Mối quan hệ tay ba giữa doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ xăng dầu:

Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt

Thứ năm, 16/03/2023 09:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mặc dù doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có sự cộng hưởng “nương tựa” để cùng kinh doanh một ngành hàng, thế nhưng, từ lâu mối quan hệ tay ba này đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp đầu mối - doanh nghiệp bán lẻ rạn nứt

Trong hai Nghị định liên quan tới hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, đó là Nghị định 83 và Nghị định 95 đều yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập hàng từ một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, việc doanh nghiệp bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn là để đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng xăng dầu. Nếu doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát được chất lượng xăng dầu trên thị trường và đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng.

com chang lanh canh chang ngot hinh 1

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ngày càng căng thẳng. (Ảnh minh họa) Ảnh: T.L

Lý thuyết là thế, song thực tế đang cho thấy quy định này đang trở nên lạc hậu và khiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ngày càng căng thẳng.

Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc, huyện Cần Giờ, TP.HCM cho rằng: Các doanh nghiệp đầu mối đều có các công ty con là phân phối, hoặc các công ty bán lẻ riêng. Các công ty này được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ riêng lại bị hạn chế duy nhất có một nguồn. Điều này dẫn tới rất nhiều bất cập, tạo thế độc quyền cho các doanh nghiệp đầu mối.

Ông Thật lấy ví dụ, trong giai đoạn giá xăng dầu có biến động mạnh, các doanh nghiệp đầu mối có hiện tượng găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - Trà Vinh cho biết, sự bất hòa sâu sắc giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ còn liên quan tới vấn đề chiết khấu.

Ông Tây phân tích, theo Thông tư 104 của Bộ Tài chính thì chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở các khâu bán buôn và bán lẻ, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này.

Hiện nay, lợi nhuận của một lít xăng là khoảng 1.350 đồng, nhưng các doanh nghiệp đầu mối chỉ phân phát 100 đồng/lít cho doanh nghiệp bán lẻ. Thực tế, chúng tôi - những doanh nghiệp bán lẻ phải nhận được lợi nhuận 900 đồng/lít.

“Như vậy, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa và thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ”, ông Tây nói.

Do đó, để phá vỡ thế độc quyền của doanh nghiệp đầu mối, các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 có thể cho phép các doanh nghiệp bán lẻ được nhập nhiều nguồn. Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị liên Bộ Tài chính - Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại chiết khấu.

Trong một buổi hội thảo mới đây, ông Kiểu Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường tiết lộ có rất nhiều doanh nghiệp đầu mối vi phạm.

“Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối theo kế hoạch thanh tra xăng dầu hằng năm. Tổng quan kết quả thanh tra cho thấy, các doanh nghiệp đầu mối đều có vi phạm và bị xử lý vi phạm hành chính. Các vi phạm chính của doanh nghiệp chính là không duy trì điều kiện kinh doanh, duy trì hệ thống đầu mối và dự trữ là các vi phạm lớn nhất”, ông Dương nói.

Trong quá trình thanh tra, các doanh nghiệp đầu mối chia sẻ gặp nhiều khó khăn. Có tình trạng các đại lý phân phối tranh nhau giành giật để đảm bảo duy trì điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng mua bán xăng dầu bên ngoài chưa được ngăn chặn triệt để.

Nhóm hành vi thứ 2, doanh nghiệp đầu mối là duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Một số doanh nghiệp không đáp ứng được.

Nhóm sai phạm thứ 3 là giao nhận bán lẻ xăng dầu. Có hiện tượng thay đổi liên tục hệ thống đại lý do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng đó, các thủ tục hành chính chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, không thực hiện đầy đủ và báo cáo kịp thời về số lượng doanh nghiệp trong hệ thống, tồn kho…

“Ngoài ra, một số doanh nghiệp đầu mối có hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, không thực hiện nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu”, ông Dương nói.

Mối quan hệ giữa doanh nghiệp phân phối - bán lẻ cũng bất hòa

Sự bất hòa không chỉ liên quan giữa doanh nghiệp đầu mối - doanh nghiệp bán lẻ, mà ngay cả mối quan hệ giữa doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng đang nảy sinh mâu thuẫn.

com chang lanh canh chang ngot hinh 2

Ông Hoàng Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP) thẳng thắn cho rằng, theo suy nghĩ của doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối là trung gian, gây đứt gãy, khiến chi phí tăng cao.

“Nếu thương nhân phân phối thực sự là trung gian, là nguyên nhân của vấn đề gây đứt gãy thì tôi nghĩ nên cắt bỏ”, ông Dũng nhấn mạnh.

Một số quan điểm cũng cho rằng, trong chuỗi cung ứng chỉ nên quy định 2 cấp là đầu mối và thương nhân phân phối bán lẻ. Như vậy, đồng nghĩa với việc loại bỏ trách nhiệm của các doanh nghiệp phân phối, trung gian.

Phản bác vấn đề “cắt” trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai, một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng cho rằng, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như doanh nghiệp bán lẻ.

Theo ông Phụng, thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. Doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ.

Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập.

“Sau sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy làm doanh nghiệp điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ đầu mối nhập khẩu xăng dầu, việc điều hành ở đó bất cập. Chúng tôi rất lỗ, doanh nghiệp sắp chết”, ông Phụng nói.

Ông Phụng cho rằng, đang có hiểu lầm về thương nhân phân phối là trung gian. Cũng có ý kiến thương nhân phân phối không có vốn, không có hệ thống.

“Nhưng để cấp 1 giấy phép thương nhân phân phối, phải hội tụ đủ các yếu tố theo quy định. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều như vậy. Vai trò thương nhân phân phối trong hệ thống là rất quan trọng”, ông Phụng nhấn mạnh.

Các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến

Liên quan tới mối quan hệ tay ba này, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Doanh nghiệp bán lẻ không thể đổi lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.

“Cũng phải thừa nhận rằng những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách”, ông Cung nói.

Trong khi đó, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, theo Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm doanh nghiệp bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, hiện thủ tục hành chính cung cấp đổi tên bán lẻ xăng dầu, cơ quan nhà nước đôi lúc máy móc cho rằng vi phạm.

“Quan hệ giữa cửa hàng bán lẻ với thương nhân phân phối có thể là quan hệ đại lý, nhượng quyền thương mại. Ông muốn tự lấy từ nhiều quyền thì chúng ta sẽ có cửa hàng bán lẻ xăng dầu độc lập. Ông phải tự chịu trách nhiệm giá cả, biển hiệu và chất lượng”, ông Đông nói.

Thúy Hạnh

Bình Luận

Tin khác

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

(CLO) Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng của các văn phòng gia đình Trung Quốc đang chậm lại do hậu quả từ vụ bê bối rửa tiền trị giá hàng tỷ USD năm ngoái và việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với những cá nhân nộp đơn mới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

(CLO) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã CK: BSR - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.696 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.195 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 3.355 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

(CLO) Dù đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới diễn ra 1 ngày, song mức tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

(CLO) Reuters đưa tin, dẫn lời các nhà tư vấn thương mại và chủ ngân hàng, cũng như các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có tới một nửa số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian.

Thị trường - Doanh nghiệp