Đổi tên xe bus thành xe ô tô khách thành phố: Lại “đuổi hình bắt chữ”

Thứ năm, 08/10/2020 20:27 PM - 0 Trả lời

(CLO) Về bản chất “xe ô tô khách thành phố” không khác gì xe bus. Nói cách khác, bình mới nhưng rượu vẫn cũ. Nhưng không hiểu sao Bộ GTVT vẫn muốn chơi trò “đuổi hình bắt chữ”.

Xe bus (xe ô tô khách thành phố) có cả tuyến đi đến huyện miền núi tại Thanh Hóa. Ảnh: TL

Xe bus (xe ô tô khách thành phố) có cả tuyến đi đến huyện miền núi tại Thanh Hóa. Ảnh: TL

Xe bus, một phương tiện giao thông công cộng đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam bỗng dưng được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đổi tên thành xe khách thành phố trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Tại nhiều hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật nói trên, đa số các ý kiến đều phản đối và đề nghị giữ nguyên tên gọi xe bus.

Là bởi bao nhiêu năm qua, cái tên “xe bus” đã trở thành một phương tiện giao thông phổ biến, thân thuộc đối với đa số người dân ở các đô thị nước ta. Đến mức từ “bus” (buýt) vốn là tiếng Pháp đã không thể và không cần phải dịch nghĩa sang tiếng Việt. Cho dù việc đọc, nói từ “bus” rất khó phát âm đối với đa số người Việt.

Theo wikipedia: từ "buýt" trong tiếng Việt đến từ autobus trong tiếng Pháp; các từ bus, autobus... trong các ngôn ngữ châu Âu có gốc từ omnibus trong tiếng Latinh, có nghĩa là "dành cho mọi người".

Từ “bus” dẫu là ngôn ngữ ngoại lai nhưng nguồn gốc sâu xa của nó mang tính cộng đồng rất cao (dành cho mọi người). 

Thực tế, tiếng Việt trở nên giàu có phong phú là bởi đã biết “vay mượn” các ngôn ngữ khác một cách phù hợp. Ngôn ngữ còn là sứ giả văn hóa, cầu nối giữa các nền văn minh. Xe bus, bây giờ là một trong những sản phẩm điển hình của văn minh đô thị, một trong những tiêu chí mà xã hội văn minh luôn hướng đến.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, người ta lại có ý định “khai tử” nó trong “từ điển” giao thông đường bộ Việt Nam.

Thử xem khái niệm “xe khách thành phố” có gì mới?

Khoản 49, Điều 3 (Giải thích từ ngữ), Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi định nghĩa về “Xe ô tô khách thành phố” như sau: “Là xe ô tô chở người từ 10 chỗ trở lên, kể cả người lái, có kết cấu và trang bị để vận chuyển hành khách trong thành phố và vùng lân cận; trên xe có bố trí các ghế ngồi, chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.

Như vậy về bản chất “xe ô tô khách thành phố” không khác gì xe bus. Nói cách khác, bình mới nhưng rượu vẫn cũ. Dù gọi là gì đi nữa thì loại phương tiện có lịch sử gần 2 thế kỷ, bắt nguồn từ Pháp, hiện đang di chuyển hàng ngày trên đường phố Việt Nam vẫn là chính nó.

Thử tưởng tượng xem nếu đề xuất lạ lẫm này được thông qua, tới đây, toàn bộ các phương tiện công cộng có tên xe bus sẽ được khoác lên mình những “chiếc áo mới” có số đo, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu như cũ, chỉ khác là… logo có nội dung dài… gấp 5 lần: “XE Ô TÔ KHÁCH THÀNH PHỐ” mới. Kéo theo nó là hàng loạt điểm đỗ, nhà chờ cũng sẽ phải dán lại “tem nhãn” cho đồng bộ.

Và rồi theo logic vấn đề, rất có thể hệ thống xe bus nhanh BRT Hà Nội cũng sẽ phải đổi thành: “Xe ô tô khách thành phố”… nhanh.

Thực tế ở nước ta, việc phát triển xe bus để giảm tải ùn tắc giao thông công cộng, hướng đến văn minh giao thông đô thị đang là bài toán cực kỳ nan giải. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xe bus ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn đang điêu đứng. Nhiều thương hiệu xe bus đã phải tỏa về nông thôn tìm… đường sống. Không hiểu những chiếc xe bus như thế có được gọi là… xe ô tô khách thành phố hay không?

Thay vì đi tìm bài toán giải cứu xe bus, Bộ Giao thông Vận tải lại đi chơi trò “đuổi hình bắt chữ”. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên, cơ quan chủ quản về… đường xá, cầu cống, xe cộ ở nước ta thích “chơi chữ”. Trước đó, chuyện đổi “trạm thu phí” thành… “trạm thu giá” rồi “trạm thu tiền” đã khiến dư luận nổi sóng.

Quang Duy

Tin khác

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn