Đừng bắt người dân phải chọn cá hay thép!

Thứ năm, 08/09/2016 07:46 AM - 0 Trả lời

Dự án thép Cà Ná với công suất tối đa lên đến 16 triệu tấn/năm do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư là một siêu dự án thép do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Tuy nhiên, bài học về dự án thép Formosa- dự án cũng được ưu đãi khủng và đã gây nên sự cố môi trường nghiêm trọng vẫn còn đó...

(NB&CL) Dự án thép Cà Ná với công suất tối đa lên đến 16 triệu tấn/năm do tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư là một siêu dự án thép do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Tuy nhiên, bài học về dự án thép Formosa- dự án cũng được ưu đãi khủng và đã gây nên sự cố môi trường nghiêm trọng vẫn còn đó. Vì sao lại là thép trong khi Bí thư tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh này sẽ phát triển dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục đào tạo và kinh doanh bất động sản? Chính quyền tỉnh Ninh Thuận sẽ làm gì để đảm bảo sẽ không có một “Formosa thứ hai?

Không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào

Liên quan đến thông tin tổ hợp dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt, nhiều ý kiến từ các chuyên gia bày tỏ lo ngại liên quan đến hiệu quả của dự án cũng như tác động môi trường mà dự án có thể gây ra.

Trao đổi với BizLIVE, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, ông ủng hộ doanh nghiệp trong nước đầu tư các dự án lớn nhưng nên có hướng để đảm bảo vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho quốc gia.

“Không đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, Trung Quốc đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường”, ông Mại thông tin.

[caption id="attachment_119669" align="aligncenter" width="640"]tom-ca-hay-nha-may-3 Sự cố môi trường do Formosa gây ra là bài học cảnh tỉnh đối với các dự án luyện cán thép khác.[/caption]

Vị Chủ tịch VAFIE đặc biệt nhấn mạnh cần trả lời được câu hỏi, nên làm thép đến đâu vì Việt Nam là nước đi sau và sản xuất thép không có cách nào khác là sử dụng công nghệ lò cao. Trong khi, Formosa cũng phải mua công nghệ của Trung Quốc để làm dự án và chắc Hoa Sen nếu làm cũng phải mua công nghệ Trung Quốc.

“Có nên tiếp tục làm một hay một số dự án về thép hay không? Theo tôi không phải vì thời gian vừa qua Formosa Hà Tĩnh gây ảnh hưởng môi trường mà làm thép theo công nghệ lò cao, tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường. Khi sản xuất sẽ thải ra môi trường chất lỏng, chất thải rắn, khói bụi”, ông Mại nói.

“Một số ngành công nghiệp gang thép cần rất thận trọng và nếu được không nên phát triển thêm bất kỳ dự án thép nào nữa vì chúng ta có thể là nước đi sau, rõ ràng có thể tránh được những vết xe đổ của các nước đi trước. Hiện gang thép trên thế giới rất nhiều và không khó mua, vậy tại sao không đi vào công nghiệp hiện đại như hợp kim cao cấp, vật liệu nano sau đó bán ra thị trường thế giới và mua thép?”, Chủ tịch VAFIE đặt vấn đề.

Ông Mại cũng cho biết, cần tập trung sức vào làm công nghiệp tương đối hiện đại đi cùng thế giới, bỏ qua những ngành công nghiệp cổ điển. Chẳng hạn, đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất hợp kim cao cấp, nhập khẩu công nghệ ở những nước tiên tiến, nước G7, giá trị bằng 5-7 lần so với sản xuất thép.

“Tất nhiên không phải bỏ toàn bộ, những ngành công nghiệp cơ bản chúng ta vẫn phải làm nhưng làm ở mức nào đó, đây là câu chuyện lớn nhất còn nếu làm thép như dự án này rõ ràng phải nhập toàn bộ quặng sắt, than cốc, toàn bộ vật liệu khác… có nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép”, ông Mại lưu ý thêm.

Dẫn số liệu cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 tỷ USD thép cao cấp trong khi dự án của Formosa đi vào hướng thép cuốn và thép cao cấp nên ông Mại cho biết, cần tính toán nếu Formosa đã đáp ứng một phần thì dại gì có một dự án khác nhập nguyên liệu rồi xuất khẩu sản phẩm như dự án Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Đừng để người dân lại phải "chọn cá hay chọn thép"!

Bài học về sự cố môi trường ở miền Trung do Formosa gây ra vẫn còn đó và chúng ta không thể một lần nữa đặt người dân, nền kinh tế vào thế “chọn cá hay chọn thép” được!

Sự cố môi trường ở biển miền Trung đã và đang gây những tác động nặng nề đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân tại 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hệ sinh thái biển bị tổn hại nghiêm trọng, nguồn lợi từ biển không còn khiến cuộc sống mưu sinh của họ đang gặp vô vàn khó khăn.

Hoạt động sản xuất thép… đang trở thành nỗi ám ảnh, là “ác mộng” mà không một người dân miền Trung nào và có lẽ cũng chẳng một người dân nào muốn một lần nữa phải chứng kiến, phải đối mặt hay “đánh bạc” nữa!

Gây hậu quả nghiêm trọng như vậy nhưng lạ một chỗ, trong một thông tin mới đây là Tổng cục Thuế, từ năm 2009 đến nay, Formosa đã được hoàn thuế lên tới 14.167 tỉ đồng. Con số này có được là do những chính sách ưu đãi đầu tư mà chủ đầu tư được hưởng khi triển khai dự án và nó vượt xa mức bồi thường 500 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỉ đồng mà Formosa cam kết bồi thường cho sự cố môi trường ở miền Trung.

Dư luận vì thế đang đặt câu hỏi vì sao những quan chức của ta lại có thể đặt bút ký chấp thuận cho một dự án kiểu như thế được triển khai. Rồi khi đi vào hoạt động, nó sẽ đóng góp gì cho nền kinh tế hay chỉ là những “con vật ký sinh” sống nhờ trên những ưu đãi mà địa phương đưa ra và là những “quả bom môi trường” đe dọa cuộc sống, sức khỏe người dân vùng dự án?…

Trong khi các vấn đề nhức nhối trên ở Formosa còn chưa có lời giải và hậu quả của nó lại rất rõ ràng thì không hiểu sao mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đưa những ưu đãi “khủng”, không hề kém cạnh so với ưu đãi mà Hà Tĩnh dành cho Formosa để Tập đoàn Hoa Sen triển khai Dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná.

Theo đó, để dự án được triển khai, UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ cấp khoảng 1.400 ha đất “sạch” đã được giải phóng mặt bằng và tái định cư cho chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án được xác định là 69 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng kỳ đầu tư… Đồng thời, Ninh Thuận cũng đưa những cam kết về việc xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, hệ thống điện, cấp nước… để phục vụ dự án.

Không dừng lại ở đó, theo những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cam kết cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt 69 năm triển khai dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp, (5%) cho 9 năm tiếp theo. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, sau khi quyết toán thuế với cơ quan thuế, nếu doanh nghiệp bị lỗ được chuyển khoản lỗ sang những năm sau để trừ vào thu nhập chịu thuế. Thời gian chuyển lỗ không quá 5 năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ cùng với chủ đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả thu nhập thường xuyên và không thường xuyên (kể cả người Việt Nam và nước ngoài) làm việc ở dự án; được miễn thuế đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện sản xuất…; được miễn thuế đất, thuế mặt nước và ưu đãi mức cao nhất đối với thuế tài nguyên nước…

Vì sao Ninh Thuận có thể chấp thuận những ưu đãi khủng như vậy cho Tập đoàn Hoa Sen. Những bài học xung quanh dự án Formosa chẳng nhẽ không đủ cảnh tỉnh, răn đe với giới chức lãnh đạo của địa phương này hay sao?

Đúng là chúng ta đã khuyến khích, đang đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các địa phương nhưng không có nghĩa là chúng ta kêu gọi, xúc tiến đầu tư bằng mọi giá. Đồng ý là Tập đoàn Hoa Sen có thể triển khai dự án và chúng ta cũng tạm tin lời cam kết của chủ đầu tư là nếu để xảy ra sự cố môi trường sẽ đóng cửa nhà máy, bàn giao tài sản cho nhà nước nhưng liệu rằng lợi ích mà nó mang lại có đáng để đưa những ưu đãi khủng, mang cuộc sống của người dân và môi trường vùng dự án ra “đánh bạc” như thế hay không?

Nói vậy để thấy rằng, việc cấp phép đầu tư cho Dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná cần phải được nhìn nhận, xem xét lại một cách khách quan, không thể chạy theo trào lưu, thành tích thu hút đầu tư. Một Formosa là quá đủ và chúng ta không thể một lần nữa mang cuộc sống của người dân cũng như các vấn đề môi trường ra đánh bạc với dự án thép Hoa Sen Cà Ná!

Khánh An

DIỄN ĐÀN

Một Formosa, lẽ nào chưa đủ sợ?

Dự án luyện thép của Tập đoàn Hoa Sen tại Cà Ná, Ninh Thuận được công bố khi môi trường biển miền Trung và Formosa vẫn đang là mối quan tâm lớn của dư luận.

Formosa, với những ưu đãi cực lớn, chỉ qua một đoạn chạy thử đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường với hàng trăm ngàn người thất nghiệp và hàng triệu người bị ảnh hưởng; cách Cà Ná chỉ 10 km là nhiệt điện Vĩnh Tân mới giai đoạn đầu hoạt động đã khiến những người dân Tuy Phong (Bình Thuận) phải sống chung với bụi xỉ. Những phản ứng thái quá khiến hàng chục người dân đã vướng vòng lao lý.

Vì thế, người ta không thể không quan tâm về dự án thép của Hoa Sen với tổng công suất tối đa 16 triệu tấn/năm, bằng 80% dự án Formosa.

Để sản xuất chừng ấy thép, mỗi ngày cần có 180.000m3 nước ngọt, tức hơn 60 triệu m3/năm. Nguồn nước này lấy từ đâu khi mà Ninh Thuận có lượng mưa thấp nhất cả nước? Trong hai năm liên tục vừa qua, tại Ninh Thuận nhiều vùng không có nước tưới, gia súc không có nước uống, chết hàng loạt, những người chăn nuôi đã phải đưa đàn gia súc của mình du mục đến ăn cỏ ở những… đáy hồ thủy lợi. Quân đội phải chở nước đến cấp cho dân ngay tại huyện Thuận Nam, nơi triển khai dự án thép Hoa Sen.

Nhà máy nước Phước Nam chỉ có công suất 30.000m3/ngày, nếu chạy hết công suất cũng chỉ đủ cung cấp 13% nhu cầu của nhà máy thép Hoa Sen. Tổng dung tích thiết kế toàn bộ hơn 20 hồ chứa nước hiện có tại Ninh Thuận chỉ hơn 190 triệu m3, có nghĩa là thép Hoa Sen sẽ cần sử dụng đến 30% tổng dung tích thiết kế của các hồ chứa nước ở Ninh Thuận. Mà cần nhớ rằng tháng 6-2016 vừa qua, do hạn hán, tổng lượng nước của các hồ chứa ở Ninh Thuận chỉ còn 32 triệu m3, bằng 17% dung tích thiết kế và bằng một nửa số nước mà dự án này cần trong một năm. Không có Hoa Sen thì Ninh Thuận cũng đã khát khô. Theo số liệu được công bố trên website Tổng cục Thủy lợi, tỉnh chỉ có thể giải quyết căn bản nước cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 nếu điều tiết được khoảng 400 triệu m3 nước từ đập dâng Tân Mỹ và sông Cái. Tuy nhiên, cho dù có thêm hai hệ thống này thì cũng chỉ giải quyết nước cho các huyện phía bắc, trong khi dự án thép Hoa Sen lại nằm ở phía nam của Ninh Thuận.

Nếu đi vào hoạt động, nước đâu để cung cấp cho thép Hoa Sen? Và nếu có thể cung cấp cho Hoa Sen, liệu Ninh Thuận còn đủ nước cho những cánh đồng khô khát?

Với một tỉnh nghèo như Ninh Thuận, nguồn thu ngân sách từ đại dự án này quả là hấp dẫn, con số dự kiến 45.000 lao động địa phương có công ăn việc làm cũng sẽ giúp thay đổi đời sống kinh tế của địa phương, cạnh đó là cơ hội phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ như ăn uống, vận tải, lưu trú... Nhưng điều đó không thay thế được nỗi lo về nguồn nước và môi trường. Người dân cần được đảm bảo rằng sẽ không có một ảnh hưởng nào đối với môi trường nhưng ai sẽ dám đảm bảo điều đó khi mà Formosa vẫn là bài toán chưa giải quyết xong? Ngư dân, diêm dân, du lịch biển đầy tiềm năng của Ninh Thuận có chắc chắn được an toàn khi nhà máy thép tầm cỡ Fomosa được xây dựng tại đây? Năng lực xử lý chất thải được tính toán thế nào để xử lý lượng nước thải khổng lồ và những chất thải độc hại phát sinh trong quá trình luyện thép? Tất cả do chưa có thông tin nên dư luận vẫn đặt ra những dấu hỏi.

Ông Lê Phước Vũ tuyên bố sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra ô nhiễm. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của ông Vũ nhưng nó lại khiến nhiều người lo ngại. Đã có ý kiến cho rằng tuyên bố của ông Vũ mang tính đánh cược. Mà không người dân nào lại muốn lấy môi trường sống của mình ra đánh cược cả, dù là cược với toàn bộ tài sản của ông Vũ.

            ĐỨC HIỂN

BÌNH LUẬN

Quy hoạch theo kiểu “ưu tiên” có thuận lợi nhất để phát triển ngành thép

“Tôn Hoa Sen cũng đang đi ngược với trào lưu thế giới. Tôi lấy ví dụ như Huyndai, họ sản xuất từ thô đến tinh, từ sản xuất xe đến các ngành công nghiệp phụ trợ mang lại giá trị cao. Còn Hoa Sen lại từ sản xuất tinh nhắm đến sản xuất thô là đầu tư vào cán thép. Như thế thì sao phát triển thành doanh nghiệp sáng tạo được”. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bình luận về công nghệ mà Tôn Hoa Sen sẽ áp dụng để sản xuất thép.  Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, còn khá nhiều băn khoăn trong việc Tập đoàn Hoa Sen đầu tư dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Cụ thể, ông Hiển cho biết có 3 vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, xét về mục tiêu chiến lược quốc gia thì có vẻ như chúng ta cứ xét đầu tiên là ưu tiên đầu tư vào vùng khó khăn. Dĩ nhiên, chiến lược phát triển kinh tế vùng miền khó khăn là tốt nhưng từ thực tế trước đây ở Việt Nam cũng như thế giới thì phát triển kinh tế phải dựa trên ưu thế vùng miền, không phải muốn là được.

Trong trường hợp phát triển nhà máy thép, các nước trên thế giới đều dựa vào các ưu thế như: vùng biển hẻo lánh, có cảng nước sâu… Ở đây, dự án này lại nằm giữa 2 thành phố du lịch nổi tiếng là TP. Phan Thiết và Nha Trang, liệu có phù hợp không?

Chưa nói đến vấn đề môi trường, liệu quy hoạch theo kiểu “ưu tiên” này có thuận lợi nhất để phát triển ngành thép, mang lại giá trị tối đa?

Thứ hai, xét về góc độ phát triển thì các quốc gia đang hướng tới phát triển bền vững, công nghiệp mang lại giá trị gia tăng thì chúng ta lại phát triển theo hướng ngành công nghiệp nặng. Thực tế, thời gian qua ngành thép đã dựa dẫm quá nhiều vào sự hỗ trợ, bảo hộ của Nhà nước, thế nên thay vì phát triển theo hướng ưu đãi nguồn nguyên liệu thì sao ta không đầu tư cho phát triển công nghiệp giá trị gia tăng. Chưa kể, bên cạnh một nước khổng lồ dư thừa thép rất lớn như Trung Quốc thì Việt Nam nên cân nhắc tính đến chuyện đầu tư vào ngành thép, hoặc ít nhất là đầu tư cho sản phẩm cao cấp, không thuộc những dòng sản phẩm đang dư thừa hiện nay mà Trung Quốc đang đưa ra thị trường. Tuy nhiên, làm những sản phẩm cao cấp đó thì hết sức tốn kém về kinh tế cũng như khó về kỹ thuật, liệu Hoa Sen có làm được.

Cuối cùng, Tôn Hoa Sen cũng đang đi ngược với trào lưu thế giới. Tôi lấy ví dụ như Huyndai, họ sản xuất từ thô đến tinh, từ sản xuất xe đến các ngành công nghiệp phụ trợ mang lại giá trị cao. Còn Hoa Sen lại từ sản xuất tinh nhắm đến sản xuất thô là đầu tư vào cán thép. Như thế thì sao phát triển thành doanh nghiệp sáng tạo được.

DƯ LUẬN

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận:

Bài học Formosa còn đó nên tỉnh đã thảo luận kỹ. Không phải tỉnh bất chấp tất cả để thu hút đầu tư. Bộ TNMT, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương phải đảm bảo đến mức nào tỉnh mới chấp nhận chứ. Khí thải, bụi, nước thải khi làm thép có thể xử lý được bằng công nghệ. Vấn đề là nhà đầu tư có quyết tâm đầu tư hay không? Tập đoàn Hoa Sen phải ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định Nhà nước và triển khai từng phần theo phân kỳ của dự án. Khác với Formosa Vũng Áng được làm đồng bộ rầm rộ, thép Cà Ná chỉ được phép làm theo phân kỳ. Ví dụ như nếu xây xong giai đoạn đầu (2017-2018 với công suất 1,5 triệu tấn/năm-PV) mà có phát sinh gây ô nhiễm môi trường là lập tức đóng cửa, rút giấy phép dự án ngay.

Cần thiết có sự phản biện của báo chí, nhà khoa học về dự án để đạt được sự an toàn, hạn chế rủi ro. Tập đoàn Hoa Sen phải có đánh giá tác động môi trường. Và phải xem kiểm soát chéo giữa các bên như thế nào chứ không để môi trường bị ảnh hưởng như bài học Formosa.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: 

Cam kết của Tập đoàn Hoa Sen là… “không ổn”. Nếu Hoa Sen cam kết dự án sẽ không gây ô nhiễm môi trường thì phải có cơ sở chắc chắn về thông số kỹ thuật, việc đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải cũng phải công khai để cho Nhà nước cũng như xã hội kiểm soát chứ không phải chỉ là cam kết “đền bù tài sản” là xong. Thực tế, như Formosa đã xảy ra rồi, bây giờ có đền bù bao nhiêu cho Việt Nam cũng không đủ để có thể phục hồi lại vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bây giờ, Hoa Sen dự định đầu tư ở vùng biển Ninh Thuận thì thực sự tôi rất ngại cho tương lai của vùng biển này.

Ông Phạm Chí Cường- chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc- luyện kim Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:

Theo tôi trong giai đoạn hiện nay Nhà nước phải cân nhắc xem xét rất là kỹ, bởi vì xu thế ở trong nước thì đã thừa thép rồi. Xu thế chung của cả khu vực và thế giới thì thép cũng đang dư thừa và nhất là Việt Nam ở gần Trung Quốc là nước dư thừa thép rất lớn và họ đang tìm mọi cách để xuất khẩu lượng thép dư thừa của họ, làm cho toàn bộ việc cân đối mặt hàng thép ở Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn mà Nhà nước đang phải bảo hộ. Cho nên tôi nghĩ là, khi nghiên cứu dự án của Hoa Sen thì Nhà nước phải rất thận trọng.

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn