Dùng tác phẩm hội họa in áo dài: Mượn đầu heo nấu cháo

Thứ tư, 15/05/2019 13:55 PM - 0 Trả lời

(CLO) Tình trạng tùy tiện sử dụng tác phẩm của họa sĩ để in trên chất liệu vải áo dài của một số doanh nghiệp in ấn, may mặc không thể dùng một từ nào chuẩn xác hơn là: “Mượn đầu heo nấu cháo”.

Nhiều đơn vị tùy tiện lấy các tác phẩm hội họa để in lên vải, áo dài bán thương mại ra cộng đồng. Ảnh: V.H

Nhiều đơn vị tùy tiện lấy các tác phẩm hội họa để in lên vải, áo dài bán thương mại ra cộng đồng. Ảnh: V.H

Trên mạng xã hội facebook mới đây xuất hiện nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa”. Nhóm này do họa sĩ Bùi Trọng Dư sáng lập từ ngày 3/5/2019 sau khi anh phát hiện nhiều công ty áo dài đã đạo nhái trái phép nhiều tác phẩm của mình cùng 7 họa sĩ khác lên áo dài để bán kinh doanh.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, qua thông tin từ một số bạn bè, anh biết được việc các bức tranh của mình in trên các miếng vải áo dài. Sau khi tìm kiếm thông tin, ông phát hiện nhiều tranh của mình bị các công ty như: In vải kỹ thuật số Phan Trần, Áo dài Lotus – Lotus House, Công ty In vải Lan Anh… cho in trên sản phẩm của họ, bày bán công khai trên thị trường.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết, anh có ít nhất 4 bức tranh bị sử dụng trái phép vào mục đích thương mại. Tác giả của bức tranh sơn mài “Ao sen” bức xúc cho biết: “Đây là lần thứ tư tôi phát hiện ra tranh của mình bị xâm phạm bản quyền ở các sản phẩm tiêu dùng trong cuộc sống. Đặc biệt là sở hữu trí tuệ bức tranh sơn mài "Ao sen" (vẽ năm 2011) nhiều lần bị xâm phạm, lần này cũng bị các đơn vị in áo dài tự ý dùng. Tệ hại hơn là họ lấy tranh của tôi làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào in chồng lên, gọi kiểu copy lắp ghép, “đạo”, “nhái” đó là “mẫu thiết kế” và chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội”.

Trước đó, vào năm 2017, cũng chính bức tranh “Ao sen” của anh đã bị tiệm bánh Trang Nguyên (Hà Nội) tự ý sử dụng hình ảnh từ bức tranh làm mẫu mã sản phẩm trên hộp bánh trung thu khi chưa được sự đồng ý. Đại diện của tiệm bánh đã phải xin lỗi và bồi hoàn kinh phí cho việc sử dụng hình ảnh bức tranh này.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư. Ảnh: V.H

Họa sĩ Bùi Trọng Dư. Ảnh: V.H

Ban đầu, họa sĩ Bùi Trọng Dư liên lạc với các đơn vị này thì chỉ nhận được sự im lặng hoặc trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Anh cho biết: “Bên Lotus House nói, họ chỉ là bên phân phối thôi, chứ không có ý định xin lỗi, còn khen mình đã phát hiện ra và gửi thông tin cảm ơn mình. Tôi thấy điều này cực kỳ vô lý và buồn cười, bởi một nhà phân phối lớn, bán sỉ, bán lẻ mà không đặt hàng thì ai dám in ấn ra. Tuy nhiên, sau đó tôi vẫn gọi cho công ty in thì họ trả lời, bên khách hàng đặt nên không chịu trách nhiệm. Bên nọ đổi cho bên kia nên việc đòi “công lý” vô cùng khó khăn”.

Đào bới thêm thông tin, họa sĩ Dư thấy không chỉ tranh mình mà tranh của các họa sĩ: Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Phan Linh Bảo Hạnh, Nguyễn Quý Tâm, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Phan Quốc… cũng bị xâm phạm bản quyền bởi các công ty In vải kỹ thuật số Phan Trần, Áo dài Lotus – Lotus House, Công ty Phương Mai, Công ty In vải Lan Anh… có trụ sở tại TP. HCM nên quyết định đăng lên trang cá nhân kêu gọi các đồng nghiệp cùng lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của người họa sĩ.

Sau khi thông tin lan rộng trên mạng và nhận được yêu cầu từ các họa sĩ, một số công ty đã có động thái liên lạc và xin lỗi các họa sĩ, ví dụ Công ty TNHH In Vải KTS Phan Trần đã thừa nhận sai sót và liên lạc với các họa sĩ để xin lỗi miệng, Họa sĩ Trần Trọng Dư cho biết, anh và các đồng nghiệp đã nhận được văn bản xin lỗi bằng “giấy trắng mực đen” từ Phan Trần. Một số đơn vị khác có xin lỗi thì “làm rất qua quýt”.

Bản cam kết của công ty Phan Trần gửi họa sĩ Dư.

Bản cam kết của công ty Phan Trần gửi họa sĩ Dư.

Họa sĩ Ngụy Đình Hà, tác giả bức tranh sơn dầu “Hai chị em” vẽ năm 2018, bị Công ty áo dài Phương Mai xâm phạm trái phép, nói: “Để vẽ được, người họa sĩ phải trả giá bằng nhiều năm trải nghiệm cuộc sống, lăn lộn đi thực tế, tìm tòi phong cách, nghiền ngẫm mất ăn mất ngủ cả tháng, nhưng sở hữu trí tuệ quý báu chắt lọc này lại bị các công ty ngang nhiên tự ý lấy đem xào xáo bừa bãi, bán ra thương trường kiếm lời mà không hề xin phép, không trả tiền tác quyền? Tôi thực sự rất tức giận và đau xót cho tác phẩm của mình”.

Khó mà khẳng định được lời xin lỗi của những đơn vị kinh doanh là chân thành hay không. Tuy nhiên, có một điều có thể nhận thấy là nhiều đơn vị vẫn tỏ ra ngây ngô khi nói đến các khái niệm về bản quyền. Đơn vị Áo dài Lotus – Lotus House đã có gửi email xin lỗi tới họa sĩ, nhưng lại cho rằng: “Chỉ là người buôn bán, bên phân phối nên không kiểm soát đầu vào đầu ra”. Các họa sĩ đều đánh giá đây giống như là sự thoái thác trách nhiệm chứ không thật sự cầu thị khi bị vạch ra các sai phạm.

Họa sĩ Dư cho biết, trong số các đơn vị vi phạm, Công ty Phương Mai cũng là một đơn vị ngoan cố khi không nhận sai, thậm chí còn lên tiếng thách thức các họa sĩ kiện ra tòa.

Sáng 15/5, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ông Dương Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH In ấn Dệt may Phương Mai cho biết, các hình ảnh phía công ty sử dụng đều được lấy... trên mạng. Cụ thể là từ trang tìm kiếm Google và Pinteres.  Ông Bình cho biết, trong số các họa sĩ bị “đạo” tác phẩm để in ấn thương mại, công ty ông đã xin lỗi họa sĩ ở Huế, còn các họa sĩ ở Hà Nội thì “có thái độ căng thẳng và khó khăn quá” nên việc xin lỗi chưa được thực hiện. Đề cập tới vấn đề chia sẻ lợi nhuận từ các sản phẩm đã khai thác thương mại và đền bù về mặt vật chất, ông Bình cho biết đó là việc “sắp tới công ty sẽ làm”. Nhưng “sắp tới” là bao giờ thì chưa biết.

Tình trạng tùy tiện lấy hình ảnh có bản quyền để sử dụng thương mại khi chưa có sự đồng ý diễn ra khá phức tạp. Ảnh: V.H

Tình trạng tùy tiện lấy hình ảnh có bản quyền để sử dụng thương mại khi chưa có sự đồng ý diễn ra khá phức tạp. Ảnh: V.H

Trao đổi thêm với chúng tôi, các họa sĩ cho biết, các anh không đòi hỏi việc đền bù thiệt hại về kinh tế, bởi lẽ, các họa phẩm bị xâm phạm đều đã được định vị về giá trị trên thị trường. Cái mà các họa sĩ cần là việc xin lỗi công khai trước công chúng và thái độ xin lỗi cần thật sự cầu thị. Các họa sĩ cũng cho biết, nếu tác phẩm phù hợp với sản phẩm và các đơn vị kinh doanh vẫn mong muốn được tiếp tục sản xuất sản phẩm này, thì có thể hợp tác chính thức với các họa sĩ để sản phẩm hoàn hảo hơn, minh bạch hơn.

Ngày 13/5/2019, nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” quyết định trở thành nhóm mở với mục đích cùng các họa sĩ tự bảo vệ các tác phẩm của mình thông qua việc phát hiện và đấu tranh đòi quyền lợi khi phát hiện các tác phẩm của mình bị đạo, nhái hay sử dụng mà không xin phép cũng như mua bản quyền.

Nhiều họa sĩ và những người yêu nghệ thuật đánh giá, trong thời gian tới, việc phát hiện các sai phạm theo dạng này sẽ còn nhiều và phức tạp, bởi tình trạng các tác phẩm hội họa bị sử dụng bừa bãi, không tôn trọng các quyền hợp pháp của tác giả đã diễn ra phổ biến trong nhiều năm. Do vậy, việc đấu tranh với các sai phạm này sẽ không thể kết thúc trong một sớm, một chiều.

Một số quy định pháp lý hiện hành về quyền tác giả, tác phẩm:

- Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định Hành vi sao chép, sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu vi phạm quyền tác giả theo.

- Hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại Điểm D, khoản 1, Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, bị coi là vi phạm quyền tác giả. Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP có giải thích cụ thể về sao chép tác phẩm

- Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng. Khoản 1, điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Khoản 1 điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

Tử Hưng

Tin khác

Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

Du khách mãn nhãn với màn pháo hoa khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024

(CLO) Tối ngày 27/4, chương trình bắn pháo hoa tại Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã diễn ra khiến nhiều người dân hò reo, dùng điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp của màn pháo hoa nghệ thuật.

Đời sống văn hóa
Nhiều địa điểm du lịch ở Ninh Bình thu hút đông du khách trong ngày đầu nghỉ lễ

Nhiều địa điểm du lịch ở Ninh Bình thu hút đông du khách trong ngày đầu nghỉ lễ

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày, được xác định là cơ hội vàng để thu hút du khách về với Ninh Bình. Ngành du lịch Ninh Bình kỳ vọng sẽ đón 550.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 520 tỷ đồng.

Đời sống văn hóa
Kết nối Di sản Tràng An với các thành phố Di sản UNESCO

Kết nối Di sản Tràng An với các thành phố Di sản UNESCO

(CLO) Tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”.

Đời sống văn hóa
Thái Bình: Nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc tại lễ hội đền Mẫu năm 2024

Thái Bình: Nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc tại lễ hội đền Mẫu năm 2024

(CLO) Lễ hội đền Mẫu năm 2024 được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 27-29/4 (tức ngày 19-21/3 âm lịch) với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như dâng hương, tế lễ, rước kiệu truyền thống và một số trò chơi dân gian.

Đời sống văn hóa
Tổ chức chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

Tổ chức chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2024

(CLO) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị điện ảnh tổ chức Đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4, 1/5, 7/5, 19/5 năm 2024.

Đời sống văn hóa