Tại sao Ý đang phải vật lộn với cuộc chiến chống cháy rừng?

Thứ năm, 05/08/2021 16:13 PM - 0 Trả lời

(CLO) Giữa đợt nắng nóng hiện tại, Ý đang phải vật lộn để kiềm chế những đám cháy rừng đang hoành hành trên khắp đất nước. Có rất nhiều lý do khiến cháy rừng trở thành một vấn đề nan giải như vậy.

Cháy rừng ở Sicily, Ý. Ảnh: Reuters

Cháy rừng ở Sicily, Ý. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Các nước phía Nam châu Âu hiện đang trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong những thập kỷ gần đây, và Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha cùng Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đối mặt với nạn cháy rừng.

Hỏa hoạn đã hoành hành khắp nước Ý trong nhiều tuần. Một số khu vực miền Trung và miền Nam nước này đã mất hàng chục nghìn hecta rừng. Ở Sardinia, các nhà thực vật học đang báo động về sự suy tàn của đa dạng sinh học địa phương cũng như số lượng rừng ô liu đã bị phá hủy. Tại Sicily, cháy rừng đã lan đến Catania khiến 150 người phải sơ tán bằng đường biển, và sân bay đã phải đóng cửa trong vài giờ.

Kể từ ngày 15/6, các nhân viên cứu hỏa đã được điều động đến hơn 37.000 lượt với đỉnh điểm lên tới 1.500 lần chỉ tính riêng Chủ nhật (1/8) vừa rồi. Lý do tại sao Ý đang phải vật lộn để đối phó với vấn nạn cháy rừng là sự thiếu trách nhiệm từ chính quyền, bộ máy quản lý bảo vệ rừng cũng như liên quan một phần tới các hoạt động tội phạm.

Theo Coldiretti, hiệp hội nông dân lớn nhất ở Ý, ít nhất 60% các vụ cháy rừng ở Ý là do có người cố tình đốt phá. Hai kẻ đốt rừng đã bị bắt vào ngày 2/8 tại Troina, một thị trấn nông thôn ở tỉnh Enna, miền trung Sicily, nơi nhiều nhà máy điện mặt trời đang được xây dựng. 

"Chúng ta phải chú ý đến giả thuyết rằng doanh nghiệp năng lượng mặt trời muốn làm suy yếu nông dân địa phương, buộc họ phải làm điều gì đó khác", ông Fabio Venezia, thị trưởng thành phố Troina, nói với tờ báo La Repubblica của Ý và gợi ý rằng đốt rừng có thể là một chiến lược để buộc nông dân phải bán đất của họ, đồng thời ông không ngừng đổ lỗi trực tiếp cho các công ty.

Để ngăn chặn những kịch bản như vậy, từ năm 2000, luật pháp đã nghiêm cấm việc thay đổi mục đích sử dụng đất trong 15 năm sau hỏa hoạn. Tuy nhiên, việc thực thi đúng luật lại tùy thuộc vào chính quyền địa phương và luật cho phép có một số trường hợp ngoại lệ.

Những nghi ngờ này hiện đang được điều tra bởi ủy ban chống mafia Sicilia, một cơ quan do chính quyền tỉnh Sicily thành lập. Đơn vị này đang kiểm tra một số chủ đất, những người được cho là đã được các trung gian đề nghị bán đất cho các công ty năng lượng mặt trời.

"Cần phải suy ngẫm về những gì đang xảy ra", ông Claudio Fava, chủ tịch của ủy ban, nói với trang web tin tức Live Sicilia và cho biết thêm, "đã có một cuộc tìm kiếm quy mô để tìm đất, với giá 30.000 euro mỗi hecta".

Các công tố viên ở Sicily và các khu vực khác đã mở các cuộc điều tra về các vụ đốt rừng, nhưng vẫn chưa thể chứng minh được rằng chúng thuộc một kế hoạch phạm tội quy mô lớn.

Ngoài các giả thuyết hình sự, phản ứng chậm đối với các đám cháy cũng là một vấn đề lớn. Trong nhiều năm, lực lượng cứu hỏa đã phàn nàn rằng họ không thể đảm bảo các dịch vụ đầy đủ do không đủ kinh phí và thiếu nhân viên.

Một đạo luật năm 2016 đã hợp nhất Công ty Lâm nghiệp Quốc gia với Carabinieri (quân đoàn cảnh sát quân sự của Ý), khiến các đội cứu hỏa phải chịu trách nhiệm với hầu hết các nhiệm vụ kiểm soát cháy rừng. Bởi vì công tác phòng chống cháy nổ được quản lý ở cấp khu vực, các lực lượng cứu hỏa không phải lúc nào cũng có đủ phương tiện để chữa cháy ở các vùng nông thôn, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán.

Theo chính quyền địa phương, các hồ chứa ở Sicily có lượng nước ít hơn năm ngoái khoảng 78 triệu mét khối, mức thấp nhất trong thập kỷ này. Vì lý do này, vào tháng 1/2021, chính phủ Sicilia đã phân bổ 20 triệu euro cho nông dân để cải thiện khả năng dự trữ nước.

Theo một báo cáo năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Ý (CNR), 70% của Sicily có nguy cơ bị sa mạc hóa. Trên khắp miền trung và miền nam nước Ý, con số này dao động từ 30% ở Sardinia đến hơn 50% ở Apulia.

Tuy nhiên, diện tích rừng ở Ý đã tăng khoảng 25% trong 30 năm qua, từ 9 triệu lên 11,4 triệu hecta và chiếm 38% diện tích cả nước. Con số này tương tự như ở Đức, quốc gia lớn hơn Ý khoảng 55.000 km2. Sự suy giảm nhân khẩu học ở các vùng nông thôn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mở rộng rừng. 

Quốc Thiên

Tags:
Bình Luận

Tin khác

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

Ông Biden sắp tranh luận trực tiếp với ông Trump

(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu (26/4) cho biết ông sẽ tham gia tranh luận với ông Donald Trump, đối thủ Đảng Cộng hòa của ông trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Thế giới 24h
Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

Nắng nóng và hạn hán diễn ra trên khắp Nam Á và Đông Nam Á

(CLO) Hàng triệu người khắp Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục phải chịu cái nóng gay gắt trong những ngày cuối tuần này.

Thế giới 24h
Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

Triều Tiên nói Mỹ chính trị hóa vấn đề nhân quyền

(CLO) Triều Tiên hôm thứ Bảy (27/4) cáo buộc Mỹ chính trị hóa nhân quyền ở quốc gia Đông Á này, tố cáo cái mà họ gọi là âm mưu và khiêu khích chính trị.

Thế giới 24h
New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

New York trả lại 30 cổ vật bị đánh cắp cho Campuchia và Indonesia

(CLO) Các công tố viên New York hôm thứ Sáu (26/4) cho biết họ đã trả lại cho Campuchia và Indonesia 30 cổ vật bị cướp, bán hoặc chuyển nhượng trái phép bởi các mạng lưới ở Mỹ.

Thế giới 24h
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

(CLO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (26/4) nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên là "đối tác chứ không phải đối thủ", nhưng có "một số vấn đề" cần giải quyết trong mối quan hệ của giữa hai nước.

Thế giới 24h