(CLO) Philippines là một trong những quốc gia cung cấp y tá và điều dưỡng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ‘niềm tự hào’ ấy của Philippines đang bị tổn thương khi biến thể Delta đe dọa làm sụp đổ hệ thống chăm sóc sức khỏe do thiếu y tá, điều dưỡng tại các cơ sở.
Biến thể Delta của virus Corona đã tràn qua Đông Nam Á trong những tháng gần đây, trải dài từ Myanmar đến Thái Lan, từ Malaysia và Indonesia, rồi Campuchia, Việt Nam, Singapore, khiến nhiều bệnh viện bị quá tải, thậm chí phải đóng cửa. Hiện tại, tác động đang được cảm nhận đậm nét ở Philippines, khi tình trạng thiếu nhân viên y tế của nước này đã đạt đến điểm khủng hoảng.
“Căn bệnh này đã trở nên rất dữ dội”, Michael Bilan, nhân viên y tế làm việc tại một khu điều trị COVID ở Manila cho biết. Thời gian này, bệnh nhân có xu hướng yêu cầu một lượng oxy cao hơn và lâu hơn, anh nói thêm. Số lượng bệnh nhân COVID cũng ở mức cao kỷ lục: tuần trước, 277 người được điều trị. Các khu chăm sóc mới đã được mở ra để đáp ứng số bệnh nhân ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ngày càng nhiều nhân viên y tế, lực lượng mà Philippines đang đau đầu giải quyết.
Philippines là một trong những nhà cung cấp y tá, điều dưỡng lớn nhất thế giới, với 17.000 người đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm cả ở Anh và Mỹ, vào năm 2019. Nhưng nước này ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm nhân viên cho các cơ sở địa phương, nơi có lương thấp và điều kiện làm việc kém chất lượng. Tuần trước, Hiệp hội các bệnh viện tư nhân của Philippines ước tính 40% y tá bệnh viện tư nhân đã nghỉ việc trong năm ngoái, và nhiều hơn nữa đã ra đi sau những đợt lây nhiễm mới trong năm nay.
Maristela Abenojar, chủ tịch của Filipino Nurses United (Hiệp hội Y tá Philippines) cảnh báo nhiều điều sẽ xảy ra trừ khi chính phủ bắt đầu tuyển dụng quy mô lớn, để giảm bớt áp lực cho các nhân viên điều dưỡng, y tá và trả tiền trợ cấp quá hạn cho nhân viên y tế. Bà nói: “Nếu họ không hành động ngay lập tức trong vài ngày tới, có thể phải cần một đợt huy động quần chúng lớn trong số các nhân viên y tế”.
Cảnh báo được đưa ra khi số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á, tiếp tục gia tăng. Ngày hôm qua (21/8), 16.694 ca dương tính mới được báo cáo cùng với 398 trường hợp tử vong - con số tử vong hàng ngày cao thứ hai kể từ khi đại dịch bắt đầu. Cho đến nay, 31.596 người Philippines đã chết vì virus Corona kể từ đầu đại dịch.
Năm ngoái, chính phủ đã tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân viên y tế bằng cách thiết lập một kế hoạch tuyển dụng khẩn cấp với các lợi ích như tăng 20% lương cho hợp đồng tối thiểu ba tháng. Hiệp hội Y tá Philippines cho biết họ đã làm được rất ít để cải thiện điều kiện.
Trước đó, chính phủ đã có một quyết định gây tranh cãi khi cấm nhân viên y tế ra làm việc ở nước ngoài, ngăn chặn kế hoạch đi du lịch của các y tá đã bỏ ra rất nhiều tiền để đào tạo, làm bài kiểm tra và lấy các giấy tờ cần thiết để làm việc ở các nước khác. Biện pháp này sau đó đã được thay thế bằng giới hạn số lượng được phép ra nước ngoài, sau sự phản đối dữ dội từ các nhóm điều dưỡng.
Yasmin Ortiga, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Quản lý Singapore, người đã nghiên cứu xu hướng di cư của các y tá Philippines, cho biết nỗ lực ngăn các y tá ra nước ngoài đánh dấu sự thay đổi chính sách đột ngột ở Philippines.
“Họ luôn khuyến khích các y tá ra nước ngoài, vì các y tá làm việc rất tốt ở nước ngoài”, cô nói. Điều dưỡng viên ít có khả năng hơn các nhóm khác, chẳng hạn như người giúp việc gia đình, cần sự bảo vệ của nhà nước và chuyển các khoản tiền đáng kể về Philippines. Ortiga nói: “Tôi nghĩ rằng trong một thời gian dài, đất nước chỉ xem họ là những người lao động di cư lý tưởng”.
Ngay cả giáo trình y tế giảng dạy cho sinh viên cũng được định hình bởi xu hướng cho nhân viên y tế ra nước ngoài. Joyce Brillantes, Phó chủ tịch Hiệp hội sinh viên y khoa Philippines, cho biết: “Có những căn bệnh không có ở đất nước chúng tôi mà chúng tôi vẫn đang nghiên cứu - chúng chỉ được tìm thấy ở các nước phương Tây”.
Trong năm thứ hai của chương trình y khoa, Brillantes đã biết về bệnh sốt đốm núi đá, bệnh này phổ biến ở Mỹ chứ không phải ở Philippines. “Chúng tôi nghiên cứu điều này, chúng tôi ghi nhớ điều này, nó sẽ xuất hiện trong các kỳ thi của chúng tôi”, cô nói. “Còn rất nhiều điều mà chúng tôi có thể tìm hiểu về các loại thuốc trong bối cảnh Philippines mà chúng tôi không học được”.
Nghịch lý: Nhiều mà vẫn thiếu
Khi đại dịch xảy ra, một số trên mạng xã hội đã chỉ trích các y tá muốn rời khỏi đất nước và đặt câu hỏi về lòng yêu nước của họ. Tuy nhiên, Ortiga cho biết sự thiếu hụt nhân sự của Philippines không phải là bị chảy máu chất xám do di cư mà điều này đang được đơn giản hóa vấn đề. Đã có nhiều y tá được đào tạo trong nước nhưng họ đang làm việc trong các lĩnh vực khác - trong các trung tâm hỗ trợ, giáo viên hoặc cảnh sát.
Cô nói: “Ở Philippines, vì chúng tôi cố gắng đào tạo y tá để xuất khẩu, nên chúng tôi có nguồn cung vượt quá những người có tay nghề cao trong nước. Trong những năm 2000, lĩnh vực giáo dục đại học, chủ yếu là các cơ sở tư nhân, đã nhanh chóng mở rộng các khóa học y tá để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với y tá Philippines tại Mỹ”.
Điều này tạo ra rất nhiều y tá mới được đào tạo, và nhiều người không thể tìm được việc làm tại các bệnh viện địa phương - một điều kiện bắt buộc đối với các đơn xin làm việc ở nước ngoài. Nhu cầu về y tá ở nước ngoài sau đó đã giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, làm trầm trọng thêm tình hình. Nhiều y tá không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ nghề này, trong khi một số làm việc miễn phí trong nhiều năm để cố gắng đảm bảo đủ kinh nghiệm cho các công việc nước ngoài, Ortiga nói. "Điều đó làm cho các bệnh viện rất tự mãn".
Lương và điều kiện làm việc cho y tá ở Philippines vẫn chưa hấp dẫn. Trong số các thành viên Y tá Philippines làm việc tại các bệnh viện tư nhân, nơi mức lương ít hào phóng nhất, hầu hết kiếm được từ 8.000 đến 10.000 peso (khoảng 3,8 triệu đến 5 triệu VNĐ) một tháng.
Các nhóm y tá đã hy vọng đại dịch sẽ buộc chính phủ Philippines đầu tư vào dịch vụ y tế và cải thiện điều kiện của các khu bệnh viện. Thay vào đó, COVID đã làm trầm trọng thêm các vấn đề lâu dài. Abenojar cho biết: “Các y tá của chúng tôi làm việc quá sức - thay vì chỉ tám giờ theo ca, họ đang kéo dài thời gian làm việc thêm 12 giờ”.
Khi các y tá bị nhiễm bệnh và cần được cách ly, khối lượng công việc của các đồng nghiệp của họ tăng lên đáng kể. Theo Abenojar, tại các khoa điều trị COVID, một y tá có thể chịu trách nhiệm cho 15 bệnh nhân trở lên. Nhiều người thân, những người trước đây có thể giúp chăm sóc bệnh nhân, không còn được phép đến thăm do hạn chế của đại dịch. Do đó, toàn bộ gánh nặng chăm sóc thuộc về các y tá.
Abenojar cho biết: “Bạn có thể tưởng tượng họ được trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân, chùm kín từ đầu đến chân, phục vụ cho hơn 15 bệnh nhân trong 12 giờ. Một số không tìm được thời gian để ăn hoặc tránh đi vệ sinh vì họ không muốn cởi bỏ quần áo bảo hộ do sợ nguồn cung cấp ít”.
Sự bất bình của các nhân viên y tế tiếp tục gia tăng vào tuần trước khi những đòi hỏi về việc đầu tư lớn hơn không được chú ý, nhất là trong bối cảnh kiểm toán viên nhà nước nêu rõ “những thiếu sót” trị giá 67,3 tỷ peso (gần 1 tỷ bảng Anh) trong quỹ ứng phó đại dịch của đất nước. Một số y tá vẫn chưa nhận được đầy đủ các quyền lợi của họ, chẳng hạn như tiền trợ cấp rủi ro.
Trong bệnh viện của Bilan, các nhân viên y tá đã được điều động lại từ các dịch vụ ngoại trú, những dịch vụ này đã bị đóng cửa do ngừng hoạt động. Điều này đã mang lại một số bổ sung, nhưng các đồng nghiệp vẫn tiếp tục rời đi. “Tôi thực sự không thể đổ lỗi cho họ”, anh nói. "Đó là sự thất vọng, căng thẳng".
Các số liệu y tế đã chỉ trích chính phủ không đầu tư đủ vào việc xét nghiệm hàng loạt và không đưa ra thông điệp rõ ràng, bao gồm cả việc tiêm chủng, dẫn đến sự gia tăng không thể kiếm soát số ca nhiễm virus Corona. Cho đến nay, mới chỉ có 11,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh COVID-19.
Bilan nói: “Thay vì học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ của chúng tôi, mỗi khi một biến thể tích cực mới xuất hiện, chúng tôi sẽ quay trở lại phong tỏa và chúng tôi phải điều chỉnh lại và các con số tiếp tục tăng lên”.
“Nó rất khó,” anh ấy nói thêm. “Chúng tôi thấy bệnh nhân chết hàng ngày vì COVID. Cảm giác như chúng ta không thể làm gì hơn. Chúng tôi đã cống hiến hết sức mình”.
Y tá, điều dưỡng là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống đại dịch của Philippines. Việc thiếu hụt các nhân viên y tế này khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Các chuyên gia dịch tễ lo ngại điều này xảy ra trong thời điểm quan trọng khi biến thể Delta đang lây lan mạnh có thể dẫn đến một sự tăng vọt số ca nhiễm tại Philippines, giống như ở nhiều nơi khác tại Đông Nam Á hay Ấn Độ.
(CLO) Đã hơn một tháng kể từ khi thủ lĩnh phong trào Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran, song việc Iran tấn công trả đũa vẫn chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo gay gắt. Vậy toan tính của Iran là gì? Còn Mỹ - Israel chuẩn bị ra sao trước nguy cơ Iran tấn công trả đũa?
(CLO) Các chỉ huy và sĩ quan Ukraine cho biết tình trạng đào ngũ và bất tuân đang trở thành vấn đề phổ biến, đặc biệt là trong số những người lính mới.
(CLO) Vụ rơi máy bay F-16 của Ukraine tuần trước đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Liệu Kiev có vội triển khai những chiếc tiêm kích này và liệu các phi công Ukraine đã thực sự sẵn sàng xung trận với F-16?
(CLO) Ông Michel Barnier, đại diện của Đảng Cộng hòa Pháp, đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới của đất nước hình lục lăng. Liệu điều này có giúp nước Pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị suốt gần 2 tháng qua?
(CLO) Một tháng trước, phong trào do sinh viên lãnh đạo đã lật đổ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, sau nhiều tuần biểu tình và đụng độ khiến hơn 600 người thiệt mạng và đẩy đất nước đến bờ vực hỗn loạn.