"Tôi đã lớn lên trong không khí nhân văn của nước Nga"

Chủ nhật, 05/11/2017 09:21 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà thơ Hồng Thanh Quang là một trong những trí thức được đào tạo tại Liên Xô từ những năm 80 của thế kỉ 20. Tiến tới kỉ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về tuổi trẻ và tình yêu với nước Nga cũng như đánh giá về nước Nga trong hiện tại. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Báo Công luận
Thời thanh niên của nhà thơ Hồng Thanh Quang tại TP  Ulianovsk. Ảnh: facebook nhân vật

- Bao lâu rồi anh không quay lại nước Nga?

Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi sang Nga học năm 1980. Năm 1986 tôi về nước. Đến tận năm 2007 mới quay trở lại nước Nga lần đầu tiên. Nhưng từ đấy thì tôi quay lại thường xuyên hơn, từ khoảng 2013 đến giờ, hầu như năm nào tôi cũng sang ít nhất một lần, có năm sang hai lần vì quan hệ bạn bè và công việc. Lần gần đây nhất là tháng 9/2017.

- Hồi ở Nga anh có yêu cô gái nào ở đất nước này không?

Hồi ấy tôi là một cậu học sinh, sự yêu đương rất nồng nhiệt nhưng tâm thế học sinh lúc ấy rất khác bây giờ, rất rụt rè. Tôi không có gì là tình yêu như người ta vẫn hiểu, nó chỉ là cảm giác, kỉ niệm mang tính tình thần nhiều hơn. Hồi ấy cảm giác của tôi với phụ nữ mang tính chiêm ngương chứ không phải chiếm hữu. 

- Có lẽ thế hệ anh yêu nước Nga rất đặc biệt…?

Có thể nói thế này, không hẳn là tôi yêu nước Nga một cách đặc biệt mà là tôi yêu tuổi trẻ của tôi ở Nga một cách đặc biệt. Giống như những người thanh niên ở Châu Âu, ở Mỹ… họ cũng yêu tuổi trẻ của họ ở đấy. Tôi nghĩ đừng tìm ở nước Nga điều gì khác các quốc gia khác bởi vì nếu nếu gặp sự thay đổi thì chúng ta sẽ rất dễ thất vọng. Tôi được lớn lên trong bầu không khí nhân văn của nước Nga nhưng tôi vẫn nhìn nước Nga như một đất nước khác chứ đấy không phải là Tổ quốc của mình. Tôi chỉ có một tình yêu với quê hương tôi.

Báo Công luận
Hồng Thanh Quang trong một lần tới Nga gần đây. Ảnh: facebook nhân vật. 

- Thời điểm Liên bang Xô viết sụp đổ anh đang làm gì, lúc đó những trí thức như anh có hoang mang không?

Lúc ấy tôi là phóng viên chuyên viết bình luận quốc tế ở báo Quân đội nhân dân. Sự sụp đổ của Liên Xô là một sự bất ngờ rất lớn. Không phải ngay từ đầu chúng tôi đã lý giải được chuyện đó. Nhưng dần dà chúng ta đã lý giải được nên chúng ta vẫn giữ gìn và duy trì được con đường của chúng ta, đồng thời giữ gìn được quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Nga và với những người thừa kế của nước Nga. Riêng tôi, trong gần 30 năm làm báo hầu như giai đoạn nào tôi cũng viết rất nhiều các bài viết về nước Nga, dịch thơ Nga.

- Nếu được lựa chọn lại cho tuổi trẻ của mình, anh có chọn nước Nga không?

Ngày xưa tôi không được chọn. Việc tôi và nhiều thanh niên Việt Nam sang Liên Xô là do người khác chọn. Nói chuyện chọn lại thì rất khó vì cuộc đời không “giả sử...” được. Nếu bảo không muốn đi Nga thì không đúng, nhưng bảo bỏ lỡ cơ hội khác thì cũng không phải. Không ai lội qua một dòng sông hai lần, cũng như không nên cưới lại cô lại cô vợ cũ mà nếu mình đã bỏ (cười to). Nói thế mới là thật lòng. Tôi rất yêu nước Nga và bây giờ vẫn muốn một năm có một hai lần sang nước Nga. Sang đấy không phải để làm gì, có khi chỉ nằm đọc sách thôi. Nằm đọc sách ở Mát-xcơ-va cảm giác cũng rất khác.
- Anh đã gặp ai cùng lứa mà họ thấy hối tiếc về thời gian trước đây ở Nga không?

Thật ra không phải là hối tiếc mà là nuối tiếc. Ai cũng có cảm giác nuối tiếc một tuổi trẻ hồn nhiên nhưng không có nghĩa là họ muốn sống lại tuổi trẻ ấy. Tiếc là một chuyện nhưng muốn quay lại tuổi trẻ ấy lại là chuyện khác; một mặt là vì không thể, một mặt vì cuộc sống nó phải phát triển, người ta luôn tìm kiếm những chân trời mới và luôn sự so sánh và lựa chọn.

- Được biết anh cho con đi du học nhưng không phải là Nga, tại sao lại như vậy?

Bố mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con cái. Tôi cho con đi du học vì phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Con tôi học ở Úc, lựa chọn học ở đâu chủ yếu do vợ tôi bàn bạc với con là chính. Các cụ bảo “thế gian được vợ hỏng chồng”, tôi là nhà thơ nên nhiều cái cũng không chi tiết được với gia đình.

Còn nói tại sao không chọn nước Nga thì cũng phải hiểu nước Nga không phải chỉ là nguồn sáng và điều tốt đẹp duy nhất. Chúng ta yêu nước Nga, gìn giữ di sản ấy nhưng cũng phải mở rộng ra chứ đừng tuyệt đối hóa. Rời bỏ di sản ấy là bội bạc, vô ơn, nhưng sùng bái quá thì sẽ cản trở phát triển.

Báo Công luận
 Nhà thơ tại phòng làm việc của mình. 

Tôi vừa giao ban với anh em, cũng nói về chuyện kỉ niệm Cách mạng tháng 10. Tôi nói, viết về nước Nga thì phải viết với tâm thế của năm 2017. Chúng ta chắt lọc, gìn giữ những gì quý giá nhưng cần phải tìm cả cái mới, tìm ra bài học mới với những quy tắc mới để có ích trong hành trình tới tương lai, trong một thế giới không giống như trước nữa. Thách thức trong thế giới bây giờ rất khác, không giống như ngày xưa. Vị trí quốc tế của nước mình hiện nay cũng rát khác. Chọn lọc những gì từ quá khứ để phát triển và không từ chối những cơ hội mới, đấy là cách ứng xử đúng đắn.

- Công việc làm tổng biên tập báo Đại đoàn kết của anh hiện nay có vui không?

Mặc dù tôi từng trải qua nhiều cương vị nhưng đến đây phải đối diện với những vấn đề mình chưa từng gặp. Hiện tại, muốn làm một tờ báo tử tế, đến với công chúng rất gian nan. Đào Tấn từng nói là “Lao xao sóng vỗ ngọn tùng; gian nan là nợ anh hùng phải vay”. Nhưng phải nói thật là, với những khó khăn mình phải đối diện, mình luôn cảm thấy may mắn và thanh thản. Giống như trong tình yêu, với mọi người thất tình là thất tình, nhưng với nhà thơ khi không được yêu, không được yên ấm cũng là một sự có ích, đó  là cơ hội để nảy sinh ra những câu thơ. Có thể chính tôi cũng từng bỏ lỡ những điều tốt đẹp, nhưng sống đến giờ tôi tự thấy mình là người lương thiện. Nếu có ai phỉ báng tôi - một nhà thơ -  là phỉ báng những gì tốt đẹp trong họ. Mình mà ác với người khác thì nó vận vào mình ngay.

- Cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho báo điện tử Congluan.vn!

Tử Hưng

(Thực hiện)

Tin khác

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

Hào hứng Lễ hội thả diều - Hello Sunny Phan Thiết

(CLO) Hơn 100 cánh diều đầy màu sắc và hình dạng độc đáo bay lượn giữa bầu trời xanh tại Lễ hội thả diều Hello Sunny Phan Thiết.

Đời sống văn hóa
Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

Họa sĩ Lê Vinh - Bậc thầy vẽ tranh bằng bút bi cực thực

(NB&CL) Được đào tạo sử dụng các chất liệu màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… nhưng họa sĩ Lê Vinh, chàng trai sinh năm 1979 tại huyện Ba Vì, Hà Nội, lại chọn hướng đi riêng sau khi tốt nghiệp, để rồi thể loại tranh vẽ bằng bút bi mới lạ đưa anh trở thành hiện tượng trong làng hội họa Việt Nam.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

Lễ hội đường phố Đồng Hới rực rỡ sắc màu

(CLO) Ngày 28/4, tại trung tâm thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ủy ban nhân dân thành phố Đồng Hới đã tổ chức Lễ hội đường phố năm 2024, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, thời trang...

Đời sống văn hóa
Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

Trên đỉnh đồi C4 anh hùng

(CLO) Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông… từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của Đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng.

Đời sống văn hóa
Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

(CLO) Chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện cùng mỹ thuật" của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, miễn phí cho tất cả khách tham quan.

Đời sống văn hóa