Được giao Khu du lịch thác Bản Giốc, “con” của Milton Group không kiếm nổi 1 đồng

Thứ tư, 28/04/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Dù Khu du lịch thác Bản Giốc đã bước vào giai đoạn 2 (theo kế hoạch) nhưng Bản Giốc Corp, công ty con của Milton Group không kiếm nổi 1 đồng doanh thu. Đáng quan tâm hơn cả là hàng tồn kho Bản Giốc Corp cũng là 0 đồng.

Ông Trần Đăng Chung trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình.

Ông Trần Đăng Chung trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình.

Thua lỗ, Milton vẫn được giao dự án Khu du lịch thác Bản Giốc

Doanh nhân Trần Đăng Chung nổi tiếng với “Chuyến hồi hương 13.000 tỷ từ Đông Âu”. Sau khi thành danh ở Đông Âu, năm 2011, ông về Việt Nam thành lập Công ty cổ phần Milton (Milton Group hay Milton Holding). Doanh nghiệp này đã xây dựng một hệ sinh thái vô cùng hoành tráng ở Phú Quốc với Milton Europa Village.

Nhưng biển không phải điểm đến duy nhất của Milton. Ngoài biển, Milton còn để mắt đến núi. Khu du lịch thác Bản Giốc là dự án khổng lồ tiếp theo của đại gia “gốc” Đông Âu. Tuy nhiên, cũng giống như Milton Europa Village, Khu du lịch thác Bản Giốc không hề phô trương được tiềm năng “chuyến hồi hương 13.000 tỷ” mà ngược lại, hai dự án đã vẽ lên bức tranh tài chính kém hiệu quả của Milton.

Ngày 13/4/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dĩnh đã ký thay Thủ tướng Chính phủ Quyết định “Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc”.

Khu du lịch thác Bản Giốc được kỳ vọng trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của quốc gia. Khu có quy mô 156 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.200 - 2.700 tỷ đồng.

Milton Holding là nhà đầu tư được UBND tỉnh Cao Bằng lựa chọn giao xây dựng đề án đầu tư xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc, bao gồm 4 khu vực: Khu vực cảnh quan thác Bản Giốc; khu vực cảnh quan dọc theo sông Quây Sơn; khu vực cảnh quan sinh thái lâm nghiệp đồi núi; khu vực cảnh quan sinh thái nông nghiệp.

Điều đáng nói, Milton Holding được giao dự án trọng điểm khi công ty vừa gánh thua lỗ. Năm 2016, Milton Holding lỗ 6 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế khiến vốn chủ sở hữu của công ty giảm xuống chỉ còn 232 tỷ đồng.

Để thực hiện dự án, Milton Holding hợp tác với Công ty cổ phần Công nghệ Tiến Phát (Tiến Phát) và ông Nguyễn Toàn Thắng thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Bản Giốc (Bản Giốc Corp) với vốn 100 tỷ đồng.

Một gian hàng của Milton Group tại Nga.

Một gian hàng của Milton Group tại Nga.

Dự án vào giai đoạn 2, công ty vẫn 0 đồng doanh thu và hàng tồn kho

Theo kế hoạch, dự án được chia làm 3 giai đoạn đầu tư.

Giai đoạn 1 (2017 - 2018) có tổng mức đầu tư khoảng 70 - 100 tỷ đồng để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở du lịch, dịch vụ thiết yếu.

Giai đoạn 2 (2019 - 2023) có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 700 - 1.000 tỷ đồng để đầu tư mới và nâng cấp các hệ thống cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ.

Giai đoạn 3 (2024 - 2030), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng với mục tiêu hoàn thiện Khu du lịch thác Bản Giốc.

Tuy nhiên, hết năm 2019 (thời điểm giữa giai đoạn 2), bức tranh tài chính của công ty vẫn rất mù mịt. Kể từ khi thành lập đến 2019, Bản Giốc Corp rơi vào tình trạng 0 đồng, đi kèm với đó là những khoản thua lỗ 54 triệu đồng, 10,6 triệu đồng và 2,6 tỷ đồng.

Khi dự án chưa đi vào hoạt động, việc công ty không có thu nhập và thua lỗ là điều dễ hiểu. Nhưng nguy hiểm ở chỗ, dù Khu du lịch thác Bản Giốc đã bước vào giai đoạn 2 (với vốn đầu tư dự kiến lên đến 100 tỷ đồng), hàng tồn kho của Bản Giốc Corp vẫn đều đặn… 0 đồng trong 3 năm liên tiếp.

Chưa dừng lại ở đó, các chỉ tiêu tài chính hoặc giảm nhẹ, hoặc “đóng băng”, không có dấu hiệu nào cho thấy công ty có tăng trưởng.

Do thua lỗ nên vốn công ty giảm từ 100 tỷ đồng xuống 97,4 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động. Tổng nguồn vốn nhỉnh hơn rất ít, khi chỉ đạt 97,6 tỷ đồng. Nghĩa là vốn công ty không được sử dụng hiệu quả và công ty cũng chẳng sử dụng đòn bẩy tài chính.

Có thể thấy, trong 3 năm đầu tiên phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, Bản Giốc Corp có bức tranh tài chính yếu ớt. Sẽ không dễ cho công ty nếu bước vào các giai đoạn sau với số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Sẽ thật đáng tiếc cho Bản Giốc Corp hay Milton Holding vì theo đề án Khu du lịch thác Bản Giốc rất thuận tiện cho phát triển bất động sản thương mại. Khu du lịch thác Bản Giốc sẽ có 9,2ha dành cho công trình nhà ở (nhà ở hiện trạng cải tạo, nhà ở lô phố xây dựng mới, nhà vườn sinh thái xây dựng mới).

Bảo Linh 

Tin khác

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

Sau bê bối rửa tiền, công ty gia đình Trung Quốc thưa dần trên đất Singapore

(CLO) Tại Singapore, tốc độ tăng trưởng của các văn phòng gia đình Trung Quốc đang chậm lại do hậu quả từ vụ bê bối rửa tiền trị giá hàng tỷ USD năm ngoái và việc kiểm tra chặt chẽ hơn đối với những cá nhân nộp đơn mới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

Duy trì sức tăng trưởng, doanh thu quý I/2024 BSR đạt 30.696 tỷ đồng

(CLO) Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã CK: BSR - UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 30.696 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 1.195 tỷ đồng và nộp NSNN đạt 3.355 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

Kinh tế Việt Nam quý I/2024: “Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt”

(NB&CL) Nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 tiếp tục phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống người dân tiếp tục được cải thiện, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới xuất hiện, tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục

(CLO) Dù đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc mới diễn ra 1 ngày, song mức tiêu thụ điện đã xô đổ mọi kỷ lục.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

Một nửa giao dịch giữa Nga - Trung Quốc được thực hiện thông qua bên thứ ba

(CLO) Reuters đưa tin, dẫn lời các nhà tư vấn thương mại và chủ ngân hàng, cũng như các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, có tới một nửa số giao dịch thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện thông qua các bên trung gian.

Thị trường - Doanh nghiệp