“Rác” trên Tiktok: Đã đến lúc không thể không dọn ?

Thứ sáu, 02/12/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc xử lý nghiêm khắc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý văn hóa… là rất cần thiết để có thể hạn chế tình trạng vi phạm của nhiều tiktoker, bảo vệ và khuyến khích các hoạt động sáng tạo nội dung lành mạnh, có văn hóa trên mạng xã hội.

Sự kiện: TikTok

Những ngày qua, một làn sóng tẩy chay TikToker Nờ Ô Nô đã xuất hiện và đang được dân mạng lan tỏa trên khắp các nền tảng mạng xã hội, từ Facebook tới TikTok. Nguyên nhân bởi TikToker này đã đăng tải những đoạn clip bẩn, với nội dung được nhiều người cho là có hành vi miệt thị, xúc phạm người nghèo. Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 7,5 triệu đồng đối với Phạm Đức Tuấn - Chủ tài khoản Tiktok Nờ Ô Nô về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc", theo Điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020. Việc xử lý nghiêm khắc của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý văn hóa… là rất cần thiết để có thể hạn chế tình trạng vi phạm của nhiều tiktoker, bảo vệ và khuyến khích các hoạt động sáng tạo nội dung lành mạnh, có văn hóa trên mạng xã hội.

TikToker lệch chuẩn - nhiều như nấm sau mưa

Với sự phủ sóng ngày càng rộng, sức ảnh hưởng ngày càng lớn của TikTok tại Việt Nam, đặc biệt khi “TikTok shop” ra đời đã có nhiều cá nhân sẵn sàng làm mọi cách để đưa khách về trang bán hàng. Họ dùng đủ chiêu để kiếm tiền trên nền tảng này như: khoe thân, thậm chí phát tán cả clip sex… Nhiều tiktoker cố tình sản xuất nội dung gây sốc để thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều trường hợp phát ngôn vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức.

Một số liệu mới nhất từ Báo cáo Kỹ thuật số 2022 của Tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi, tức hơn 55% người dùng Internet Việt Nam. Còn theo kết quả khảo sát từ các báo cáo của Decision Lab (2022) hay The Connected Consumer (quý 4/2021), TikTok đã chính thức vượt mặt Instagram, nằm trong top 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Cụ thể, chỉ trong năm qua, TikTok tăng trưởng khủng khiếp về người dùng mọi thế hệ. Đặc biệt, các bạn trẻ thuộc Gen Z (sinh từ 1997 - 2012) đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng TikTok với con số tăng trưởng tới gần 40%.

rac tren tiktok da den luc khong the khong don hinh 1

Với những tính năng hấp dẫn như lưu trữ video dạng ngắn, cung cấp ứng dụng chia sẻ video ngắn. Nội dung ban đầu của nó chủ yếu là hát nhép, khiêu vũ hoặc ghi âm các hình dán lạ mắt và các hiệu ứng khác. Đặc biệt, vào tháng 4/2022, TikTok bắt đầu mở ứng dụng bán hàng “TikTok Shop”, ngay lập tức đây đã trở thành mảnh đất mới cho những nhà sáng tạo nội dung kiêm kinh doanh đa dạng kênh bán hàng. Đã có rất nhiều người tận dụng cơ hội này để bắt đầu khởi nghiệp. Thế nhưng, sau vài tháng thì đã xuất hiện nhiều hiện tượng câu view gây tranh cãi gay gắt.

Những ngày qua, cộng đồng mạng đã chỉ trích dữ dội TikToker N. vì trong quá trình “sáng tạo nội dung” cho TikTok đã sử dụng từ ngữ phản cảm. Cách nói chuyện của TikToker thiếu tôn trọng, có phần miệt thị người nghèo đã khiến người nghe sôi sục phẫn nộ. Câu chuyện của N. chỉ là một trong “hằng hà sa số” trường hợp TikToker cố tình tạo nội dung “bẩn” để câu view trên TikTok.

Những TikToker lệch chuẩn này bất chấp mọi điều để câu view với những phương thức đa dạng. Họ hướng dẫn học sinh gian lận thi cử. Họ bày dạy người khác những chuyện nhạy cảm 18+ một cách gợi dục, lố lăng. Họ không ngần ngại lăng nhục cơ thể, danh dự của... bất kỳ ai họ muốn. Họ sẵn sàng vùi dập không thương tiếc những hàng quán mà họ không thích.

Chưa hết, họ bóp méo sự thật, họ “vẽ” chuyện để dư luận bất an, lo ngại. Họ xúc phạm người già, họ dọa ma trẻ nhỏ. Họ cổ súy bạo lực, mê tín dị đoan, buôn bán động vật quý hiếm. Họ đầu độc giới trẻ bằng vô số video đi ngược lại quy chuẩn đạo đức, chuẩn mực xã hội...

Lạ lùng là, sau những phản ứng gay gắt, chỉ trích kịch liệt, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Dân mạng vẫn đổ xô vào xem, vào theo dõi những kênh TikTok được “điểm mặt đặt tên” là lệch chuẩn này. Để rồi, một bộ phận TikToker cứ ngỡ càng “tai tiếng” sẽ càng “nổi tiếng”, sẽ “hốt view” nên không ngại ngần, thậm chí vô tư và thản nhiên thực hiện những nội dung mang tính phản cảm. Chính điều ấy khiến giới “TikToker lệch chuẩn” ngày càng xuất hiện nhiều như nấm sau mưa.

TikToker là những người được gọi bằng cái tên khá mỹ miều: “người sáng tạo nội dung”. Và trong giới sáng tạo nội dung trên nền tảng TikToker có những người trẻ sáng tạo thật sự. Họ tạo ra những “trend” mê hoặc giới trẻ bởi sự vui tươi, giải trí sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Họ thực hiện những video chia sẻ kiến thức thú vị, bổ ích và đúng khoa học. Họ hướng dẫn nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thiết thực trong nhiều lĩnh vực. Họ lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa để truyền cảm hứng, giúp người xem lạc quan hơn, thấy cuộc đời đáng sống hơn... Quan trọng ở chỗ, với những nội dung sáng tạo lành mạnh, họ vẫn đạt được những thành công với hàng triệu người theo dõi, trở thành những Influencer, KOL (gọi chung là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) có tiếng. Vậy thì cớ gì một bộ phận TikToker lại theo con đường tạo nội dung bẩn để câu view?

Đã đến lúc TikToker đừng dễ dãi với quá trình “sáng tạo nội dung” của mình. Bởi lẽ cố tình tạo nội dung “bẩn” để câu view trên TikTok không phải là sự sáng tạo, mà là đang chứng minh cho người khác thấy sự lệch lạc về tư duy và nhận thức. Giữa việc thực hiện video tích cực, mang thông điệp ý nghĩa (sẽ nhận được lời khen) và tạo ra video có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức (chắc chắn thu nhận sự phẫn nộ của người xem), cớ gì lại chọn đi con đường phải đối diện với những chỉ trích, phê phán? 

Sự tồn tại của một bộ phận TikToker lệch chuẩn tiềm ẩn vô vàn rủi ro đến xã hội. Các chuyên gia xã hội học, tâm lý học đã từng cảnh báo rất nhiều lần, rằng “những đống rác trên TikTok sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức, cảm xúc, thái độ và hình thành các hành vi sai lệch của người xem”.

Về lâu dài, các hành vi không chuẩn mực trong các video với nội dung “bẩn”, “rẻ tiền” trên TikTok sẽ có tác động và làm thay đổi đạo đức, nhân cách của người sử dụng, khiến họ có những hành động tiêu cực, những việc làm lệch lạc với luân thường đạo lý, gây nguy hiểm cho xã hội.

Những TikToker lệch chuẩn góp phần làm bộ mặt xã hội trở nên bị vấy bẩn, vậy thì tại sao cứ mãi dung túng. Thay vào đó, cần phải tẩy chay triệt để! Hãy nói không với những TikToker có tư duy lệch lạc! Với nhà mạng TikTok, dù đã chủ động rà quét, ngăn chặn, gỡ bỏ khá nhiều video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình. Nhưng cần phải thừa nhận cách thức hoạt động của TikTok vẫn còn nhiều kẽ hở, nhất là việc kiểm soát nội dung. Dường như sự phát triển quá nhanh của TikTok đã khiến hệ thống kiểm soát của nền tảng mạng xã hội này “có vấn đề”, để rồi bỏ qua, làm “lọt” nhiều nội dung tiêu cực. Đã đến lúc TikTok kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những video có yếu tố kệch cỡm, thiếu văn minh, vi phạm đạo đức, lệch chuẩn... ra khỏi nền tảng một cách nhanh nhất. Đồng thời quyết liệt hơn trong việc thẳng tay trừng trị, loại bỏ những TikToker vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng. Mà xóa kênh vĩnh viễn cũng là một phương thức.

Qua đó, có thể góp phần bài trừ được những TikToker lệch chuẩn, nhằm trả lại sự trong sạch cho nền tảng mạng xã hội này. Chứ dung túng cho một bộ phận TikToker “bẩn” như hiện nay sẽ để lại hệ lụy xấu, ảnh hưởng không tốt cho người trẻ Việt Nam.

Cách nào để dọn rác trên TikTok?

Theo phân tích của The Guardian, TikTok hiện tăng trưởng vượt trội so với các “anh cả” như Facebook, YouTube, Instagram... Chỉ sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng. Thành tích này rút ngắn một nửa thời gian so với Facebook, YouTube, Instagram và nhanh hơn 3 năm so với ứng dụng WhatsApp.

rac tren tiktok da den luc khong the khong don hinh 2

Cụ thể, ước tính, TikTok vượt 900 triệu người dùng trong năm 2021, tăng 28% so với năm liền trước và 578% so với năm 2018. Tương tự, phiên bản Douyin ghi nhận 710 triệu người dùng vào năm ngoái, tăng 21 lần so với năm 2017, giai đoạn mới thành lập. Tổng cộng, nền tảng có khoảng 1,2 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng vào quý IV/2021 và dự kiến đạt 1,8 tỷ người vào cuối năm 2022.

Theo số liệu từ Báo cáo Kỹ thuật số 2022 của Tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người dùng TikTok trên 18 tuổi, tức hơn 55% người dùng Internet Việt Nam. Chỉ trong 1 năm qua, TikTok tăng trưởng khủng khiếp về người dùng mọi thế hệ. Đặc biệt, các bạn trẻ thuộc Gen Z (sinh từ 1997 - 2012) đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng TikTok với con số tăng trưởng tới gần 40%.

TikTok nổi lên như một mạng xã hội chia sẻ video hướng đến nhóm người dùng trẻ tuổi và đang thành công khi lôi kéo được khách từ một số nền tảng khác. Tuy nhiên, với thuật toán gợi ý theo thói quen của người dùng “vô cùng hiệu quả” khiến nhiều người lo ngại. Bởi, kể cả những tìm kiếm mang tính nguy hiểm hay độc hại, vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng, thuật toán vẫn sẽ gợi ý cho người dùng.

Mặc dù, TikTok thường xuyên báo cáo về việc kiểm soát nội dung bẩn bằng cách xóa kênh, nhưng cách này dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trước đó, tháng 7/2022, TikTok cho biết đã xóa hơn 2,4 triệu video tại Việt Nam trong quý I/2022. Trong số hơn 40.000 video bị xóa mỗi ngày, có tới 92,5% bị loại chủ động khỏi nền tảng, 88,7% bị xóa trước khi có lượt xem đầu tiên. Có khoảng 94% trường hợp xóa trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ khi được đăng lên nền tảng. Đây đều là những video được xác định đã vi phạm chính sách về Tiêu chuẩn cộng đồng do TikTok đặt ra. Các nội dung vi phạm rất đa dạng, gồm chứa thông tin, hình ảnh gây kích động, thù địch, chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Một vấn đề nhức nhối khác cũng “vào danh sách đen” là hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục, hành vi bất hợp pháp. Ngoài ra còn có video chứa nội dung rùng rợn, quấy rối, vấn đề bắt nạt, tự tử...

Đến tháng 9/2022, TikTok cho biết, đã xóa 113 triệu video trên toàn bộ nền tảng, chủ yếu là do vi phạm chính sách chỉ trong quý II/2022. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1% tổng số video được đăng tải trong cùng quý. Nếu so với lượng nội dung được đăng tải trên nền tảng, số video bị gỡ vẫn chỉ là hạt cát trên sa mạc.

Theo các chuyên gia, rất khó để TikTok có thể “dọn sạch” các video độc hại trên nền tảng. Bởi, ứng dụng chỉ loại bỏ các video có sử dụng hashtag, gắn cờ liên quan đến nội dung vi phạm. Những video không gắn hashtag vẫn tồn tại, thậm chí thu hút hàng triệu lượt xem và được người dùng liên tục chia sẻ. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, nội dung bẩn là vấn đề nhức nhối đối với nhiều nền tảng chia sẻ thông tin trên internet khác như Facebook, Instagram... đặc biệt là YouTube. Dù những doanh nghiệp này đều cố gắng kiểm soát, thắt chặt chính sách, các nội dung bẩn vẫn tràn lan và tiếp cận người dùng thành công.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hoàng Thuý Hải cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, trẻ em không thể tuyệt giao với các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng chưa có tư duy phản biện, dễ bị định hướng nên sẽ tin những gì mình xem, trong đó có cả nội dung bẩn và làm theo để thể hiện mình. Trước thực trạng nội dung bẩn tràn lan trên không gian mạng, vị chuyên gia khẳng định: “Có lẽ, đã đến lúc kiểm duyệt nội dung chặt chẽ và nâng tầm vi phạm đối với những video nhảm nhí, phản cảm, băng hoại đạo đức..., thậm chí có thể ở mức hình sự. Cùng với đó, rất cần sự chia sẻ và kết hợp của phụ huynh, trường học... thì chúng ta mới hy vọng hạn chế, loại bỏ những nội dung độc hại như trên”.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn đề xây dựng văn hóa mạng. Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, mạng xã hội là môi trường sống mới nên phải có văn hóa số. “Ở ngoài đời, mình nói một câu rất to thì chỉ có vài người đứng xung quanh nghe thấy. Nhưng khi lên mạng viết một câu là có thể 1 triệu người nhìn thấy. Đây là điểm khác biệt trong ứng xử”, ông Hùng nói.

Do đó, việc đầu tiên, ông Hùng cho rằng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện, Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc mẫu và hy vọng rằng các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó ban hành quy tắc cho riêng cơ quan, tổ chức của mình. “Năm 2023, Bộ sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện bộ quy tắc này. Giải pháp căn cơ thì nên đi hai chân, một là pháp luật và hai là văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn