Lễ khao thề và hải hành bi tráng của tiền nhân

Thứ tư, 06/02/2019 14:04 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện còn nhiều di tích gắn với một hải đội huyền thoại. Theo sử sách còn lưu giữ, từ năm 1836, triều đình nhà Nguyễn đã lập ra một đội dân binh mang tên Đội Hoàng Sa.

Nhiệm vụ của đội là hằng năm ra đo thủy trình, sửa cột mốc chủ quyền, thu thuế thuyền bè qua lại và đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa trong 6 tháng mùa biển lặng.

Tục thờ cúng độc đáo

Ông Phạm Thoại Tuyền, một người dân đảo Lý Sơn, hậu duệ đời thứ tư của một trong những người lính Đội Hoàng Sa xa xưa cho biết: “Ghe bầu kềnh càng không chống nổi với sóng lớn, nếu ra khơi có thể bị sóng lớn đánh vỡ tan. Dân binh phải đi bằng ghe câu, tuy nhỏ hơn nhưng lách sóng được. Chèo khoảng ba ngày, ba đêm thì đến quần đảo Hoàng Sa nếu biển lặng và thuận gió. Sáu tháng trên biển phải đối phó muôn vàn hiểm nguy, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào. Thế nên, trên mỗi thuyền câu đều trang bị sẵn nẹp tre và dây buộc, đề phòng nếu có hy sinh giữa biển thì nẹp xác thả xuống nước, hy vọng xác trôi về quê nhà”.

“Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi”, câu ca dao lưu truyền trên đảo này nói về những bất trắc của những người nhận nhiệm vụ. Ra đi là những chuyến hải hành giữa đôi bờ sinh tử, khó đoán định. Cứ đến cuối tháng hai hằng năm, 70 ngư dân lại nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Gia đình, họ mạc làm lễ tiễn đưa, vừa là tế sống, vừa là để tế những người đã chết. Để cầu mong người thân của mình sẽ trở về bình yên, nên người thân đã tổ chức cúng tế trời đất, nặn hình nhân thế mạng và đưa vào thuyền giấy thả ra khơi. Nguồn gốc lễ khao lề tế lính trên đảo Lý Sơn có từ ngày ấy để tưởng niệm những dân binh hy sinh vì Tổ quốc. Ngày nay, ngư dân đảo Lý Sơn gọi chệch “thế lính”  thành “khao lề tế lính”.

Lễ khao thề lính biển.

Lễ khao thề lính biển.

Ở đảo, điện lưới chỉ có từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm nên các dòng họ đã phải chuẩn bị từ vài ngày trước lễ tế. Sắm đồ tế lễ, thuê máy phát điện, chuẩn bị bàn ghế, đàn thờ, cắt cử người trực máy phát điện, người gánh nước, người sắp đồ lễ...

Buổi lễ được tiến hành từ chiều ngày 19 sang ngày 20 tháng hai (âm lịch) mỗi năm. Vị tộc trưởng là người chủ bái khi hành lễ, còn thầy phù thủy đội mũ tam sơn, mặc áo dài màu đỏ điều hành tế lễ. Ở đảo Lý Sơn, hầu như dòng họ nào cũng có một dàn nhạc bát âm riêng, người trong họ tự chơi các nhạc cụ vào dịp tế lễ hằng năm.

Từ buổi chiều, các dòng họ tập trung ở nhà thờ của dòng họ mình hành lễ. Trong tiếng chiêng trống rền vang, các cụ ông khăn đóng áo dài, các cụ bà khăn nhiễu áo the hầu lễ, cùng người trẻ thành kính đứng xung quanh tế lễ. Vào đúng nửa đêm, buổi lễ chính diễn ra. Thầy pháp đọc thần chú, làm các nghi thức bùa phép trước đàn thờ, thổi “linh hồn” vào các hình nhân và đặt vào lòng thuyền lễ có cắm nến và đồ lễ. Cuối buổi tế, con thuyền lễ mang theo những hình nhân thế mạng và đồ lễ được đẩy ra ngoài khơi, gửi cho các linh hồn dưới biển. Buổi lễ tế kết thúc khi trời gần sáng.

Không chỉ đơn giản là cúng tế lính Đội Hoàng Sa, người dân Lý Sơn ngày nay cũng coi dịp tế lễ này là ngày giỗ tổ của dòng họ, như lời ông Tuyền cho biết. Gần hai thế kỷ đã trôi qua cũng có nghĩa gần hai trăm lần giỗ lính, nhưng những người già trên đảo Lý Sơn vẫn có thể kể lại rành mạch từng chi tiết của những buổi tế lễ ngày xưa, một cảm xúc rưng rưng quen thuộc như chính họ đã từng hóa thân vào đời sống của tiền nhân một thuở bi tráng đó.

Mộ chiêu hồn ở Lý Sơn

Ở Lý Sơn nói riêng, cũng như nhiều miền duyên hải ở trên mảnh đất hình chữ S của Tổ quốc, ngư dân quanh năm phải chống chọi với thiên tai bão gió. Biết bao ngư dân đã vong mạng giữa biển thẳm, người thân của họ mãi không được nhìn thấy khuôn mặt của những người thân của mình phút cuối.

Mộ gió cai đội Phạm Hữu Nhật ở đảo Lý Sơn.

Mộ gió cai đội Phạm Hữu Nhật ở đảo Lý Sơn.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã - Ủy viên BCH Hội khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học dân lập Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh), người đã từng nhiều lần cùng sinh viên của trường tới Lý Sơn tìm các dấu tích lịch sử, địa chất, cho biết: Tục đắp mộ chiêu hồn ra đời từ quan niệm đã sinh ra trong cõi đời, chẳng lẽ lại không để lại dấu vết gì trên mặt đất. Thế nên ven các bãi cát trên đảo Lý Sơn, người dân đã lập nên những ngôi mộ không có xương cốt của người chết, gọi là mộ chiêu hồn. Có rất nhiều mộ gió vẫn nằm rải rác trên đảo.

Ngư dân Phạm Thoại Tuyền kể: “Sau khi ngư dân ra khơi mất tích dăm ba tháng mà không có tung tích gì, người thân ở nhà sẽ phát tang. Đám tang cũng tổ chức theo các nghi thức thông thường, có cúng tế, có kèn trống. Chỉ khác một điều là quan tài không có xác người mà thay bằng hình nhân thế mạng. Hình nhân này được nặn bằng đất sét trắng được lấy ở đỉnh ngọn núi cao nhất trên đảo, nơi ngày xưa từng là dấu tích của một miệng núi lửa. Trái tim hình nhân được nặn bằng đất lấy ở ngã ba đường trộn với lòng đỏ trứng gà. Phải lấy đất ở ngã ba đường gần nhà, vì nơi đó đã từng in dấu chân của người đã khuất”.

Trong hàng trăm ngôi mộ gió ven đảo Lý Sơn, có một ngôi mộ gió khá đặc biệt: Ngôi mộ của cai đội thủy quân Đội Hoàng Sa, ông Phạm Hữu Nhật – người đã nhiều lần dẫn đoàn dân binh ra trấn giữ Hoàng Sa từ gần 200 năm trước. Ngôi mộ nằm giữa bạt ngàn đồng ngô xanh mướt bên triền cát. Thân xác đã gửi lại ở biển Hoàng Sa, những dòng chữ trên tấm bia đá vẫn khắc khoải vọng niệm phía viễn khơi. Tấm bia ghi: “Suất đội, chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật”. Từ năm 1836, tuân chiếu chỉ của vua Minh Mạng, ông và những dân binh đã đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa.

Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý, gồm đảo Lớn (Cù lao Ré), đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu. Đảo có diện tích tự nhiên 9,97km², dân số trên 19.800 người, sống bằng nghề đánh bắt hải sản và trồng tỏi. Huyện đảo có 3 xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình.

Ông Phạm Hữu Nhật mất năm 1854 trong một chuyến đi biển ra Hoàng Sa. Hàng trăm năm đã trôi qua, nhang khói trên nấm mộ gió vẫn tháng ngày nghi ngút, cây cỏ vẫn xanh tươi mỗi ngày bên ngôi mộ ông như khát vọng mãi mãi không hề tàn lụi trước thời gian. Tên tuổi của ông vẫn được lưu truyền qua các đời con cháu, sử sách và cả trong tâm thức tiếp nối của hậu thế. Ngôi mộ của ông và quần thể di tích ngày xưa cũng như các ngôi miếu thờ những dân binh đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Thái Sơn

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa