Chiến lược châu Á - Thái Bình Dương: Thách thức và mục tiêu nào cho châu Âu?

Chủ nhật, 19/09/2021 11:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau nhiều tháng chờ đợi, Liên minh châu Âu cuối cùng đã xuất bản tài liệu Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, một tài liệu mang tính bước ngoặt xác định nỗ lực của Brussels trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực ngày càng quan trọng này của thế giới.

Nhưng công bố này đã bị lu mờ bởi thông báo ngày hôm trước về một liên minh mới do Mỹ lãnh đạo trong khu vực mà không bao gồm bất kỳ quốc gia châu Âu nào, cũng như bình luận từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về việc liệu khối có nên tìm kiếm chiến lược tự chủ lớn hơn hay không.

Trong khi các nội dung phức tạp của tài liệu chiến lược mới của EU vẫn đang được các nhà phân tích tìm hiểu, điều rõ ràng là EU đã không chuyển hướng khỏi con đường thông thường của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

chien luoc chau a  thai binh duong thach thuc va muc tieu nao cho chau au hinh 1

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

'Tin tốt cho Đông Nam Á'

Đại sứ Igor Driesmans, trưởng phái đoàn EU tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho biết: “Chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là một tin tốt lành đối với khu vực Đông Nam Á, vốn nằm ở trung tâm của khu vực rộng lớn này”.

Khu vực ASEAN được mô tả trong tài liệu là "một đối tác ngày càng quan trọng của EU", đồng thời ghi nhận sự tự tin trong việc ký kết các thỏa thuận thương mại mới trong khu vực.

Ông Driesmans cho biết: “Việc ra mắt Chiến lược Hợp tác của EU ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đánh dấu một bước phát triển lớn trong quan hệ của EU với khu vực rộng lớn và đang phát triển này”.

Pháp đã xuất bản tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2018, và Hà Lan và Đức đã đưa ra các hướng dẫn tương tự của riêng họ vào năm ngoái. Mỹ và Anh cũng đã làm như vậy từ nhiều năm trước.

Không phải tất cả các nhà phân tích đều cho rằng tài liệu chiến lược sẽ làm thay đổi đáng kể ảnh hưởng của EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nó cũng không giải quyết được lập trường của EU về các câu hỏi quan trọng, đặc biệt là vị trí của nó giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt của họ.

Ông Frederic Grare, thành viên chính sách cấp cao của Chương trình Châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu cho biết: “Điều này sẽ không khiến EU trở thành một tác nhân quyết định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng họ sẽ trở thành một tác nhân có sức ảnh hưởng”.

EU bị Mỹ bỏ rơi

Hơn nữa, việc phát hành tài liệu chiến lược cũng bị lu mờ rất nhiều bởi các bài phát biểu được thực hiện tại Brussels và Washington vào ngày hôm trước.

Hôm thứ Tư (15/9), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã sử dụng bài phát biểu thường niên của Quốc hội Liên minh châu Âu để kêu gọi quyền tự chủ chiến lược lớn hơn cho khối mà chính phủ Pháp đã ủng hộ mạnh mẽ trong nhiều năm. Nhưng các quốc gia thành viên khác, cũng như một số quan chức hàng đầu của EU, đã phản đối lập trường này.

“Châu Âu có thể và nên sẵn sàng tự mình làm nhiều hơn nữa. Điều chúng ta cần là Liên minh Quốc phòng Châu Âu”, bà von der Leyen nói, đề cập đến lời kêu gọi từ một số nước Châu Âu về một chiến lược quốc phòng thống nhất và có thể là một lực lượng quân đội chung giữa 27 quốc gia thành viên.

Chỉ vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập một liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương mới với Vương quốc Anh và Australia, được gọi là AUKUS.

Trung Quốc mô tả liên minh mới này cho thấy ba nước kể trên có "tâm lý Chiến tranh Lạnh".

chien luoc chau a  thai binh duong thach thuc va muc tieu nao cho chau au hinh 2

Ban nhạc Hải quân Philippines chào mừng tàu Hải quân Pháp Vendemiaire (F734) khi nó cập cảng trong 5 ngày ghé cảng tại Manila, Philippines, tháng 3 năm 2018 - Ảnh: AP

Việc Bắc Kinh chỉ trích liên minh AUKUS là như dự đoán, nhưng các quan chức Pháp cũng đặc biệt phản đối thoả thuận này. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố hành động này là một "cú đâm sau lưng" và gọi đây là một "quyết định tàn bạo, đơn phương và không thể đoán trước".

Bởi vì hiệp ước AUKUS bao gồm ​​việc Mỹ cung cấp cho Úc công nghệ để đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vô hình chung thoả thuận đóng tàu giữa Pháp và Úc đã trở nên vô nghĩa.

Khi thỏa thuận đó được ký kết vào năm 2016, Paris đã tuyên bố đây là thỏa thuận của thế kỷ và coi đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ chiến lược của Pháp với Úc và rộng lớn hơn là Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Các câu hỏi cũng đã được đặt ra là tại sao từng thành viên EU và bản thân EU lại bị loại khỏi liên minh mới này và liệu điều này có dẫn đến sự gia tăng khoảng cách giữa lợi ích của EU và Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt là chỉ diễn ra chỉ một ngày trước khi EU công bố các kế hoạch của riêng mình cho khu vực.

Nhưng các nguồn tin đã nói chuyện với DW nói rằng không phải như vậy. Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình Châu Á của Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết cơ chế Mỹ-Anh-Úc không cho thấy sự phân hóa lợi ích ngày càng tăng giữa Mỹ và EU.

Bà nói: “Có nhiều cách mà EU và Mỹ có thể làm việc cùng nhau để thúc đẩy lợi ích chung của họ trong hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và củng cố trật tự dựa trên luật lệ".

Kết thúc những tham vọng chiến lược khác

Cùng với việc Pháp mất hợp đồng tàu ngầm với Australia, AUKUS cũng báo hiệu sự chấm dứt tham vọng của Tổng thống Emmanuel Macron trong việc xây dựng một liên minh chiến lược với Australia và Ấn Độ, mà ông đã đưa ra giả thuyết lần đầu tiên vào năm 2018, ông Bradley J. Murg, một nhà nghiên cứu cấp cao nổi tiếng tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cho hay.

Nhưng ông Murg đã đồng ý với các nguồn tin khác rằng AUKUS sẽ không dẫn đến sự chia rẽ giữa Mỹ và EU. "Ở cấp độ cơ bản nhất, EU vẫn cần Mỹ trong NATO và các đảm bảo an ninh của Mỹ chống lại Nga", ông nói.

Tuy nhiên, ông nói thêm, liên minh AUKUS mới báo hiệu rằng "bất kể mục tiêu thực tế của nó là gì, EU có nguy cơ bị gạt ra ngoài lề nếu không tham gia nghiêm túc hơn vào các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Quốc Thiên

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Elon Musk đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thị trường xe tự lái

Elon Musk đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thị trường xe tự lái

(CLO) CEO Elon Musk của Tesla đã đến Bắc Kinh vào Chủ nhật (28/4) trong một chuyến thăm không báo trước, nơi ông dự kiến sẽ thảo luận về việc triển khai công nghệ Xe tự lái hoàn toàn (FSD).

Thế giới 24h
Ukraine liên tiếp rút quân ở phía đông, ông Zelenskyy thúc giục thêm vũ khí

Ukraine liên tiếp rút quân ở phía đông, ông Zelenskyy thúc giục thêm vũ khí

(CLO) Chỉ huy hàng đầu của Ukraine hôm Chủ nhật (28/4) cho biết, quân đội Kiev đã rút lui khỏi ba ngôi làng ở chiến trường phía đông nước này bởi sức ép quá mạnh từ lực lượng đông đảo của Nga.

Thế giới 24h
Nga tiếp tục cảnh báo mạnh mẽ phương Tây nếu tịch thu tài sản của Nga

Nga tiếp tục cảnh báo mạnh mẽ phương Tây nếu tịch thu tài sản của Nga

(CLO) Ngày 28/4, các quan chức Nga cảnh báo Mỹ và phương Tây rằng Moscow sẽ có phản ứng "ăn miếng trả miếng" và "quyết liệt" nếu tài sản đóng băng của nước này bị tịch thu.

Thế giới 24h
Israel đồng ý 'tham kiến' Mỹ trước khi tấn công Rafah

Israel đồng ý 'tham kiến' Mỹ trước khi tấn công Rafah

(CLO) Ngày 28/4, người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết Israel đã đồng ý lắng nghe những quan ngại và suy nghĩ của Mỹ trước khi tiến hành cuộc tấn công vào thành phố biên giới Rafah ở Gaza.

Thế giới 24h
Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ không kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc

(CLO) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc không nhằm mục đích kìm hãm nền kinh tế hoặc sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Thế giới 24h