậm quốc gia này trên bản đồ thương mại toàn cầu. Lĩnh vực CNTT của Ấn Độ đã tăng gấp đôi quy mô chỉ trong một thập kỷ qua. Với dân số 1,4 tỷ người, nước này đã cung cấp nửa triệu kỹ sư và công nhân phần mềm mới mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của phương Tây. Ấn Độ cũng đã trở thành nhà cung cấp thuốc gốc lớn nhất trên toàn cầu và thị trường hàng không của nước này là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.

Các công ty khởi nghiệp đã phát triển mạnh và Ấn Độ có ít nhất 100 công ty tư nhân được định giá từ 1 tỷ USD trở lên, hay được gọi với khái niệm “kỳ lân”, đứng thứ ba chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Trong khi đó, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ của Thủ tướng Narendra Modi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia đang chuyển đổi Ấn Độ sang nền kinh tế phi tiền mặt, bằng cách liên kết người dân với thanh toán trực tuyến, tài khoản ngân hàng và hệ thống thuế.

Hiện tại, Ấn Độ còn đang đứng trước thời cơ lớn từ quá trình tái cơ cấu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các nước tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau đại dịch COVID và căng thẳng thương mại. Ruchir Sharma, giám đốc công ty đầu tư Breakout Capital, cho biết: “Việc Trung Quốc chững lại là cơ hội để Ấn Độ bùng nổ”.

Nhưng GDP đầu người chỉ đứng thứ 144

Dù quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng, thậm chí có thể nói phát triển thần tốc, song thực ra các thông số kinh tế quan trọng khác của Ấn Độ lại không rực rỡ như vậy. Đúng là hàng trăm triệu người đã thoát nghèo và gia nhập tầng lớp trung lưu từ khi Ấn Độ độc lập, nhưng rõ ràng còn lâu nữa Ấn Độ mới thực sự được xem như một quốc gia giàu có.

Theo Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ chỉ là 2.277 USD, xếp thứ 144 trong số 194 nền kinh tế. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc lên tới 12.556 USD. Như vậy, Ấn Độ chỉ chuyển từ nền kinh tế “thu nhập thấp” sang nền kinh tế “thu nhập trung bình thấp” trong khi Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế “thu nhập trung bình cao”.

“Chúng tôi đúng là đã phóng tên lửa và vệ tinh vào không gian… và sản xuất vắc xin COVID. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có các vấn đề lớn về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và nơi ở cho mọi người”, Narayana Murthy, người sáng lập công ty CNTT lớn nhất Ấn Độ Infosys, chua xót nhận xét.

Sự phục hồi của Ấn Độ sau đại dịch COVID cũng đang diễn ra theo kiểu “hình chữ K”, tức người giàu ngày càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo đi, so với sự thay đổi tổng thể và nhanh chóng “hình chữ V” của đất nước.

Theo Báo cáo Bất bình đẳng Thế giới, 1% người giàu nhất của Ấn Độ nắm giữ 33% tài sản của đất nước hay 10% người giàu nhất nắm giữ 65%. Trong khi đó, 50% dân số dưới cùng chỉ chiếm 6% tài sản, khiến Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới.

an do kinh te phat trien va nhung nghich ly xa hoi hinh 4

Dù nền kinh tế nằm ở top đầu thế giới cùng với Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh hay Trung Quốc, song hình ảnh "con trâu đi trước cái cày đi sau" vẫn hiện hữu ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Bất chấp nền kinh tế vững mạnh với xuất khẩu ở mức cao kỷ lục và lợi nhuận của nhiều công ty tăng gấp đôi, việc làm cần thiết cho hàng triệu người trẻ tham gia lực lượng lao động hàng năm vẫn chưa được tạo ra. Theo các chuyên gia, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 7-8%, tăng trưởng việc làm không theo kịp tốc độ tăng trưởng GDP.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ có khoảng 900 triệu - tương đương 67% dân số - trong độ tuổi lao động 15-64. 101 triệu người khác sẽ tham gia nhóm đó vào năm 2030 và 82 triệu người nữa sẽ được bổ sung vào năm 2050. Độ tuổi trung bình ở Ấn Độ hiện nay là 29, thấp hơn nhiều so với 38 ở Mỹ và 37 của Trung Quốc. Một số nhà kinh tế lo ngại số lượng khổng lồ người trong độ tuổi lao động có thể dẫn đến những vấn đề lớn.

Anand Mahindra, chủ tịch của tập đoàn ô tô Mahindra, cho biết: “Thật dễ dàng để hình dung khả năng xảy ra bất ổn xã hội nếu việc làm không phát triển cùng với dân số trẻ". Mức độ của cuộc khủng hoảng việc làm có thể thấy qua việc hơn 12 triệu người đã nộp đơn xin việc vào tháng 1/2022 cho chỉ 35.000 công việc văn phòng tại Công ty Đường sắt Ấn Độ.

Như vậy, nghịch lý từ sự phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ là rất rõ ràng, khi mà cuộc sống của phần đông dân số vẫn khó khăn bất chấp quốc gia này đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đời sống nói chung của người dân Ấn Độ so với nhóm các nền kinh tế top đầu khác như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh hay Trung Quốc là thua thiệt hơn nhiều.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ cần thúc đẩy việc làm trên quy mô lớn và quốc gia này cần tận dụng triệt để lợi thế từ các vấn đề toàn cầu đang rất có lợi cho mình. Quan trọng nữa, Ấn Độ cần có nhiều chính sách giảm sự bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội, thay vì chỉ chú trọng vào phát triển kinh tế vĩ mô như trong hơn một thập kỷ qua!

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Hành trình đánh mất hình ảnh và danh tiếng của 'gã khổng lồ' Boeing

Hành trình đánh mất hình ảnh và danh tiếng của 'gã khổng lồ' Boeing

(CLO) Boeing từng nổi tiếng về độ an toàn và chất lượng không gì sánh bằng, là gã khổng lồ về kinh tế và là tấm gương sáng về sức mạnh công nghiệp của Mỹ. Nhưng tất cả chỉ là quá khứ.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao Haiti chìm trong bạo lực băng đảng?

Vì sao Haiti chìm trong bạo lực băng đảng?

(CLO) Những ngày qua, Haiti rơi vào cuộc khủng khoảng tồi tệ khi các băng đảng kiểm soát nhiều vùng của đất nước, cướp bóc, bắn giết và đe dọa lật đổ thủ tướng Ariel Henry - người đang mắc kẹt ở nước ngoài.

Tiêu điểm Quốc tế
Bom dẫn đường mới của Nga gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine trên chiến tuyến

Bom dẫn đường mới của Nga gây thiệt hại nặng nề cho Ukraine trên chiến tuyến

(CLO) Nga đã biến một loại vũ khí cơ bản thời Liên Xô thành một loại bom mang sức công phá lớn đến mức có thể tạo ra một miệng hố rộng 15 mét nhằm tiêu diệt hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao các nữ sinh liên tiếp bị bắt cóc ở miền bắc Nigeria?

Tại sao các nữ sinh liên tiếp bị bắt cóc ở miền bắc Nigeria?

(CLO) Sự kiện các tay súng bắt cóc 287 học sinh tiểu học ở tây bắc Nigeria hôm 7/3 chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các vụ việc tương tự tại quốc gia châu Phi này trong 1 thập kỷ qua.

Tiêu điểm Quốc tế
Tròn 10 năm MH370 mất tích, cơ hội tìm thấy chiếc máy bay xấu số vẫn còn?

Tròn 10 năm MH370 mất tích, cơ hội tìm thấy chiếc máy bay xấu số vẫn còn?

(CLO) Đã 10 năm kể từ khi chuyến bay chở khách MH370 của Malaysia Airlines biến mất vào ngày 8/3/2014, cho đến nay nó vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất trên toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế