Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ “vòng kim cô” để “cất cánh”

Thứ tư, 03/05/2023 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của vùng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Bài liên quan

Mặc dù chỉ chiếm gần 13% diện tích cả nước, thế nhưng, Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp tới 32% GDP toàn ngành nông nghiệp. Trong đó, 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây đều có nguồn gốc từ “vùng đất 9 rồng”.

Nhờ vào yếu tố “nhân hòa - địa lợi”, kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được xác định sẽ gắn với ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp truyền thống, phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm “con trâu đi trước, cái cày theo sau” sẽ được chuyển đổi mô hình sang kinh tế nông nghiệp, được hỗ trợ bởi khoa học - công nghệ. Đặc biệt, sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, để tạo ra xung lực cho ngành nông nghiệp tăng trưởng.

Dù vậy, để thực hiện được sứ mệnh này, nông nghiệp của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết: Nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long có thể chia làm 3 khó khăn chính. Các khó khăn này đã khiến “vùng đất chín rồng” dù giàu có về tài nguyên, nhưng lại tụt hậu về mặt kinh tế.

nong nghiep dong bang song cuu long go vong kim co de cat canh hinh 1

Ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Những thách thức về kinh tế

Theo ông Nguyễn Phương Lam, thứ nhất, Đồng bằng sông Cửu Long được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Lam phân tích: Mặc dù chính sách kiên quyết giữ đất lúa đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng và người nông dân trở nên khá giả do năng suất bị kìm hãm.

“Nếu các hạn chế về diện tích đất lúa được nới lỏng, Việt Nam vẫn hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu an ninh lương thực, đồng thời có thể phát triển các hoạt động nông nghiệp khác có năng suất cao hơn, nhờ đó tăng thu nhập”, ông Lam nói.

Thứ hai, có một hiện thực rằng, nông nghiệp của vùng phát triển rất mạnh, thế nhưng lại chậm hiện đại hóa.

Theo đó, nền nông nghiệp vẫn dựa chủ yếu vào kinh tế nông hộ với diện tích đất canh tác nhỏ và manh mún. Đây là một rào cản quan trọng cho việc chuyển trọng tâm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như nông sản chưa được chuẩn hóa về chất lượng và an toàn, quá phụ thuộc một số thị trường dễ dãi qua đường tiểu ngạch, hầu như vắng bóng thương hiệu uy tín, mang dấu ấn của Vùng.

Thứ ba, nguồn vốn đầu tư rất hạn chế. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn vùng thấp hơn nhiều so với tỷ trọng đóng góp về GDP hay dân số. Thu và chi ngân sách nhà nước trên đầu người của vùng cũng thấp hơn so với mức bình quân cả nước.

“Hệ quả là so với những vùng khác của cả nước, giao thông đường bộ nội vùng cũng như kết nối với vùng TP.HCM còn rất yếu kém, do vậy rất kém hấp dẫn với các nhà đầu tư”, ông Lam nhấn mạnh.

Thách thức về xã hội

Sau thách thức về kinh tế, các thách thức về xã hội cũng đang làm hao mòn triển vọng tăng trưởng kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp của vùng. Đầu tiên là thiếu việc làm ở nông thôn, tình trạng di cư tới những nơi có kinh tế phát triển hơn và số hộ nghèo của cả đang ở mức cao so với cả nước.

Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích: Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 là 3,47%, cao thứ hai toàn quốc, chỉ sau Tây Nguyên.

Cũng theo ông Lam, thu nhập bình quân của Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2019 là 3,9 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,2 triệu đồng/tháng của cả nước.

Chỉ có Cần Thơ - đô thị trung tâm của vùng, cùng với Tiền Giang và Long An - hai tỉnh gần TP.HCM có mức thu nhập nhỉnh hơn trung bình cả nước một chút.

“Mặc dù vùng có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh từ, nhưng đây là khu vực xếp thứ 2 về nghèo đa chiều, chỉ đứng trên khu vực Tây Nguyên”, ông Lam phân tích.

Thách thức lớn nhất - môi trường

Ông Nguyễn Phương Lam cho biết, trong 2 thách thức trên, nếu cố gắng đều có thể cải thiện trong tương lai. Thế nhưng, môi trường sẽ là thách thức lớn nhất, và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Thứ nhất, các tác động từ nguồn sông Mekong đang ảnh hưởng trực tiếp tới nền nông nghiệp của vùng. Các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả là gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu.

“Hiện nay mực nước sông Mekong xuống rất thấp, lưu lượng bình quân dòng chảy chỉ còn khoảng 1.700 - 2.500 m3/giây khiến nước mặn từ biển tràn vào làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn”, ông Lam nói.

Các hệ thống thủy điện sông Mekong còn tác động đến dòng chảy, làm giảm đáng kể mực nước sông Mekong, đồng thời gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu.

Thách thức về nguồn nước còn đến từ chính nội tại của vùng. Hệ thống đê bao khép kín ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp làm tăng mực nước trên các hệ thống sông trong mùa lũ, gây rủi ro vỡ đê và làm ngập các khu vực lân cận và hạ lưu.

Sự phân bố nguồn nước không đồng đều gây khó khăn cho nông dân trong việc bố trí lịch thời vụ (lúa) và chuyển đổi nông nghiệp sang các hoạt động có năng suất cao hơn. Thách thức môi trường thứ ba là chất lượng đất trồng suy giảm.

Ở khu vực thượng nguồn (Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên), hệ thống đê bao và các tuyến kênh thoát lũ ra biển Tây đã ngăn không cho nước lũ vào sâu trong nội đồng và khiến đất đai ngày càng suy kiệt.

Để duy trì năng suất, nông dân buộc phải bổ sung một lượng lớn phân bón hóa học. Việc thâm canh lúa liên tục cũng khiến thời gian đất bị ngâm nước khá dài, vi sinh vật hiếu khí bị giảm và thay bằng vi sinh yếm khí, thải nhiều chất độc trong đất hơn.

“Tất cả những điều này làm giảm chất lượng đất canh tác. Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 cho thấy khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng có đất trồng trọt bị thoái hoá”, ông Lam nói.

Thách thức môi trường thứ tư là biến đổi khí hậu. Kết quả dự phòng giai đoạn 2030-2040 cho thấy nhiều khu vực của vùng sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

Cụ thể là nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng, lượng mưa đầu vụ hè thu sẽ giảm, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn, diện tích ngập do lũ sẽ tăng, áp thấp nhiệt đới và bão có xu hướng gia tăng vào cuối năm, và số trận bão lốc đổ bộ trực tiếp vào vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có xu thế gia tăng,...

“Những tác động này ngay lập tức ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp, khiến cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn đã khó khăn còn trở nên bấp bênh hơn”, ông Lam nói.

Cần gỡ bỏ vòng “kim cô” của vùng

Trước những thách thức đó, ông Nguyễn Phương Lam kiến nghị, nếu chuyển đổi mô hình nông nghiệp của vùng cần đặt người dân của đồng bằng ở vị trí trung tâm, tận dụng được các cơ hội thị trường và thích ứng được với những biến động về môi trường.

Theo đó, 4 mục tiêu chính sẽ được hướng đến. Cụ thể, tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho người nông dân, hiện đại hóa nền nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường, phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”.

Đồng thời, chuyển đổi nông nghiệp cũng không nên ôm đồm quá nhiều mục tiêu vì như thế sẽ làm cho cả tầm nhìn chiến lược lẫn định hướng chính sách trở nên thiếu rõ ràng và mạch lạc.

Cũng theo Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ: Chiến lược chuyển đổi nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cần bắt đầu với sự thay đổi tầm nhìn, nhờ đó xác định được đích đến một cách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời gỡ bỏ được một số “vòng kim cô” ngăn cản sự phát triển nông nghiệp của vùng trong quá khứ.

“Đặc biệt, Nhà nước cần thay đổi thể chế một cách có hệ thống, như chế độ sở hữu đất, vai trò Nhà nước - hiệp hội - doanh nghiệp, cơ chế quản trị vùng, cụm ngành, chuỗi giá trị,... Nhờ đó tạo ra các khuyến khích giúp tăng năng suất và giá trị một cách bền vững”, ông Lam nhấn mạnh.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

Bắc Ninh “hút” được 997,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2024

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục rót vốn vào tỉnh Bắc Ninh hơn 100 dự án, đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước.

Kinh tế vĩ mô
Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

Châu Á đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa “không lành mạnh”, 65 tuổi vẫn phải đi làm

(CLO) Theo ADB, dân số châu Á đang già đi nhanh chóng. Vì vậy, các quốc gia châu Á cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân già đi một cách lành mạnh.

Kinh tế vĩ mô
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn 'đổ tiền' vào thị trường bất động sản Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn "đổ tiền" vào thị trường bất động sản Việt Nam

(CLO) Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 tổng vốn đầu tư FDI, với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm gần 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78,2% so với cùng kỳ. 

Kinh tế vĩ mô
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(CLO) Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 1003 Ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024.

Kinh tế vĩ mô
Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

Không khuyến khích phát điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện quốc gia

(CLO) Cục Điều tiết điện lực cho rằng, chỉ nên khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu, không nên khuyến khích (thậm chí nên hạn chế) phát loại điện này vào hệ thống.

Kinh tế vĩ mô