Cấp bách “cứu” ô nhiễm không khí để Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống

Thứ năm, 30/11/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong nỗ lực để Hà Nội thực sự trở thành thành phố đáng sống, mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân, giải cứu bầu không khí của Thủ đô khỏi vấn nạn ô nhiễm phải thực sự được coi là vấn đề cấp bách, phải làm ngay và làm cho được.

1.Thời điểm 13 giờ 30 chiều 29/11, trên hệ thống quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là hai sắc màu: đỏ (cảnh báo chất lượng không khí ở mức xấu với chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 151 - 200) và tím (chất lượng không khí ở mức rất xấu với chỉ số AQI từ 201 - 300) ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Trong đó, một số điểm ở ngưỡng cảnh báo ô nhiễm không khí rất xấu như: 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) với chỉ số AQI 205; Ủy ban Nhân dân xã Xuân Lâm (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) với chỉ số AQI 258.

Một số nơi tại Hà Nội, các hệ thống quan trắc chất lượng không khí của PAM Air còn ghi nhận một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định có chỉ số AQI từ 300 trở lên. Đây là mức nguy hiểm đến sức khỏe, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Trước đó, sáng ngày 28/11, trên ứng dụng Air Visual - ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn thế giới đã ghi nhận chỉ số AQI của Hà Nội lúc 7 giờ sáng là 225 - ngưỡng rất xấu, nguy hại cho sức khỏe.

Không chỉ trong hai ba ngày qua, mà nhiều ngày nay, các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội đều ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng đỏ và ngưỡng tím, cá biệt một vài nơi lên ngưỡng nguy hại (ngưỡng nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí).

Phần lớn điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ. Một số điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím như tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy), Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân), thị trấn Đông Anh (Đông Anh), Trâu Quỳ (Gia Lâm).

cap bach cuu o nhiem khong khi de ha noi thuc su la thanh pho dang song hinh 1

2.Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội nhiều năm qua, bởi các nguyên nhân như giao thông, công nghiệp, xây dựng và các hoạt động dân sinh.

Tại nhiều quốc gia, thành phố hiện nay đã có những nghiên cứu khoa học rất rõ ràng về việc có bao nhiêu phần trăm dân số bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mức nào, thậm chí còn công bố số người thiệt mạng do các nguyên nhân bắt đầu từ bụi mịn.

Tuy nhiên, với ô nhiễm không khí tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, việc nghiên cứu những chỉ số này thời gian qua chưa thực sự được chú trọng. Làm rõ điều này, để người dân, doanh nghiệp - những tác nhân gây nên ô nhiễm và cũng chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm - ý thức được tác hại của vấn nạn này từ đó điều chỉnh lại hành vi, nhận thức.

Thứ nữa là nhận diện rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) trong năm 2022 cho thấy, các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110.000 tấn khí CO2 gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng…

Cách đó năm 2019, Hà Nội cũng đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí cho Thành phố bao gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

3. Để khắc phục tồn tại, hạn chế trong kiểm soát ô nhiễm không khí, UBND Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục nhiều giải pháp. Trong đó, Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường “Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh” theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành kiểm kê, lượng hóa các nguồn gây ô nhiễm để triển khai giải pháp cụ thể, phù hợp về chính sách và công nghệ.

cap bach cuu o nhiem khong khi de ha noi thuc su la thanh pho dang song hinh 2

Thành phố cũng giao Sở Giao thông - Vận tải triển khai Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông để hạn chế số lượng xe cơ giới.

Điều đó cho thấy Hà Nội đã nhận diện rõ thực trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm và đã có nhiều giải pháp xử lý. Tuy nhiên, đến nay, khi các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí tại Hà Nội đều ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng đỏ và ngưỡng tím, cá biệt một vài nơi lên ngưỡng nguy hại thì có thể nói rõ ràng, những giải pháp đã có chưa thực sự hiệu quả.

Người xưa có câu “trị bệnh phải trị từ gốc”. Phần đa các chuyên gia đều cho rằng với “căn bệnh ô nhiễm không khí của Hà Nội”, phải bắt đúng căn nguyên gây ra bệnh thì mới mong trị dứt bệnh hoặc chí ít thuyên giảm được. Như ý kiến của Đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội Trịnh Xuân Quang (Ban Đô thị HĐND thành phố), Thành phố cần tăng số trạm quan trắc không khí ở khu vực ngoại thành và có đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm không khí ở từng khu vực để triển khai phương án xử lý; không đánh đồng số liệu của cả thành phố, dẫn đến triển khai dàn trải, gây tốn kém nguồn lực mà hiệu quả không cao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Lê (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, hiện đã xác định được 50% nguồn gây ô nhiễm không khí là chất hữu cơ. Do vậy, thành phố cần lập đề án xử lý triệt để chất này. Hay tại tọa đàm “Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào?”, do tạp chí Tia Sáng, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức, diễn ra hồi tháng 1/2021, GS. Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã khẳng định: “Từ kinh nghiệm của bản thân và qua nghiên cứu, tôi khẳng định hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch”.

Còn theo đề xuất Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Cùng với đó, thành phố cần đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để phát triển không gian xanh. Bên cạnh các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải nêu trên, thành phố cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng và tuyên truyền người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành để giảm thiểu phát thải, gây ô nhiễm.

Những đề xuất hay “đơn kê” của các chuyên gia, tổ chức trên có lẽ cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét một cách thấu đáo.

Phát biểu tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia Smart City Summit 2023) vừa khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 29/11/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, mô hình thành phố thông minh bền vững mà Hà Nội hướng tới sẽ mang lại môi trường sống thực sự chất lượng, tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân. Và rõ ràng, trong một môi trường sống thực sự chất lượng, an toàn cho người dân, không thể để hiện hữu cái gọi là “ô nhiễm không khí”.

Vì thế, cứu bầu không khí Thủ đô phải trở thành yêu cầu cấp bách, làm ngay và làm cho được, để Thủ đô thực sự “xanh, sạch, đẹp”, thực sự là thành phố đáng sống. Điều này càng trở nên cấp bách và có ý nghĩa hơn nữa khi Thủ đô đang chuẩn bị cho ngày lễ trọng - Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024).

Anh Thư

Bình Luận

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn