Vì sao vẫn im lặng?

Thứ năm, 19/12/2019 10:26 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau một thời gian dài luôn ở Top đầu, thì lúc 6h15 ngày 13/12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu - cực nguy hại, trở thành thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới, theo bảng xếp hạng của Air Visual.

Tuy nhiên, đến nay, câu hỏi: vì sao Hà Nội ô nhiễm đến nay vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

1. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Hà Nội cho rằng tác nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu đến từ các nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp... diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Chưa kể, tình trạng người dân ở miền Bắc có thói quen đốt phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần gia tăng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí.

Bầu trời Hà Nội như có sương mù, thực sự là không khí ô nhiễm. Ảnh. Lê Thắng

Bầu trời Hà Nội như có sương mù, thực sự là không khí ô nhiễm. Ảnh. Lê Thắng

Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, lý giải của cơ quan quản lý chưa chỉ rõ “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là gì, chiếm bao nhiêu phần trăm nguồn phát thải... Và khi không xác định được cụ thể mức độ đóng góp gây ô nhiễm của từng nguồn phát thải (từ giao thông, xây dựng, hoạt động công nghiệp,… là bao nhiêu phần trăm), sẽ không thể có giải pháp triệt để xử lý.

Theo ông Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc Công ty D&L - đơn vị vận hành, quản lý hệ thống quan trắc không khí PAM Air, giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí phải chú trọng đến việc tìm nguồn phát thải, từ đó vận động ý thức xã hội và hành động.

Lúc này, trên một số website, các chuyên gia môi trường, bác sĩ… đã đăng tải một số khuyến cáo người dân nên hạn chế các hoạt động ngoài trời. Nếu có việc cần phải đi lại, cần đeo khẩu trang đạt chuẩn. Người già, trẻ em, đặc biệt là người bệnh nên ở trong nhà. Việc thiếu chủ động, quyết liệt cảnh báo của các cơ quan hữu trách đã dẫn tới việc người dân “tự khuyến cáo” nhau trên internet, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.

Nhiều giải pháp chống ô nhiễm bụi của người dân Hà Nội. Ảnh: K0 Còi - Phạm Thành Long

Nhiều giải pháp chống ô nhiễm bụi của người dân Hà Nội. Ảnh: K0 Còi - Phạm Thành Long

2. Khi các cơ quan chức năng còn mải “đoán”, thì kết quả một số nghiên cứu đã chỉ ra dấu hiệu cho thấy các nhà máy điện than ở quanh Hà Nội đang là một trong những nguồn gia tăng nhanh nhất đóng góp vào ô nhiễm không khí ở thủ đô.

Một nghiên cứu đã định lượng được các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 ở Hà Nội cho thấy với kịch bản tăng trưởng như hiện tại, dù tính cả các chính sách kiểm soát phát thải hiện có và đã lên kế hoạch, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội có thể tăng khoảng 20% vào năm 2030. Đó là kết quả ban đầu của nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế của Áo, công bố tháng 10/2018.

Theo nghiên cứu, năm 2015, các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (1/4), kế đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%).

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu năm 2015, trước khi Quy hoạch Điện VII được điều chỉnh tháng 3/2016. Dù vậy, nó cho thấy khi công suất nhiệt điện than tăng lên theo quy hoạch, có thể trở thành nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào nồng độ PM2.5 tính trung bình cả năm ở Hà Nội.

Hà Nội trong những ngày ô nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước tới nay - Ảnh. Lê Thắng

Hà Nội trong những ngày ô nhiễm nghiêm trọng nhất từ trước tới nay - Ảnh. Lê Thắng

Các kết quả tính toán nói trên tương đồng với một nghiên cứu khác, tập trung phân tích riêng các nhà máy nhiệt điện đóng góp bao nhiêu vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại khu vực Đông Nam Á. Đó là nghiên cứu mang tên Burden of Disease from Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia do nhóm các nhà khoa học Đại học Harvard tiến hành. Nổi bật nhất từ nghiên cứu là ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm (premature death) ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030, tức gấp 4,5 lần.

Các chuyên gia lưu ý rằng, dù điện than có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam lại nằm trong vài nước có tiêu chuẩn phát thải cao (dễ dãi) nhất thế giới. “Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam còn cách xa so với tiêu chuẩn tốt nhất (best practice) của quốc tế”, ông Myllyvirta - chuyên gia từ Greenpeace, nói trên Zing.vn. “Các nhà máy điện ở Việt Nam được phép phát thải 5-10 lần so với các nước đang theo tiêu chuẩn tốt nhất”.

Đáng chú ý, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ yêu cầu các nhà máy điện than phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với khí thải. Tuy nhiên, việc chấp hành của các nhà máy không đồng loạt. Hơn nữa, vấn đề công khai minh bạch và độ chính xác trong các số liệu về quan trắc môi trường ở nước ta luôn để lại những dấu hỏi lớn.

3. Khi chỉ số về chất lượng không khí ở Hà Nội liên tiếp ở mức cao - mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, nhiều người đặt câu hỏi: “Vì sao chính quyền vẫn im lặng? Thành phố đã làm gì?”… Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nói: “Mình Hà Nội không khắc phục được ô nhiễm!”.

Bên cạnh việc nêu các nguyên nhân, ông Chung cũng cho biết TP. Hà Nội đã làm rất nhiều động tác, cụ thể: Trồng thêm nhiều cây xanh; chuyển toàn bộ hình thức quét rác, khua bụi bẩn lên sang hình thức hút bụi và hút rác; giải quyết ô nhiễm ở các hồ khu vực quanh thành phố; bố trí các thùng rác dọc các tuyến đường giao thông; đang triển khai xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá; tiếp tục triển khai lắp đặt trạm quan trắc phải đảm bảo toàn thành phố;… Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy.

Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang chất lượng cao khi ra đường. Ảnh. K0 Còi

Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang chất lượng cao khi ra đường. Ảnh. K0 Còi

Tuy nhiên, ở các đô thị lớn trên thế giới từng rất ô nhiễm, Bắc Kinh năm 2013 đã thắt chặt tiêu chuẩn khí thải công nghiệp, ban hành tiêu chuẩn mới về khí thải đối với ô tô, thay thế các nhà máy cũ, xúc tiến nhiên liệu sạch trong các khu dân cư. Ở Hàn Quốc, bất chấp nhu cầu năng lượng tăng cao, nước này vẫn quyết định tạm ngưng 1/4 số nhà máy nhiệt điện. Hay TP. New Delhi (Ấn Độ) đã thực hiện cấm xe hơi tư nhân lưu thông vào một số ngày, cung cấp máy móc và vốn ưu đãi để hiện đại hóa nền nông nghiệp...

Có nghĩa để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp: Giảm phương tiện giao thông cá nhân; Thay thế nhà máy công nghệ lạc hậu; thắt chặt tiêu chuẩn và kiểm soát khí thải; Giảm, dừng nhà máy nhiệt điện;…

Trong khi đó, các “siêu đô thị” của Việt Nam dù đã trong Top đầu hay “vô địch thế giới” về ô nhiễm, lại vẫn đang loay hoay tìm nguyên nhân, giải pháp, hay đưa ra  vài lời khuyên không đầu không cuối, khác gì để người dân “sống chết mặc bay?”.

An Nhiên

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn