Doanh nghiệp phân bón “muốn” được chịu thuế VAT

Thứ ba, 05/06/2018 15:20 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đây là ý kiến được tất cả các doanh nghiệp phân bón tham dự Toạ đàm “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế” do báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 1/6 mới đây tại Hà Nội.

Toạ đàm có sự tham dự của dại diện Hiệp Hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón lớn trong nước như: Tập đoàn Hoá chất, Cty TNHH MTV Phân bón Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), TCT Phân bón và Hoá chất Dầu khí(PVFCCo – Phân bón Phú Mỹ), Cty TNHH Phân bón Baconco(Baconco), DAP Đình Vũ, Phân bón Việt Nhật, Phân bón Hàn Việt…

Tại đây, các đại biểu đã cùng thảo luận xung quanh việc từ năm 2015, chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế, đã dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ… và đồng loạt kiến nghị sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, đưa phân bón về diện chịu thuế VAT như trước đây.

Khi mục tiêu thực thi chính sách thuế bị chệch hướng

Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Hạc Thuý, quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện mặt hàng không chịu thuế theo Luật 71/2014/QH13 đang tạo ra những khó khăn đối với sự phát triển của sản xuất phân bón trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho phân bón nước ngoài “ồ ạt” vào Việt Nam. 

Theo đó, toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo. Vì thế, sự thay đổi chính sách thuế đã không thể giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón như mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách thuế này, ông Thuý chỉ rõ. 

Báo Công luận
 
Doanh nghiệp sản xuất phân bón ở trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phân đơn, đang khó khăn vì quy địnhbất hợp lý này. 

Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng Giám đốc PVFCCo – Phân bón Phú Mỹ cho biết:  từ khi áp dụng Luật 71/2014/QH14 vào năm 2015 đến nay, khoản thuế mà doanh nghiệp không được khấu trừ so với trước đây lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Với việc vừa đưa dây chuyền sản xuất NPK công nghệ hiện đại châu Âu vào hoạt động, năm 2018 này, dự kiến con số thuế không được khấu trừ sẽ còn tăng cao hơn nữa. Doanh nghiệp bắt buộc phải hạch toán vào giá thành phân bón, đồng thời cũng không dám đầu tư công nghệ hiện đại cho sản xuất phân bón, Việt Nam trở thành “vùng trũng” cho phân bón nhập khẩu, công nghệ lạc hậu và ngành nông nghiệp, người nông dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất, ông Hội khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng Giám đốc Đạm Hà Bắc cũng cho biết, chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị tăng “chóng mặt” bởi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đạm urê của Công ty là than phải chịu thuế 10% nhưng Công ty không được khấu trừ. Vì vậy, cho dù Công ty đã tiết giảm chi phí quyết liệt, kể cả giảm lương người lao động nhưng cũng không thể bù đắp khoản tài chính này và buộc phải hạch toán vào giá thành sản xuất. Kết quả là giá phân đạm urê bị đội lên 500 đồng/kg so với trước đây. 

Không chỉ có doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước chịu thiệt hại, doanh nghiệp FDI có nhà máy sản xuất phân bón đặt tại Việt Nam cũng “lao đao” vì chính sách thuế bất hợp lý này. 

Ông Sigmund Stromme, Chủ tịch điều hành Công ty Phân bón Baconco cho biết, với năng lực sản xuất hiện nay, mỗi năm công ty bị thiệt hại 1 triệu USD do không được khấu trừ thuế. Đồng thời, trong giai đoạn 2015-2017, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân urê hoá lỏng công nghệ mới nhất của EU với tổng vốn đầu tư 13 triệu USD. Việc thay đổi chính sách thuế đưa phân bón vào diện không chịu thuế VAT đã vốn đầu tư “đội thêm” 1,3 triệu USD do không được hoàn thuế. Đây không chỉ là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp mà còn kéo theo hệ lụy là đóng góp vào ngân sách Nhà nước Việt Nam của Công ty bị giảm sút nghiêm trọng, từ mức 5,3 triệu USD/năm (thời điểm trước khi Luật 71 có hiệu lực) xuống còn 2,4 triệu USD/năm như hiện nay, ông Sigmund Stromme nhấn mạnh. 

Không chỉ tác động đến nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong nước, Luật 71 này còn đang tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam đột biến. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.

Đề nghị sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13

Với việc hưởng lợi từ thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm theo cam kết của hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp phân bón nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh bằng mọi giá với phân bón nội địa. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực với công nghệ cũ đều được "hậu thuẫn" để có thể “chen chân” vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước lại chịu bất công như trên.

Vì vậy, nếu Luật 71 này không sớm được sửa đổi thì sản xuất phân bón trong nước sẽ dần bị phân bón nhập khẩu “thâu tóm”, ông Nguyễn Đức Ninh, PTGĐ Đạm Hà Bắc khẳng định. 

Đồng quan điểm này, ông Dương Trí Hội - PTGĐ PVFCCo cảnh báo, nếu chính sách thuế như hiện nay mà không được sửa đổi thì Việt Nam sẽ thành nơi nhập khẩu phân bón chất lượng thấp với công nghệ lạc hậu. Khi yếu tố quan trọng đầu vào là phân bón không đảm bảo chất lượng thì mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch của Chính phủ sẽ khó có thể thành hiện thực. 

Tại toạ đàm này, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc sửa đổi đối tượng chịu thuế VAT theo Luật 71 nhằm mục đích hỗ trợ nông dân giảm chi phí mua phân bón. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, chính sách thuế VAT này đã bộc lộ những bất lợi khi chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, còn nông dân vẫn phải mua phân bón với giá không giảm khi doanh nghiệp hạch toán phần thuế không được khấu trừ này vào giá thành sản xuất. 

Vì vậy, chính sách thuế này cần được sớm sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% như trước đây để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, ông Thịnh đề xuất. 

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia pháp chế VCCI Nguyễn Minh Đức cho biết, quá trình soạn thảo Luật 71 này đã không lường trước được các hệ lụy với ngành sản xuất phân bón trong nước. Theo tính toán của VCCI, thuế VAT theo Luật 71 này hiện còn tạo ra những tác động bất lợi với nhiều ngành hàng khác như các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm thuỷ sản đánh bắt chưa chế biến, giống vật nuôi, giống cây trồng, máy nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn chăn nuôi, muối… 

Ông Đức cũng cho biết, trong tờ trình mới đây lên Chính phủ về sửa đổi các luật thuế, Bộ Tài chính đã nhận ra những bất cập trong triển khai luật thuế này và có kiến nghị đưa một số mặt hàng thuộc diện không chịu thuế sang diện chịu thuế VAT 5%; trong đó có tàu cá, máy nông nghiệp và phân bón. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi này vẫn kéo dài và còn phải trình Quốc hội thông qua.

Qua tìm hiểu của phóng viên, mức thuế VAT trên thế giới được nhiều nước áp dụng cho mặt hàng phân bón đều theo hướng có lợi cho sản xuất nội địa. Theo đó, Pháp đang áp dụng thuế VAT cho phân bón là 20%, Na Uy áp dụng mức 25% và Nhật Bản đang áp mức 8%.

P.V

Tin khác

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

(CLO) Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng của các văn phòng gia đình Trung Quốc đang chậm lại do hậu quả từ vụ bê bối rửa tiền trị giá hàng tỷ USD năm ngoái và việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với những cá nhân nộp đơn mới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

(CLO) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã CK: BSR - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.696 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.195 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 3.355 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

(CLO) Dù đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới diễn ra 1 ngày, song mức tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

(CLO) Reuters đưa tin, dẫn lời các nhà tư vấn thương mại và chủ ngân hàng, cũng như các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có tới một nửa số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian.

Thị trường - Doanh nghiệp