Nga, Mỹ và NATO: Chờ ván bài lật ngửa!

Thứ sáu, 21/01/2022 18:01 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài suốt nhiều tuần qua sau khi Nga điều động khoảng 100.000 binh lính và nhiều khí tài quân sự hạng nặng đến gần nước láng giềng. Cho đến lúc này cả Nga lẫn phương Tây đều đang ở thế giằng co trong cuộc đối đầu. Liệu sắp đến lúc ván bài sẽ được lật ngửa?

Những “lằn ranh đỏ”

Sau một tuần ngoại giao với Nga và với những lùm xùm về một cuộc chiến tranh ở Ukraine, câu hỏi trọng tâm của phương Tây trong cuộc khủng hoảng này vẫn là: Tổng thống Vladimir Putin thực sự muốn gì? Ngay cả khi các nhà ngoại giao Nga đã gặp các quan chức Mỹ, NATO và châu Âu ở Geneva, Brussels và Vienna vào tuần trước thì họ vẫn chưa chắc chắn điểm mấu chốt của vấn đề.

nga my va nato cho van bai lat ngua hinh 1

Tổng thống Putin thực ra đã chuẩn bị sẵn các nước cờ tiếp theo trong cuộc đối đầu với phương Tây về vấn đề Ukraine

Cả Mỹ lẫn các quốc gia phương Tây khác chỉ có thể đồn đoán rằng Nga đang có ý định tấn công Ukraine. Để rồi, những cuộc huy động quân đội và khí tài đã được các bên không ngừng điều động. Ngay cả Ukraine cũng được cho rằng đang chuẩn bị cho một cuộc chiến.

Tuy nhiên, cứ sau mỗi lần phương Tây cảnh báo về một cuộc tấn công thì Nga cũng lập tức lên tiếng phủ nhận họ không hề có ý định đó. Vậy thì Nga đưa lực lượng quân sự hùng hậu đến biên giới Ukraine làm gì? Và rồi, nếu Nga đã phủ nhận, thì tại sao phương Tây phải lo sợ? Những mối băn khoăn này cũng không hề sáng tỏ hơn dù ngày tháng cứ trôi đi và dù sau rất nhiều cuộc hội đàm trực tiếp hoặc trực tuyến giữa các bên.

Nhưng, nếu phải tìm ra một vấn đề thực sự rõ ràng, thì đó là việc Nga yêu cầu NATO không được kết nạp Ukraine. Nước này còn muốn cấm các loại vũ khí tấn công gần biên giới Nga, đặc biệt là ở Ukraine. Họ cũng yêu cầu NATO rút toàn bộ lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng mà họ đã triển khai trên lãnh thổ 14 thành viên mới, phần lớn là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ hoặc Đông Âu, đã gia nhập từ năm 1999 đến nay. Có nghĩa, Nga không muốn NATO vượt qua “lằn ranh đỏ” của mình.

Song, điều trớ trêu là NATO cũng có một cái gọi là “lằn ranh đỏ”. Đó chính là nguyên tắc không để một quốc gia nào khác ngoài khối can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Kể từ khi được thành lập từ năm 1952, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không hề có thông lệ để một quốc gia khác can dự vào việc mở rộng hay kết nạp thành viên mới.

Như vậy, rõ ràng là cả Nga lẫn NATO (trong đó có Mỹ) đang đều đối mặt với những vấn đề cốt lõi mà họ đều không thể khoan nhượng bằng bất cứ giá nào. Cụ thể hơn, Moscow cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO chẳng khác gì mở toang cánh cửa cho địch vào nhà. Trong khi đó, với NATO sẽ là một cái tát vào niềm kiêu hãnh của họ, nếu liên minh hùng mạnh nhất thế giới này lại không được phép kết nạp thêm thành viên chỉ vì một yêu cầu từ một quốc gia bên ngoài nào đó.

Bởi vậy, cả Nga lẫn NATO đều đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là lý do họ đều chỉ đang trong tư thế rập rình khi đối đầu với nhau trong suốt nhiều tuần qua, trên cả mặt trận ngoại giao cũng như các động thái quân sự.

Ukraine, quân cờ trên bàn?

Nga rõ ràng cũng chưa thể tấn công ngay Ukraine, dù họ đang chuẩn bị cho giải pháp cuối cùng này. Tổng thống Putin biết rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng to lớn nếu tấn công Ukraine, bởi phương Tây đã cam kết sẽ đưa ra những biện pháp trừng phạt hết sức nặng nề, thậm chí cô lập họ chẳng khác gì Triều Tiên hay Iran. Ngoài ra, việc tấn công cũng càng khiến Ukraine có nhiều sự hiện diện quân sự hơn từ phương Tây.

nga my va nato cho van bai lat ngua hinh 2

Ukraine đang đứng giữa cuộc tranh giành địa chính trị của các cường quốc.

Tuy nhiên, như đã nói Nga đang chuẩn bị cho một phương án tấn công Ukraine, như một giải pháp cuối cùng nếu không đạt được mục tiêu là sự cam kết của NATO không mở rộng ra phía đông. Lưu ý, Nga đang được được lãnh đạo bởi Putin, một tổng thống của hành động, một đặc nhiệm thực thụ sẵn sàng hy sinh tất cả nếu bị dồn vào thế chân tường. Hồi cuối tháng 12 vừa rồi, chính ông đã tuyến bố trước nhân dân Nga rằng: “Những gì Mỹ và phương Tây làm đang diễn ra ngay thềm nhà của chúng ta. Họ cần phải hiểu rằng chúng ta không còn chỗ nào để rút lui nữa. Họ nghĩ rằng chúng ta sẽ chỉ đứng nhìn chắc?”

Đó chính là lý do tại sao phương Tây, cụ thể là Mỹ và NATO, cũng đang hết sức băn khoăn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại biên giới Ukraine. Họ rất xấu mặt nếu bị Nga cấm kết nạp Ukraine, song cũng vô cùng lo sợ về một cuộc chiến tranh - điều mà như đã nói nước Nga của Tổng thống Putin sẵn sàng tiến hành một khi tất cả những phương án khác không có tác dụng.

Phương Tây cũng hiểu rằng một cuộc chiến với Nga sẽ không chỉ là một cuộc xung đột nhỏ hay một cuộc chiến cục bộ. Nga không phải Iran, Syria hay Nam Tư cũ. Họ vẫn là quốc gia hậu Xô Viết rất hùng mạnh. Nga thậm chí đang có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với quân đội hùng hậu và kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Đặc biệt Nga còn đang gần gũi với Trung Quốc hơn bao giờ hết, cũng như cả Iran - 2 quốc gia cũng rất hùng mạnh về quân sự. Sắp tới ba nước này còn sẽ bắt tay tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển để phô trương sức mạnh.

Đó chính là lý do cả Nga lẫn phương Tây đều chỉ hằm hè nhau, dù đều đang tỏ ra không khoan nhượng với nhau. Nhưng rồi, rất có thể cuối cùng các bên sẽ đi đến một thỏa hiệp mang tính an toàn và khiến họ đều hài lòng. Khi đó, có lẽ chỉ Ukraine sẽ phải chịu thiệt khi không may mắn đứng ở giữa 2 “làn đạn” trong “cuộc chiến”.

Thực ra, người Ukraine đã dần nhận ra được viễn cảnh trên. Mới đây thị trưởng Kiev và là một võ sỹ quyền anh lừng lẫy một thời Vitali Klitschko đã phải ngao ngán ám chỉ rằng những gì diễn ra đang chỉ một cuộc tranh giành địa chính trị, khi tuyên bố hồi tuần trước: "Họ đang không ngừng đàm phán về Ukraine, nhưng thật tệ Ukraine lại không hề có mặt ở đó!”.

Hải Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế