Ngăn chặn và xử lý tin giả giữa mùa dịch Covid-19: Truyền thông chính thống cần đẩy mạnh

Thứ sáu, 30/07/2021 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)Cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ việc đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng dường như tình trạng này vẫn chưa giảm, có chiều hướng gia tăng...

Ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gửi công văn số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT đến các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng. Bên hành lang kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị xử lý nghiêm tình trạng này.

Không để tin giả hoành hành giữa mùa dịch

Trong khi nhiều bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương đang chung tay, căng mình chống lại những diễn biến của dịch Covid-19, thì hàng loạt tin giả về dịch bệnh vẫn được lan truyền, gây tâm trạng hoang mang cho người dân, làm phức tạp hơn tình hình. Thậm chí có những trường hợp còn mạo danh cơ quan chức năng để truyền tin giả.

Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về một đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu từ Singapore, cho rằng Covid-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người. Nội dung tin nhắn nói rằng, đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do Covid-19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị Covid-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu.

Ngày 15/7, Bộ Y tế đã phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy.

Minh hoạ của thanhnien.vn

Minh hoạ của thanhnien.vn

Sau đó vài ngày, mạng xã hội lại tiếp tục chia sẻ rất mạnh những hình ảnh với thông tin là xác chết của các bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, gây hoang mang cho người dân. Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xác minh vụ việc từ các cơ quan chức năng TP.HCM và truyền thông xã hội nước ngoài. Kết quả cho thấy, những bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở Đông Nam Myanmar.

Một vụ việc khác cũng đến từ mạng xã hội, khi người dùng chia sẻ về hình ảnh một người ở TP.HCM “tự thiêu” và bình luận nguyên nhân là do “phẫn uất với cách chống dịch Covid-19”. Qua xác minh từ Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và UBND phường sở tại cho thấy thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Công an TP.HCM đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông giám định tài liệu, nội dung mà cơ quan công an thu giữ được của đối tượng để tiến hành xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người tung tin giả trên theo quy định pháp luật.

Mới nhất, ngày 26/7, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin: “Sáng mai, Hà Nội có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt kiểm dịch Covid-19...” khiến nhiều người hoang mang lo lắng.

Trao đổi với  báo chí, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội, cho biết: “Thông tin trên mạng xã hội Facebook về nội dung trên là hoàn toàn sai sự thật. Đây là những thông tin sai sự thật, bịa đặt, không có cơ sở, thiếu chính xác và gây hoang mang dư luận”.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Công an TP. Hà Nội đã đề nghị lực lượng an ninh mạng và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông vào cuộc, truy tìm tài khoản đăng thông tin sai sự thật, để nhanh chóng xử lý, không làm người dân hoang mang, lo lắng.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tạo thói quen tích cực khi tham gia mạng xã hội

Ngày 23/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản về việc tăng cường kỷ luật truyền thông bám sát theo chủ trương của Nghị quyết 78/NQ-CP (ngày 20/7) của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, các cơ quan báo chí cần chú trọng thông tin, tuyên truyền về mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tăng liều lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, về cách phòng, tránh và các biện pháp phòng, chống lây chéo trong cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trên hết, trước hết.

Nội dung, cách thức thông tin theo hướng xây dựng, tạo niềm tin, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, tuyệt đối không để suy diễn, gây hoang mang, phân tâm trong nhân dân; chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng và trên báo chí về tình hình dịch bệnh. Bảo đảm qua công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, huy động, cổ vũ toàn dân đoàn kết, tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Báo Công luận

Theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, bên cạnh các công cụ pháp luật, giải pháp nâng cao ý thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất, bởi chỉ khi nào mỗi người sử dụng đều tự giác dùng mạng xã hội một cách văn minh, mới đẩy lùi được thông tin xấu độc, thông tin sai lệch.

Trong báo cáo thảo luận chính sách gần đây về an toàn số trong Chuyển đổi số Quốc gia ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị 4 giải pháp chính sách để nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số nói chung và ứng phó tin giả nói riêng.

Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy “tin thật” đẩy lùi tin giả. Một thị trường báo chí lành mạnh, tin cậy kết hợp với tốc độ cung cấp thông tin chính thống nhanh từ toàn bộ hệ thống công quyền sẽ kéo người dân từ mạng xã hội qua báo chí chính thống.

Thứ hai là kỹ năng số của người dân, bao gồm: biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt “thật - giả” là “gốc rễ” để giải quyết vấn đề trong dài hạn.

Điều này cần bắt nguồn từ giáo dục kỹ năng số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ em ngay từ tiểu học. Trong thời đại số, học sinh không thể chỉ đơn thuần học “tin học” mà cần có kỹ năng số toàn diện trong đó gồm kỹ năng an toàn thông tin.

Thứ ba, trong khi nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai cần thời gian dài hơn để thực thi, trước mắt cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả.

Hệ thống tòa án cần được gấp rút tăng cường năng lực thụ lý và xử lý nhanh các vụ kiện như thế. Các vụ việc xử phạt hành chính chỉ nên nhắm vào các cá nhân, tổ chức tung tin giả có tác động xấu đến lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia. Không nên lạm dụng xử phạt hành chính bởi cũng có rủi ro xâm phạm đến quyền ngôn luận của người dân.

Thứ tư, thành lập các trung tâm chống tin giả với nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh, chính thức, chuẩn xác từ chính quyền. Thời buổi thông tin nhanh như hiện nay mà chờ họp báo thì quá chậm. Trung tâm chống tin giả vừa giúp kiểm chứng nguồn tin, vừa giúp thông tin nhanh.

Khánh An

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn