Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Đi tìm diện mạo thơ Việt Nam hôm nay

Thứ năm, 09/02/2023 09:43 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Thơ hiện nay đang như thế nào? Thơ hiện nay nên như thế nào? Đó là những trăn trở được các nhà thơ và những người yêu thơ đưa ra bàn luận thẳng thắn tại Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” - sự kiện mở màn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Qua 3 năm tạm hoãn vì dịch COVID-19, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 trở lại với nhiều cái mới. Sau 20 lần tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, đây là lần đầu tiên Ngày thơ diễn ra tại địa điểm mới - một không gian được thiết kế công phu, chuyên nghiệp tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Buổi tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” sáng ngày Rằm tháng Giêng cũng là một hoạt động trước đây chưa từng tổ chức.

Bạn đọc quay lưng với thơ

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương khẳng định, cuộc tọa đàm khuôn hẹp về không gian, thời gian nhưng không khuôn hẹp về vấn đề. Đó là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thơ là gì và thơ có giá trị như thế nào đối với đời sống? Những người tổ chức mong muốn các nhà thơ, những người yêu thơ, người nghiên cứu thơ cùng bàn luận về hình dáng, diện mạo, sức vóc của thơ hôm nay ra sao và thơ ngày hôm nay ở đâu, nó có giá trị gì trong một thời đại phong phú nhưng cũng hết sức phức tạp hiện nay…

ngay tho viet nam lan thu 21 di tim dien mao tho viet nam hom nay hinh 1

Không gian Đường thơ của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Đình Trung

Nhà thơ Trần Anh Thái - Chủ tịch Hội đồng thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) đánh giá, thơ ca những năm gần đây đã có một đời sống mới, một diện mạo mới, đa thanh, đa diện, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm về nghệ thuật, các khuynh hướng, các phong cách sáng tác… Thơ hiện nay mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng; cách thể hiện cũ, mới, quen lạ... Các nhà thơ đi sâu vào khám phá bản thân, nhưng vẫn luôn nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí những vấn đề lớn lao của đất nước, về sự mất còn của dân tộc, về thân phận con người trong cuộc sống hôm nay…

Thế nhưng điều đáng mừng ấy vẫn khiến những người làm thơ và người yêu thơ không tránh khỏi những lo lắng, khi số lượng người làm thơ rất đông, thơ xuất bản nhiều nhưng xã hội lại “bội thực” thơ dở.

“Không ít người cho rằng thơ ca nói riêng, văn học nói chung đang hỗn loạn. Các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp, giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng”, nhà thơ Trần Anh Thái nói thêm.

Đồng quan điểm, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng cho rằng, hiện nay số lượng các nhà thơ phải tính bằng đơn vị vạn và các tập thơ xuất bản hàng năm cũng phải tới đơn vị nghìn. Thế nhưng, đời sống thơ ca lại đang diễn ra nghịch lý, đó là “số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản tăng lên nhưng người đọc thơ lại giảm đi, giảm chưa từng có”.

Nhà thơ Trần Anh Thái nhìn nhận, bạn đọc lạnh nhạt với thơ là có thật, thậm chí quay lưng lại với thơ cũng là thật. Dù tôn trọng thơ, yêu thơ đến mấy, ông cũng phải thừa nhận, đó là sự thất bại của thơ.

Tuy nhiên, bạn đọc không đọc thơ thì không phải lỗi ở họ. Theo ông Thái, lỗi không thuộc bạn đọc thì đương nhiên thuộc về nhà thơ và rộng hơn nữa là cả những người làm công việc liên quan đến thơ như các tờ báo in thơ, các nhà xuất bản, các nhà quản lý về văn hóa nghệ thuật, rồi cơ chế, chính sách cũng góp phần dẫn đến những cái hay cũng như cái dở của thơ.

Thiếu vắng những tác phẩm độc đáo, xuất sắc

Về sự cách tân trong thơ, nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng, sự đổi mới chưa bao giờ tự do, sôi động như hiện nay, tuy nhiên nhiều tác phẩm phá cách đến mức “loạn thẩm mỹ”, gây khó hiểu chứ không mang lại giá trị nghệ thuật.

Cho rằng thơ bị thờ ơ còn vì sự đi xuống của văn hoá đọc, nhà biên kịch, nhà thơ Nguyễn Hiếu lý giải, thơ hiện nay đa phần là những cảm xúc riêng tư với những đề tài quá cũ, không gắn bó gì đến suy nghĩ, tâm tư của con người trong thời buổi xã hội có nhiều biến động. Một vài nhà thơ tìm đến những đề tài lớn như tình yêu Tổ quốc, nhưng lại tạo ra các bài thơ với những câu từ sáo rỗng giống như khẩu hiệu. Về nghệ thuật thì hơn ba thập kỷ qua chưa có sáng tạo nào mới, chưa có nhà thơ nào nổi trội. Hiện tượng thơ “lẫn nhau”, thơ “giống nhau” ngày càng phổ biến.

ngay tho viet nam lan thu 21 di tim dien mao tho viet nam hom nay hinh 2

Độc giả tham quan không gian trưng bày giới thiệu về các nhà thơ tại “Nhà ký ức”. Ảnh: Đình Trung.

“Thơ ca hiện nay thiếu vắng những tác phẩm độc đáo xuất sắc, các nhà thơ chưa tạo được phong cách riêng mà viết từa tựa giống nhau”, nhà thơ Nguyễn Hiếu chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thanh Tâm nêu ra 4 nguyên nhân khiến cho thơ hôm nay bị “đuối”. Thứ nhất, thơ Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng “suy” tư tưởng khi các nhà thơ không có những mối bận tâm lớn. Thứ hai, thơ bị “suy” về văn hóa khi “chúng ta đang quá xem thường thơ”. Thứ ba là sự suy thoái về giá trị phổ quát. Người làm thơ chỉ quẩn quanh với nỗi riêng tư, thế giới của mỗi người, không chạm gặp, giao tiếp được với nhau, trong khi thơ hay ở chỗ “nhìn thấy non cao vực thẳm”, nhìn thấy nhịp điệu tâm hồn mình trong tâm hồn kẻ khác.

“Thứ tư, thơ ca đang bị giá trị đại chúng giết chết. Chúng ta chạy theo những thứ ăn nhanh, dễ đăng, dễ đọc mà không dừng lại trăn trở với chữ, với nghĩa, với hình tượng, với tư tưởng. Điều đó cũng đang làm thứ thơ dễ dãi phát triển”, TS. Nguyễn Thanh Tâm phát biểu.

Giá trị của thơ nằm ở sự vĩnh hằng - hướng con người tới những điều tốt đẹp

Vậy, thơ ca hiện nay nên như thế nào để đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội? Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định, giá trị của thơ là đi vào tận cùng đau khổ của con người để khơi lên niềm hy vọng. Ông cho rằng, khi sáng tạo thi ca, điều đáng quan tâm nhất chính là phẩm chất thơ luôn phải hướng tới nhân sinh, những vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc, sống còn của con người hiện đại; hướng tới tình yêu quê hương đất nước trong cội nguồn dân tộc Việt.

Bàn sâu hơn về nghệ thuật, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, căn cốt nhất trong sáng tạo thi ca là phát hiện, xây dựng các tứ thơ. Một bài thơ đích thực cần có ba yếu tố: cảm xúc, ý tưởng và tứ thơ. Về cách biểu đạt, tứ thơ phải tạo nên một trường thẩm mỹ mới về thanh âm, ngữ điệu, ngôn từ, hình ảnh; hình thức, vần luật chỉ là phương tiện để truyền tải tư tưởng.

ngay tho viet nam lan thu 21 di tim dien mao tho viet nam hom nay hinh 3

Bạn đọc yêu thơ trao đổi bên lề tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”. Ảnh: Đình Trung

“Cách tân không có nghĩa là mang lại sự mù mờ, rắc rối đến không thể cắt nghĩa nổi cảm xúc. Cái mới trong thơ không cần đến sự trình diễn cầu kỳ bằng cấu trúc lạ mà là phát hiện mới trong suy tưởng, làm sao để người đọc soi vào đấy thấy mình, thấy những vấn đề của con người trong nhiều chiều”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nêu quan điểm.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật cũng cho rằng câu chữ sáng tạo độc đáo có thể tạo ra những “khoái cảm” nhất thời cho bạn đọc, nhưng giá trị văn chương nghệ thuật vốn không nằm trong những khoái cảm nhất thời đó, mà nó nằm ở sự vĩnh hằng - hướng con người đến những điều tốt đẹp. Chỉ có như thế mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành sứ mệnh của mình.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, thơ Việt Nam có thành tựu lớn, tác động đến tình cảm, nhân cách con người và có sức thẩm thấu, vươn xa… Ông cũng cho rằng, cần tôn trọng người làm thơ hiện đại, cổ vũ, tạo điều kiện cho họ sáng tác. Về việc xuất bản thơ, cần có cách quản lý chặt chẽ, khéo léo để tạo điều kiện cho những nhà thơ không chuyên phát triển.

Còn theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, hiện nay con người có cuộc sống sung túc hơn, nhưng họ lại phải đối mặt với nhịp sống nhanh, căng thẳng, sự cạnh tranh mạnh mẽ... Do đó, thơ ca luôn phải hướng về ánh sáng của cái thiện, phải phản ánh cái đẹp trong một xã hội ngày càng ích kỷ, thực dụng.

“Khi đại dịch qua đi, đường phố lại trở lại nhịp đông cuồn cuộn, tôi lại nghĩ thơ ca có giúp cho dòng người đang cuồng nhiệt chảy kia giảm tốc độ lại không? Thơ có giúp con người sau cơn đại dịch ghê gớm như thế có đủ bình tĩnh nhìn ra vẻ đẹp của người bên cạnh hay không?” - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trăn trở.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa