Indonesia là nước đầu tiên phê duyệt vắc xin Sinovac bên ngoài Trung Quốc

Thứ hai, 11/01/2021 22:20 PM - 0 Trả lời

(CLO) Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc chấp thuận sử dụng khẩn cấp vắc xin Covid-19 do nhà sản xuất thuốc Trung Quốc, Sinovac Biotech Ltd phát triển.

Indonesia
Bài liên quan

Cấp phép sử dụng vắc xin CoronaVac bên ngoài Trung Quốc

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm của Indonesia cho biết hôm thứ Hai (11/1) rằng, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối ở thành phố lớn Bandung cho thấy vắc xin CoronaVac của Sinovac có hiệu quả là 65,3%. Tỷ lệ này thấp hơn so với mức 78% trong kết quả thử nghiệm lâm sàng ở Brazil vào tuần trước.

Theo người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia Indonesia, thử nghiệm của Indonesia cho thấy vắc xin CoronVac an toàn, với những người tham gia thử nghiệm chỉ gặp các tác dụng phụ nhỏ như mệt mỏi và sốt.

Bà Penny Lukito nói: “Hy vọng rằng vắc xin cho Covid-19 sẽ là một trong những yếu tố giúp vượt qua đại dịch này”.

Tỷ lệ 65% vượt quá ngưỡng 50% mà Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều cơ quan quản lý cho là cần thiết để sử dụng rộng rãi. Theo nhóm nghiên cứu, một vắc xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển có hiệu quả ít nhất 62%. Trong khi đó, vắc xin do Moderna và Pfizer Inc/BioNTech SE hợp tác phát triển cho biết vắc xin của họ có hiệu quả hơn 90%.

Brazil cũng như Indonesia là một trong vài nước tiến hành thử nghiệm vắc xin CoronaVac do Sinovac Biotech Ltd phát triển, nhưng các nhà chức trách ở Brazil vẫn chưa cho phép sử dụng CoronaVac, mặc dù chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro đã đặt mua tới 100 triệu liều vắc xin này.

Cho đến nay, vắc xin Sinovac là loại vắc xin chống Covid-19 đầu tiên được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Indonesia.

Trong khi nhiều chuyên gia y tế công cộng tin rằng các ứng cử viên vắc xin hàng đầu của Trung Quốc là an toàn và hiệu quả, một số khác đã kêu gọi các nhà sản xuất vắc xin và chính phủ Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu thử nghiệm. Họ nói rằng, việc thiếu thông tin chi tiết khiến việc so sánh các ứng viên trở nên khó khăn.

Công ty Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cho biết một trong hai ứng cử viên vắc xin của họ có hiệu quả 79% dựa trên các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu, nhưng không công bố cụ thể về cách thực hiện phân tích.

Một số chuyên gia mong muốn Sinovac cung cấp thêm thông tin về quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin CoronaVac - Ảnh: Info

Một số chuyên gia mong muốn Sinovac cung cấp thêm thông tin về quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin CoronaVac - Ảnh: Info

Đòi hòi thông tin kết quả thử nghiệm

Jin Dongyan, một nhà virus học phân tử tại Đại học Hồng Kông cho biết: “Cần phải có đủ sự minh bạch và công khai để mọi người cảm thấy tin tưởng”.

Ông Jin nói rằng, trong khi việc giám sát kỹ lưỡng vắc xin Trung Quốc có thể thấp ở các nước đang phát triển, các cơ quan quản lý ở các quốc gia tiên tiến và ở Hồng Kông, nơi đã đặt hàng liều CoronaVac, sẽ muốn có kết quả thử nghiệm chi tiết hơn trước khi đưa vào sử dụng.

Không rõ liệu Sinovac hay chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết hay tính toán tỷ lệ hiệu quả tổng thể đối với vắc xin CoronaVac như thế nào. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của công ty Sinovac đã từ chối bình luận về điều này.

Được biết, các nhà chức trách Trung Quốc đã phê duyệt vắc xin CoronaVac để sử dụng khẩn cấp vào tháng 7/2020 nhưng không tiết lộ có bao nhiêu người đã được tiêm vắc xin này. Bắc Kinh chỉ chấp thuận một trong những ứng cử viên của Sinopharm để sử dụng rộng rãi.

Theo các nguồn tin, thử nghiệm lâm sàng của Indonesia cho CoronaVac chỉ bao gồm 1.600 người tham gia, so với hơn 12.000 tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe trong thử nghiệm ở Brazil. Không biết trong cả hai trường hợp thử nghiệm có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh. Các nhà nghiên cứu thường chỉ tiết lộ dữ liệu, bao gồm cả những người tham gia đã nhận vắc xin so với tiêm giả dược, khi các trường hợp Covid dương tính đạt đến một con số nhất định.

Các nhà nghiên cứu Brazil dự kiến ​​sẽ công bố thêm thông tin chi tiết về kết quả thử nghiệm Giai đoạn 3 của họ sớm nhất là trong tuần này, sau khi ngày càng có nhiều chỉ trích về sự thiếu minh bạch và các câu hỏi về cách tính tỷ lệ hiệu quả 78% của vắc xin CoronaVac.

Indonesia đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng khi đã nhận được 3 triệu liều vắc xin từ Sinovac - Ảnh: Reuters

Indonesia đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng khi đã nhận được 3 triệu liều vắc xin từ Sinovac - Ảnh: Reuters

Indonesia đẩy nhanh quá trình tiêm chủng

Việc Indonesia cấp phép sử dụng vắc xin CoronaVac có nghĩa là chính phủ nước này cuối cùng có thể bắt đầu tiêm chủng. Quốc gia 270 triệu người đang chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm virus Corona trong vài tuần qua, với khoảng 9.000 ca mới mỗi ngày mặc dù mức độ xét nghiệm thấp.

Tuần trước, Indonesia đã phân phối hàng trăm nghìn liều CoronaVac đến các tỉnh trên khắp đất nước trong lúc chờ đợi giấy phép sử dụng khẩn cấp, với mục tiêu nhanh chóng tiêm chủng cho nhóm các bác sĩ và y tá, nhiều người trong số họ đã bị ốm trong đại dịch.

Sau nhóm nhân viên y tế, ưu tiên sẽ được dành cho 17,4 triệu công nhân của quốc gia, tiếp theo là 21,5 triệu người cao tuổi, và cuối cùng là dân số nói chung, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết vào tháng trước. Ông Sadikin nói rằng, các cơ quan y tế sẽ đợi để tiêm phòng cho người cao tuổi cho đến khi xác nhận rằng các mũi tiêm là an toàn để họ sử dụng.

Một trở ngại tiềm ẩn đối với việc tiêm chủng hàng loạt đã được khắc phục vào thứ Sáu tuần trước, khi tổ chức giáo phẩm hàng đầu của Indonesia thông báo rằng vắc xin của Sinovac là thuốc Hồi giáo hoặc được cho phép bởi Hồi giáo. Indonesia có nhiều người Hồi giáo hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chính phủ Indonesia cho biết vắc xin sẽ được phân phát miễn phí.

Chính phủ Indonesia đã đảm bảo cho việc mua vắc xin Covid-19 của mình. Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, nước này đã bảo đảm 329,5 triệu liều vắc xin, trong đó bao gồm 125,5 liều Sinovac, 54 triệu liều từ chương trình phân phối vắc xin toàn cầu do WHO hỗ trợ, cũng như 50 triệu liều từ Novavax Inc., AstraZeneca và Pfizer.

Tính đến tuần trước, Indonesia mới chỉ có 3 triệu liều vắc xin từ Sinovac. Trong một tuyên bố vào tuần trước, ông Widodo cho biết dự kiến Indonesia sẽ có 15 triệu liều khác từ Sinovac trong tuần này và chúng sẽ được công ty dược phẩm quốc doanh PT Bio Farma chuẩn bị để sử dụng trước khi được phân phối khắp cả nước.

Nguyễn Hoàng

Tin khác

Nắng nóng do biến đổi khí hậu đe dọa tương lai ngành du lịch Úc

Nắng nóng do biến đổi khí hậu đe dọa tương lai ngành du lịch Úc

(CLO) Sự nóng lên toàn cầu đang đặt ra những câu hỏi lớn cho tương lai của ngành du lịch và cách xử lý các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Úc.

Thế giới 24h
Nắng nóng lên tới 50 độ C khiến nhiều trường học phải đóng cửa ở Philippines

Nắng nóng lên tới 50 độ C khiến nhiều trường học phải đóng cửa ở Philippines

(CLO) Philippines đang phải đối mặt với mùa hè nóng bức gay gắt cùng với hiện tượng El Nino khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả việc học tập của học sinh.

Thế giới 24h
Tàu vượt biên chìm ở Hy Lạp, nhiều người thiệt mạng và mất tích

Tàu vượt biên chìm ở Hy Lạp, nhiều người thiệt mạng và mất tích

(CLO) Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã tìm thấy thi thể một người di cư và đang tìm kiếm ít nhất 4 người khác mất tích sau khi tàu của họ chìm ngoài khơi đảo Samos vào Chủ nhật (28/4).

Thế giới 24h
Tổng thống Palestine nói chỉ Mỹ mới ngăn được Israel tấn công Rafah

Tổng thống Palestine nói chỉ Mỹ mới ngăn được Israel tấn công Rafah

(CLO) Ngày 28/4, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết chỉ có Mỹ mới có thể ngăn chặn Israel tấn công thành phố biên giới Rafah ở Gaza, đồng thời nói thêm rằng cuộc tấn công dự kiến ​​​​trong vài ngày tới có thể buộc phần lớn người dân Palestine phải chạy trốn khỏi vùng đất này.

Thế giới 24h
Elon Musk đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thị trường xe tự lái

Elon Musk đến thăm Trung Quốc để thúc đẩy thị trường xe tự lái

(CLO) CEO Elon Musk của Tesla đã đến Bắc Kinh vào Chủ nhật (28/4) trong một chuyến thăm không báo trước, nơi ông dự kiến sẽ thảo luận về việc triển khai công nghệ Xe tự lái hoàn toàn (FSD).

Thế giới 24h