Luật Đất đai có hiệu lực sớm: Tăng tốc gỡ khó thị trường bất động sản?

Thứ năm, 04/04/2024 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các Bộ, ngành sớm trình các Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai sửa đổi (Luật Đất đai 2024). Đây là cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7, thay vì từ ngày 1/1/2025 như đã thông qua vào đầu năm nay. 

Việc thực hiện sớm Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 tới sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, góp phần rất lớn trong việc phục hồi, phát triển kinh tế cả nước.

Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm hơn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng các Bộ liên quan và Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn dự kiến. Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng đưa vào thực hiện sớm Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 tới sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản khởi sắc nhanh hơn.

Theo đó, để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7 tới đây và sớm đưa Luật vào cuộc sống, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Như vậy, nếu kịp thời ban hành các Nghị định và Thông tư liên quan để trình và được Quốc hội chấp thuận cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7, dự luật quan trọng này sẽ có hiệu lực thi hành sớm nửa năm so với thời điểm đã được Quốc hội thông qua.

luat dat dai co hieu luc som tang toc go kho thi truong bat dong san hinh 1

Nửa năm quý giá

Trao đổi với báo chí, đại biểu Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bày tỏ ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng về đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/7. Ông nói việc đề xuất Quốc hội cho phép một luật có hiệu lực thi hành sớm hơn so với thời gian được ấn định khi thông qua là chưa có tiền lệ.

Tuy nhiên, theo ông Thành, xuất phát từ tầm quan trọng rất lớn của Luật Đất đai và đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khắc phục các tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai thì Chính phủ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

Ông Thành chỉ rõ xác định đây là luật khó, quan trọng, cần nhiều văn bản hướng dẫn nên khi thông qua luật, các cơ quan và Quốc hội đã cố gắng bố trí thời gian có hiệu lực dài hơn, cụ thể khoảng một năm. Thời gian này theo tính toán đủ để Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết. Song hiện nay, theo thông tin, Chính phủ đã và đang rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ ban hành sớm các văn bản này đảm bảo chất lượng.

“Việc này rất đáng ghi nhận và khi các văn bản hướng dẫn được ban hành đầy đủ, đảm bảo chất lượng thì Chính phủ hoàn toàn có thể trình Quốc hội xem xét quyết định cho phép luật có hiệu lực sớm hơn từ 1/7. Quốc hội sẽ xem xét quyết định cụ thể khi Chính phủ trình chính thức” - ông Thành nói.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng nhấn mạnh hiện nay một trong những điểm nghẽn lớn nhất có liên quan đến Luật Đất đai. Do đó, với những sửa đổi luật rất tích cực vừa qua, nếu sớm được nửa năm đưa vào thi hành sẽ có lợi rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, ổn định về xã hội, lợi ích cho người dân.

“Nửa năm là thời gian rất quý giá và sẽ tạo ra động lực để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Việc chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, đất nước. Qua đó thấy rõ tinh thần kiến tạo, phát triển của Chính phủ. Tôi cho rằng chắc chắn Quốc hội sẽ hoan nghênh điều này” - ông Lộc nêu.

Ông Lộc cũng cho hay thông thường với các luật sau khi được thông qua thường có thêm sáu tháng mới có hiệu lực thi hành. Nhưng với Luật Đất đai là một năm. Việc này để có khoảng thời gian đủ dài giúp Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, nhằm đồng bộ với các luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Ông Lộc nhắc lại, qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, được biết hiện nay Bộ đang đẩy nhanh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cùng Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội thực hiện cả ba luật từ ngày 1/7/2024.

“Với bối cảnh hiện nay rõ ràng cần có sự đột phá, khẩn trương của những người làm công tác xây dựng thể chế thay cho sự quá cẩn trọng, sợ sai, không dám làm... Việc quyết liệt của Chính phủ sẽ tạo đà rất tốt cho phát triển...” - ông Lộc nhấn mạnh.

luat dat dai co hieu luc som tang toc go kho thi truong bat dong san hinh 2

Tháo gỡ điểm nghẽn cho cả ngàn dự án

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản (BĐS), nhà ở thương mại bị vướng mắc, trong đó đa số là vướng về pháp lý. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), đánh giá nếu Luật Đất đai 2024 được áp dụng sớm từ ngày 1/7 sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn của thị trường BĐS. Bởi có một Nghị quyết rất quan trọng mà Chính phủ đã giao các Bộ, ngành thực hiện để trình Quốc hội là cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có QSDĐ khác. 

Điều này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận được đất đai thuận lợi hơn, phát triển dự án nhanh hơn; góp phần giải được bài toán thiếu nguồn cung nhà ở trên thị trường. Đáng chú ý, cả hàng ngàn dự án BĐS, nhà ở thương mại đang bị vướng sẽ được gỡ rối. Khi nguồn cung không quá thiếu hụt so với nhu cầu thì cũng góp phần kéo giá nhà ở đi xuống.

Song song đó, luật mới quy định về việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai các dự án đầu tư… Việc giải quyết quyền lợi cho người dân thấu tình đạt lý trong GPMB hay thu hồi đất cũng giúp nhà nước tạo ra được quỹ đất để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công khai, minh bạch. Đồng thời, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung nhiều trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất gồm xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cũng là một phần gia tăng nguồn cung nhà ở cho người dân.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể về loại hình BĐS dịch vụ, du lịch như condotel, căn hộ dịch vụ, văn phòng kết hợp lưu trú… Đây là cơ sở để gỡ vướng cho 100.000 căn hộ condotel hiện nay, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS hồi phục.

Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: “Luật Đất đai 2024 được thực hiện sớm nửa năm sẽ thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường BĐS, từ đó kéo giá nhà xuống thấp hơn. Hay các trung tâm phát triển quỹ đất của các tỉnh, thành phố sẽ phát huy được hiệu quả và Nhà nước chủ động điều tiết được quỹ đất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung; đồng thời chấn chỉnh, đưa thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Đặng Hùng Võ nhận định, Luật Đất đai cũ không còn phù hợp, thậm chí còn gây cản trở sự phát triển của thị trường BĐS, của nền kinh tế. Vì vậy, luật mới ra đời là nhằm để thay đổi điều đó, nên thực hiện sớm hơn là hợp lý.

Đáng chú ý nhất là luật mới cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp của cá nhân và các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp. Điều này sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp quy mô lớn, thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp (DN). Việc này sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn.

Luật còn đưa ra khung pháp lý cho BĐS du lịch trong khi trước đây là “vùng trống” khiến các dự án nhà ở thương mại suốt thời gian dài không được phê duyệt. Vì vậy, luật mới đi vào thực hiện sẽ giúp các địa phương có cơ sở phê duyệt các dự án nhà ở thương mại, giải quyết được những ách tắc của nhiều nơi.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn