Hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần:

Mấu chốt vẫn là chuyện lương phải đủ sống!

Thứ sáu, 31/03/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nguyên do chính của “trào lưu rút bảo hiểm xã hội một lần” có chiều hướng đang gia tăng thời gian gần đây là lý do kinh tế, khó khăn bức bách. Để ngăn chặn tình trạng này, trong rất nhiều tổng thể giải pháp thì câu chuyện thu nhập, đảm bảo kinh tế cho người lao động vẫn là yếu tố mấu chốt.

Sự kiện: bảo hiểm

700.000 lao động rút BHXH một lần mỗi năm, chủ yếu là người trẻ

Theo Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tình trạng người lao động nhận Bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. Còn theo báo cáo đánh giá thực trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động theo Nghị quyết số 93 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút BHXH một lần, trong khi có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, cứ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Cũng theo thống kê, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%... Như vậy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút. Từ số liệu phân tích trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân còn trẻ.

mau chot van la chuyen luong phai du song hinh 1

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ồ ạt rút BHXH một lần. Về mặt tổng thể, tiền lương và thu nhập của người lao động rất thấp, hầu hết chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Cho nên, khi gặp rủi ro, mất việc làm thì gần như không có tích lũy. Vì vậy, nhiều trường hợp khi được tiếp cận, họ nói rằng do cuộc sống quá khó khăn nên chấp nhận rút BHXH một lần. Thứ nữa, do người lao động chưa hiểu rõ vai trò, tác dụng của các chính sách BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí.

Tiếp nữa, các chế độ, chính sách về BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung cũng còn những bất cập, chưa đảm bảo tính hấp dẫn, linh hoạt, do đó không tạo được niềm tin cho người lao động. Chưa kể, nhiều trường hợp người sử dụng lao động nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội, khi doanh nghiệp phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì hệ quả đổ lên đầu người lao động, làm cho họ không yên tâm với chính sách, thậm chí không còn niềm tin.

Nhìn nhận về thực trạng này, Tiến sỹ Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, hầu hết người lao động biết thiệt thòi nhưng vẫn quyết định rút BHXH một lần là vì lý do kinh tế, khó khăn bức bách, cần những khoản “một cục” để trả các khoản, chi khám, chữa bệnh...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chủ yếu là do nhiều người lao động không thấy được lợi ích của việc tham gia BHXH về lâu dài, cũng như tác hại của rút BHXH một lần, trong đó tác hại lớn nhất là khi tuổi già ập đến sẽ không có lương hưu, không BHYT. Bà Lý Hoàng Minh - Phó Trưởng Phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho biết việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi ngay khi hưởng BHXH một lần toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu.

Có nhiều người đã nhận BHXH một lần, sau này lại mong muốn được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia BHXH cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết được vì pháp luật hiện hành không có quy định theo mong muốn của người lao động.

Còn ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho hay, việc nhận BHXH một lần có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng đồng nghĩa với việc người lao động đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già. Những thiệt thòi của người rút BHXH một lần không dừng lại ở đó.

Theo BHXH Việt Nam, nếu lĩnh bảo BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Một điều không thể không nói đến là việc rút BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng tới mỗi người lao động mà còn ảnh hưởng tới lưới an sinh toàn xã hội khi mức độ bao phủ của hệ thống BHXH cũng vì thế sẽ bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người thụ hưởng, từ đó các nỗ lực mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia sẽ bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn.

Thu nhập đủ sống: Điểm mấu chốt của mấu chốt

Bàn về giải pháp ngăn chặn làn sóng rút BHXH một lần, đã có nhiều ý kiến khác nhau. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần phải có giải pháp duy trì việc làm bền vững, chất lượng việc làm là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn. Nhiều trường hợp người lao động không được giải quyết chế độ do doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH. Do đó, cần tăng cường biện pháp, đảm bảo thực thi pháp luật để tạo niềm tin cho người lao động. Bên cạnh đó, Luật BHXH sửa đổi cần tăng tính hấp dẫn, tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống.

Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa tuyên truyền về tác dụng của hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước nói chung, các chế độ BHXH nói riêng, cũng như những thiệt thòi lâu dài cho bản thân người lao động, gia đình và cả xã hội nếu thiếu BHXH, bảo hiểm y tế.

mau chot van la chuyen luong phai du song hinh 2

Việc rút BHXH một lần khiến người lao động mất đi cơ hội thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khi về già.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với những điểm mới. Trong đó có việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Như vậy, những trường hợp này trước  đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế. Việc sửa đổi này góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần.

Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.

mau chot van la chuyen luong phai du song hinh 3

Quan trọng nhất là tiền lương phải đủ sống.

Tuy nhiên, yếu tố căn cốt nhất để có thể giảm bớt số người rút BHXH một lần, theo các chuyên ra, vẫn là câu chuyện bài toán thu nhập cho người tham gia BHXH, đồng lương hiện tại phải đủ sống và cả đồng lương hưu về già cũng phải đủ sống mới đủ sức hấp dẫn với người tham gia BHXH.

Nói như TS. Vũ Minh Tiến điều quan trọng nhất là người lao động khi làm việc, lương phải đủ sống và có tích lũy để dành cho rủi ro ốm đau, bệnh tật, giảm hoặc mất việc làm. Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cũng cho rằng Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó mới nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.

Về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng vấn đề quan trọng là Nhà nước phải có chính sách có thể điều chỉnh mức lương, để làm sao người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm cũng phải có số lương hưu đủ sống.

 Anh Thư

Bình Luận

Tin khác

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

Thành phố Hồ Chí Minh: Tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng để thúc đẩy liên kết vùng

(NB&CL) Nằm trong xu thế phát triển chung, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành là định hướng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là một trong những vấn đề được TP.HCM đặc biệt coi trọng, xem đây là một trong những nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Góc nhìn
Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

Việt Nam quê hương ta đẹp lắm…

(CLO) Trong những ngày này, cả nước đang hồ hởi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn