19.700 người chết vì đói mỗi ngày và cuộc chạy đua để ngăn chặn nạn đói

Thứ sáu, 23/09/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&Cl) 19.700 người chết vì đói mỗi ngày, tương đương 4 giây lại có một người chết vì đói… đó là ước tính vừa được đưa ra của hơn 200 tổ chức phi chính phủ (NGOs), trong đó có Oxfam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Tổ chức Kế hoạch Quốc tế.

“Bất chấp những lời hứa từ các nhà lãnh đạo thế giới sẽ không bao giờ để xảy ra nạn đói trong thế kỷ 21, thế nhưng nạn đói một lần nữa sắp xảy ra ở Somalia. Trên thế giới, 50 triệu người đang đứng trước bờ vực chết đói ở 45 quốc gia”, bức thư ngỏ của NGOs gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh.

Nghèo đói, khủng hoảng lương thực chưa từng có

Cách đây 3 tháng, tại hội nghị về an ninh lương thực diễn ra vào ngày 24/6 ở Đức, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, dẫn đến nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều quốc gia trong năm nay và năm 2023.

19700 nguoi chet vi doi moi ngay va cuoc chay dua de ngan chan nan doi hinh 1

Số người phải đối mặt với “mức độ mất an ninh lương thực cực cao” đã lên tới 155 triệu người trên toàn cầu. (Ảnh: AP)

Còn mới đây, ngày 20/9, hơn 200 tổ chức phi chính phủ cho biết ước tính 345 triệu người trên thế giới đang bị đói, nhiều gấp đôi so với năm 2019 đồng thời cảnh báo mỗi ngày thế giới có khoảng 19.700 người chết đói. “Thật là kinh khủng khi với tất cả công nghệ trong nông nghiệp và kỹ thuật thu hoạch ngày nay, chúng ta vẫn đang nói về nạn đói trong thế kỷ 21” - cảm xúc của ông Mohanna Ahmed Ali Eljabaly - Hiệp hội Chăm sóc Gia đình Yemen, có lẽ cũng là cảm xúc chung của nhiều người. Còn Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley đã chia sẻ chua chát trong cuộc họp hôm 15/9 rằng: “Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, “làn sóng nạn đói” đã biến đổi thành một cơn sóng thần”.

Trước đó, ngày 5/9, người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths đã cảnh báo rằng Somalia, quốc gia bị hạn hán tàn phá, đang trên bờ vực của nạn đói.

Hồi tháng 4, các cơ quan của Liên hợp quốc gồm Tổ chức Lương Nông (FAO), Quỹ Lương thực Thế giới (WFP), Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) và Quỹ Nhi đồng (UNICEF) đã ra tuyên bố cảnh báo hàng triệu người ở Somalia đang đứng trước nguy cơ đói, nêu rõ: “Somalia đang đối mặt với nạn đói kém do thiếu mưa, giá lương thực tăng cao, thiếu nguồn lực tài trợ, khiến gần 40% người dân đứng bên bờ vực chết đói”. “Chúng tôi đã bắt đầu phải lấy lương thực của người đói cho người sắp chết đói” - đại diện của WFP tại Somalia, ông El-Khidir Daloum cho biết.

19700 nguoi chet vi doi moi ngay va cuoc chay dua de ngan chan nan doi hinh 2

Một người phụ nữ cùng gia đình ở khu vực Sừng châu Phi phải rời bỏ nhà cửa đến tìm sự giúp đỡ của WFP vì nạn đói. ảnh: WFP

Tháng 6/2022, Chương trình Lương thực Thế giới (WPF) đã đưa ra báo cáo, trong đó nhận định, Mỹ Latinh sẽ trải qua một trong những cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất từ trước đến nay dù trên thực tế khu vực này có đủ khả năng sản xuất thực phẩm cho toàn bộ dân số.

Theo báo cáo của WPF, hiện có khoảng 9,3 triệu người Mỹ Latinh đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và  khoảng 13,3 triệu người khác có thể sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Còn Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) ngày 6/6/2022 thì cảnh báo tỷ lệ nghèo đói ở khu vực này sẽ lên mức 33,7%, tăng 1,6% so với năm 2021, và tỷ lệ nghèo cùng cực lên 14,9%, tăng 1,1% so với năm ngoái.

Tình hình cũng không kém phần quan ngại tại khu vực vùng Sừng châu Phi. Theo báo cáo mới nhất ngày 3/8 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có khoảng 80 triệu người tại khu vực này, bao gồm 7 quốc gia (bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda) đang trong tình trạng mất an ninh lương thực, trong đó hơn 37,5 triệu người được xếp ở Giai đoạn 3 của IPC (Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp của Liên Hợp quốc - công cụ được các tổ chức của Liên Hợp quốc sử dụng để đánh giá nguy cơ mất an ninh lương thực) - giai đoạn khủng hoảng mà mọi người đã bắt đầu phải bán tài sản của họ để nuôi sống bản thân và gia đình.

Còn Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc ngày 19/8 tuyên bố 22 triệu người đang có nguy cơ chết đói ở vùng Sừng châu Phi, khu vực cực đông châu Phi gồm các quốc gia Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia. “Với 4 mùa ít mưa liên tiếp, vùng Sừng châu Phi đang phải đối mặt với một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ qua, đồng thời giá lương thực tăng cao cũng gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng ở khu vực này” - báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) lý giải. Còn WFP thì cảnh báo: “Con số này sẽ tiếp tục tăng cao và nạn đói sẽ ngày càng trầm trọng nếu mùa mưa tiếp theo không đến và những người dễ bị tổn thương nhất không nhận được cứu trợ nhân đạo”.

Cần phải hành động ngay khi vẫn còn hy vọng

“Thế giới cần phải hành động ngay để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước nguy cơ nạn đói lan rộng ở vùng Sừng châu Phi”, Giám đốc điều hành WFP David Beasley kêu gọi.

19700 nguoi chet vi doi moi ngay va cuoc chay dua de ngan chan nan doi hinh 3

Trẻ em xếp hàng nhận thức ăn ở Mogadishu, Somalia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ông El-Khidir Daloum - Giám đốc WFP tại Somalia cũng đồng tình với câu chuyện “chạy đua với thời gian” để xử lý nạn đói khi nhấn mạnh: “Chúng ta phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo. Tình trạng suy dinh dưỡng và đói kém đang đe dọa cuộc sống của những người dễ tổn thương nhất. Chúng ta không thể đợi nạn đói xuất hiện rồi mới hành động. Đó là cuộc chạy đua với thời gian để ngăn chặn nạn đói”. Đại diện của FAO tại Somalia - ông Etienne Peterschmitt cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động khi vẫn còn hy vọng ngăn được nguy cơ nạn đói lan rộng.

Tinh thần “cần làm ngay” này trước đó cũng đã là tinh thần chính của Hội nghị về an ninh lương thực thế giới của HĐBA LHQ họp hồi trung tuần tháng 5/2022. Tại đây, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề xuất 4 bước mà các nước có thể thực hiện để ngăn chặn xung đột và đói kém, trong đó, theo ông, điều quan trọng nhất hiện nay là chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine, kêu gọi HĐBA nỗ lực hết sức trong quyền hạn để thúc đẩy đạt ngừng bắn cũng như hòa bình ở Ukraine nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

TTK LHQ cho rằng mọi giải pháp có ý nghĩa nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đều phải bao gồm kết nối sản xuất nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine và sản xuất phân bón của Nga và Belarus với thị trường toàn cầu kể cả khi xung đột xảy ra, vì các nước này đều là những nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực nêu trên. Thêm vào đó, ông Guterres cũng kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ đầy đủ cho các hoạt động nhân đạo với những cơ chế hỗ trợ phát triển chính thức.

19700 nguoi chet vi doi moi ngay va cuoc chay dua de ngan chan nan doi hinh 4

Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia, ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng tại Hội nghị này, cho rằng thế giới đang chứng kiến “một cơn bão hoàn chỉnh” gồm xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, làm gia tăng đói nghèo, Giám đốc WFP David Beasley cho rằng để “dẹp bão”, không còn cách nào khác là tăng sản lượng, mở lại các cảng biển ở Ukraine và giải phóng các kho trữ hàng tại nước này để ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu. 

Đó là những giải pháp căn cơ, lâu dài, còn trước mắt, viện trợ có lẽ vẫn là giải pháp khả dĩ nhất. Trên thực tế, theo một tuyên bố hồi tháng 6 của đại diện của FAO tại Somalia, ông Etienne Peterschmitt, tính đến nay, mới chỉ huy động được chưa đến 20% số tiền cần để hiện thực hóa hy vọng đó và điều này khiến hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chết đói. 

19700 nguoi chet vi doi moi ngay va cuoc chay dua de ngan chan nan doi hinh 5

Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 28/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một báo cáo tổng quan ngày 4/7, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã hối thúc khoản hỗ trợ 93,4 triệu USD để đáp ứng nhu cầu viện trợ nhân đạo cho 3 triệu người ở 4 quốc gia vùng Sừng châu Phi bao gồm Djibouti, Ethiopia, Kenya và Somalia. Mới đây, Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp tiền để giúp đỡ hơn 200 nghìn người Somalia đang bên bờ vực chết đói do trận hạn hán lịch sử…

Còn nhiều, nhiều nữa những lời kêu cứu khẩn thiết… nhưng dường như nhiều nguồn lực vẫn đang được các nước giàu đổ vào cho những cuộc xung đột, chiến tranh…

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế