Ngoại giao Việt Nam nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII:

Mang bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, chinh phục “trái tim” quốc tế

Thứ hai, 01/01/2024 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đường lối đối ngoại với nòng cốt là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã soi đường, giúp đối ngoại Việt Nam gặt hái được nhiều “trái ngọt” ngay từ những chặng đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kim chỉ nam xuyên suốt

Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

mang ban sac ngoai giao cay tre viet nam chinh phuc trai tim quoc te hinh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh VGP

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”!

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu nhắc đến “trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”. Tiếp đó, đến Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào tháng 12 năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư nhắc lại nhưng có bổ sung thêm rằng “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Gần đây nhất, cuối tháng 11, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp tổ chức giới thiệu cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Điểm nhấn nổi bật của cuốn sách là bài viết tổng quan của đồng chí Tổng Bí thư. Đây là bài viết lần đầu tiên được công bố, tổng kết toàn diện, sâu sắc và khái quát hóa lý luận và thực tiễn đối ngoại của nước ta trong thời kỳ đổi mới; đồng thời khẳng định và làm rõ hơn nội hàm bản sắc “cây tre Việt Nam” trong đường lối đối ngoại của Đảng ta: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển.

Đồng chí Tổng Bí thư lý giải “vững ở gốc” là nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, dân tộc để phục vụ, độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc; “chắc ở thân” là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn; “uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa sự đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng.

Theo đồng chí Tổng Bí thư, thực tiễn chứng minh đường lối đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đường lối đó giúp tạo lối và mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận và mở ra cục diện mới thuận lợi cho đất nước.

Nêu ra những nhiệm vụ chủ yếu của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời gian tới, người đứng đầu Đảng ta bày tỏ niềm tin, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, các thế hệ cán bộ đối ngoại, ngoại giao vẫn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức và cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và kế thừa, tiếp thu truyền thống đối ngoại, ngoại giao của dân tộc Việt Nam, tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Bản sắc” nhận diện

Nhiều quan chức, nhà ngoại giao, học giả quốc tế đã có những nghiên cứu sâu và đánh giá tích cực về “ngoại giao cây tre Việt Nam” và cho rằng đó chính là “bản sắc” nhận diện riêng của đối ngoại Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Cựu Đại sứ Cuba tại Việt Nam (1999 - 2004 và 2008 - 2013) Fredesmán Turró González, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba - Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển, nhất là đối với những nước đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đề cập thành tựu của ngoại giao Việt Nam không thể không nhắc đến đường lối đối ngoại “cây tre Việt Nam” khôn khéo, linh hoạt nhưng rất bản lĩnh, kiên cường và mang dấu ấn mạnh mẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

mang ban sac ngoai giao cay tre viet nam chinh phuc trai tim quoc te hinh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dành thời gian cùng đạp xe dạo phố để cảm nhận mùa thu Hà Nội.

Ông González nhấn mạnh, công cuộc Đổi mới từ năm 1986 mở cánh cửa để Việt Nam hướng ra bên ngoài nhằm mở rộng quan hệ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Ngày nay, Việt Nam tham gia rất tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, tận dụng một cách thông minh, khéo léo những yếu tố tích cực do toàn cầu hóa mang lại mà không từ bỏ những nguyên tắc đối ngoại của mình, đồng thời hạn chế tác động của những yếu tố tiêu cực. Việt Nam trở thành một đối tác đáng tin cậy với tất cả các bên và đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều nước.

Nhấn mạnh ý nghĩa “lạt mềm buộc chặt”, chia sẻ về trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam, Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào, Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Boviengkham Vongdara cho rằng đây là một đường lối đối ngoại mềm mại, uyển chuyển nhưng không yếu đuối mà kiên định; kiên cường, quyết liệt nhưng không cứng nhắc; một đường lối ngoại giao không chỉ hết sức đúng đắn, sáng suốt, mà còn mang đậm bản sắc Việt Nam.

Đánh giá về tư tưởng lý luận, quan điểm và đường lối đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, ông Boviengkham Vongdara nhấn mạnh đường lối đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam được thực hiện theo tư tưởng và lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Còn Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel - Việt Nam, cựu Đại sứ Israel tại Việt Nam (2001 - 2003) Amikam Levy, khi nhận định về ngoại giao “cây tre Việt Nam” thì cho rằng ngoại giao “cây tre Việt Nam” là sáng kiến tuyệt vời, trở thành một phong cách lãnh đạo và sự cam kết. Là người từng đi nhiều địa phương ở Việt Nam, bao gồm cả các vùng nông thôn, ông hiểu rất rõ về cây tre.

Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Israel - Việt Nam, loài cây này luôn linh hoạt và mạnh mẽ, cũng như có tính cộng đồng cao. Tại Việt Nam, cây tre có ở khắp nơi. Từ xa xưa, người Việt Nam đã dùng cây tre để chế tạo nhiều thứ, từ làm nhà, thuyền bè tới các vật dụng như rổ rá. Cây tre mềm dẻo, nhưng cũng mạnh mẽ, dẻo dai và đáng tin cậy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Hải - giảng viên Trường Đại học Công nghệ Queensland, Australia cho rằng để bảo vệ và đem lại lợi ích quốc gia - dân tộc tốt nhất trong thời gian qua, “ngoại giao cây tre Việt Nam” kiên định về nguyên tắc và mục tiêu, song đã uyển chuyển, chủ động và linh hoạt về phương pháp thực hiện. Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, thực hiện đúng như lời dạy của Bác Hồ, đó là “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”. “Ngoại giao cây tre Việt Nam” đã làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là vì chúng ta đã thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” trên tinh thần chủ động và tích cực.

Vững vàng song phương

Đại hội XIII của Đảng hoàn chỉnh, phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Hội nghị giữa nhiệm kỳ đã đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Có thể khẳng định đường lối đối ngoại với nòng cốt là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã soi đường, giúp đối ngoại Việt Nam gặt hái được nhiều “trái ngọt” ngay từ những chặng đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đến tháng 9/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước; nâng quan hệ lên đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn khác. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước.

Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với khoảng 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đang đàm phán 3 FTA; là quốc gia duy nhất ký kết FTA với các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu.

mang ban sac ngoai giao cay tre viet nam chinh phuc trai tim quoc te hinh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Những con số ấn tượng, minh chứng đầy sức thuyết phục về thành tựu của nền ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới, tạo cục diện ngoại giao thuận lợi, vị thế vững chắc của đất nước trên trường quốc tế.

Xuyên suốt năm qua, ngoại giao Việt Nam sôi động với nhiều đoàn cấp cao đến và đi, trong đó các nguyên thủ của quốc gia, trên các châu lục, địa bàn chiến lược. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước để kỷ niệm 30, 40, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Qua đó, đánh giá kết quả, định hướng phát triển quan hệ hiệu quả thiết thực hơn.

Một trong những dấu ấn nổi bật của đối ngoại năm 2023 đó là việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một minh chứng thuyết phục với các nước trên thế giới về thành quả của một quá trình gây dựng lòng tin, sự hợp tác bền bỉ, chân thành và hiệu quả của công tác ngoại giao. Không chỉ vậy, chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam cũng thể hiện cam kết của Mỹ và Việt Nam với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Chuyến thăm của ông Biden mang lại một cột mốc quan trọng để đánh giá định hướng và hiệu quả với chính sách của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nó cũng thể hiện sự thành công trong chính sách “ngoại giao cây tre Việt Nam”.

Đặc biệt, phát biểu tại kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở TP New York (Mỹ) tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cao mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ và coi đây là hình mẫu của sự hàn gắn. “Đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng lịch sử không nhất thiết phải quyết định tương lai của chúng ta. Với sự lãnh đạo đồng lòng và nỗ lực cẩn trọng, đối thủ có thể trở thành đối tác và những thách thức to lớn có thể được giải quyết, và những vết thương sâu có thể hàn gắn” - Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, Việt Nam chủ động trao đổi để các nước hiểu rõ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không phải là liên minh quân sự, không đi với nước này chống nước khác, không để mối quan hệ này cản trở mối quan hệ kia. Quyết định và đối sách thể hiện bản lĩnh chính trị, sự độc lập, tự chủ, uyển chuyển, linh hoạt, hiệu quả của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nền ngoại giao “cây tre Việt Nam”.

“Rực rỡ” đa phương

Về đa phương, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đối ngoại đa phương của Việt Nam cũng đã có những thành quả rực rỡ. Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Phạm Hải Anh vừa qua đã đưa ra những đánh giá tổng quan về đối ngoại đa phương hơn 2 năm qua.

Theo đó, ngoại giao đa phương phải đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới như phải nhanh chóng chuyển trạng thái, thích ứng từ môi trường rất đặc thù của giai đoạn Covid-19 sang bắt kịp và đón đầu những thay đổi lớn của tình hình thế giới và khu vực; kịp thời, khéo léo xử lý những phức tạp lớn xuất hiện khắp các khu vực, diễn đàn trong hai năm qua. Trong bối cảnh đó, ngoại giao đa phương tiếp tục vươn mình, có những tư duy, sáng kiến, ý tưởng, cách làm mới, thể hiện rõ hơn là một kênh ngoại giao quan trọng, có nhiều đóng góp quan trọng, tích cực vào tăng cường liên kết, đan xen lợi ích, cân bằng cục diện đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, nguồn lực bên ngoài để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Một là, ngoại giao đa phương đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đặc biệt là ở cấp cao. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn đa phương quan trọng ở cấp độ toàn cầu như Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) (9/2023), Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (12/2023), hay ở cấp độ khu vực như các Hội nghị cấp cao ASEAN, APEC (2022-2023), Ủy hội sông Mekong quốc tế (4/2023), Hội nghị thượng đỉnh về Nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4/2022), Hội nghị cấp cao Pháp ngữ (11/2022)…

Hai là, ngoại giao đa phương tiếp tục góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của đất nước. Tại các diễn đàn đa phương khác nhau, từ LHQ, ASEAN tới Phong trào Không Liên kết, Tổ chức Pháp Ngữ, Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Hội nghị Giải trừ Quân bị, Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)… Việt Nam tiếp tục tích cực đề cao hợp tác và đối thoại nhằm xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Ba là đối ngoại đa phương đã tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đã có những biện pháp mới, hiệu quả trong việc tranh thủ nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm phục vụ phát triển đất nước.

Với sự vận động tích cực của ta, quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cho Việt Nam đã được thiết lập, là cơ sở để huy động 15,5 tỷ USD nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam trong giai đoạn 3 - 5 năm tới (so với tổng số 6,5 tỷ USD chi cho các bộ, ngành địa phương cho công tác biến đổi khí hậu trong 5 năm 2016 - 2020).

Bốn là, ngoại giao đa phương đã góp phần ngày càng thực chất vào việc giải quyết, xử lý nhiều vấn đề lớn của quốc tế, qua đó thể hiện rõ hơn Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Năng lực và uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định khi đảm nhiệm nhiều vị trí quốc tế quan trọng như Hội đồng Nhân quyền LHQ (2023 - 2025), Ủy ban Di sản Thế giới (2023 - 2027), Hội đồng Thống đốc IAEA (2021 - 2023), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2021 - 2026), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2023 - 2027)…

Nhìn về phía trước, trong bối cảnh thế giới đang vấp phải những khó khăn chung, việc đạt được các mục tiêu đề ra trong thời gian tới sẽ có nhiều thách thức. Trọng tâm của đối ngoại Việt Nam thời gian tới là đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên cả 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các trụ cột, lực lượng. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa; gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích.

Về đa phương, để có những đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện những nhiệm vụ chung của ngành đối ngoại thời gian tới, ngoại giao đa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai Chỉ thị 25-CT/TW ngày 18/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về công tác đối ngoại, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế, vai trò của các thể chế đa phương, toàn cầu và khu vực. Ngoại giao đa phương Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần hơn nữa vào xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Có thể nói rằng thành tựu những năm qua đã tạo cho Việt Nam tiềm lực, vị thế, uy tín ngày cao trên trường quốc tế. Hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, chủ động, tích cực đã để lại nhiều dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế. Để có được vai trò và vị thế đó, đối ngoại Việt Nam đã nhất quán đường lối, chủ trương, bản sắc dân tộc, phát huy mạnh mẽ trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”. Thêm nữa, đội ngũ làm đối ngoại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, có trình độ cao, một lòng phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Chắc chắn, dù còn không ít khó khăn phía trước nhưng đối ngoại Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa, đưa Việt Nam ngày một “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!

Phương Minh

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn