Kỳ thị, phân biệt chủng tộc: Vấn nạn không lối thoát và nỗi đau của nước Mỹ

Thứ năm, 25/03/2021 10:39 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Mỗi người ở nước Mỹ đều xứng đáng được sống trong sự an toàn, được tôn trọng phẩm giá” - đó là khẳng định của tân Tổng thống của nước Mỹ - ông Joe Biden. Tuy nhiên, đáng buồn thay, nước Mỹ nhiều năm qua đã không làm được điều đó.

Kỳ thị sắc tộc, từ lâu đã là vấn nạn tồn tại dai dẳng tại nước Mỹ và trong một năm trở lại đây, càng trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết. Mới đây nhất, vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia khiến 8 người phụ nữ gốc Á thiệt mạng, một lần nữa cho thấy, kỳ thị, phân biệt sắc tộc đã là vấn nạn chưa thể có đường hướng giải quyết của nước Mỹ.

Nỗi đau giữa thời bình

Nước Mỹ, tối 16/3 (sáng 17/3 giờ Việt Nam), chẳng phải thời thế chiến, nhưng súng đã nổ liên hồi, rất nhiều máu và nước mắt đã rơi. Khoảng 5 giờ chiều, người phát ngôn Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Cherokee, ông Jay Baker, thông báo về vụ việc 5 người bị bắn tại một cơ sở spa của người châu Á ở Acworth, cách TP. Atlanta khoảng 50km về phía Bắc. 4 người đã chết và 1 người bị thương. Trong số các nạn nhân có 2 phụ nữ châu Á, 1 người đàn ông da trắng, 1 phụ nữ da trắng và 1 người đàn ông gốc Tây Ban Nha. Một tiếng sau, cách đó khoảng 40km về phía Nam, tại thành phố Atlanta, Georgia, cảnh sát phát hiện 3 người phụ nữ châu Á bị bắn ở Gold Spa và một phụ nữ châu Á khác bị bắn ở Aroma Therapy Spa, tất cả đều chết.

Người biểu tình phản đối tình trạng kỳ thị chống lại cộng đồng gốc Á ở Mỹ. Ảnh: Tribune.

Người biểu tình phản đối tình trạng kỳ thị chống lại cộng đồng gốc Á ở Mỹ. Ảnh: Tribune.

Máu rơi, mạng người đổ xuống, nhưng chừng ấy chưa phải là tất cả nỗi đau. Còn có những điều khiến không chỉ những người trong cuộc, mà chính chúng ta cũng phải day dứt khôn nguôi. Như câu chuyện mà cô con gái Jami Webb, cô con gái duy nhất của bà Xiaojie Tan - bà chủ của Young’s Asian Massage - một trong 3 tiệm spa đã bị họng súng của những kẻ máu lạnh, cuồng tín - xả súng dồn dập, kể lại. Chuyện rằng, mẹ cô đã ra đi mãi mãi, khi chỉ vài ngày sau đó, sẽ là sinh nhật tròn tuổi 50 của bà. Jami Webb và mẹ đã lên kế hoạch về một bữa tiệc sinh nhật giản dị nhưng tràn ngập hạnh phúc, đầm ấm tình thân. Nhưng sau thời khắc tối 16/3 ấy, tất cả đã trở thành vô vọng.

Vấn nạn dai dẳng 

Sau thảm kịch, trước 3 tiệm spa, đã có rất nhiều vòng hoa được đặt xuống. Cùng với đó, rất đông người đã tập hợp, cùng giơ cao tấm biểu ngữ “Stop Asian Hate” (tạm dịch: Ngưng thù ghét người châu Á). Những ngày sau đó, một làn sóng phản đối bạo lực leo thang đối với người gốc Á cũng bùng nổ trên các trang mạng xã hội tại Mỹ. Người dùng đồng loạt sử dụng hashtag #StopAAPIHate (ngừng ghét người gốc châu Á – Thái Bình Dương) và #StopAsianHate (ngừng ghét người châu Á).

Nhưng, đây không phải là lần đầu tiên, và rất có thể chưa thể là lần cuối cùng, người Mỹ phải rơi nước mắt, bày tỏ sự tiếc thương hay xuống đường bày tỏ sự căm phẫn trước số phận bi thảm của những người da màu, người châu Á tại nước Mỹ. Mới cách đây chưa đầy một năm, đường phố nước Mỹ đã ngập những biểu ngữ mang dòng chữ “Asian lives matter” (Mạng sống của người châu Á cũng đáng giá)  hay “Black lives matter” (Mạng sống của người da đen cũng đáng giá) cùng những cuộc biểu tình rầm rộ và nhuốm màu bạo lực.

Aroma Therapy Spa - 1 trong 3 địa điểm xảy ra xả súng. Ảnh: CNN

Aroma Therapy Spa - 1 trong 3 địa điểm xảy ra xả súng. Ảnh: CNN

Chưa tính đến vô số những thảm kịch liên quan đến mâu thuẫn sắc tộc diễn ra hàng thập kỷ trước đó, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, cụ thể, theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) thực hiện, từ 19/3/2020 tới 28/2/2021, đã có gần 3.800 vụ tấn công vụ kỳ thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ. Các hình thức kỳ thị bao gồm lăng nhục, né tránh, tấn công thân thể, quấy rối trực tuyến tới các vi phạm quyền công dân. Phụ nữ là nạn nhân của các vụ kỳ thị nhiều hơn gấp 2,3 lần so với nam giới, trong khi đó người Trung Quốc là nhóm dân tộc lớn nhất (42,2%) bị kỳ thị.

Bài toán không dễ giải và nỗi đau của nước Mỹ

“Mỗi người ở nước Mỹ đều xứng đáng được sống trong sự an toàn, được tôn trọng phẩm giá” - đó là khẳng định đầy quả quyết của Tổng thống Mỹ Joe BideN. Vị tân chủ nhân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: “Sự thù hận không có chỗ trong lòng nước Mỹ. Nếu luật pháp có thể làm cải thiện nhiều việc thì bản thân chúng ta cũng nên thay đổi trong trái tim mình”.

Dư luận ghi nhận thành ý ấy của vị Tồng thống thứ 46 của Hoa Kỳ nhưng dư luận cũng nhận diện rất rõ rằng, từ lời nói đến hành động và hiệu quả thực tế luôn là khoảng cách, và cụ thể trong vấn nạn phân biệt, kỳ thị sắc tộc, khoảng cách ấy rất lớn, nếu không muốn nói là rất khó để lấp đầy.

Theo nhìn nhận của giới quan sát, vụ xả súng tại Atlanta hay gần 4.000 vụ tấn công kỳ thị người châu Á trên 48 trong tổng số 50 bang của nước Mỹ chỉ trong vòng 1 năm qua, hay vô số vụ tấn công trước kia, là minh chứng điển hình của cái gọi là chủ nghĩa “Da trắng thượng đẳng” đã bén rễ dai dẳng trong lòng nước Mỹ.  Nước Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, gồm cả da trắng, da màu, da đỏ, người gốc Á da vàng, chưa kể một tỷ lệ lớn người Mỹ Latinh. Nhưng, chua chát thay, nước Mỹ cũng là nơi mà hận thù sắc tộc, phân biệt chủng tộc hay “chủ nghĩa thượng đẳng da trắng” tồn tại sớm nhất, dai dẳng nhất. Theo nhiều tài liệu, hận thù sắc tộc, phân biệt chủng tộc hay “chủ nghĩa thượng đẳng da trắng” hiện diện tại quốc gia này từ thời thuộc địa khi người Mỹ gốc châu Âu da trắng giàu có theo đạo Tin lành được hưởng các đặc quyền trong các vấn đề giáo dục, nhập cư, quyền bầu cử, quyền công dân, thu hồi đất và thủ tục hình sự trong suốt lịch sử Mỹ. Thậm chí, việc phân biệt đối xử với người gốc Á đã từng được luật hóa trong đạo luật 1875 (Page Act of 1875) và đạo luật Loại trừ người Trung Quốc 1882 (Chinese Exclusion Act of 1882). 

Pawan Dhingra - Giáo sư ĐH Amherst chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Á, không ngần ngại chỉ thẳng vào bản chất sự việc: “Người Mỹ gốc Á trở thành mục tiêu thù ghét và chúng ta cần nhận ra rằng, dù họ có thành công về mặt kinh tế và học thức, không có nghĩa họ được nhìn nhận hoàn toàn là một người Mỹ”.  

Nhưng nước Mỹ, các đời Tổng thống Mỹ đã làm gì, ứng xử như thế nào với nỗi đau dai dẳng ấy?

Thực tế đáng buồn là, nước Mỹ đã làm, nhưng… hiệu quả thực sự đã chẳng được bao nhiêu. Không những thế, 5 năm trở lại đây, hàng loạt chính sách cứng rắn nhằm vào người nhập cư hay người Hồi giáo của ông Donald Trump càng đẩy mọi sự vào đường hầm bế tắc.

Nếu luật pháp có thể làm cải thiện nhiều việc” - ông Biden nói vậy nhưng thực chất luật pháp Mỹ thực sự chưa cải thiện được gì nhiều trong vấn nạn này. Bản thân đương kim chủ nhân của Nhà Trắng cũng ý thức rõ điều đó, bởi ngay trong lần tới Atlanta để gặp gỡ các lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á (tổ chức AAPI) để bàn về những vấn nạn mang tính thù hằn sắc tộc, ông Biden đã hối thúc Quốc hội thông qua dự luật về tội thù hận liên quan Covid-19. Đạo luật nếu được thông qua này sẽ giúp thúc đẩy phản ứng của chính phủ liên bang đối với sự gia tăng của loại tội phạm này. Bộ Tư pháp Mỹ mới đây cũng đã tuyên bố những hành động tấn công do thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á là hành động tội ác và sẽ phối hợp với Cục Điều tra liên bang Mỹ để điều tra và truy tố.

Phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ. Và nó đã luôn như vậy. Sự bài ngoại là có thật ở Mỹ, và luôn luôn như vậy. Tổng thống và tôi sẽ không im lặng...” - đó là chia sẻ của Phó Tổng thống Kamala Harris trong buổi gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Georgia hôm 19/3. Hãy tin đó là những chia sẻ chân thành và cũng hãy cứ nuôi niềm tin rằng, nhất định sẽ có sự thay đổi nào đó.

Và trong khi chờ đợi những thay đổi về mặt luật pháp, thì như lời Tổng thống Mỹ Biden: “Chúng ta phải thay đổi tình cảm, tấm lòng và trái tim của mình”. Làm được như vậy, “sự thù hận không thể có bến đỗ an toàn ở Mỹ”.

Hà Anh

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế