Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tăng tốc cho năm Rồng

Thứ năm, 22/02/2024 10:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “2024 là năm tăng tốc, 2025 sẽ là năm bứt phá” - tinh thần mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở khi thị sát công trường dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai ngày 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn) là yêu cầu, mệnh lệnh cần được thông suốt hết thảy lúc này.

Có dốc sức, có quyết liệt, có khí thế ngay từ đầu năm, mới có thể mong cán đích thành công những chỉ số đã đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế năm 2024 đã đặt ra.

1.“Tháng một là tháng ăn chơi, Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”- không biết tự bao giờ câu nói đó đã hằn sâu, thậm chí nguy hiểm hơn đã trở thành “nếp suy nghĩ tự nhiên” trong nhiều người. Cũng bởi “nếp hằn suy nghĩ” ấy nên năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán rất nhiều người dân vẫn còn tâm lý vui Xuân, ăn chơi, chưa lấy lại tinh thần để lao động, sản xuất. Cán bộ, công chức Nhà nước cũng không khác là bao, sau ngày đi làm đầu tiên sau Tết đến mấy ngày, phóng viên đến tác nghiệp nhiều nơi vẫn thấy tình trạng nhiều công sở vắng hoe sau Tết. Nơi thì kéo tới nhà nhau, đưa nhau ra quán xá tưng bừng chúc tụng, liên hoan đến say mướt, nơi thì rủ nhau đi hội, đi lễ đền, chùa…

thu tuong pham minh chinh tang toc cho nam rong hinh 1

Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. Ảnh: TTXVN phát

 “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, việc thì làm cả năm chứ đâu mấy ngày này”- là lý giải rất tự nhiên của nhiều người. Với họ, sau một năm làm việc căng thẳng, Tết là dịp để thỏa thích xả hơi, vui chơi. Tuy nhiên, với nhiều người, chuỗi ngày ăn chơi mệt mỏi, lu bu tới mức đã xuất hiện cái gọi là “hội chứng uể oải sau Tết”, chây ì chưa muốn “vào guồng” làm việc, học hành. 

2. Cũng bởi tâm lý và “hội chứng” đã trở thành nếp quen nguy hiểm ấy, trong rất nhiều văn bản chỉ đạo cũng như trong thông điệp đầu năm, của các đồng chí lãnh đạo, đều đã phải có nhiều “cảnh báo” nghiêm khắc.

“Ngay sau nghỉ Tết, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, bảo đảm hoạt động công vụ diễn ra thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; không để xảy ra tình trạng nghỉ Tết kéo dài, lơ là công việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp” - Đó là chỉ đạo của Ban Bí thư trong thông cáo báo chí về cuộc họp đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024.

thu tuong pham minh chinh tang toc cho nam rong hinh 2

Hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Đồng Tháp sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết…

Chỉ thị nhấn mạnh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, không tổ chức du xuân, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi…; lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ, trong liên tiếp các chuyến thị sát tới nhiều dự án giao thông suốt từ Bắc tới Nam trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết (12 và 13/2) đã nhấn mạnh tinh thần “nhanh hơn, nhanh hơn nữa”. Tại dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng động viên: “Phải làm 3 ca 4 kíp, xuyên Tết xuyên ngày nghỉ, bàn làm không bàn lùi, vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ ngủ khẩn trương”. Tại dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, Thủ tướng chỉ đạo: Đẩy nhanh tiến độ Vành đai 3, “xác định 2024 là năm tăng tốc, 2025 là năm bức tốc và năm 2026 phải hoàn thiện dự án”.

thu tuong pham minh chinh tang toc cho nam rong hinh 3

Công nhân Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuỷ Sản Cửu Long An Giang trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: TTXVN phát

3. Điều đáng mừng là tinh thần “nhanh hơn, nhanh hơn nữa”, “bàn làm không bàn lùi, vượt nắng thắng mưa” đã hiện diện khá rõ nét tại các công trường, phân xưởng… ngay sau Tết Giáp Thìn này. Tổng hợp của các cấp Công đoàn Thành phố Hà Nội, đến trưa ngày 15/2, có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất, với 88,67% số công nhân lao động (CNLĐ) trở lại làm việc (số CNLĐ trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất). Số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng làm việc từ thứ 2, ngày 19/2/2024 (tức ngày 10 Tết Nguyên đán).

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết đạt hơn 98%. “Một trong những điều đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay là tình trạng công nhân “nhảy việc” không phổ biến như nhiều năm trước. Ngay tại các doanh nghiệp dệt may, da giày cuối năm 2022 có khó khăn về đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ sớm, nhưng sau Tết có đơn hàng mới, công nhân vẫn trở lại làm việc đông đủ” - ông Nguyễn Văn Lâm cho biết. Tại nhiều địa phương khác, đơn cử như tại Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, toàn thể cán bộ công nhân, Cảng Hải Phòng duy trì hoạt động sản xuất 24/7 xuyên Tết. Các dự án tại công trường cao tốc Bắc Nam, cũng được các đơn vị triển khai từ 7h sáng ngày mồng 4 Tết Nguyên đán.

thu tuong pham minh chinh tang toc cho nam rong hinh 4

Thủ tướng động viên đội ngũ cán bộ kỹ sư thi công tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu trong chuyến thị sát ngày 12-13/2 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đất nước phát triển, hội nhập và đang hướng tới mục tiêu “hùng cường, thịnh vượng” khi chạm dấu mốc 2045 - tròn 100 năm thành lập nước. Thời gian không chờ không đợi, vì thế, nếp nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã trở thành điều quá đỗi lạc hậu, ấu trĩ. Tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả làm việc - là tâm thế buộc phải có của mỗi người Việt lúc này. Trước mắt, là hoàn thành hiệu quả những mục tiêu đã đặt ra của năm 2024 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng cũng là một năm hứa hẹn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức không kém năm 2023 vừa qua.

Hết Tết rồi, làm việc thôi!

Nguyễn Thư

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn