GS Hoàng Chí Bảo - Dạt dào cảm hứng với Bác kính yêu

Thứ sáu, 01/02/2019 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) GS.TS Hoàng Chí Bảo là người nổi tiếng. Nổi tiếng trong nghiên cứu lý luận chính trị. Nổi tiếng về nghệ thuật giảng dạy lý luận chính trị. Nổi tiếng về sức cảm hóa người nghe qua các buổi nói chuyện trước đám đông; đặc biệt là các cuộc nói chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi đã đôi lần đi đây đi đó, gặp gỡ người Việt Nam sinh sống ở các nước Cộng hòa Séc, Đức, Pháp, gần đây là Thái Lan... họ đều bày tỏ niềm ngưỡng mộ, khâm phục nghệ thuật truyền đạt, sức cảm hóa mãnh liệt của Giáo sư Hoàng Chí Bảo qua các cuộc nói chuyện về Bác Hồ (theo lời mời của Đại sứ quán Việt Nam) khiến họ vô vàn kính yêu Bác và da diết nhớ về Tổ quốc Việt Nam thân yêu của mình. Những khi ấy, tôi chỉ đế thêm: Giáo sư là người nghiên cứu sâu nên thấu hiểu, là người giàu cảm xúc nên thấu cảm.

Giáo sư trong căn phòng làm việc xưa cũ tại 56B Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Giáo sư trong căn phòng làm việc xưa cũ tại 56B Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Đảng và Nhà nước ghi công ông bằng việc phong học hàm Phó Giáo sư (1992), Giáo sư (2003), tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (2012) cùng nhiều loại Huân, Huy chương; trong đó có Huân chương Độc lập Hạng III… và vô số Bằng khen, trong đó có Bằng khen của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong việc tham gia đấu tranh tư tưởng lý luận chống các quan điểm sai trái, thù địch của kẻ thù!... Tôi đem điều này phô lại với ông, nhưng ông lại đưa cuộc trò chuyện đi xa hơn:

- Đời người với công việc thường có cơ duyên, thậm chí may mắn, nhưng ít ai không trải những thăng trầm. Có điều là phải luôn tự vượt lên. Đừng ngồi để trách cứ. Một năm (1994) “được đi thực tế” dài hạn, tôi rất cố gắng nên mới có được bản “Báo cáo khảo sát về tình hình doanh nghiệp của Hà Nội”, được Ban Tổ chức Trung ương mời báo cáo sau chuyến đi thực tế đó, góp phần vào xây dựng đề án đổi mới doanh nghiệp. Từ năm 1995, tôi trở lại công việc chuyên môn của mình, được mời nói chuyện, được đi cùng nhiều Đoàn nghiên cứu của Trung ương tới nước này nước kia, giúp thu lượm nhiều điều bổ ích... Là ủy viên thường trực chuyên trách Hội đồng khoa học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tô Huy Rứa - Giám đốc Học viện lúc đó, tôi được giao soạn thảo Chiến lược hoạt động khoa học 10 năm (2005 - 2015) của Học viện, trong đó trù tính việc đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ, giúp họ trưởng thành nhanh trong thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy. Tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương, tôi được giao viết nhiều bài phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các báo cáo đề dẫn các cuộc hội thảo khoa học quốc tế lớn của Đảng ta với các Đảng bạn.

Tôi cũng tham gia xây dựng, thiết kế các chuyên đề nghiên cứu của Trung ương, chủ biên Bộ giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh hệ đào tạo lý luận cao cấp của Học viện Chính trị, Bộ Công an và Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học cho bậc Đại học, tham gia giảng về Chủ nghĩa xã hội và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho 6 lớp nguồn của Trung ương... Hướng dẫn khoa học cho các luận án, luận văn của 30 tiến sĩ, 50 thạc sĩ trong đó có cả học viên của Lào và Hàn Quốc. Viện Việt Nam học và khoa học phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mời tôi giúp các nghiên cứu sinh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sang nghiên cứu về Việt Nam. Họ muốn tìm hiểu những nghiên cứu của các học giả Việt Nam về dân chủ, về hệ thống chính trị Việt Nam, về văn hóa Hồ Chí Minh. Tôi đã cố gắng đáp lại yêu cầu của họ thông qua các bài giảng chuyên đề, các thảo luận, tọa đàm khoa học. Công việc và công việc nên tôi luôn được sống trong lòng bạn bè, đồng chí, độc giả và thính giả. Họ luôn là niềm khích lệ, tạo cảm hứng cho công việc của mình!...

20181126_151004

- Giáo sư, từng nói: Muốn rung động người nghe thì người truyền đạt phải thực sự thấu hiểu, thấu cảm vấn đề. Cơ duyên nào khiến giáo sư thấu cảm về Bác sâu xa đến vậy? Tôi hỏi. Ông đáp ngay:

- Tuổi 20 tôi đã giảng “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh trung học. Sau, theo nghề nghiên cứu lý luận chính trị, triết học và Hồ Chí Minh học (khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh), cùng với việc giảng dạy lý luận như mạch nối, liên tục ngày nối ngày cho tôi cảm xúc về Bác, hiểu sâu thêm triết lý sống vì dân vì nước của Người. Nhưng, dấu ấn đầu tiên, bước ngoặt quan trọng đầu tiên để tôi thấu hiểu về Bác, ấy là lúc 9 giờ sáng, ngày 9, tháng 9, năm 1969 dự Lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình, nghe 5 lời thề trong Điếu văn do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc âm rung tận đáy lòng tôi, cảm giác ấy khiến tôi thầm hứa: Phải học, phải nghiên cứu để thấu hiểu hơn nữa về Bác Hồ kính yêu của dân tộc! Thế rồi, những năm học tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu V (lúc đó trường đặt ở Khoái Châu, Hưng Yên) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (Liên Xô), mỗi khi gặp khó khăn, tôi thường nghĩ về sự dấn thân của Bác, càng tập trung đọc, nghiên cứu, suy ngẫm để thấu hiểu những luận điểm của Bác về con người, về xã hội...

Những mảng tư liệu tôi chú tâm nghiên cứu về Bác, trước hết là: + Những đánh giá của thế giới về Người qua các đối tượng khác nhau, ở các nước có chế độ xã hội khác nhau để soi chiếu một cách rộng lớn và toàn diện; + Thơ văn trong nước và thế giới viết về Người, ngợi ca Người, đặc biệt khi Người qua đời; + Các tác phẩm lý luận, báo chí và thơ, văn tiêu biểu của Người... Nhờ đó giúp tôi hiểu sâu, xúc cảm, tin yêu mãnh liệt với Bác. Cho nên tôi nghiệm ra “Chỉ từ trái tim mới đến được với trái tim”. Nếu mình không rung động, không thấu hiểu, thấu cảm thì đừng mong truyền cảm đến người khác. Bác của chúng ta là con người chân thực, bình dị, không ưa những lời to tát, đại ngôn; “tâm hồn Bác luôn lộng gió thời đại” (lời của Phạm Văn Đồng) nên qua thơ văn ta dễ hiểu, dễ nhận biết về cảm xúc của Người.

Thâm tâm tôi tự thấy mình có những nét đồng điệu với Người; đại thể, gốc quê ngoại Bác và quê ngoại của tôi cùng ở Hưng Yên. Mười tuổi Bác Hồ mồ côi mẹ, tôi cũng thế. Đọc Bác tôi rất đồng cảm, tình cảm thẳm sâu vào mỗi con người, mỗi cuộc đời, mỗi số phận con người. “Giản dị, lão thực, hiền minh” đúng như lời nhận định của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Bác. Tôi nghiên cứu Bác không chỉ từ lý luận, mà còn bằng tình cảm, bằng lòng thành kính của người con, người cháu nặng lòng tri ân với Bác. Suốt 27 – 28 năm qua tôi đi nói chuyện về Bác; về tư tưởng; đạo đức; phong cách của Bác suốt từ Bắc chí Nam và với cộng đồng người Việt đang sinh sống làm việc ở một số quốc gia thuộc châu Âu, châu Á. Tính ra đã có cả ngàn cuộc nói chuyện về Bác, cuộc nào tôi cũng bộc lộ hết mình tình cảm của tôi với Bác.

20181126_150622

Ấn tượng của tôi với đối tượng nghe tôi giảng, nghe tôi nói cũng khó để kể hết. Nhưng điều tôi ngẫm ngợi và theo suốt trong tôi, ấy là những cuộc nói chuyện với thanh niên, sinh viên các trường Đại học, với cả các cháu học sinh Trung học, Tiểu học ở một số nơi tôi đến. Tôi truyền cảm hứng tình yêu thương, kính trọng của tôi về Bác tới họ, và đo trong ánh mắt, trong những lời thổ lộ của họ, nhận ra tình cảm hết sức hồn nhiên trong sáng, một lòng kính yêu, học theo Bác, theo Đảng.

Một đối tượng lay động tâm can tôi, đó là những người mù, khiếm thị. Nghe tôi nói chuyện về Bác, kể những mẩu chuyện bình dị đời thường của Bác, tôi thấy lắm người bật khóc, những giọt nước mắt lăn lăn trên má họ. Vậy là tình thương yêu Bác từ lâu rồi vẫn rất bền chặt trong lòng dân. Họ không nhìn thấy tôi bằng mắt nhưng chúng tôi lại nhận rõ nhau bằng trái tim. Trái tim đồng điệu, vô cùng kính yêu Bác Hồ, thiết tha học và noi gương Bác. Không ít hội viên Hội Người mù thiết tha được đứng trong đội ngũ của Đảng, Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện. Nguyện vọng và tấm lòng chân thành ấy của họ làm tôi vô cùng xúc động.

Chốt lại cuộc trò chuyện, ông bảo: Suốt cuộc đời Bác vì nước, vì dân “Ái Quốc – Ái Dân”, “Phục vụ nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất”, “Cái gì đúng cho dân, tốt cho dân cái đó là chân lý”! Cho nên với tôi, mà đâu chỉ riêng tôi, muốn học Bác, noi gương Bác thì phải thấu hiểu, thấu cảm. Đó là tri thức, là tình yêu, là tâm hồn cho ta lớn khôn.

Hà Nội – Ngày chớm đông 2018

  Nguyễn Uyển

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa