Ấn tượng Việt Nam, sức hút Việt Nam

Chủ nhật, 01/01/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế lớn. Minh chứng là năm 2022 - khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất, khi các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tuyến vẫn là xu thế chủ đạo, thì Việt Nam đã là điểm đến được nhiều nguyên thủ lựa chọn.

Sự kiện: Việt Nam

Trong một thế giới nhiều thách thức và biến động, Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế lớn. Minh chứng là năm 2022 - khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn biến mất, khi các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tuyến vẫn là xu thế chủ đạo, thì Việt Nam đã là điểm đến được nhiều nguyên thủ lựa chọn. Điều đó cho thấy vai trò, vị thế, sức thu hút ngày càng lớn của Việt Nam đối với các nước trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc: Chuyến thăm của lòng ngưỡng mộ

“Tôi rất vui mừng được trở lại Việt Nam, không phải với tư cách một du khách, mà là trên cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ). Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam, coi Việt Nam không chỉ là thành viên quan trọng của LHQ, mà còn với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế” - TTK Antonio Guterres bày tỏ ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội trong chuyến đi nhân dịp lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên của LHQ (20/9/1977 - 20/9/2022).

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm tại Hà Nội ngày 21/10/2022, người đứng đầu LHQ cũng khẳng định “LHQ tự hào là đối tác của Việt Nam”, rằng Việt Nam đã có nhiều đóng góp thực chất, hiệu quả vào các hoạt động của LHQ đồng thời cảm ơn sự hợp tác và ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực của tổ chức này trong việc xử lý các thách thức toàn cầu trong 45 năm qua.

“Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian qua là một sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng. Các bạn là tấm gương về sự thống nhất để mang lại những lợi ích cho người dân”, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.

Người đứng đầu LHQ cũng ghi nhận những thành công mới của Việt Nam khi lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. “Việt Nam đã đi được một chặng đường dài. Nhưng hành trình phát triển của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới”.

an tuong viet nam suc hut viet nam hinh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trò chuyện với các thành viên lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam. Ảnh: Duy Linh

Có một điều rất đặc biệt không thể không nhắc tới là TTK Antonio Guterres luôn dành những tình cảm rất yêu mến dành cho đất nước hình chữ S, rằng hình ảnh Việt Nam luôn gần gũi với đất nước Bồ Đào Nha - quê hương ông.

Trong rất nhiều bài phát biểu, cuộc gặp gỡ sau này, người đứng đầu LHQ cũng luôn chia sẻ những nhìn nhận vô cùng thiện cảm, sự đánh giá cao dành cho Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng của LHQ, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc đảm đương các vị trí quan trọng tại các cơ quan của LHQ.

Việt Nam - New Zealand: Đối tác ‘trời sinh”

Thủ tướng New Zealand đã thốt lên đầy cảm kích như vậy khi lần thứ 2 đặt chân tới mảnh đất hình chữ S (bà từng đến Đà Nẵng dự hội nghị APEC năm 2017) ngày 14/11/2022. Theo nhìn nhận của bà, New Zealand và Việt Nam là đối tác “trời sinh” trong lĩnh vực nông nghiệp. Với cam kết chung về thương mại tự do, cùng uy tín trong việc sản xuất và xuất khẩu lương thực, cả hai quốc gia tự hào là nhà cung cấp lương thực cho toàn thế giới.

Và trong tương lai, Thủ tướng Jacinda Ardern chia sẻ, trên hành trình New Zealand phát huy vai trò là quốc gia xuất khẩu lương thực chất lượng cao, an toàn, bền vững cho thế giới, sẽ có sự đồng hành của Việt Nam - quốc gia New Zealand luôn luôn xem là bạn bè, và giờ đây là đối tác quan trọng trong sứ mệnh trên.

an tuong viet nam suc hut viet nam hinh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern trong chuyến thăm Hà Nội.

Thực ra, không phải vô cớ nữ Thủ tướng thốt lên điều cảm kích ấy. Việt Nam và New Zealand, hai đất nước, hai châu lục, cách xa nhau nhưng không biết tự bao giờ, đã luôn luôn ủng hộ nhau, dành cho nhau những tình cảm bạn bè. 47 năm trước, vào đúng những ngày tháng 6/1975, khi Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, New Zealand đã là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước Việt Nam thống nhất.

Những năm sau đó, quan hệ hữu nghị giữa New Zealand và Việt Nam đã không ngừng phát triển. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện từ tháng 9/2009. Năm 2020 hai nước nâng cấp lên đối tác chiến lược khi quan hệ hợp tác có bước phát triển vượt bậc.

Và giờ đây, việc Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern chọn đến thăm Việt Nam vào thời điểm sau khi kiểm soát tốt dịch COVID-19, khi Chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern đang nỗ lực triển khai chiến lược tái kết nối với thế giới để phục hồi kinh tế, thông qua tăng cường quan hệ với các đối tác chủ chốt, củng cố và phát triển các thị trường trọng điểm đã cho thấy sự coi trọng và đánh giá cao Việt Nam về việc là đất nước có ổn định chính trị cao, có nền kinh tế năng động, với mức tăng trưởng rất ấn tượng đồng thời kỳ vọng nhiều vào triển vọng hợp tác giữa hai nước.

Hoàng thân Đan Mạch: Chuyến thăm nhiều xúc cảm

Nói chuyến thăm của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik tới Việt Nam hồi đầu tháng 11 là cuộc trở về chứ không phải là chuyến thăm ngoại giao đơn thuần. Ấy là bởi, gia đình Hoàng gia của ông, với đất nước hình chữ S, đã có mối duyên nợ từ hơn nửa thế kỷ trước.

an tuong viet nam suc hut viet nam hinh 3

Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik trải nghiệm nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: TTXVN

Nhiều năm trước, cha ông - Hoàng thân Henrik từng chia sẻ gia đình hoàng gia Đan Mạch có tới ba đời từng gắn bó với Việt Nam. “Mối liên hệ giữa tôi và Việt Nam có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1934, khi tôi vừa sinh ra cho tới năm 1939. Năm 1939 khi trở về Pháp, tôi thậm chí còn sử dụng tiếng Việt tốt hơn cả tiếng Pháp. Giai đoạn thứ hai là năm 1950-1952, tôi trở lại Việt Nam, học tại trường Trường Albert Sarraut để thi lấy bằng tú tài” - Hoàng thân Henrik kể.

Thời đó, Henri de Laborde de Monpezat - tên khai sinh của Hoàng thân được mẹ đưa sang sống tại Hà Nội cùng với cha ruột đang kinh doanh tại đây. Cũng ở mảnh đất Hà Nội những ngày đó, Henri de Laborde de Monpezat đã từng chơi đàn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, từng chạy chơi trong nhà in tờ báo Ý Chí Đông Dương của ông nội ông.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009, Hoàng thân Henrik đã đưa Nữ hoàng Margrethe cùng vợ chồng con trai cả, Hoàng thái tử Frederick thăm lại ngôi nhà ông từng sống 5 năm tại Hà Nội, ở số 80 Phan Đình Phùng và đã thốt lên, “trở về Việt Nam là tôi chạm vào tuổi thơ của mình”

Tình yêu với đất nước Việt Nam, từ Hoàng thân Henrik cứ thế được nhân lên trong gia đình Hoàng gia Đan Mạch, lan toả và trở thành mối quan tâm hết sức đặc biệt. Có lẽ ấn tượng từ chuyến thăm Hà Nội, Việt Nam năm 2009 cùng cha mẹ những năm tháng tuổi nhỏ cứ lưu lại mãi trong tâm trí Hoàng thái tử Frederick nên năm 2011, khi Đan Mạch và Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Hoàng thái tử Frederick đã quyết định có chuyến thăm lần nữa đất nước mà cha ông đã có quá nhiều kỷ niệm, sự gắn bó và giờ đây ông cũng đã đem lòng yêu mến.

Và trong lần tới thăm Việt Nam lần này, vị vua tương lai của Đan Mạch không giấu nổi niềm vui khi được trở lại Việt Nam sau 11 năm, được chứng kiến những chuyển biến kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam. Sau các cuộc hội đàm, điều rất đặc biệt và có lẽ là điều khiến vị Thái tử kế vị rất thích đó là được đi dạo bộ hồ Gươm, thăm đền Ngọc Sơn và xem múa rối nước.

Thái tử đã tỏ ra rất thích thú khi được một nghệ nhân hướng dẫn làm tranh Đông Hồ. Ngắm nhìn sự thích thú ấy, nhiều nhà báo đã phải thừa nhận, tình yêu Việt Nam đã thực sự được truyền trao, lan toả trọn vẹn trong gia đình Hoàng gia Đan Mạch.

Chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia: Động lực mới trong bình thường mới

Việc chuyến thăm diễn ra (từ 20-22/3/2022) ngay cả trước khi Malaysia quyết định mở cửa biên giới hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 (1/4) cho thấy Malaysia đã thực sự nhìn thấy ở Việt Nam nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác, kinh doanh mới trong bối cảnh bình thường mới.

Và thực tế, trong suốt chuyến thăm, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob bày tỏ ấn tượng sâu sắc về những thành tích phát triển của Việt Nam thời gian qua; đánh giá cao vai trò của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong lãnh đạo đất nước triển khai thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế; khẳng định Malaysia luôn dành ưu tiên cao cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam - đối tác chiến lược duy nhất của Malaysia trong khu vực Đông Nam Á…

an tuong viet nam suc hut viet nam hinh 4

Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trên hết, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực mới cho việc củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Malaysia, đặc biệt khi quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đã đi được chặng đường 7 năm đầu tiên và đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. 

Thủ tướng Kishida Fumio và chuyến thăm tới đất nước “đặc biệt và có lương duyên với Nhật Bản”

Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Kishida Fumio diễn ra đúng vào lúc mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Một may mắn rất lớn cho hai nước là tân Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục là một chính khách của đất nước Mặt trời mọc khá am hiểu và yêu mến Việt Nam.

Ông Kishida Fumio từng nhiều năm giữ chức Tổng Thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, từng thăm Việt Nam vào tháng 7/2014 và 5/2016 trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, tháng 5/2018 trên cương vị Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách và là người đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014. Cũng chính bởi sự am hiểu, thân thuộc ấy mà Thủ tướng Kishida Fumio từng chia sẻ rằng với ông, “Việt Nam là một đất nước đặc biệt và có lương duyên với Nhật Bản”.

an tuong viet nam suc hut viet nam hinh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong chuyến thăm. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Và mối lương duyên đặc biệt ấy đã khiến chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Thủ tướng của ông Kishida Fumio đã gặt hái được những thành công vượt mong đợi. Đó không dừng lại ở con số 22 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai bên, mà trên hết, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất nhận thức về các phương hướng và biện pháp cụ thể với quyết tâm cao nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả”.

Đó là mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, đến kinh tế, thương mại và đầu tư, y tế, năng lượng, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Đó cũng là mối quan hệ được triển khai sâu rộng trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu giữa các địa phương và nhân dân hai nước.  

Năm 2023, hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Với thành công lớn của chuyến đi: Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tiếp tục hợp tác, hỗ trợ toàn diện Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội; Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng mang tính chiến lược lâu dài, mong muốn Nhật Bản có vai trò tích cực và xây dựng đóng góp cho hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực, góp phần nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực và trên trường quốc tế… mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản sẽ còn nhiều dư địa để khai mở.

Nói như Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam: “Tình cảm cá nhân tốt đẹp, nồng ấm giữa các lãnh đạo hai nước tiếp tục được củng cố và khắc sâu. Điều này chắc chắn sẽ tạo nền tảng vững chắc và định hướng xuyên suốt cho sự phát triển lâu bền của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc”.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn