Bùi Cường - Không đợi xét tặng đã là Nghệ sĩ Nhân dân

Thứ năm, 20/12/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong đợt xét tặng Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân năm nay, cố nghệ sĩ, đạo diễn Bùi Cường sẽ được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Tuy vậy, từ khi chưa có việc này, trong cái nhìn yêu mến của cả nước, Bùi Cường “Chí Phèo” từ lâu đã thực sự là một Nghệ sĩ Nhân dân.

NSƯT Bùi Cường sinh năm 1945 tại Hà Nội. Trước khi đến với điện ảnh, ông tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Điện và từng làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Trong thời gian ở đây, ông có tham gia đội kịch công nhân thành phố.

Năm 25 tuổi, Bùi Cường nộp hồ sơ thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Với tiểu phẩm “Dạy em”, ông đã trúng tuyển lớp diễn viên khóa 2 của trường và được nhà trường phân công làm lớp trưởng. Cùng học với ông thời đó có: NSND Đào Bá Sơn (lớp phó lớp diễn viên khóa 2), NSND Minh Châu, NSƯT Quốc Trọng, NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Vũ Đình Thân...

Tốt nghiệp trường Sân khấu, ông được nhận về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Từ đó, ông bắt đầu con đường điện ảnh của mình.

Báo Công luận
Cố nghệ sĩ Bùi Cường trong vai Chí Phèo.

Sự nghiệp diễn xuất của ông được mọi người ghi nhớ với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa. Vai Chí Phèo cũng giúp ông giành Huy chương Vàng ở hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983).

NSƯT Bùi Cường từng chia sẻ về cơ duyên đến với vai diễn Chí Phèo rất bất ngờ. Một buổi sáng, đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa gọi Bùi Cường đến và hỏi xem ông có thể cắt ngắn mái tóc dài đi không (hồi đó có mốt đàn ông để tóc dài ngang vai). Nghệ sĩ Bùi Cường bảo sẵn sàng, nếu là vì nghề diễn. Sau đó, đạo diễn nói về dự án phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” – được chuyển thể từ 3 tác phẩm “Sống mòn”, “Lão Hạc” “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, rồi bảo muốn mời Bùi Cường vào vai Chí Phèo. Nghệ sĩ Bùi Cường nhận lời đạo diễn Phạm Văn Khoa trong tâm trạng vừa mừng vừa lo.

Bùi Cường đã đầu tư nhiều công sức và tâm huyết vào vai diễn này. Ông tranh thủ tìm đọc sách của nhà văn Nam Cao để hình dung một Chí Phèo cho hợp lý. Và ông nhận ra, có hai điều đặc biệt ở Chí Phèo, một là dáng đi say rượu, hai là giọng cười đầy riêng biệt của Chí.

Bùi Cường uống rượu để thử say xem thế nào, nhưng càng uống càng thấy... tỉnh. Còn giọng cười hô hố, ha há cũng chả giống ai nhưng không thể lột tả được chân dung Chí Phèo. “Hồi đó hàng xóm nhà tôi có nuôi một con chó, và có lần tôi thấy nó bị... hóc xương và cái ặc ặc trong cổ như vừa khóc vừa cười vừa đau đớn của nó khiến tôi quyết định sẽ cho Chí Phèo cái tiếng cười kiểu như thế. Còn dáng đi say rượu đặc trưng của Chí cũng khiến tôi mất nhiều công sức, thời gian để tập và để diễn cho ra một Chí Phèo không trộn lẫn với những nhân vật khác” – nghệ sĩ Bùi Cường.

Hồi đó, đồ hóa trang chưa có nhiều như bây giờ, Bùi Cường và diễn viên Đức Lưu (người vào vai Thị Nở) phải nhờ sự trợ giúp của nghệ sĩ hóa trang Nhữ Đình Nguyên. Bùi Cường phải đến bệnh viện xin keo dính tạo sẹo ở mắt, còn diễn viên Đức Lưu sang Bệnh viện Việt - Đức để làm răng giả. Hôm diễn thử, hóa trang xong, Bùi Cường vào cơ quan thì bị bảo vệ quát vì không nhận ra, “tưởng là thằng ăn mày nào vào cơ quan”, điều này làm nghệ sĩ Bùi Cường rất vui mừng vì hóa trang như vậy là thành công.

Cảnh quay khó nhất đối với Bùi Cường chính là lúc Chí Phèo nhìn thấy Thị Nở nằm tênh hênh ở vườn chuối, sự vô ý của Thị đã khiến lòng Chí... rạo rực. Bùi Cường kể lại: “Đạo diễn đã phải thuê một người mẫu đóng thế cho nghệ sĩ Đức Lưu trong cảnh Chí Phèo sờ vào bộ ngực “tơ hơ” của Thị Nở trong đêm trăng ở vườn chuối. Đúp đầu tiên, khi đạo diễn hô “bắt đầu” thì tôi “chộp” ngay vào ngực Thị Nở”. Đạo diễn Phạm Văn Khoa mắng tôi: “Chưa để khán giả thấy cái đẹp của cô thôn nữ, cậu đã vội “chộp” rồi. Tôi ngượng chín cả mặt”.

Đến đúp thứ hai, rút kinh nghiệm lần trước vội quá, thì lần này anh quay phim lại “ngán ngẩm” bảo tôi: “Ngắm” gì mà lâu quá vậy. Đến đúp cuối cùng thì tôi đành “cầu cứu”: Lúc nào thấy Chí nên chộp lấy ngực Thị Nở thì các anh hô cho một tiếng, chứ tình trạng này, tôi tin là anh Chí cũng không đủ tỉnh táo để “diễn” nữa rồi”. Cả đoàn làm phim được một trận cười... vỡ bụng. Anh em trong đoàn sau này đùa rằng, tôi cố tình diễn dở cảnh ấy để được diễn... nhiều lần”.

Nhờ dành nhiều tâm huyết và đầu tư nhiều công sức nên vai diễn Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã mang lại cho Bùi Cường Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (năm 1983).

Sau thành công của vai Chí Phèo, Bùi Cường được mời vào một loạt vai diễn tiếp theo như: Trần Tuấn trong phim “Phút thứ 89” (đạo diễn Quốc Long); Trần Quân trong phim “Kẻ giết người” (đạo diễn Hoài Linh); Tướng cướp trong “Dòng sông vàng” (đạo diễn Kiều Tuấn); Mộc trong phim “Không có đường chân trời” (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư); Chủ quán trong phim “Vụ áp phe Đông Dương” (đạo diễn Trần Đắc); Năm Hòa trong phim  “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân)...

Sau này, NSƯT Bùi Cường trở thành đạo diễn của gần 80 bộ phim truyền hình, trong đó bộ phim “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” (năm 2003) đã được khán giả hào hứng theo dõi và giành được Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc. Bộ phim giúp tên tuổi của đạo diễn Bùi Cường thực sự có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ. Như lời Bùi Cường nói, đó là một cửa ải nhọc nhằn mà phải “bạc cả tóc” ông mới đạt đến sự thành công.

Sinh thời, Bùi Cường luôn nói về bộ phim Chí Phèo là một cơ duyên đặc biệt, cũng là may mắn lớn trong cuộc đời mình. Ông cũng tâm đắc nhân vật Lão Hạc và muốn tái hiện nhân vật này trọn vẹn, sâu sắc hơn để tri ân cố đạo diễn Phạm Văn Khoa và cố nhà văn Kim Lân (người từng thủ vai Lão Hạc). Kịch bản do ông chắp bút “Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc” đã chọn xong diễn viên, chưa kịp bấm máy thì ông qua đời sau một cơn tai biến đột ngột.

Trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân năm nay, Bùi Cường sẽ được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Nói về chuyện này, diễn viên Minh Châu – người cùng thời với ông bày tỏ: “Bùi Cường vốn đã là nghệ sĩ của nhân dân từ rất lâu rồi”.

 Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch vừa công bố danh sách hồ sơ đã được Hội đồng Nhà nước xét, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9. Hội đồng cấp Nhà nước được lựa chọn ra danh sách 84 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 309 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT đạt tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% tổng số thành viên Hội đồng cấp nhà nước trở lên. Đối với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND có 19 hồ sơ lĩnh vực âm nhạc, 11 hồ sơ lĩnh vực điện ảnh, 02 hồ sơ lĩnh vực múa, 04 hồ sơ lĩnh vực phát thanh truyền hình, lĩnh vực sân khấu có 48 hồ sơ. Đối với hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT có 64 hồ sơ lĩnh vực âm nhạc, 19 hồ sơ lĩnh vực điện ảnh, 50 hồ sơ lĩnh vực múa, 09 hồ sơ lĩnh vực phát thanh truyền hình, 164 lĩnh vực sân khấu. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đang đăng tải danh sách các hồ sơ được Hội đồng cấp Nhà nước xét, đủ điều kiện trên Cổng Thông tin Điện tử của Bộ trong thời gian từ 12 – 26/12/2018 để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng cấp Nhà nước hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9 theo quy định. Trong đợt xét tặng lần này, cố NSƯT Bùi Cường sẽ được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Tử Hưng

Tin khác

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiêm ngưỡng những kỷ vật kháng chiến gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phản ánh về trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 hiện đang thu hút nhiều người dân Thủ đô Hà Nội và du khách quốc tế tới tham quan, khám phá.

Đời sống văn hóa
Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa