Việt Nam - Đường đến quốc gia số

Thứ năm, 19/01/2023 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Để hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng, đối với Việt Nam, chuyển đổi số nếu không làm được cùng một lúc thì cần làm từng bước một.

Chuyển đổi số cần tập trung trọng tâm, trọng điểm vào ba việc cốt lõi đó là thực hiện: Chính phủ số, Doanh nghiệp số và Công dân số.

1. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xây dựng, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (Chương trình).

Theo đó, Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình gồm 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là nền tảng và cơ sở để thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

viet nam  duong den quoc gia so hinh 1

Việt Nam với khát vọng hiện thực hóa chuyển đổi số quốc gia.

Có thể thấy rằng, để hướng đến Chính phủ số thì việc xây dựng Chính phủ điện tử giúp nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đổi mới phương thức làm việc trong cơ quan nhà nước và hướng tới Chính phủ không giấy tờ.

Chính phủ điện tử hiểu một cách đơn giản là “4 không”: Họp không gặp mặt; Xử lý văn bản không giấy; Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và Thanh toán không dùng tiền mặt.

Còn Chính phủ số là Chính phủ điện tử thêm “4 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và Có khả năng kiến tạo, phát triển dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Thời gian vừa qua, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ TT&TT, môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử cơ bản được hình thành, trong đó có nhiều Nghị định của Chính phủ trong khoảng 03 năm trở lại đây. Đặc biệt, để tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.

viet nam  duong den quoc gia so hinh 2

Năm 2022, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Chuyển đổi số Quốc gia – ngày 10/10. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đến dự buổi lễ.

Đáng chú ý, về phát triển dịch vụ công trực tuyến, trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã chủ động hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 67,8%, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 43,2%, tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam xếp hạng 76/193 quốc gia trên thế giới về chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI - Online Service Index) - tăng 05 bậc so với năm 2020.

2. Theo Bộ TT&TT cho biết, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao do Văn phòng Chính phủ triển khai đang được khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phục vụ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu. 45 bộ, cơ quan, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành phân hệ theo dõi nhiệm vụ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, hệ thống Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và đưa vào vận hành để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Đến nay, đã có 69/179 chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), cơ sở dữ liệu chuyên ngành của 15 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 63 địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến. Từng bước hình thành 04 bộ chỉ số điều hành; thống kê; theo dõi, giám sát; kinh tế - xã hội địa phương (với tần suất dữ liệu theo ngày, hằng tháng, quý và năm, giai đoạn 2010 - 2022).

Một điểm đáng chú ý nữa là, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện; gần 98,6% xã trên toàn quốc.

Thời gian qua, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số không ngừng được chú trọng. Trong năm 2022 đã tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó 42.646 lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ TT&TT. Cho đến nay đã có khoảng 10 triệu lượt truy cập để học tập trên nền tảng.

Trong công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), một điểm được đặc biệt quan tâm đó là CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, theo đó, số lượng doanh nghiệp trong cơ sở dữ liệu là 1.456.551 doanh nghiệp.

viet nam  duong den quoc gia so hinh 3

Tại chương trình Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10 lần đầu tiên được tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Hiện đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho: 10 bộ, ngành bao gồm: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ (Cổng Dịch vụ công quốc gia), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước; 60 địa phương trên cả nước…

3. Những kết quả nêu trên về công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam để hướng đến một “Quốc gia số” đã thể hiện những nỗ lực lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ TT&TT. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian qua của Chính phủ, đặc biệt là Bộ TT&TT liên quan đến chuyển đổi số quốc gia.

Đặc biệt, theo ông Lê Doãn Hợp, việc Thủ tướng Chính phủ kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban đã giúp tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số quốc gia một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Ông Lê Doãn Hợp cũng cho biết, chuyển đổi số là một nội dung quan trọng trong tiến trình công nghiệp lần thứ tư chứ không phải trùm lên công nghiệp lần thứ 4. Trong công nghiệp lần thứ 4 có chuyển đổi số, cùng với đó là vấn đề về hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng thẳng thắn, trong chuyển đổi số cần theo dõi thế giới để so với Việt Nam. “Cần tự dũng cảm so sánh mình với thế giới, nếu tự khoe, tự khen thì không thể phát triển được”, ông Hợp nói.

Theo ông Lê Doãn Hợp, nhìn rộng ra thế giới về chuyển đổi số thì Hoa Kỳ họ không nói lẳng lặng làm, làm đến đâu trúng đến đó. Nhật Bản làm không nói, thành công mới nói. Trung Quốc nói 1 sẽ làm 1,2 và như đất nước Israel nói đến đâu làm đến đó, làm để chứng minh lời nói. “Vì thế cho nên Israel vẫn là nước đứng trong nhóm các nước đứng đầu thế giới về chuyển đổi số”, ông Hợp nêu.

“Bài học thế giới thì học Israel là tốt nhất, họ có mô hình, có hiệu quả. Việt Nam nếu học được Israel là bừng sáng rồi”, ông Hợp nói và cho biết, cách đây 8 năm về trước, Israel đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.

Trong đó, thứ nhất là không dùng giấy. Ông Lê Doãn Hợp cho biết, Thủ tướng Israel ra một chỉ thị là không nhập giấy, không sản xuất giấy, không cho quyết toán tiền giấy thì cả dân tộc họ tiến vào máy tính, đó là quyết định thông minh.

Từ đó, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, cần ứng dụng việc làm này vào trong bộ máy hành chính nhà nước. Bởi nếu không dùng giấy, mỗi năm Việt Nam tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cho phát triển. Mặt khác, việc này chính là tiết kiệm bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ hai là không dùng tiền mặt. Theo ông Lê Doãn Hợp, nếu không dùng tiền mặt thì vừa tiết kiệm, vừa chống tiêu cực, lãng phí. “Ở Israel người ta chỉ cần cắm 100 cảnh sát trên ngân hàng nhà nước là biết tiền đi đâu, về đâu và nghi ngờ chỗ nào họ sẽ xuống kiểm tra chỗ đó. Không dùng tiền mặt thì không phải in tiền, không phải in tiền thì là tiết kiệm, đặc biệt là chống được tham nhũng, tiêu cực”, ông Hợp nhấn mạnh.

Thứ ba là không có một người bảo vệ nào. Ông Lê Doãn Hợp cho biết, công dân Israel ra vào bằng các cổng điện tử, điểm vân tay tại khu vực ra vào và nhận diện khuôn mặt ở trong từng khu nhà; nơi nào cơ mật có thêm mật mã. Theo ông Hợp, nếu làm như thế tiết kiệm được hàng triệu lao động để đầu tư cho nông nghiệp.

Thứ tư là, không có khủng bố. Do Israel quản lý con người bằng công nghệ. Có những người được theo dõi bằng việc gắn chip nên việc quản lý rất dễ dàng.

Cuối cùng là, không có người khiếu kiện và đơn thư vượt cấp. Ông Lê Doãn Hợp cho biết, tất cả mọi kiến nghị của người dân được gửi thẳng đến Chính phủ Israel bằng việc số hóa. Người dân không phải ra khỏi nhà, Chính phủ sẽ chỉ đạo trực tiếp.

4. Đối với Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp cho rằng, chuyển đổi số nếu không làm được cùng một lúc thì phải làm từng bước một. “Theo tôi, chuyển đổi số chỉ làm ba việc cốt lõi, hướng vào trọng tâm, trọng điểm đó là thực hiện: Chính phủ số, Doanh nghiệp số và Công dân số”, ông Hợp nhấn mạnh.

Thứ nhất, Chính phủ số. Ông Lê Doãn Hợp cho rằng: Chính phủ số là làm việc rất gần nhau nhưng không gặp nhau. Chính phủ số là làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới này nhưng như đang ngồi bên cạnh nhau, truyền thông tin cho nhau, xử lý việc gì, nhất trí việc gì và không nhất trí việc gì.

viet nam  duong den quoc gia so hinh 4

Công dân được hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, Chính phủ số phải có 3 phần mềm là: Chính phủ với chính quyền các cấp, Chính phủ với doanh nghiệp và Chính phủ với công dân. “Hiện nay, Chính phủ mới chỉ có làm việc theo hình thức trực tuyến, có thể hợp trong thời điểm COVID-19 nhưng không phù hợp với xử lý thông tin hằng ngày”, ông Hợp nói.

Tiếp đó là, Chính phủ xử lý công việc không cần giấy tờ, tất cả phải được xử lý trên mạng chung, đảm bảo kết nối, bỏ sử dụng giấy.

Cuối cùng là xử lý công việc, giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính không dùng tiền mặt. Ông Lê Doãn Hợp cho rằng, việc này cần được đặt lộ trình cụ thể, thực hiện quyết liệt, dứt khoát.

Thứ hai, là Doanh nghiệp số. Theo ông Lê Doãn Hợp, Doanh nghiệp số có vai trò đặc biệt quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp kết nối, doanh nghiệp hợp tác, doanh nghiệp liên doanh liên kết giữa Trung ương với địa phương… và tất cả phải được số hóa.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nêu 3 việc cần làm trong thực hiện Doanh nghiệp số là: Xử lý công việc không cần gặp nhau. Xử lý công việc không cần giấy tờ. Không dùng tiền mặt. “Doanh nghiệp chuyển tiền đi đâu, làm gì sẽ kiểm soát được, tạo ra sự minh bạch”, ông Hợp nêu rõ.

Thứ ba, là Công dân số. Ông Lê Doãn Hợp cho biết, thực hiện điều này rất đơn giản là phấn đấu mỗi công dân một điện thoại thông minh để kết nối internet, có phần mềm để công dân họ đề nghị giải quyết công việc, tương tác với cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết công việc. “Nếu công dân khó có thể sở hữu một chiếc điện thoại thông minh thì có thể hỗ trợ họ, cho vay hỗ trợ lãi suất, trả chậm, trả muộn… phấn đấu mỗi người có một điện thoại kết nối”, ông Hợp nói.

Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, để nền tảng của ba việc cốt lõi trên thành công thì cần quan tâm đến ba vấn đề. Một là, về tổ chức. Theo đó, phát ngôn của Chính phủ phải tập trung vào một đầu mối.

“Để làm nhanh, theo tôi mỗi tỉnh chọn một kỹ sư công nghệ thông tin (CNTTT) giỏi nhất, hàm Phó Giám đốc Sở trở lên. Mỗi Bộ chọn một kỹ sư CNTT giỏi nhất hàm Vụ phó trở lên để thành lập Hội đồng Chuyển đổi số Quốc gia do Thủ tướng đứng đầu. Bởi khi làm chuyển đổi số phải làm đồng bộ, đồng loạt. Mỗi năm chỉ cần họp hai lần đánh giá kết quả, định hướng hành động và cả nước làm thống nhất”, ông Hợp nêu.

Hai là, phải chỉ đạo quyết liệt, khen chê thưởng phạt nghiêm minh, kích động mọi người phải làm. Ông Hợp cho rằng, đã phân loại doanh nghiệp, phân loại xã, huyện, tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số thì phải làm việc này. “Người Việt Nam cứ phải có sự ganh đua thì mới tiến lên được. Cấp xã, doanh nghiệp phải làm quyết liệt cái này”, ông Hợp nhấn mạnh.

Ba là, về đào tạo. Ông Lê Doãn Hợp đánh giá cao Bộ TT&TT đã bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, ông Hợp cho rằng, việc đào tạo phải hướng đến chuyên sâu cho Chính phủ số, Doanh nghiệp số và Công dân số.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng lưu ý, Việt Nam nên tận dụng thời cơ hiện nay để tiến hành chuyển đổi số một cách nhanh chóng kịp thời bởi thế hệ trẻ Việt Nam rất đam mê công nghệ.

Cùng với đó, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động trẻ khá cao nhưng đang giảm nhanh, chỉ khoảng 7 đến 10 năm nữa là sẽ hết giai đoạn này, do đó cần tận dụng thời gian này để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số. “Trẻ đã tham gia thì người già cứ thế làm, trong báo chí là việc chuyển đổi số tại các tòa soạn. Tôi luôn tin tưởng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin”, ông Hợp nêu.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Xiaomi ra mắt màn hình 27 inch giá 2,6 triệu đồng

Xiaomi ra mắt màn hình 27 inch giá 2,6 triệu đồng

(CLO) Xiaomi mới đây đã ra mắt màn hình 27 inch, có tên gọi Redmi A27Q, tại thị trường Trung Quốc. Màn hình sở hữu độ phân giải 2K, tần số quét 100Hz, giá chỉ 2,6 triệu đồng.

Sức sống số
OPPO K12 trình làng với giá từ 6,5 triệu đồng

OPPO K12 trình làng với giá từ 6,5 triệu đồng

(CLO) OPPO K12 mới đây đã chính thức trình làng tại thị trường Trung Quốc, máy được trang bị con chip Snapdragon 7 Gen 3, màn hình 120Hz, sạc nhanh 100W, giá từ 6,5 triệu đồng.

Sức sống số
Phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030

Phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030

(CLO) Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường Đại học trên cả nước.

Sức sống số
Đánh giá bộ sạc nhanh 50W của Samsung sắp ra mắt

Đánh giá bộ sạc nhanh 50W của Samsung sắp ra mắt

(CLO) Samsung, một trong những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại di động, đang chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới - bộ sạc nhanh 50W.

Sức sống số
Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo theo tiêu chuẩn VASP

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo theo tiêu chuẩn VASP

(CLO) Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, ngày 24/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.

Sức sống số