Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Thứ năm, 21/03/2024 10:35 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Sự kiện: nông sản

Thông tin tại “Hội thảo hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện nay mới chỉ có 2 trên tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam”. Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thượng hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Bài học xương máu từ vụ việc gạo Việt ngon nhất thế giới

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - “cha đẻ” gạo ST25 cho biết, sau khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, suốt 4 năm vừa qua, doanh nghiệp (DNTN Hồ Quang Trí) liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới, cũng như trong nước.

“Chúng tôi lao vào cuộc chiến đấu, phải gồng mình lắm mới vượt qua được” - ông Cua nói. Ông Cua nhớ lại, sau nửa năm ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, một công ty ở Mỹ đăng ký độc quyền thương hiệu ST25. Nếu không chặn được động thái đó, có nghĩa từ Mỹ họ sẽ bảo hộ lan ra các nước khác, xem như ST25 của Việt Nam khó có cơ hội xuất hiện trên thương trường gạo thế giới.

“Dưới sự hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phải đến tháng 9/2022 - tức 28 tháng từ khi họ đăng ký đến khi bị khóa hồ sơ, đó là khoảng thời gian chúng tôi phải kiên nhẫn, làm việc với luật sư quốc tế, các bên liên quan... Có tổng cộng 35 đơn đăng ký bảo hộ độc quyền từ khóa ST25, trong đó Mỹ có 11 đơn, Úc 7 đơn, Việt Nam 17 đơn. Họ không phải làm thương hiệu gạo mà họ muốn bảo hộ độc quyền chữ ST25 để bán lại” - ông Cua nói.

xay dung bao ho thuong hieu nong san viet muon con hon khong hinh 1

Cuối tháng 12/2023, “cuộc chiến” mới khép lại khi nhãn hiệu ST25 chính thức được công nhận ở Mỹ (trước đó được công nhận ở Anh, EU, Hongkong, Trung Quốc, Úc, Việt Nam…). Giờ đây, bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam đăng ký sản phẩm gạo ST25 dưới tên của doanh nghiệp mình đều được bảo hộ ở Mỹ. “Đó là khóa học 4 năm đầy gian nan và tốn kém” - ông Cua đúc kết.

Liên hệ sang Thái Lan, ông Hồ Quang Cua cho biết, nước bạn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia năm 1998, đến nay đã nâng cấp đến phiên bản lần thứ 6, 7. Qua mỗi phiên bản, quy chuẩn lại được nâng lên khắt khe, chặt chẽ hơn, doanh nghiệp nào làm đúng chuẩn mới được sử dụng thương hiệu quốc gia.

“Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần nhà nước làm, không nên giao cho hiệp hội, bởi hiệp hội thì mỗi ông một giống, rồi lại dàn hàng ngang nữa. Xây dựng thương hiệu cần có trọng tâm, trọng điểm” - ông Cua đề xuất.

Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, làm thương hiệu rất gian nan, có rất nhiều kẽ hở cần phải khắc phục để hoàn thiện. “Lúc đó ông Cua đề nghị làm (đăng ký thương hiệu gạo ST25 - PV), chúng tôi cũng rất muốn làm, nhưng vướng chưa làm được. Buộc phải để doanh nghiệp đi làm, nên rất gian nan. Hiện logo gạo Việt Nam được 22 nước công nhận, nhưng áp vào thương hiệu của doanh nghiệp thì vẫn vướng, đây là vấn đề cần tháo gỡ” - ông Nam nói.

Dẫn câu chuyện khi sang Trung Quốc mới đây, ông Nam cho biết, tại chợ đầu mối Giang Nam (tỉnh Quảng Đông), lãnh đạo một doanh nghiệp ở đây cho biết, đã nhập nhiều sầu riêng của Việt Nam, nhưng phải bán lỗ. Bởi khi phân phối đến các doanh nghiệp và điểm bán lẻ, đều bị trả lại do sầu riêng bị sượng, non, chưa chín, kém chất lượng.

“Ông ấy cảnh báo, nếu không chấn chỉnh chuyện này, chỉ 1, 2 năm nữa sầu riêng Việt Nam sẽ mất thị phần, thay bằng sầu riêng của Malaysia vì nước này cũng sắp được Trung Quốc mở cửa cho loại quả này. Đây là chuyện nhức nhối, chúng tôi rất băn khoăn” - ông Nam nói thêm.

Trở lại với câu chuyện thương hiệu gạo ST25, ông Nam cho rằng, bản thân đã nhận được bài học xương máu. Logo thương hiệu gạo Việt Nam xây dựng năm 2018, đến năm 2020 được công nhận bảo hộ. Rất muốn áp dụng cho gạo ST25 để ra thế giới, nhưng vướng nhiều thứ, nên tới nay vẫn chưa làm được. “Đó là một sự đau xót, bỏ phí thương hiệu, trong khi các doanh nghiệp chạy tới chạy lui để quảng bá thương hiệu của mình” - lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói thêm.

Nhiều vướng mắc về pháp lý

Xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của sản phẩm truyền thống, sản phẩm bản địa, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, việc triển khai xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam đang gặp những vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Tính đến nay, mới chỉ có 2 trên tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam” (Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

xay dung bao ho thuong hieu nong san viet muon con hon khong hinh 2

Đối với kết quả xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, tính đến nay đã có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam chủ yếu thuộc nhóm các sản phẩm trồng trọt. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Đối với thương hiệu “Gạo Việt Nam” thực hiện theo Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của Đề án này nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Về đăng ký trong nước, từ ngày 9/8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam - Vietnam Rice” cho Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm. Về đăng ký quốc tế, cho đến tháng 10/2021, nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” đã được bảo hộ tại 22 quốc gia.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, mặc dù nhãn hiệu “Gạo Việt Nam” đã được bảo hộ trong nước và ở một số quốc gia, nhưng đến hiện nay chưa được cấp cho bất cứ doanh nghiệp nào để sử dụng. Nguyên nhân là do cơ sở pháp lý quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ ra nước ngoài bị thiếu kinh phí và một số quốc gia chỉ chấp nhận bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường, không bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

Đối với thương hiệu “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn được giao xây dựng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Viện đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ (trong đó gồm Quy chế quản lý và sử dụng, logo, tiêu chí Cà phê Việt Nam chất lượng cao) và đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao cho sản phẩm cà phê nhân, cà phê rang và cà phê bột tại Cục Sở hữu trí tuệ vào tháng 12/2022.

Cho đến tháng 9/2023, Cục Sở hữu trí tuệ chưa cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cà phê Việt Nam chất lượng cao. Lý do Cục đưa ra là vì thiếu hành lang pháp lý và hệ thống quản lý tên gọi quốc gia nên chưa thể xử lý hồ sơ này.

Lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhưng theo số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô và có giá trị thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước; chưa có nhiều thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Đáng nói, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài do chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác… Dù có chất lượng không thua kém so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác, song nhiều nông sản Việt Nam vẫn chưa có mặt trên bản đồ nông sản thế giới. Điều này tiềm ẩn gây ra những tổn thất lớn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt.

Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, ngoài việc bảo đảm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn với sức khỏe của con người, công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm là một yêu cầu cấp bách.

xay dung bao ho thuong hieu nong san viet muon con hon khong hinh 3

Theo chuyên gia kinh tế - Vũ Vinh Phú, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trước hết, mỗi loại sản phẩm cần xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, minh bạch, giám sát được, không chỉ qua tích tụ đất đai mà bằng liên kết các nông hộ. Liên kết chặt chẽ vùng trồng với doanh nghiệp là cơ sở quan trọng để bảo đảm sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu. Song song đó, tổ chức tốt việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, nghiên cứu giống, cấp chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu tạo giá trị gia tăng, góp phần từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Còn theo bà Nguyễn Mai Hương - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), hiện có khoảng gần 20 văn bản chính sách, chương trình đề cập tới việc phát triển thương hiệu nông sản, tuy nhiên, các quy định đều rất chung chung, trong khi các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định khác nhau và chưa có sự kết nối giữa các bên liên quan trong khi việc phát triển thương hiệu liên quan tới nhiều ngành chứ không chỉ là vấn đề logo, gắn nhãn lên sản phẩm. Theo đó, đến nay trong số 325 sản phẩm của 172 doanh nghiệp được công nhận là thương hiệu quốc gia, chỉ có chưa tới 30 doanh nghiệp có sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Hiện Việt Nam mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu. Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng. Trong đó, hồ sơ bảo hộ cho nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao đã nộp lên Cục Sở hữu trí tuệ nhưng hiện vẫn chưa có kết quả do thiếu hành lang pháp lý và hệ thống quản lý tên gọi quốc gia.

Từ thực tế nêu trên, bà Hương cho rằng, hiện còn nhiều khoảng trống về chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản như thiếu định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong việc xây dựng thương hiệu nông sản nên nguồn lực hiện đang bị phân tán. Việc quản trị, phát triển thương hiệu nông sản còn yếu, thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác hiệu quả.

Bên cạnh đó, chiến lược tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu, chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc quản lý thương hiệu còn bất cập. Hệ thống thông tin và kết nối thị trường cũng còn hạn chế, chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào việc thông tin giá cả thị trường mà thiếu những thông tin khác về các thị trường như nhu cầu, thị hiếu…

Được biết, để xây dựng thương hiệu quốc gia, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai nhiều chương trình như: Chiến lược xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam, Chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value), Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050... Mục đích của các chương trình nhằm xây dựng, quảng bá nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, để hàng hóa của Việt Nam phát huy giá trị, nâng cao sức cạnh tranh.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn