Sinh viên Yemen và bi kịch hai lần chạy trốn bom đạn

Thứ ba, 08/03/2022 18:44 PM - 0 Trả lời

(CLO) Yemen, quốc gia cũng đang xảy ra nội chiến khốc liệt. Bởi vậy, khá nhiều sinh viên nước này đã quyết định sang Ukraine du học để tìm kiếm một tương lai ổn định hơn. Nhưng thật trớ trêu, họ lại vừa phải chạy trốn bom đạn một lần nữa…

Cơn ác mộng lần thứ hai

Khi Abdullah thức dậy bởi tiếng còi báo động vào lúc bình minh ở thủ đô Kiev, Ukraine vào ngày 24/2, anh nghe thấy những tiếng nổ trên bầu trời. Ký ức đau đớn mà anh từng bị ám ảnh bởi cuộc nội chiến ở Yemen đã tái hiện, ngay cả khi anh đã ở cách xa quê nhà hàng nghìn km.

sinh vien yemen va bi kich hai lan chay tron bom dan hinh 1

Những sinh viên Yemen lần thứ hai phải chạy trốn khỏi bom đạn trong cuộc đời.

“Đó là một trong những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Những người bạn khác sống cùng tôi cũng hoảng sợ”, sinh viên đang theo ngành y khoa này nói trong tâm trạng vẫn còn chưa thể tin được những gì vừa xảy ra. Abdullah và các bạn học của anh đến từ Yemen, quốc gia trong 7 năm qua đã bị rung chuyển bởi một cuộc nội chiến tàn khốc giữa chính phủ và phiến quân Houthi, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Abdullah rời thủ đô Sanaa của Yemen đến Kiev vào năm 2019 để lấy bằng đại học về ngành y, mong muốn một tương lai đảm bảo hơn. Quyết định này rất đơn giản khi mà Ukraine là một trong những quốc gia có nền giáo dục y khoa tiên tiến, đồng thời có mức học phí và chi phí sinh hoạt thấp hơn nhiều so với những quốc gia được đánh giá ngang bằng về chất lượng đào tạo ngành y khác ở châu Âu.

Sau khi tháo chạy khỏi bom đạn ở Kiev, Abdullah hiện đang ở một nhà trọ tại thủ đô Warsaw của Ba Lan. Đó là một hành trình mệt mỏi, gian nan và tất nhiên cũng vô cùng hiểm nguy. Abdullah cho biết trải nghiệm này khiến anh vẫn còn rất run sợ, khi mà anh không chỉ phải đối mặt với bom đạn, mà còn trải qua cả một hành trình dài trong giá lạnh, có thể mất mạng nếu như mắc kẹt ở một khu vực hoang vắng nào đó mà không có đồ ăn hoặc đồ sưởi ấm.

“Đến lúc này, tôi vẫn chưa thể hết bàng hoàng. Nỗi ám ảnh về bom đạn luôn có trong giấc ngủ của tôi. Tôi thức dậy 3 hoặc 4 lần trong đêm với nỗi hoảng sợ và đau xót”, anh nói.

Thực ra, Abdullah chỉ nằm trong số hàng trăm sinh viên Yemen bị cuốn vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như chỉ là một trong hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài có thể nói đã sớm chấm dứt giấc mơ học tập tại Ukraine.

Theo Liên Hợp Quốc, tính đến nay đã có ít nhất 400 dân thường bị thiệt mạng và hơn 1,7 triệu người phải sơ tán khỏi Ukraine sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết đây có thể là “cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất thế kỷ”, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng phân biệt chủng tộc đối với công dân và sinh viên nước ngoài, đặc biệt là những sinh viên gốc Phi.

"Tôi không biết phải làm gì?"

Khaled là một sinh viên khác và theo ngành kỹ thuật. Cậu cũng chỉ mới vừa bước vào năm thứ nhất đại học ở thành phố Kharkiv, phía đông bắc Ukraine. Và tất nhiên, Khaled cũng đã phải bàng hoàng thức dậy lúc bình minh vì tiếng pháo kích vào ngày 24/2.

“Tôi không biết phải làm gì lúc đó. Tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra, dù tiếng bom đạn là những gì tôi đã thường xuyên phải chịu đựng khi còn ở quê nhà”, Khaled nói khi nhớ lại buổi sáng kinh hoàng hôm đó. Anh chia sẻ thêm rằng: “Ở Yemen, khi giao tranh xảy ra, bạn ở với gia đình và ở đất nước của chính mình. Nhưng ở đây tôi không biết mình nên ở nhà, bỏ trốn hay phó mặc cuộc sống của mình”.

sinh vien yemen va bi kich hai lan chay tron bom dan hinh 2

Rất nhiều sinh viên nước ngoài, đặc biệt từ các quốc gia cũng có xung đột, đang trong tình cảnh tuyệt vọng.

Khaled và 13 sinh viên Yemen khác đã phải bắt xe buýt xuyên đất nước để đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraine, trước khi đến biên giới với Ba Lan. Chiếc xe buýt phải lách qua các con đường mòn để tránh tắc nghẽn giao thông và nguy cơ bị pháo kích. Nó đã phải mất khoảng 26 giờ mới có thể đến gần được biên giới với Ba Lan. Khaled nhớ lại: “Đó là một chuyến xe buýt đắt tiền và khủng khiếp. Chúng tôi đã rất lạnh”.

Trước khi đến được biên giới, họ phải đợi thêm một ngày nữa trong bối cảnh giao thông đông đúc vì những chiếc xe chở đầy người tị nạn kéo dài hàng km. Tại biên giới với Ba Lan, họ phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ giữa một biển người đang tháo chạy khác. “Nhiệt độ ở mức - 3 đến -5 độ C. Chúng tôi đã phải đốt các hộp các tông để sưởi ấm. Chúng tôi có lúc tưởng như đã tuyệt vọng”, Khaled nói trong tình trạng vẫn còn kiệt sức.

Trong số những công dân nước ngoài khác mà họ nhìn thấy tại đây là từ Syria, Palestine và một số quốc gia châu Phi. Đó cũng là những sinh viên mà rất nhiều trong số họ cũng vừa lần thứ hai trong đời phải nếm trải nỗi sợ hãi bom đạn.

“Mọi người đều rơi vào trạng thái hoảng sợ. Mọi người xô đẩy nhau khi ở cửa khẩu biên giới”, Mohammad, một sinh viên Yemen khác cho biết. Một số sinh viên nước ngoài còn thừa nhận họ đã bị phân biệt đối xử khi tìm cách sang Ba Lan. Khaled nói rằng các công dân Ukraine được ưu tiên hơn so với những người nước ngoài, đặc biệt những sinh viên ở Trung Đông và châu Phi.

Cũng rất may, Khaled và những người bạn của anh đã có thể đến Ba Lan, nơi các tổ chức phi chính phủ và các nhóm tình nguyện cung cấp thức ăn, nước uống và thậm chí cả quần áo cho họ. “Việc di chuyển đến thủ đô rất khó khăn vì họ ưu tiên các gia đình, trẻ em và người già. Chúng tôi thực sự không thể đổ lỗi cho họ về điều này”, anh cho biết thêm.

Đi đâu? Ở lại hay về nhà?

Hàng chục người Yemen đã đến được Ba Lan an toàn, song thực tế họ cũng chưa biết mình sẽ phải làm gì tiếp theo. Họ lo rằng việc trở về Ukraine sẽ không thể sớm được thực hiện và sợ rằng họ sẽ bị đưa trở lại Yemen, nơi mà xung đột cũng đang xảy ra hàng ngày. Họ thực sự đang ở một tình cảnh rất trớ trêu.

sinh vien yemen va bi kich hai lan chay tron bom dan hinh 3

Tình hình chiến sự tại Yemen cũng đang diễn ra rất khốc liệt.

“Chúng tôi muốn hoàn thành việc học tập của mình và đảm bảo một tương lai. Quay lại Yemen không phải là một lựa chọn. Chúng tôi hy vọng có thể ở lại một nơi nào đó với thị thực sinh viên thay vì phải nộp đơn xin quy chế tị nạn. Tôi không biết, tôi ở lại đây, hay tôi đến Berlin?”, Khaled nói với giọng run run.

Reem Jarhum, thành viên của một tổ chức giúp đỡ người tị nạn Yemen, cho biết cô và các thành viên khác đang cố gắng gây quỹ để giúp người Yemen có thể đến được Warsaw và tìm kiếm chỗ ở. Một số sinh viên nói rằng việc rời khỏi Ukraine vẫn còn đang rất khó khăn. Jarhum cho biết các sinh viên Yemen đã cáo buộc rằng nhân viên đường sắt Ukraine không cho họ lên tàu, thay vào đó ưu tiên người dân địa phương.

Jarhum và các tình nguyện viên khác vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều cuộc gọi xin hỗ trợ từ người Yemen ở Ukraine. Và cô cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ mọi người. Nhưng tôi không biết khi nào chuyện này mới dừng lại và tương lai của họ sẽ đi về đâu?”.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế
Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế