Căng thẳng Nga-Ukraine: Nghĩa cũ, tình xưa vì đâu nên nỗi

Thứ tư, 08/12/2021 06:59 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nga và Ukraine, hai quốc gia hùng mạnh bậc nhất trong Liên bang Xô Viết cũ, đang đối đầu căng thẳng thậm chí có nguy cơ xảy ra chiến tranh nếu một bên ném mồi lửa vào “thùng thuốc súng” ở Donbass. Điều gì đã khiến hai người láng giềng từng như “răng với môi” rơi vào tình thế đối đầu hiện tại?

Những cáo buộc qua lại

Các quan chức Ukraine và phương Tây lo ngại rằng, việc quân đội Nga tập trung lực lượng sát biên giới Ukraine gần đây, có thể báo hiệu một kế hoạch tấn công của Moscow đối với quốc gia hàng xóm.

cang thang nga ukraine nghia cu tinh xua vi dau nen noi hinh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: 112.International

Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định họ không có ý định như vậy, và cáo buộc Ukraine và những người ủng hộ phương Tây đưa ra các tuyên bố nhằm che đậy động cơ gây hấn của họ, với mục đích can thiệp sâu hơn vào tình hình Ukraine mà cụ thể là ở cuộc xung đột tại Donbass – khu vực ly khai khỏi Ukraine từ năm 2014.

Thời gian qua, các bên liên tục đưa ra những cáo buộc và đe dọa qua lại nhằm vào nhau. Trong khi Ukraine bày tỏ mong muốn sớm được gia nhập Tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO); muốn quân đội Mỹ và đồng minh đóng quân tại Ukraine, thì phía Moscow cảnh báo việc NATO mở rộng biên giới sang Ukraine và đặt tên lửa tại Ukraine chính là một “lằn ranh đỏ” đối với Nga, và Nga sẽ hành động đáp trả gay gắt.

Nguốc gốc của căng thẳng Nga-Ukraine

Lịch sử cho biết Ukraine là một phần của đế quốc Nga trong nhiều thế kỷ trước khi trở thành một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết vào năm 1922. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập và từ bỏ di sản đế quốc Nga để củng cố mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với phương Tây.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych dựa vào Điện Kremlin, từ chối một thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu để ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow, đã gây ra các cuộc biểu tình lớn được biết đến với cái tên Euromaidan, dẫn đến việc ông bị lật đổ vào năm 2014.

Trong bối cảnh tình hình chính trị rối ren tại Ukraine, Nga quyết định sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine và những xung đột trong nội bộ Ukraine dẫn đến một cuộc nổi dậy ly khai bùng phát ở miền đông nước này, với việc thành lập 2 quốc gia là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng (lần lượt là DPR và LPR).

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga điều quân đội và vũ khí để chống lưng cho phiến quân ly khai. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ điều đó và cho rằng những người Nga tham gia lực lượng ly khai là những người tình nguyện.

Hơn 14.000 người đã chết trong cuộc giao tranh tàn phá trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine được gọi là Donbas.

Một thỏa thuận hòa bình năm 2015 do Pháp và Đức làm trung gian đã giúp chấm dứt các trận chiến quy mô lớn, nhưng nỗ lực đạt được một giải pháp chính trị đã thất bại và các cuộc giao tranh lẻ tẻ đã tiếp tục diễn ra dọc theo giới tuyến.

Đầu năm nay, sự gia tăng vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền đông và sự tập trung quân của Nga gần Ukraine đã làm dấy lên lo ngại chiến tranh, nhưng căng thẳng đã giảm bớt khi Moscow rút phần lớn lực lượng sau cuộc diễn tập hồi tháng 4.

cang thang nga ukraine nghia cu tinh xua vi dau nen noi hinh 2

Máy bay quân sự Nga vận chuyển binh lính trong cuộc tập trận tại Crimea - Ảnh: AP

Quân đội Nga tăng cường lực lượng

Tuần trước, các quan chức tình báo Mỹ trong một báo cáo ước tính rằng Nga đang có kế hoạch triển khai khoảng 175.000 quân và gần một nửa trong số đó đã đóng quân dọc theo các điểm khác nhau gần biên giới Ukraine, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra sớm nhất vào đầu năm 2022.

Ukraine cáo buộc Moscow đã cố tình giữ lại hơn 90.000 quân ở không xa biên giới hai nước sau các cuộc tập trận lớn ở miền Tây nước Nga vào mùa thu.

Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov cho biết các đơn vị của quân đoàn 41 Nga vẫn ở gần Yelnya, một thị trấn cách biên giới Ukraine khoảng 260 km (160 dặm) về phía bắc. Theo ông ước tính, số lượng binh lính Nga ở gần Ukraine và ở Crimea do Nga sáp nhập khoảng 94.300 người và ông cũng cảnh báo rằng có thể xảy ra “leo thang quy mô lớn” vào tháng Giêng năm sau.

Ngoài ra, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết Nga có khoảng 2.100 quân nhân ở phía đông do phiến quân Ukraine kiểm soát và các sĩ quan Nga nắm giữ tất cả các vị trí chỉ huy trong lực lượng ly khai. Moscow đã nhiều lần phủ nhận sự hiện diện của quân đội ở miền đông Ukraine.

Nga không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về số lượng quân và địa điểm của mình, đồng thời nói rằng việc triển khai quân trên lãnh thổ của mình không gây đe dọa và ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào.

cang thang nga ukraine nghia cu tinh xua vi dau nen noi hinh 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu - Ảnh: AP

Moscow muốn gì?

Điện Kremlin cáo buộc Ukraine không tôn trọng thỏa thuận hòa bình năm 2015 và chỉ trích phương Tây không khuyến khích Ukraine tuân thủ. Thỏa thuận này yêu cầu Ukraine trao quyền tự trị rộng rãi cho các khu vực nổi dậy và đưa ra một lệnh ân xá sâu rộng cho những người nổi dậy.

Tuy nhiên, Ukraine đã chỉ ra các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn của phe ly khai và khẳng định vẫn có sự hiện diện của quân đội Nga ở phiến quân phía đông, bất chấp sự phủ nhận của Điện Kremlin.

Đáp lại các chỉ trích, Nga đã từ chối một cuộc họp bốn bên với Ukraine, Pháp và Đức, nói rằng việc Ukraine từ chối tuân thủ thỏa thuận năm 2015 là vô ích.

Moscow đã chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine và tổ chức các cuộc tập trận chung, nói rằng điều đó khuyến khích phe diều hâu Ukraine cố gắng giành lại các khu vực do phiến quân nắm giữ bằng vũ lực.

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng, một nỗ lực quân sự của Ukraine nhằm giành lại miền đông sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng đối với chế độ nhà nước Ukraine”. Tổng thống Nga đã nhiều lần mô tả người Nga và người Ukraine là “một dân tộc” và tuyên bố rằng Ukraine đã không đúng khi nhận các vùng đất lịch sử của Nga trong giai đoạn nhà nước Liên Xô.

Ông Putin cũng nhấn mạnh mạnh mẽ rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là lằn ranh đỏ đối với Moscow, đồng thời bày tỏ lo ngại về kế hoạch thành lập các trung tâm huấn luyện quân sự của một số thành viên NATO ở Ukraine. Ông nói rằng điều đó sẽ mang lại cho họ một chỗ đứng quân sự ở đó ngay cả khi Ukraine không gia nhập NATO.

Không rõ liệu việc tập trung quân của Nga có báo trước một cuộc tấn công sắp xảy ra hay không, hay đây chỉ là "cuộc chiến cân não" của Tổng thống Putin với Ukraine, Mỹ và NATO như nhiều chuyên gia dự đoán. Tuy nhiên, trong quá khứ Moscow rõ ràng đã chỉ cho thế giới thấy rằng họ sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự như họ đã từng làm với Gruzia vào năm 2008. 

Thời đó, Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili cố gắng tái chiếm “cộng hòa Nam Ossetia” tự phong thân Nga. Nỗ lực này đã lập tức dẫn tới phản ứng quân sự của Nga – Moscow đã dùng sức mạnh quân sự áp đảo để lấn át quân đội Gruzia bé nhỏ trong một cuộc xung đột ngắn tại đây.

Từ bài học của Gruzia và quan điểm nhất quán không chấp nhận việc NATO mở rộng biên giới tới sát cửa nhà, có thể thấy Nga sẽ không lùi bước hay xuống giọng nếu người láng giềng thân thiết cũ Ukraine quyết tâm làm điều mình muốn và tiếp tục trở nên thù địch với Nga, dù việc "động tay chân" hẳn là điều không ai mong muốn. 

Phan Nguyên

Bình Luận

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế