Đêm thơ, nhạc, kịch “Tình yêu ở lại”

Thứ hai, 27/08/2018 11:32 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tối 26/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra đêm thơ, nhạc kịch mang tên "Tình yêu ở lại" nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của vợ chồng nhà biên kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ.

Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nông Thôn Ngày Nay/danviet.vn, Nhà hát Tuổi Trẻ... phối hợp tổ chức. Tới dự có ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Thiện - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; ông Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng đại diện gia đình nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và đông đảo khán giả Thủ đô.

Báo Công luận
 Các nghệ sĩ trình bày một số tác phẩm của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc. Ảnh: vietnamnet.vn

Nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ông quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, ông có tập thơ đầu tay in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây - Bếp lửa” và các tập thơ tiếp sau này như “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm”. Sau đó, tên tuổi của ông tiếp tục được nhắc đến khi tạo ra một hiện tượng trong sân khấu kịch với hàng loạt vở diễn như: Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta...

Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942, tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Trước khi sáng tác thơ, Xuân Quỳnh từng là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Sau khi học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, bà bắt đầu về làm việc tại Báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam và sáng tác thơ ca. Một số tập thơ nổi tiếng của Xuân Quỳnh như: Tơ tằm - chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió lào, cát trắng, Lời ru trên mặt đất...

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000. Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng được truy tặng Giải thưởng này năm 2017.

Chỉ diễn ra một đêm duy nhất, chương trình tái hiện những ký ức đẹp nhất về hai tác giả tài năng Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh trong lòng bạn bè, khán giả. Đây cũng là dịp tưởng niệm, tri ân hai tác giả xuất sắc đã có những đóng góp đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Trong đêm thơ, nhạc, kịch, khán giả đắm chìm trong những bài thơ hay của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và những bài hát được phổ thơ của hai nghệ sĩ như “Tiếng Việt”, “Tự hát”, “Bầu trời trong quả trứng”, “Vườn trong phố”, “Thuyền và biển”, “Lời chào mùa hạ”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Bàn tay em”, “Nói cùng anh”, “Sóng”… qua phần thể hiện của Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, Nghệ sĩ ưu tú Hải Yến, ca sĩ Thùy Dung, Tùng Dương, Ánh Tuyết… 

Xen kẽ trong chương trình là lời chia sẻ xúc động của người thân, nghệ sĩ, đồng nghiệp như Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà thơ Anh Ngọc… về cuộc đời ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ, ngập tràn tình yêu, để lại nhiều tác phẩm ý nghĩa của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Phần cuối chương trình là trích đoạn vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của tác giả Lưu Quang Vũ, do nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện. Bản dựng này đã giành Huy chương vàng Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018. 

40 năm cuộc đời ngắn ngủi nhưng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã khiến hàng triệu trái tim phải rung động trước tình yêu mãnh liệt và tâm hồn văn chương tuyệt mỹ. Cuộc tình và sự nghiệp của họ không chỉ là một tượng đài bất tử mà còn là một sự kiện, hiện tượng trong giới văn nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật của Việt Nam.

Đêm nghệ thuật được ghi hình và dự kiến sẽ phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 29/8 - đúng 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.

B.V

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa